Đêm núm sen - một tác phẩm lớn của Trần Dần lần đầu ra mắt sau 56 năm nằm im trong ngăn tủ vẫn đủ sức chinh phục bạn đọc hiện đại. Một Nguyễn Bình Phương bền bỉ, không ngừng sáng tạo và gợi ra những triết lý nhân sinh ở Kể xong rồi đi.
Một Dương Tường - con người của thi ca - với những lãng mạn và nhân văn bằng lối thơ "âm" và "tượng hình" trong Dương Tường thơ. Một 6 ngày của Tô Hải Vân kể bức tranh xã hội đương thời. Và một Con chim Joong bay từ A đến Z với câu chuyện ngổn ngang thời hậu chiến.
Đêm núm sen - tác phẩm được hồi sinh sau nửa thế kỷ của nhà văn Trần Dần. |
Đêm núm sen xuất bản lần đầu vào giữa năm 2017, nhưng vốn đã được tác giả Trần Dần (vốn được mệnh danh là “nhà cách tân”) viết xong vào năm 1961. Tuy chính thức ra mắt muộn 56 năm, tác phẩm vẫn đủ hiện đại, mời gọi những hướng nghiên cứu mới.
Đêm núm sen dưới vỏ một câu chuyện đồng thoại, về tình yêu của anh Kiến Gầy và cô Sứa trong thế giới loài kiến, để nói về câu chuyện tình yêu trong chiến tranh. Trong chiến tranh, những khát khao của tình yêu dường như mãnh liệt hơn, những rung động của tình yêu dường như tinh tế hơn, và chuyện yêu đương dường như đẹp đẽ hơn.
Tác phẩm không chỉ cho thấy vẻ đẹp của tình yêu, mà còn chứng minh sự phi nghĩa của chiến tranh. Chiến tranh là chia cắt, là nghiền nát những ước mơ, những thân thể, tàn phá làng mạc, thành phố…
Vào thời điểm những năm 1961, không ai viết về chiến tranh như Trần Dần. Ông mô tả chiến tranh từ điểm nhìn của người lính trên chiến hào; và cho tới 1981, Bảo Ninh mới cho ra mắt Nỗi buồn chiến tranh với điểm nhìn như thế.
Ở Đêm núm sen, tác giả đứng từ số phận của một con người cá nhân, nhìn từ “con người” mà lịch sử thường bỏ qua. Ông nói mọi cuộc chiến đều phải kết thúc, kết thúc là quy luật của chiến tranh, nhưng chiến tranh đi qua khiến ai cũng mang theo vết sẹo.
Sách Dương Tường thơ mang tới một gương mặt thơ hiện đại. |
Cuốn sách là tuyển chọn những bài thơ tiêu biểu trong sự nghiệp của nhà thơ Dương Tường. Vốn nổi tiếng trong lĩnh vực dịch thuật, dành 80% thời gian cho công việc dịch sách, song thơ ca luôn có vị trí quan trọng với ông.
Theo tác giả 85 tuổi, đây sẽ là cuốn thơ cuối cùng trong sự nghiệp của ông. “Đúng ra, đó là tuyên ngôn của tôi, tuyên ngôn về cách sống của tôi. Đó là: Tôi đứng về phe nước mắt” - nhà thơ Dương Tường nói.
Dương Tường thơ được in trên chất liệu giấy cao cấp, trình bày đẹp. Nội dung được chia làm bốn phần: Tôi đứng về phe nước mắt, Le Soir est tout soupirs, At the Vietnam wall, Thơ thị giác. Dương Tường chứng minh là một người sáng tạo chữ. Trong sách, chất liệu ngôn ngữ được thể hiện là tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh trong thể loại thơ chữ và thơ thị giác.
Thơ của Dương Tường giàu tính nhạc và biểu hình. Đọc thơ ông, độc giả có thể nghe được những âm vọng, thấy được những mảng màu quyến rũ. Thơ Dương Tường có giọng điệu riêng, những bài thơ mà hiệu quả âm nhạc, tạo hình là một sức mạnh cảm xúc, ý tưởng, tình cảm. Theo nhà phê bình, nhà thơ Hoàng Hưng, chỉ nguyên điều đó đủ ghi tên một Dương Tường trong số các nhà thơ đóng góp vào sự phát triển của thơ hiện đại Việt Nam.
Tiểu thuyết Kể xong rồi đi đưa ra nhiều hướng tiếp cận cho các nhà phê bình, người đọc. |
Nói như nhà văn Bảo Ninh, tác giả của Kể xong rồi đi - nhà văn Nguyễn Bình Phương là một cây bút hạng nhất hiện nay. Bởi vậy, biên tập viên cuốn sách phải “giành giật”, và cảm thấy may mắn khi có được bản thảo của tiểu thuyết này.
Còn các nhà phê bình có nhiều cách nghiên cứu, bởi tác giả chọn giọng kể, với lối viết tiết chế tối đa những miêu tả, khiến người đọc thỏa sức với các hướng tiếp cận. Tác phẩm xứng đáng với sự tranh luận của độc giả, và là đối tượng, một thách đố nhà phê bình thời đại mới.
Tiểu thuyết Kể xong rồi đi viết về tuổi già của một đại tá về hưu, qua lời kể của một cậu cháu “bồ côi bồ cút mắt lác”. Câu chuyện bắt đầu bằng sự việc ông đại tá bị đột quỵ, nằm viện, được đưa trở về nhà và đi tới cái chết. Quá trình kể về tuổi già của ông đại tá, cậu cháu nuôi liên tục được liên hệ, mở rộng câu chuyện về những cái chết. Ở đó, các nhân vật chết theo nhiều cách khác nhau: vì chiến tranh, vì thù hận, tai nạn, chết bất đắc kỳ tử...
