Không nhiều người có thể nói rằng vận may của mình đến là nhờ sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng năm 2008 như Paula Hawkins, tác giả người Anh của cuốn tiểu thuyết trinh thám phá nhiều kỷ lục The Girl on the Train. Khi làm việc cho tờ Times ở vị trí phóng viên tài chính cá nhân năm 2007, bà cho ra cuốn The Money Goddess (tạm dịch: Nữ thần tiền tài)dành cho những người phụ nữ tìm hiểu đầu tư tiền hưu trí của mình. Một năm sau đó thảm họa ập đến và đại diện của bà đã gợi ý bà nên viết về sự kiện này.
Đã một thời gian lâu kể từ lần ra mắt đầu tiên của bà, cuốn tiểu thuyết lãng mạn Confessions of a Reluctant Recessionista (tạm dịch: Lời tự thú của một tín đồ thời trang bất đắc dĩ) được viết dưới bút danh Amy Silver và thành công rực rỡ. Sau cuốn tiểu thuyết lãng mạn bom tấn thứ tư của Silver năm 2013, Hawkins quyết định lột xác, và cuốn sách với tên thật của bà trên trang bìa ra mắt năm ngoái đã khiến tên bà trở thành một hiện tượng. The Girl on the Train nằm trong danh sách bán chạy nhất của tờ New York Times trong suốt 13 tuần, và giữ vị trí đầu bảng trong danh sách bìa cứng tại Anh trong vòng 30 tuần, lâu nhất từ trước đến nay. Cuốn bìa mềm sẽ được ra mắt tuần sau cùng với sự xuất hiện của trailer phim do Kanye West thực hiện cho bộ phim Hollywood sắp tới, trong đó Emily Blunt sẽ thủ vai một Rachel Watson tọc mạch và nghiện ngập.
Hawkins, hiện 43 tuổi, lớn lên ở Zimbabwe trước khi sang sống ở Anh và lấy bằng ở trường Oxford, cho biết những cuốn sách nhẹ nhàng bà viết trước kia không phải tự nhiên mà có, và phần nào trong bà luôn bị lôi kéo theo hướng sâu sắc và đen tối hơn. Nhưng bà không hề có ý niệm sẽ cho ra một “cô gái nghiện rượu”, cách bà gọi Rachel, theo hướng như vậy.
“Khi tôi viết được 30.000 từ và đưa cho người đại diện, cô ấy trầm trồ ‘Ồ, trời ơi, đúng vậy, tuyệt quá’, nhưng tôi không thực sự cảm thấy điều đó. Cô ấy luôn miệng nói rằng cuốn này sẽ rất hay, nhưng khi không chắc chắn bạn sẽ cảm thấy giống như mèo khen mèo dài đuôi vậy” bà chia sẻ khi chúng tôi cùng uống trà ở góc phố gần căn hộ bà vừa mua ở khu Clerkenwell, trung tâm London.
Khi so sánh với cuốn sách bán chạy nhất năm 2012 Gone Girl (Cô gái mất tích) của Gillian Flynn và cuốn sách của bà thường nằm trong ngoặc, Hawkins cảm thấy ý tưởng này có vẻ hời hợt: “Tôi nghĩ người ta so sánh chúng với nhau vì cùng có nhân vật nữ gai góc, khó ưa, hôn nhân đổ vỡ, một người phụ nữ mất tích, và người dẫn chuyện khó đoán”. Nhưng “Tôi thực sự cho rằng Rachel không đáng ghét đến vậy. Cô ấy đã để mình trượt khỏi vòng kiểm soát, nhưng đa số chúng ta cũng có lúc trải qua những hoàn cảnh tương tự dù không đến mức như vậy. Cứ tưởng tượng nếu có chuyện đau buồn xảy ra như hôn nhân đổ vỡ hay mất việc làm thì chúng ta cũng có thể lạc lối, đó là cách tôi hiểu và thông cảm với Rachel”.
Một số người lại có cái nhìn khắt khe hơn, học giả về bình quyền phụ nữ Jacqueline Rose phát biểu trên tờ London Review of Books rằng Gone Girl và The Girl on the Train đã cổ súy cho việc lạm dụng phụ nữ và có thể làm gia tăng làn sóng chống lại phụ nữ, thậm chí còn tệ hại hơn phong trào phản đối bình quyền phụ nữ trước đây. Với bà Rose, việc Rachel chuộc lỗi bằng cách trở thành thám tử cũng không bù đắp được sự xấu hổ của cô ấy, và bà kết thúc bài luận của mình bằng lời cảnh báo “Nếu phụ nữ tìm thấy niềm vui ở những gì đáng sợ nhất thì ai cũng vậy”.
