Sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân thường đùa vui khi ông mất thì không để các nhà phê bình đi đưa tang. Một giai thoại khác là ông dặn vợ con khi mình qua đời, ngoài quần áo, vàng mã vài anh "hình nộm phê bình". Hoặc nữa khi ông chết thì nhớ chôn theo một “thằng” phê bình để dưới ấy trao đổi cho đỡ buồn.
Thế mới thấy cái nghiệp/nghề phê bình ở nước Nam ta sao mà thảm. Nhà văn chẳng mấy khi ưa thích các anh phê bình. Nào là định hướng sáng tác A, B, C… Dẫn đường này đường nọ, áp dụng lý thuyết này lý thuyết kia, hết Tàu lại Tây, hết phân tâm học sang liên văn bản, ngoái lại hiện sinh, thoáng cái nhảy sang món phê bình sinh thái.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp phát biểu tại hội nghị quốc tế về phê bình sinh thái. Đây là dịp hiếm ông đăng đàn trong vài năm gần đây. Ảnh: Thu Hiền. |
Mà thực, khi người viết sáng tác thì có mấy ai dựa vào những lý thuyết ấy đâu. Nhà văn không ưa cánh phê bình đã đành. Chính cánh phê bình cũng chẳng mấy ưa nhau.
Nhiều người nói vui phê bình ở mình là phê bình thầy bói xem voi kể cũng đúng. Anh sờ được cái đầu bảo con voi tròn, anh sờ cái vòi bảo con voi dài như con đỉa kềnh, anh sờ được cái chân bảo con voi như cái cột đình, anh sờ được cái đuôi bảo voi như cái chổi… Nói văn hoa đi chút nữa là lấy thúng úp voi, cố nhét tác phẩm cho vừa cái khung lý luận của mình.
Chẳng thế mà cánh nhà văn càng bị mổ nhiều. Uất, uất đâm sản sinh ra một loại phê bình gọi là phê bình nhà văn, do chính nhà văn viết.
Như nhà văn Nguyễn Minh Châu chẳng hạn (tôi chắc ông không bị mổ nhiều vì tính lành, nên chắc cũng không uất mấy) nhưng đã kịp viết ra hàng loạt bài phê bình, tiểu luận đọc sướng người viết. Như Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa lừng lẫy chẳng hạn.
Đến Nguyễn Huy Thiệp thì lại là một ca khác hơn trong văn học Việt Nam sau đổi mới. Truyện ngắn của ông chia người đọc ra làm hai phe rõ rệt. Một phe ủng hộ các cách tân, đổi mới trong văn chương của Nguyễn Huy Thiệp. Phe kia thì không chịu được những điều Thiệp nói và đưa vào văn chương của mình. Nó thật, thẳng, liều lĩnh và rõ ràng quá.
Nhưng chính sự phân chia này đặt nhà văn vào giữa. “Anh phải có tiếng nói của anh đi chứ. Định cứ im lặng mãi à!” Và cũng chính nhà văn lúc này mới cần lý luận để bám vào. Lý giải tại sao mình bị đánh và tại sao mình được khen.
Con đường đi của nhà văn bao giờ cũng phải thường trực sự tỉnh táo. Tất cả các bài trong tập tiểu luận - phê bình - tạp văn - giới thiệu Giăng lưới bắt chim của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là tiếng chuông ngân để cảnh tỉnh nhà văn trước mọi cám dỗ, đòn "gió" và đòn thật của dư luận. Giúp anh ta cắt nghĩa được một số hiện tượng văn học trong thời mình đang sống.
Đồng thời, nó cho phép anh tri âm được với những bạn văn mà anh yêu thích. Tất nhiên, trong cái sự tri âm này thì cũng đầy cảm tính và nhiều khi hơi dễ dãi. Nhưng cũng chẳng sao, người đọc vẫn thích vì nó không quá cao siêu mà thật gần gũi. Như những bài viết về tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà, thơ Đồng Đức Bốn, thơ Vi Thùy Linh, chân dung thơ Phạm Tiến Duật, Nguyễn Bảo Sinh, Lê Kinh Giao chẳng hạn.
Thêm điểm thú vị nữa khi nhà văn viết tiểu luận người đọc sẽ không thấy mấy dấu vết đọc của anh ta. Dù rằng đối với nhà văn việc đọc và viết đã thành việc thường ngày. Nhưng nhà văn đọc gì? Tất nhiên là đọc văn chương. Thêm một chút sách công cụ, không nhiều, đa số là những thứ mà anh ta cảm thấy cần thiết cho việc viết của mình.
Điều này cũng giống như một món ăn, khi ăn không phải bắt gặp những công thức, nguồn gốc thực phẩm. Như (1) mua ở chợ A, (2) mua ở chợ V, (3) mua ở chợ Z… Nấu chỗ này theo công thức này, chỗ kia cho thêm hạt tiêu ở công thức kia…
Người đọc có thể yên tâm đi từ đầu đến cuối một bài viết của nhà phê bình mà hiếm khi vấp phải những chú thích khiến mình xao nhãng. Dù khi đọc xong chẳng thích thú gì đi chăng nữa.
Tập tiểu luận Giăng lưới bắt chim của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. |
Nhà văn viết tiểu luận, như trong tập Giăng lưới bắt chim, đã kéo văn chương trở lại mặt đất, rất đời, rất người và thực tế. Không có sự thiêng hóa nghề nghiệp nào ở đây cả. Như với thơ (lại là thơ), giờ ta đi đến đâu cũng gặp thơ, nghe thơ rồi tiến đến hủi thơ. Người ta còn so sánh thơ với giày dép trong các cuộc vui đem bỏ ở ngoài.
Nhưng thơ nếu nhìn từ Lưới thơ thì là một cái gì đấy rất thật, rất người và còn bi kịch nữa. “Cụ Nguyễn Hữu Mão, 88 tuổi, nhà ở số 7 Ô Quan Chưởng Hà Nội là một người mê thơ kỳ lạ. Số thơ cụ làm ra trong đời có lẽ phải đến… hàng tạ. Có lần cụ ốm nặng, tưởng sắp lên tiên, người con trai vào thăm cụ băn khoăn hỏi: -Trong đời anh là người con đã làm nhiều điều khiến tôi khó chịu nhất. Anh làm thơ, tôi cũng làm thơ… Bây giờ gần đất xa giời, vậy tôi hỏi thật: thơ tôi hay hơn hay thơ anh hay hơn?”.
Nhà văn đã lấy chính nguyên liệu đời sống để minh họa cho lý lẽ của mình. Ở đây có thể suy ra thêm một cách gọi khác của phê bình nhà văn là phê bình đời sống. Để đời sống tự cất lên tiếng nói của mình. Tiếng nói đời sống bao giờ mà chả “tươi” hơn tiếng nói của ông Ốp, ông Ép nào đó ở trời Tây xa xôi. Điều này đối chọi với phê bình sách vở, hay là phê bình “cấp đông”.
Nhưng như thế nhà văn và nhà phê bình có ngồi lại với nhau được không?
Có chứ! Khi nhà văn và nhà phê bình cùng nhau thống nhất “nhảy xuống tắm cùng” trên một dòng sông văn chương hôm nay. Lấy việc “bơi; có vạch mốc đàng hoàng” làm chính chứ không phải việc dạy bơi, bán phao hay tìm người cứu hộ. Thì biết đâu đấy cả hai lại chẳng thống nhất được với nhau về một điều gì đó thật cụ thể. Chẳng dìu nhau được một đoạn nào đó… thì sao!