Người xưa có câu: “Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Phụ nữ luôn tồn tại trong mình bản năng làm mẹ, chín tháng mười ngày ấp ủ mầm sống non nớt trong mình, họ dần làm quen với việc sẽ có một đứa con. Nhưng với đàn ông thì khác, giây phút đầu tiên nhìn thấy cốt nhục của mình cũng là lúc họ bắt đầu bài học làm cha.
Đó là một hành trình đầy khó khăn, vất vả mà người đàn ông phải dùng cả đời để học. Nhiều cung bậc cảm xúc sẽ đến và đi trong suốt chặng đường của cha và con, có nụ cười, nước mắt, yêu thương và cả những hờn giận. Không phải tình phụ tử nào cũng bắt đầu bằng huyết thống, nhưng để duy trì sự liên kết thiêng liêng ấy, nhất định phải có tình yêu thương.
Bà tôi kể rằng: Khi bác cả và mẹ tôi còn nhỏ là quãng thời gian ông ngoại đang chiến đấu ở chiến trường B. Khi bà mang bầu mẹ tôi, ông đã đi rồi, mãi đến năm mẹ gần 5 tuổi ông mới về. Bác cả còn được gặp ông hai lần trước chuyến đi dài dằng dặc ấy, nhưng mẹ tôi từ khi chào đời đến khi gần 5 tuổi thì không biết bố là ai.
Sau mưa bom bão đạn là khát khao được trở về nhà. Ảnh: Phim Những người viết huyền thoại. |
Ngày ấy còn khó khăn, việc chụp ảnh là một thứ xa xỉ. Đã thế, nước ảnh chất lượng lại còn kém. Tấm ảnh cưới to bằng cuốn sổ của ông bà đã bị một trận bom làm cháy rụi, cả nhà chỉ còn bức ảnh chụp lúc bác tôi đầy tuổi là có gương mặt ông. Nó chỉ bé bằng lòng bàn tay, đã mờ gần hết. Mấy ngày trước khi ông về phép, cả khu tập thể biết tin, nên nhà nào cũng đến chúc mừng mấy mẹ con. Mẹ tôi thấy người lớn vui mừng thì cũng háo hức theo, chứ cũng chẳng hình dung ra được chuyện bố về phép sẽ ra sao.
Đúng hôm ông về, cơ quan của bà lại có việc gấp. Bà phải đi cả buổi, không ở nhà đón ông được. Còn bác tôi lúc đó bận đi bắt cua về nấu canh thiết bố. Mẹ tôi đang chơi tha thẩn ngoài ngõ thì ông về. Linh cảm cho ông biết đứa bé gái trắng trẻo, có gương mặt tròn và vầng trán ngắn kia đúng là con gái mình. Ông chạy lại, ôm mẹ tôi vào lòng. Bất ngờ quá, mẹ khóc thét lên, rồi vùng chạy. Hôm ấy, mấy bà hàng xóm phải dỗ dành mãi mẹ tôi mới nín.
Lúc bác tôi về, mẹ còn chạy ra hỏi: “Anh ơi, cái ông nhiều râu kia có phải là bố mình không?”. Bác gật đầu, nhưng mẹ vẫn nhìn ông đầy ngờ vực, rồi cun cút trốn sau lưng anh trai. Đợi đến lúc bà tôi về, mẹ phải hỏi lại lần nữa. Cả nhà vừa buồn cười, lại vừa thương. Chiến tranh đã chia cắt bao nhiêu mái ấm, chuyện như của mẹ và ông tôi không hề hiếm.
Ông ở nhà hơn một tuần, sau đó lên đường nhận công tác mới. Bác tôi kể, suốt mấy ngày trời, ông cặm cụi làm cho hai anh em một con diều rất lớn, có ống sáo thổi vi vu. Ngày ông tôi không ở nhà, bác và mẹ vẫn ước có một con diều như thế.
Khi ấy, trong khu tập thể có nhà chú Minh cũng chỉ có mấy mẹ con. Bố của chú ấy cũng đi vào Nam cùng một đợt với ông tôi, nhưng không may chẳng còn cơ hội trở về đoàn tụ với gia đình. Những lúc mẹ phải đi làm ca đêm, anh em chú Minh thường hay sang ngủ với bác tôi. Đám trẻ cứ thế trò chuyện ríu ra, ríu rít.
Hôm thấy ông tôi về, chú Minh đứng ở bậu cửa ngóng sang, mặt buồn thiu. Thấy thế bác tôi chạy sang, rủ chú về nhà chơi: “Minh ơi, qua nhà anh chơi đi, bố anh vừa mới ở trong Nam về. Bố mang cả kẹo về nữa, sang anh cho”.
Có bao đứa trẻ đã chờ đợi hết cả tuổi thơ mà không thấy bố trở về. Ảnh: Phim Những người viết huyền thoại. |
Nghe thấy thế, chú rơm rớm nước mắt: “Bố anh về rồi. Thích thật đấy! Vậy là từ tối nay anh được ngủ với bố. Nếu mẹ em đi làm ca đêm, em không được sang nhà ngủ cùng anh nữa rồi.
Nhìn con diều ông làm cho bác và mẹ tôi, chú Minh thích lắm. Bác tôi, hay rủ chú chơi chung. Một hôm, con diều bị gãy mất một nan, đang chơi dở, mấy anh em phải mang về cho ông tôi sửa lại. Chú Minh chăm chú nhìn ông chữa lại con diều, rồi thủ thỉ giọng buồn hiu: “Nếu bố cháu còn sống, chắc bố cũng làm cho cháu con diều đẹp y như thế này bác nhỉ”.
Mấy hôm sau, ông cặm cụi làm một con diều mới. Đợi buổi trưa chú Minh đi học về, liền mang sang cho chú. Vừa nhìn thấy món đồ chơi mà mình ao ước bấy lâu, mắt cậu bé ấy sáng rực lên. Nhưng chú vẫn bẽn lẽn không dám nhận. Chú Minh bảo ông tôi mang tặng chú con diều cũ cũng được, còn diều mới mang về cho bác và mẹ tôi.
Nghe thấy thế, ông tôi xoa đầu chú ấy và khẽ nói: “Hồi bố cháu còn sống, bố dặn, nếu bác trở về được, thì giúp bố làm cho cháu một con diều. Đây là diều của cháu, nên cháu cứ cầm đi”. Nói xong, hai bác cháu cùng khóc.
Ông tôi kể rằng, khi ở chiến trường, nhiều lúc nhớ con, những người lính lại đem những kỉ niệm vụn vặt mà thân thương ở quê nhà ra kể. Chuyện về những đứa trẻ đang tập đi, tập nói bi bô, chuyện về những sinh linh còn nằm trong bụng mẹ. Những người lính ấy không sợ chết, nhưng họ sợ nếu mình không trở về, chắc vợ con buồn lắm.
Nếu phải ở chiến trường thêm 5 năm, 10 năm nữa, liệu những đứa trẻ có thể nhận ra bố chúng không? Dẫu chúng có nhìn bố bằng tôi mắt ngơ ngác và xa lạ cũng không sao, về được với con là vui rồi. Ngày ra đi, ai cũng hứa sẽ về, có những lời hứa đã hòa vào lòng đất. Ông tôi buồn vì chỉ làm được thêm một con diều, cho cậu bé tội nghiệp vẫn đứng ở cửa ngóng cha.