Gia Đình Trộm Cắp |
|
Tác giả | Kore-eda Hirokazu |
Bộ sách | |
Thể loại | Tâm Lý Xã Hội |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 4671 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Kore-eda Hirokazu Tiểu Thuyết Tâm Lý Xã Hội Sách Hay Văn Học Nhật Bản Văn Học Phương Đông |
Nguồn | tve-4u.org |
"GIA ĐÌNH TRỘM CẮP" (Shoplifters) - những xó xỉnh nằm ở rìa xã hội không được ánh sáng chiếu đến.
Được chuyển thể từ bộ phim cùng tên của tác giả Kore-eda Hirokazu giành giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes lần thứ 71, cuốn tiểu thuyết thuộc thể loại tâm lý xã hội đã làm xúc động hàng triệu trái tim trên toàn thế giới.
Vào một đêm mùa đông lạnh giá, Osamu và đứa con trai Shota vừa ăn cắp khỏi một tiệm tạp hóa gần nhà thì tình cờ gặp một bé gái bốn tuổi đang sắp chết cóng trên ban công. Hắn quyết định mang cô bé về nhà mình mà không suy nghĩ quá nhiều. Cuốn tiểu thuyết về một gia đình kì quái được tạo thành bởi những mảnh đời phiêu dạt nằm bên ngoài xã hội, không được ánh sáng chiếu tới.
Một người đàn ông ở tuổi trung niên chỉ biết dạy những đứa trẻ ăn cắp, sống vạ vật không đi làm. Một người phụ nữ bị ám ảnh bởi quá khứ bất hạnh yêu thương những đứa trẻ không thuộc về mình. Một cô gái bỏ nhà ra đi sống nương tựa vào một bà già chỉ sống bởi trợ cấp từ chồng cũ và tống tiền gia đình của chồng. Và hai đứa trẻ "bị bắt cóc", không đi học, không được dạy dỗ tử tế, coi việc ăn cắp là tất nhiên. Họ không phải vợ chồng, cha mẹ con cái, nhưng họ lại là một gia đình, sống với nhau bởi những ràng buộc nằm ngoài mối ràng buộc ruột thịt.
***
Cuốn tiểu thuyết Gia đình trộm cắp được chuyển thể từ kiệt tác điện ảnh cùng tên đã giành được nhiều giải thưởng danh giá: Cành Cọ Vàng liên hoan phim Cannes lần thứ 71, Phim điện ảnh hay nhất của năm, Giải Viện Hàn Lâm Nhật Bản lần thứ 42…
Cuốn tiểu thuyết dung dị này đã chạm đến trái tim của hàng triệu độc giả trên đất nước Mặt trời mọc và được chuyển ngữ tại nhiều quốc gia.
Câu chuyện kể về cuộc sống của 5 con người hoàn toàn xa lạ sống với nhau như một gia đình, mỗi người có một hoàn cảnh, câu chuyện riêng nhưng tình yêu, nỗi đau và khát vọng hạnh phúc là điểm chung đã gắn kết những con người này như một gia đình.
Mọi chuyện bắt đầu khi Osamu – một gã lười biếng kiếm ăn bằng món nghề trộm cắp vặt tại các cửa hàng, đã dắt một cô bé về nuôi trước sự ngỡ ngàng của mọi người.
Cuộc sống của gia đình cũng bắt đầu đảo lộn từ đây, họ đấu tranh xem có nên trả cô bé đáng thương này về với người cha mẹ vô tâm đã bỏ mặc cô giữa đêm đông, hay tiếp tục giữ đứa trẻ này đồng nghĩa với việc phạm tội bắt cóc?
Cuối cùng Nobuyo – người phụ nữ từng bị chồng đánh đập – trong một giây đã quyết định giữ đứa trẻ vì bản năng làm mẹ bỗng được đánh thức. Cô nghĩ về bố mẹ của đứa trẻ rằng: “Những kẻ bỏ quên đều chẳng ra gì” vậy nên những thứ họ lấy: “Đứa trẻ” hay những món đồ ở cửa hàng tạp hóa, tất cả chỉ là “nhặt được” vì chúng chẳng thuộc về ai.
Câu chuyện về những con người bị bỏ quên bên lề xã hội, nhưng họ vẫn có trái tim, vẫn có tình yêu và ước mơ dù chúng trông méo mó trong mắt người khác:
Một “người cha” dạy “con” hành nghề trộm cắp vì gã chẳng có thứ gì khác để dạy.
Một người đàn ông tha thiết được nghe đứa trẻ gọi “cha” nhưng không bao giờ được thỏa mãn.