Điều ấy cho thấy cái chết ở gần ta hơn ta tưởng, tham dự vào bàn tiệc cuộc sống nhiều hơn ta nghĩ. Có thể tìm thấy ở đó nhiều chuyến đi của những con người và số phận khác nhau, thấp hèn hay vinh quang, nhẹ nhàng hay khốc liệt, ngẫu nhiên hay tất nhiên, nhưng đều cùng một điểm đến. Hình dáng của cái chết được làm sáng rõ: vừa giản dị vừa quyền lực, vừa kinh dị lại siêu phàm.
Kể về cái chết, nhưng tiểu thuyết khiến người đọc suy tư về sự sống. Cái chết xuất hiện dày đặc, để người đọc chiêm nghiệm về cõi nhân sinh nhàu nát. Qua những cái chết, nhà văn nói về sự bèo bọt, phù du của kiếp người.
Tác phẩm của Tô Hải Vân được vinh danh tại Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội. |
Tiểu thuyết 6 ngày của tác giả Tô Hải Vân đã được vinh danh tại Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, hạng mục Văn xuôi. Đây là một giải thưởng văn chương uy tín của Việt Nam trong nhiều năm qua.
Tác phẩm viết về nỗi cô đơn của con người trong cuộc sống hiện nay, qua cuộc đời nhân vật chính Phạm Bản. Anh là một kỹ sư yêu nghề, giỏi chuyên môn, bị vợ bỏ. Với số tiền ít ỏi, anh tìm mua một căn nhà nhỏ. Nghe đồn ngôi nhà có ma.
Tác phẩm với những câu chuyện hư hư thực thực, vừa bi hài vừa có lý vừa vô lý nhằm thể hiện cõi nhân gian phong phú. Một đời sống công chức thực mà ảo, nhưng câu chuyện nghe qua radio mỗi đêm dường như ảo mà thực, có sức ám ảnh. 6 ngày của Tô Hải Vân là thế giới đẹp đẽ với những số phận mang bản sắc riêng của người Hà Nội xưa và nay.
Tiểu thuyết của Đỗ Tiến Thụy nói về những xung đột thời hậu chiến qua lời kể của con chim và khẩu súng đại liên. |
“Tôi là một khẩu súng máy hiệu M134, được sản xuất từ bang Ohio, nước Mỹ. Người Việt Nam thường gọi dòng súng máy như tôi là đại liên hạng nặng” - giới thiệu về một khẩu súng chỉ quyến rũ đến thế là cùng. Hề đến thế là cùng. Khẩu súng cũng như vai hề trong chèo xuất hiện ở giữa, khi tất cả đã mỏi mệt, căng thẳng vì các tình huống đang được thắt nút dần dần.
Hề nhảy vụt ra... “tôi ra đây”... thì trong tiểu thuyết Con chim Joong bay từ A đến Z của nhà văn Đỗ Tiến Thụy khẩu súng nhảy ra... "tôi là một khẩu súng"... Nhưng hề chỉ để mua vui, còn trong tiểu thuyết khẩu súng đóng một vai trò đặc biệt là nếm vị máu và làm cân đối cho cuốn tiểu thuyết. Nó thay thế cho Cụ Chủ ở phần đầu, khi mà mọi biến cố gia đình đều xoay quanh cụ.
Ở phần đầu, khi Cụ Chủ còn sống, không phải cái ác không tồn tại trong gia đình cụ. Nó tồn tại dưới một lớp màng được che chắn kỹ lưỡng bởi các lý tưởng, giáo điều. Các cuộc họp vẫn diễn ra thường xuyên vào buổi tối, Cụ Chủ vẫn nói với mọi người về điều thiện, đạo đức, về xác tín làm người. Nhưng chính cụ cũng là một điều ác; chính cái bóng quá lớn của cụ là một điều ác phủ lên các điều ác khác.
Bản thân một tấm bạt che thì không bao giờ có tội, nhưng khi con người ta mượn tấm bạt lấy bóng tối làm điều khuất tất thì cái bạt thành có tội. Thêm nữa, Cụ Chủ là người không hợp thời, xã hội tiến đi bao năm cụ vẫn khoanh vùng tất cả như những năm chiến tranh, áp lên mọi người, thì ấy là ác.
Ở phần cuối, mọi biến cố đều xoay quanh khẩu súng. Chỉ khác Cụ Chủ giữ vai trò trực tiếp, tác động trực tiếp (dù trên danh nghĩa các cuộc gia đình) đến đời sống mọi thành viên trong gia đình. Khẩu súng ngược lại, nó không hề quen biết các thành viên, nhưng một cách gián tiếp tất cả các dòng chảy nhân vật đều hướng đến nó, chờ đợi nó.
Khẩu súng chu du qua bốn cuộc chiến tranh gồm: Chống Mỹ, Biên giới Tây Nam, Biên giới Việt - Trung, Cuộc chiến trong thời bình. Cuối cùng khẩu súng đã thất bại.
Tiểu thuyết của Đỗ Tiến Thụy, qua lời kể con chim và khẩu súng đại liên, kể lại câu chuyện dữ dội với ngổn ngang những xung đột thời hậu chiến. Tác phẩm còn ẩn chứa tiếng kêu tuyệt vọng từ thiên nhiên.