Nhưng dù yêu ghét, hay gì đi nữa, thì chắc chắn The Girl on the Train đã nắm bắt được xu thế của thời đại. Tiểu thuyết hình sự đang lên ngôi, và với những tác giả và độc giả yêu thích thì tin vui là hiện những cốt truyện giết người đang độc chiếm về nhân vật và mọi thứ khác. Một chút chia sẻ cho những người chưa đọc qua, The Girl on the Train còn ít liên quan đến chính trị và đỡ kỳ quặc hơn cuốn The Girl with the Dragon Tattoo (Cô gái có hình xăm rồng) của Stieg Larsson, tác giả người Thụy Điển đã bắt đầu phong trào tiểu thuyết tội phạm với “cô gái” trong nhan đề – và ít tính văn chương hơn cuốn Apple Tree Yard (Mảnh vườn cây táo) của Louise Doughty, một tác phẩm thành công khác của Anh hiện đang được dựng thành phim cho hãng BBC.
Hawkins đã thay đổi hẳn cách xây dựng nhân vật nữ chính, với tính cách cứng rắn hơn và ở độ tuổi trung niên đang thèm khát nhiều thứ (dồi dào sinh lực, nhưng không thể có con, có rất nhiều mối bận tâm), và một khiếu hài hước thể hiện qua cách chọn vũ khí giết người của Rachel. Nhưng thành công về mặt thương mại của cuốn sách nằm ở quyết định biến giấc mơ ngoại ô thành cơn ác mộng lây lan cảm giác hoang mang đến người đọc, nhất là khi họ bắt tàu từ ngoại ô đi làm mỗi sáng sớm.
Đã nhiều năm quyết định không có con, Hawkins chán ngấy những câu chuyện lãng mạn người ta mong đợi ở Amy Silver: “Tôi viết về những người đang còn lưỡng lự về hôn nhân và con cái, và tránh viết rằng một người đàn ông và một đứa trẻ có thể đủ làm bạn hạnh phúc. Tôi nghĩ đặt cược tất cả mọi hy vọng vào một mối quan hệ có lẽ không phải là ý hay”. Rachel chính là một ví dụ ngược hẳn với quan niệm thuần túy này: cô đã rời bỏ người đàn ông hoàn hảo và một ngôi nhà lý tưởng vì thất bại trong việc có con và nghiện rượu, và bây giờ đang ở trọ cùng người bạn thân thiết đến mức cô không thể thú thật là cô đã bị đuổi việc ở London. Thế là hàng ngày cô bắt chuyến tàu như mọi khi, từ Witney (một thị trấn hư cấu ở Buckinghamshire và không liên quan gì đến các dân biểu vùng Oxfordshire của thủ tướng). Vì đường tàu đi qua những khu vườn thời Victoria trên con đường nhà cô trước đây, Blenheim Road, cô đã trải qua chuyến đi trong ánh nhìn giận dữ cuồng loạn về phía nhà cũ của mình, chỗ giờ đã có phòng dành cho đứa trẻ của chồng cũ và người vợ mới bảnh chọe kinh khủng tên là Anna.
Rachel cũng để ý tới một cặp hàng xóm cách đó mấy nhà, cô đặt tên họ là Jason và Jess cho đến khi cô biết tên thật của họ là Scott và Megan. Khi Megan mất tích thì cô gái nghiện rượu và rắc rối bỗng muốn trở thành anh hùng chống tội phạm nghiệp dư. Thời khắc hay nhất của cuốn sách là lúc Rachel phải trải qua những điều tồi tệ nhất, khiến những đọc giả rành rỏi về cảnh sát cũng phải há hốc mồm trước những suy luận và phản ứng của cô.
Có thể nói Rachel không thực sự là một “cô gái” ở độ tuổi 32 và Hawkins cũng đồng tình rằng khó có thể gọi một nhân vật nam đã ly dị, uống như hũ chìm là cậu trai. “Tôi vẫn thường gọi phụ nữ là các cô gái, và khi trao đổi với người đại diện chúng tôi vẫn gọi Rachel là “cô gái nghiện rượu” trước khi đặt tên cho cô ấy. Đó là cách gọi thú vị nên sau đó chúng tôi không thay đổi nữa. Tôi đã phân vân về vấn đề này, tôi nghĩ có thể gọi cô ấy là người phụ nữ trên tàu nhưng nghe có vẻ không hay bằng và cũng không quen tai, vì vậy tôi vẫn cứ giữ nguyên như cũ. Nhưng tôi sẽ không lặp lại điều đó nữa vì cô ấy không phải là cô gái”.
