Trái ngược hoàn toàn với những tác phẩm vốn đã quen thuộc của nhà văn Louisa May Alcott, tuyển tập ĐAM MÊ VÀ TRỪNG PHẠT mang gam màu đen tối, u ám, với những dối lừa cùng phản bội xuyên suốt tác phẩm. Năm câu chuyện trong tuyển tập khắc họa sâu sắc số phận nghiệt ngã nhưng quật cường của những người phụ nữ.
Truyện số 1: Đam mê và trừng phạt – đầy rẫy những âm mưu cùng hận thù.
Truyện số 2: Lời thì thầm trong bóng tối – rùng rợn nhưng xót xa.
Truyện số 3: Bộ xương trong tủ quần áo – với những bí mật kinh hoàng.
Truyện số 4: Chuyện nàng La Jeune – u sầu đến đau lòng.
Truyện số 5: Đôi mắt ma thuật – đầy bí hiểm và đau thương.
Vượt lên trên tất thảy mọi sóng gió, trái tim, khối óc và tâm hồn của những người phụ nữ vẫn kiên cường tỏa sáng.
***
Louisa May Alcott, sinh ngày 29 tháng 11 năm 1832, tại Germantown, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, mất ngày 6 tháng 3 năm 1888, tại Boston, bang Massachusetts, là tác giả người Mỹ nổi danh với nhiều tựa sách thiếu nhi, đặc biệt là cuốn sách kinh điển Little Women.
Louisa hầu như dành trọn đời mình sinh sống tại Boston và Concord, bang Massachusetts, việc học hành của bà hầu hết nhờ sự hướng dẫn của bố, lúc đầu tại một ngôi trường do ông sáng lập ở Boston, sau đó chủ yếu là tại nhà.
Alcott sớm nhận ra rằng cha bà dù rất nỗ lực nhưng vẫn không đủ chu cấp cho vợ và bốn cô con gái, bà sớm tự trưởng thành để đỡ đần cha mẹ nuôi nấng các em và chăm sóc gia đình, và đó là nỗi lo toan gần như trọn đời của bà.
Bà làm nhiều công việc như gia sư, thợ may, quản gia, giúp việc, không nề hà cả những công việc rất vất vả mà bà đã mô tả trong một tựa sách ít nổi tiếng của mình là Work: A Story of Experience (1873), dựa trên chính ký ức về cuộc vật lộn mưu sinh có thật của tác giả, kể về một cô gái nghèo đã phải nuôi sống chính mình và gia đình bằng những công việc vất vả vốn chỉ dành cho đàn ông.
Và cuối cùng, dựa trên tài năng thiên bẩm, bà bắt đầu viết sách để kiếm kế sinh nhai và trả nợ cho gia đình với bút danh “A.M. Barnard”.Những tác phẩm đầu tay bộc lộ trí tưởng tượng và khả năng tư duy logic của bà dù chưa thật có tiếng tăm, nhưng những tác phẩm sau đó thật sự tạo được tiếng vang khi mô tả người phụ nữ với nét tính cách mạnh mẽ, tự chủ, nhưng vẫn đầy mơ mộng.
Khi nội chiến Hoa Kỳ bùng nổ, bà tình nguyện làm y tá quân y, nhưng được một thời gian thì phải trở về nhà do mắc bệnh thương hàn trong điều kiện vệ sinh khủng khiếp tại bệnh viện dã chiến. Sức khỏe của bà suy yếu trầm trọng và không bao giờ hồi phục hoàn toàn. Những bức thư bà viết cho gia đình thời kỳ này đã được xuất bản thành sách và mang lại cho tác giả những vinh quang đầu tiên của nghề viết.
Những câu chuyện của bà bắt đầu được đăng tải trên tờ The Atlantic Monthly, và bởiphải tự mình chu cấp cho những nhu cầu hết sức bức thiết của gia đình, bà đã viết cuốn tự truyện Little Women (1868 - 69) và đây có thể nói là một thành công ngay lập tức. Lấy cảm hứng từ những hồi ức ấu thơ của chính tác giả, Little Women kể về cuộc sống còn vô vàn khó khăn nhưng đầy lạc quan, yêu thương và trân trọng lẫn nhau của một gia đình Mỹ điển hình. Cuốn sách dõi theo tính cách, số phận của bốn chị em gái từ thời thơ ấu, đỡ đần nhau vượt qua những thăng trầm trong sự nghiệp, hôn nhân, đời sống xã hội. Little Women đã tạo ra một bức tranh chân thực và lành mạnh về đời sống gia đình được độc giả mọi lứa tuổi yêu thích.
Năm 1869 Alcott đã có thể viết vào cuốn nhật kí của mình: “Đã trả hết các khoản nợ nần… Tạ ơn Chúa!” Bà tiếp nối thành công của Little Womenvới những câu chuyện gia đình về những ký ức tuổi hoa niên An Old-Fashioned Girl (1870); Aunt Jo’s Scrap Bag, 6 vol. (1872–82); Little Men (1871); Eight Cousins (1875); Rose in Bloom (1876); và Jo’s Boys (1886).
Ngoại trừ một chuyến du lịch tới châu Âu vào năm 1870 và một vài chuyến đi xa tới New York, bà hầu như đãdành hai thập kỷ cuối đời mình ở Boston và Concord, chăm nom săn sóc cha già mẹ yếu. Mẹ bà mất năm 1844 sau một thời gian bệnh nặng. Cuối đời, bà nhận nuôi cô cháu gái trùng tên với mình, Louisa May Nieriker, con gái của người em quá cố, May. Sức khỏe của chính bà, chưa bao giờ hoàn toàn khỏe mạnh, cũng suy giảm và bà đã mất ở Boston vào ngày 6 tháng 3 năm 1888, chỉ hai ngày sau khi cha bà qua đời.
Những tác phẩm cùa bà vẫn luôn dành được sự quan tâm của công chúng kể cả sau khi bà qua đời và được nhiều lần tái bản, chuyển thể điện ảnh và chuyển ngữ.Suốt đời, bà không kết hôn, là một người phản đối chế độ nô lệ, ủng hộ nữ quyền, kiên trì đấu tranh theo đường lối ôn hòa cho quyền được bỏ phiếu của phụ nữ.
Nhiều tựa sách của bà đã được Nhà xuất bản Kim Đồng dịch và giới thiệu tới độc giả Việt Nam với các tên sách tiếng Việt là Những Cô Gái Nhỏ, Những Người Vợ Tốt, Những Chàng Trai Nhỏ, Các Cậu Bé Của Jo, Bông Hồng Trên Ngọn Đồi Xanh…