Trong lịch sử, tồn tại nhiều hội kín cực đoan khiến cho ngày nay, nhắc đến hội kín hay giáo phái là người ta thấy đáng ngờ. Những hội như Gia đình Manson, Peoples Temple, Children of God, NXIVM... gây ám ảnh tâm trí công chúng trong nhiều năm liền.
Nhưng nếu hội kín nguy hiểm và đáng sợ vậy, tại sao cho đến giờ vẫn còn nhiều hội kín họat động? Có lẽ, từ "hội kín" chỉ là một từ mà người ngoài sử dụng. Người trong hội hẳn thấy chẳng có gì cực đoan khi mà họ tin tưởng vào lý tưởng của hội.
Trong một thế giới của chủ nghĩa thế tục và hoài nghi, chúng ta bị lôi cuốn vào những câu chuyện của những người sống và chết với niềm tin vào lý tưởng của hội; rồi ta tự hỏi tại sao họ có thể khờ khạo đến vậy.
Ta tự cho mình cái đặc quyền được cảm thấy hơn người vì tin rằng mình sẽ không bao giờ bị dụ dỗ đi theo một hội kín. Nhưng những cuốn sách hay nhất viết về hội kín khiến chúng ta, với tư cách độc giả, hiểu được điều trở thành nạn nhân của một hội kín có thể dễ dàng thế nào.
Dưới đây là một vài cuốn sách về chủ đề này.
Sách The girls của Emma Cline. Ảnh: Dream by day. |
Tác phẩm của Emma Cline nhận được phản hồi tích cực từ cả độc giả lẫn giới phê bình ngay từ khi ra mắt. Điểm thành công của cuốn sách nằm ở cách tác giả từ từ lôi cuốn nhân vật vào cái bẫy của hội kín. Đồng thời, sách giúp độc giả hiểu cách một hội kín thu hút thành viên. Câu chuyện đặt bối cảnh thập niên 1970 ở California, lấy cảm hứng từ hội kín Gia đình Manson, cuốn tiểu thuyết hư cấu hóa một thời gian và địa điểm đã tạo ra một cơn cuồng phong.
Thái độ dễ dãi của thời đại đối với tình dục, ma túy và ý thức thay đổi được sinh ra từ mong muốn về một thế giới tốt đẹp hơn, nhưng thủ lĩnh Gia đình Manson đã khai thác hệ tư tưởng thời đại ấy cho mục đích cá nhân. Thay vì tập trung vào những vụ giết người gây rúng động một thời, Cline viết về những thương tổn của những cô gái tuyệt vọng muốn được thuộc về một thứ gì đó, một nơi nào đó.
Underground: The Tokyo gas attack and the Japanese Psyche là cuốn sách phi hư cấu của Haruki Murakami về sự kiện tấn công bằng khí sarin trên tàu điện ngầm Tokyo năm 1995. Đây là một cuộc tấn công do hội kín/giáo phái Aum Shinrikyo thực hiện. Nhóm người này đã pha loãng sarin, một loại chất cực độc do Đức quốc xã điều chế và đặt trên 5 toa tàu tại các điểm khác nhau. Theo lời khai của nhân chứng, họ nhìn thấy nhiều mẩu giấy ướt tỏa ra mùi khó chịu trên toa.
Cuộc tấn công này đã khiến 14 người tử vong (trong đó, 1 người đã nằm liệt giường 25 năm và qua đời vào năm 2020) và hơn 6.000 người bị thương.
Trong nỗ lực lý giải động cơ của cuộc tấn công này, Haruki Murakami đã phỏng vấn những người sống sót sau thảm họa và thậm chí cả thành viên giáo phái này. Qua đó, Murakami đã phơi bày được những góc khuất trong tâm lý người Nhật.
Jonestown là nơi diễn ra vụ giết người - tự sát tập thể lớn nhất lịch sử nước Mỹ đến nay vẫn khiến người ta rùng mình khi nghĩ đến: hơn 900 thành viên của hội kín Peoples Temple đã thiệt mạng theo lệnh của thủ lĩnh Jim Jones. Peoples Temple là một giáo hội sống biệt lập trong khu rừng Guyan.