Dù vậy Hawkins lại bảo vệ Rachel trước những lời kết tội cô đáng ghét, hay cô làm mọi người căm ghét phụ nữ và đồng thời cũng bảo vệ Flynn: “Tôi thấy lạ về vấn đề bình đẳng giới trong cuốn Gone Girl. Tôi biết Amy Dunne (nhân vật chính) đã có những viện cớ sai lầm (kể cả vấn đề bị hiếp dâm) nhưng tôi nghĩ Flynn cho rằng đây không phải là trường hợp phổ biến mà bà đang viết về một nhân vật khác thường, loạn trí. Tôi luôn ủng hộ cho Amy vì chồng cô ấy quá kinh khủng”. Bà cười lớn.
Dù có thể lặp lại thành công như của The Girl on the Train hay không thì tác giả The Money Goddess hiện cũng rất giàu. Cuốn The Reunion (Tạm dịch: Đoàn tụ), được xem là hay nhất của bà lúc ấy, bán được chưa tới 1.000 bản, cho thấy bà không hề ngủ quên trước thành công. “Một cuốn tiểu thuyết rất dễ bị ra rìa nếu không có hình thức tiếp cận thị trường hoặc không có lời giới thiệu của báo đài” bà cho biết.
Dù không quan tâm lắm đến danh vọng nhưng tài chính lại là “sự giải thoát lớn”. Bà nhớ lại thời thơ ấu lớn lên ở điền trang, và rất nhiều năm sau bà mới nhận thấy những vấn đề của Zimbabwe. Mặc dù bà đã chuyển đến sống ở nước Anh nhưng cha mẹ bà vẫn sống ở đó và bà nói rằng bà sẽ luôn quan tâm đến vấn đề từ thiện ở Châu phi: “Đó là một đặc ân lớn và bạn phải có nghĩa vụ nhân rộng nó hơn”.
Cha bà là giáo sư kinh tế và trước đây Hawkins từng mơ ước trở thành một phóng viên nước ngoài. Giờ nghĩ lại nếu vậy chắc bà “tệ lắm – vì còn lâu mới đủ dũng cảm”. Thay vào đó, bà đã tìm ra thiên hướng của mình khi viết về những hiểm họa trên tiểu thuyết, và hứa hẹn mang độc giả đến với các tác phẩm của bà để khám phá “những điều đáng sợ trong một môi trường an toàn”.
Băn khoăn của bà trong các tiểu thuyết tội phạm là những xác chết phụ nữ biến dạng, vô danh mà bà nghĩ có những khía cạnh khiêu dâm. Bà không muốn rắc rối gì đến cảnh sát (hai ngoại lệ là những tiểu thuyết về Jackson Brodie của Kate Atkinson và Happy Valleytrên TV của Sally Wainwright). Nhưng bà tin rằng “chắc chắn sẽ có cách để viết về tội phạm giết người mà không bị kích thích. Cuốn sách hiện tôi đang viết có không chỉ một người chết nhưng điều quan trọng là cách bạn xử lý những đối tượng bạn đang viết.”
Hawkins giải thích nhân vật bị nghiện rượu khá nặng khiến trí nhớ không liền mạch và câu chuyện phiêu lưu trên chuyến tàu từ ngoại ô là hai ý tưởng hoàn toàn tách biệt. The Girl on the Train là kết quả của việc kết hợp hai ý tưởng này với nhau. Bà suy ngẫm: “Nếu cô gái nghiện rượu là cô gái trên chuyến tàu thì sẽ thế nào?”. Từ góc nhìn tâm lý, bà quan tâm đến quá trình một người có trí nhớ không đáng tin cậy trở nên dễ bị tác động, và cuốn sách bà đang viết, dự kiến sẽ ra mắt năm sau, cũng có cùng chủ đề với câu chuyện về hai chị em và những mâu thuẫn trong trí nhớ về thời thơ ấu.
Bà cũng yêu thích những cảm xúc trái chiều của các nhân vật về vấn đề làm mẹ: trong khi Rachel đau buồn vì không thể có con, Megan lại không thích có con, và thậm chí Anna đã bắt đầu nhận thấy những vết nứt trong vỏ bọc hạnh phúc của người vợ. Hawkins nhại câu nói cửa miệng “Vậy khi nào chị định có con?” của những người phụ nữ trong độ tuổi sinh con, và thêm rằng “Tôi chắc 99% đó là ý tốt nhưng điều đó cũng chẳng giúp ích gì được cả. Tôi đã quá chán với những câu đại loại như ‘Rồi chị sẽ đổi ý thôi’ nên tôi đã phản ứng lại rằng ‘Làm sao chị hiểu suy nghĩ của tôi rõ hơn tôi?’ Tôi đã sống như vậy rất lâu rồi”.
Võ Thùy Linh (Theo the Guardian)