Một người phụ nữ từng đổ vỡ trong hôn nhân chấp nhận sống bên một người đàn ông (chỉ biết đi ăn cắp) như vợ chồng chỉ vì so với những gã đàn ông khác thì “đàn ông không có thói đánh đập đã tốt hơn kẻ khác rất nhiều rồi“
Một bà cụ 80 tuổi đã “cướp” người thân trong gia đình người khác để mình được hả hê khi chứng kiến họ nếm trải mùi vị bất hạnh như bà đã từng.
Một cô gái trẻ dùng tên của em gái hành nghề dịch vụ khiêu dâm để trả thù gia đình.
…
Tất cả những con người ấy đáng thương tới mức những ước mơ đã trở thành xa xỉ đến nỗi họ chỉ dám mơ đến việc ngắm pháo hoa từ tòa chung cư cao nhất vùng này. Vậy mà sau những gì họ làm xuất phát từ lương tâm, tình yêu và mưu cầu hạnh phúc thì họ vẫn bị xã hội nhìn vào bằng cái tên kì dị: “Gia đình trộm cắp”.
Cuốn sách này khiến chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn và nhìn vào mặt khuất của những gì chúng ta thường thấy. Có những tội ác lại bắt nguồn từ đạo đức, sự ích kỉ bắt nguồn từ bao dung, và lòng thù hận lại bắt nguồn từ yêu thương…
Hà Nội, 31/3/2020
***
Lần đầu tiên Shouta gặp cô bé ấy là vào mùa hè năm ngoái.
Hòm thư màu bạc được gắn bên hông cửa ra vào của dãy nhà tập thể năm tầng đã cũ, phía bên dưới xếp ngổn ngang xe đạp dành cho trẻ em và những bìa các tông quên vứt. Cô bé ngồi đó như đang phải chịu phạt, đưa mắt nhìn người qua đường.
Dãy nhà tập thể ấy nằm chính giữa nhà của họ và một siêu thị mang tên “Shinsengumi” mà Shouta vẫn đi cùng bố mỗi tuần một lần. Ngày xưa, trên bức tường trắng toát, những vết nứt đã xuất hiện, và để che đi những vết nứt đó, người ta đã quét lên một lớp sơn trắng mới. Lớp sơn trắng ấy như càng làm nổi bật hiện trạng của bức tường đang dần bị màu tro tàn bao phủ.
“Làm ăn gì mà chán thế. Đúng là nghiệp dư mà”.
Mỗi khi đi ngang qua bức tường của dãy nhà tập thể đó, người bố Osamu sẽ ngẩng lên nhìn, huých khuỷu tay vào. Shouta và nói như vậy. Nghe nói trước kia, chính gã cũng từng làm nghề quét sơn.
“Tại sao chú lại nghỉ việc?”, mỗi lần Shouta hỏi, Osamu lại cười và nói, “Vì bố sợ độ cao mà”.
Người bố gọi khu nhà tập thể ấy là “koudan”[2]. Còn người mẹ Nobuyo lại gọi là “toei”[3]. Shouta không thể phân biệt được đâu là cách gọi đúng và sự khác nhau giữa hai từ đó là gì. Lời Nobuyo thốt ra “Tiền nhà rẻ đến khó tin” vừa như ghen tị lại vừa như khinh miệt, có biết bao điều ẩn chứa trong nụ cười lạnh của cô.
Việc tới siêu thị vào mỗi thứ tư hằng tuần không phải để mua sắm, mà đó là công việc quan trọng nhằm duy trì kinh tế gia đình Shibata. Thứ tư là ngày bán hạ giá của cửa hàng này nên rất đông khách. Mặc dù khắp nơi đều dán giấy ghi “Nhân 3 tích điểm”[4], nhưng Shouta cũng chẳng hiểu rõ nó có lợi hơn bao nhiêu so với ngày thường. Hai người chen vào được bên trong cửa hàng tầm năm giờ chiều thứ tư hôm đó. Họ nhắm vào khoảng thời gian chuẩn bị bữa tối, lúc cửa hàng nhộn nhạo nhất.
Đó là ngày mà dự báo thời tiết đã gây xôn xao rằng, buổi sáng sẽ lạnh tới mức kỷ lục trong tháng hai và chiều tối sẽ bắt đầu có tuyết rơi. Đi từ nhà tới siêu thị chỉ mất có mười lăm phút mà đầu ngón tay Shouta đã lạnh tới mức mất cảm giác. “Lẽ ra nên mang theo găng tay”, cậu hối hận. Cứ thế này sẽ không thể làm việc được.
Shouta bước qua cửa ra vào của siêu thị thì dừng lại, vừa quan sát bên trong cửa hàng, vừa cử động năm ngón tay đang đút trong túi, cậu muốn đầu ngón tay nhanh lấy lại cảm giác.