Mặc dù khởi đầu với nhiều mục đích nhân quyền cao đẹp, thành viên giáo hội này nhanh chóng rơi vào hoàn cảnh bị "tẩy não", bị giam cầm. Jim Jones cũng ngày càng hoang tưởng và liên tục rao giảng về "ngày tận thế cận kề".
Jim Jones, thủ lĩnh hội kín Peoples Temple. Ảnh: Stephanie Maze/San Francisco Chronicle.
Jim Jones, thủ lĩnh hội kín Peoples Temple. Ảnh: Stephanie Maze/San Francisco Chronicle. |
Tháng 11/1978, nghị sĩ Leo Ryan đến kiểm tra hoạt động của nhóm người này. Jim Jones lo sợ ông này sẽ báo cáo tiêu cực về cộng đồng và phái chính phủ Mỹ đến can thiệp; liền sai người đến tấn công đoàn người của nghị sĩ, khiến Ryan và 4 người khác thiệt mạng.
Sau đó, Jim Jones yêu cầu các tín đồ tập hợp lại và tự tử tập thể, sử dụng thức uống vị trái cây pha xyanua, thuốc an thần và thuốc giảm đau. Có người tự nguyện, nhưng cũng nhiều người phản ứng, bất cứ ai bỏ chạy đều bị bắn, bị ép uống hoặc tiêm dung dịch, trẻ nhỏ cũng không được tha. Jim Jones không uống nhưng đã dùng súng tự sát sau khi chứng kiến các tín đồ của mình chết trong đau đớn.
Tác giả Jeff Guinn đã nghiên cứu hàng nghìn trang hồ sơ của FBI, trực tiếp đến quê nhà của Jim Jones tại Indiana để phỏng vấn người dân và tìm kiếm những nạn nhân còn sống sót, từ đó, dẫn dắt độc giả vào góc tối nơi hội kín Peoples Temple.
Cuốn tự truyện của Sarah Edmondson thuật lại hành trình thoát khỏi hội kín NXIVM của cô. Trong đó, tác giả tiết lộ nhiều tình tiết gây sốc về lạm dụng tình dục, cuộc tẩu thoát và hành trình chuộc lỗi.
Năm 2005, Sarah Edmondson là một nữ diễn viên trẻ khởi nghiệp ở Vancouver. Cô nghe nói về NXIVM, một công ty phát triển cá nhân và nghề nghiệp do Keith Raniere thành lập. Bị hấp dẫn bởi lời hứa của tổ chức về việc cung cấp các công cụ, cộng đồng và thông tin chi tiết để giúp cô đạt được tiềm năng của mình, Sarah trở thành một trong những tín đồ trung thành nhất của NXIVM, làm thành viên điều hành một trung tâm công ty và thu hút hơn 2.000 thành viên.
Sách in kèm những bức ảnh cá nhân, vạch trần bộ mặt hội kín của Keith Ranierem - một kẻ tống tiền, một tội phạm tình dục đáng khinh. Trong nhiều năm, Keith đã lạm dụng tình dục nhiều phụ nữ và sử dụng hình ảnh khỏa thân của họ để cưỡng chế, giam cầm và tống tiền họ. Cuốn sách của Sarah Edmondson cung cấp đầy đủ bằng chứng, cho thấy một góc tối đáng sợ trong xã hội.
Hồi ký của Jerrald Walker là câu chuyện của một cậu bé da đen lớn lên giữa một hội kín của người da trắng. Walker lớn lên trong Nhà thờ Đức Chúa Trời của Herbert W Armstrong. Khi mới 6 tuổi, cậu bé Walker đã có thể nhận diện được những người sẽ bị đóng đinh vì kết hôn không thuần chủng. Cha mẹ của Walker là những người mù bẩm sinh, bị reo rắc niềm tin rằng thị giác của họ sẽ được phục hồi khi Ngày tận thế đến, họ từ chối chấp nhận sự thật tàn bạo về giáo hội này. Bất lực, Walker buộc phải tìm cách tự mình thoát khỏi hội, chấp nhận trở thành một người ngoài với nơi mình sinh ra.