Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bộ truyện của tác giả J.K Rowling đến Việt Nam, TS Quách Thu Nguyệt đã chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ về câu chuyện này.
Ts Quách Thu Nguyệt. Ảnh: T.L.
- Là người có công đưa bộ truyện "Harry Potter" về Việt Nam. Dịp kỷ niệm 20 năm bản dịch tiếng Việt của tác phẩm ra mắt, cảm xúc của bà thế nào?
- Đưa bộ truyện Harry Potter về Việt Nam là kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình làm sách của tôi. Khi đó, chúng tôi đã tạo nên hành trình xuyên Việt từ TP.HCM tới Đà Nẵng rồi Hà Nội để đưa Harry Potter đến với bạn đọc trong cả nước. Tôi nhớ, đó là một chương trình sân khấu hoành tráng với các nhân vật, câu chuyện, trò chơi được NXB Trẻ đầu tư bài bản vào năm 2000.
Ở cả ba nơi, chương trình đều diễn ra tưng bừng, ngập tràn cảm xúc. Các em học sinh và phụ huynh được sống, hòa cùng các nhân vật, hào hứng với các trò chơi phép thuật, màn đấu trí, cuộc thi đố nhận quà thưởng...
- Xung quanh vấn đề bản quyền "Harry Potter" có nhiều điều khiến mọi người nhắc tới. Đối với bà, bài học về đàm phán để đưa một tác phẩm hot về Việt Nam là gì?
- Nhiều bài học được rút ra từ câu chuyện bản quyền và xuất bản Harry Potter tại Việt Nam. Thứ nhất, đó là sự đón đầu hội nhập bằng cách tiếp cận thị trường xuất bản thế giới để học hỏi, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp. Năm 2004, Việt Nam mới chính thức tham gia Công ước Berne nên trước đó việc mua bản quyền các tác phẩm nước ngoài là việc làm xa xỉ.
Thứ hai, việc kiên trì thương thảo với đối tác nhằm chẻ nhỏ thành nhiều tập mỏng để phát hành hàng tuần theo kênh phát hành truyện tranh từ tập 1-4 (từ tập 5-7 đơn vị giữ bản quyền không đồng ý cho NXB Trẻ tiếp tục chẻ nhỏ nữa) cũng được đánh giá là lựa chọn thông minh để bộ truyện phủ sóng đến khán giả rộng rãi hơn.
Điều đặc biệt là Harry Potter khi ấy là bộ sách duy nhất có phương thức phát hành độc đáo khi mà các đơn vị phát hành muốn được phân phối phải đăng ký trước và phải ứng tiền mặt mới được ưu tiên nhận sách.
Cách đây 20 năm, đơn vị phát hành đã phải thương thảo quyết liệt để chẻ nhỏ Harry Potter khi phát hành tại Việt Nam.
- Là người tâm huyết với ngành xuất bản, chị có kỳ vọng gì vào việc sáng tác văn học thiếu nhi trong nước?
- Ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, tác giả không phải vác bản thảo đi năn nỉ khắp nơi mà thông qua mạng xã hội, có thể tiếp thị tác phẩm của mình. Nhờ mạng xã hội, tác phẩm có thể lọt được vào "mắt xanh" của nhà làm sách, thăm dò, đo sức hấp dẫn của tác phẩm đối với bạn đọc.
Riêng với sách thiếu nhi và thị trường sách trong nước dành cho thiếu nhi tuy vẫn còn "gập ghềnh" nhưng không có nghĩa là không có con đường chinh phục bạn đọc nhỏ tuổi.
Tôi cho rằng thị trường sách thiếu nhi hiện còn nhiều tiềm năng. Mọi người đều nhận thức rõ vai trò, giá trị của sách đối với thế hệ măng non. Vẫn còn đó một lớp nhà văn viết cho thiếu nhi đã và đang ấp ủ những tác phẩm mang dấu ấn, những đơn vị xuất bản miệt mài kiếm tìm nhân tố mới thỏa mãn thị hiếu và nhu cầu đọc của các em.
Hải Thanh - Zing.vn