Osamu vào chậm hơn Shouta vài bước, lặng lẽ đứng cạnh cậu. Ở đây không được liếc nhìn nhau. Điều này là quy tắc ngầm giữa hai người kể từ khi bắt đầu công việc này.
Cầm lấy quả quýt là mặt hàng mẫu được đặt bên hông lối vào, Osamu khẽ lẩm bẩm “ừm” trong miệng, vẫn không nhìn Shouta mà đưa qua một nửa.
Miếng quýt vừa nhận được trong tay đã trở nên lạnh lẽo.
Như để bảo vệ bàn tay đang dần ấm lên, Shouta bỏ cả miếng quýt đó vào mồm. Vị chua lan rộng trong miệng. Quả nhiên vì chỉ là hàng mẫu nên không được ngọt lắm.
Hai người vô thức nhìn nhau rồi cùng đi sâu vào tận bên trong cửa hàng.
Osamu nhanh nhẹn bỏ chùm nho vào cái giỏ đựng đồ màu xanh gã đang cầm trên tay. Chùm nho trông có vẻ cao cấp với màu xanh đọt chuối.
“Nho này có hạt nên ăn sẽ phiền phức lắm”, Osamu nói rồi chỉ ăn một quả nho hạt nhỏ màu đỏ tía. Shouta biết đó là loại nho rẻ tiền nhất, nhưng cậu không nói ra.
Tuy nhiên, hôm nay không cần chú ý đến giá cả. Osamu dễ dàng bỏ hai túi nho vào trong giỏ. Từ đây, nếu tiếp tục đi thẳng sẽ đến quầy bán thực phẩm tươi sống như cá, thịt lợn... ở cuối đường, còn nếu rẽ trái sẽ đến góc bán mì ly và các loại bánh kẹo. Ở vị trí đó, như mọi khi, hai người cụng nắm đấm rồi tách nhau ra. Shouta chầm chậm rẽ trái rồi dừng lại trước một cái giá đựng bánh kẹo đã nhắm từ trước, đặt ba lô xuống dưới chân. Móc khóa hình máy bay treo trên ba lô khẽ nảy lên.
Hình ảnh của một nhân viên cửa hàng phản chiếu trong chiếc gương trước mặt Shouta. Đó là một thanh niên mới được nhận vào làm bán thời gian từ tháng trước. Người thanh niên này không thành vấn đề với Shouta. Khi cậu xác nhận xong vị trí của anh ta rồi quay sang trái thì cũng vừa lúc Osamu đi vòng quanh trong cửa hàng đã quay lại. Osamu dựng ba ngón tay lên, chỉ chỗ đứng của từng nhân viên trong cửa hàng. Shouta khẽ gật đầu, sau đó chống hai bàn tay vào nhau, xoay vòng hai ngón trỏ rồi nắm tay trái lại áp lên miệng.
Shouta thuận tay trái. Nghi thức này là do Osamu dạy cho, trước khi tiến hành “công việc”, cậu nhất định sẽ thực hiện nó.
Shouta vẫn không rời mắt khỏi người nhân viên trong chiếc gương kia, thận trọng vươn cánh tay trái đã tự mình cầu phúc lúc nãy, với lấy thanh sô cô la. Cậu nắm chặt thanh sô cô la mà không phát ra bất kỳ tiếng động nào, ánh mắt không hề nhìn xuống, nhanh tay kéo khóa ba lô quẳng vào trong. Âm thanh nhỏ đó chìm nghỉm giữa tiếng nhạc ồn ào trong cửa hàng. Nhân viên, và tất nhiên cả khách khứa đông đúc cũng không một ai chú ý đến.
Quả là một khởi đầu tốt đẹp. Shouta lại đeo ba lô lên lưng, di chuyển vị trí. Mục tiêu chính của công việc hôm nay là mì ly. Shouta dừng lại trước giá đựng mì ly kim chi heo cay mà cậu vốn rất thích, lần nữa hạ cái ba lô xuống dưới chân. Tuy nhiên, một nhân viên cửa hàng đứng trước giá hàng hóa đang chắn mất lối đi nhỏ hẹp, mãi mà không di chuyển. Đối phương là một người trung niên kỳ cựu trong nghề, khá khó đối phó.
“Nếu có thể một mình đánh bại ông ta thì con sẽ trưởng thành đấy”, vì những lời này của Osamu, Shouta đã lựa chọn đỉnh điểm trong “công việc” ngày hôm nay chính là đối đầu với ông ta. Tuy nhiên, ông ta chỉ đơn giản là không để lộ sơ hở của mình cho Shouta thấy.
Mời các bạn đón đọc Gia Đình Trộm Cắp của tác giả Kore-eda Hirokazu.