Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29 tháng 4 năm 1950, quê quán: Thanh Trì, Hà Nội.
Thuở nhỏ ông cùng gia đình lưu lạc khắp nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Yên ... Nông thôn và những người lao động vì thế để lại nhiều dấu ấn khá đậm nét trong nhiều sáng tác của ông. ``Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn
Nguyễn Huy Thiệp chịu ảnh hưởng giáo dục chủ yếu của ông ngoại, vốn là người am hiểu nho học và mẹ, vốn là người sùng đạo Phật. Năm 1960, ông cùng gia đình về quê quán và định cư ở xóm Cò, làng Khương Hạ
Nguyễn Huy Thiệp là một bông hoa nở muộn trên văn đàn. Vài truyện ngắn của ông xuất hiện lần đầu tiên trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1986. Chỉ một vài năm sau đó, cả làng văn học trong lẫn ngoài nước xôn xao những cuộc tranh luận về các tác phẩm của ông. ``Có người lên án anh gay gắt, thậm chí coi văn chương của anh có những khuynh hướng thấp hèn. Người khác lại hết lời ca ngợi anh và cho rằnh anh có trách nhiệm cao với cuộc sống hiện nay (Lời cuối sách của NXB Đa Nguyên)
Sở trường của Nguyễn Huy Thiệp là truyện ngắn, có thể tạm được phân loại như sau:
Về lịch sử và văn học:
- Kiếm Sắc, Vàng Lửa,
- Phẩm Tiết, Nguyễn Thị Lộ,
- Mưa Nhã Nam,
- Chút Thoáng Xuân Hương ...
truyện ngắn mang hơi hướm huyền thoại hoặc "cổ tích":
về xã hội VN đương đại:
- Không Có Vua,
- Tướng Về Hưu,
- Cún,
- Sang Sông,
- Tội Ác và Trừng Phạt
- ...;
về đồng quê và những người dân lao động:
- Thương Nhớ Đồng Quê,
- Những Bài Học Nông Thôn,
- Những Người Thợ Xẻ ...
Ngoài ra, Nguyễn Huy Thiệp còn viết nhiều kịch, tiêu biểu là Xuân Hồng, Còn Lại Tình Yêu, Gia Đình (hay Quỷ Ở Với Người, dựa theo truyện ngắn Không Có Vua), Nhà Tiên Tri, Hoa Sen Nở Ngày 29 Tháng 4 ...; và nhiều thơ (chưa xuất bản tập thơ nào, song thơ xuất hiện khá nhiều trong các truyện ngắn của ông).
Năm 1994, Nguyễn Huy Thiệp gác bút và xoay ra mở nhà hàng ở Hà Nội tên là Hoa Ban, rất ăn khách.
***
Thằng bé con 11 tuổi. Nó chạy dọc bờ đê. Mưa bụi giăng giăng. Bây giờ là mùa Xuân. Những cánh buồm nâu đang ngược gió.
Thằng bé con nước mắt ướt nhòe. Nó ấm ức khóc. Nó khóc như một kẻ oan uổng. Nó khóc vì bất bình, vì thất vọng. Nó khóc vì đau đớn, tủi nhục. Nó khóc vì nó là đứa bé con.
Thằng bé khóc như chưa bao giờ nó khóc thế. Nó khóc vì sự mất mát lớn lao. Nó khóc vì thời gian trôi đi sẽ chẳng bao giờ trở lại. Nó khóc vì lòng người đen bạc. Nó khóc vì sự vô nghĩa của toàn bộ đời sống. Đúng rồi! Của toàn bộ đời sống! Không sót tí gì. Không sót một mảy may gì!
Thằng bé rẽ xuống vệ đê. Nó chạy dọc theo con đường trồng đầy cây nếp xoan. Hoa xoan rụng trắng trên đường. Đường này rẽ vào thôn Vân. Bên kia là làng Đặng. Hai bên đường là cánh đồng ngô. Qua cánh đồng ngô là đến cầu Đen. Gần cầu Đen có vườn cải nhà Uyển. Xế chút nữa là đến vườn hồng, vườn chanh nhà bà Thư Ký. Qua nhà bà Thư Ký là đến nhà chị Nhi, đằng sau nhà chị trồng chè, đằng trước trồng đỗ ván, trồng rau dền đỏ, rau đay với rau mồng tơi.
Thằng bé ngồi nấp giữa những luống chè. Nó rất mệt. Người nó hâm hấp sốt. Tiếng ồn ào trong nhà vọng ra nghe rõ mồn một. Bây giờ đã qua giờ Ngọ. Người ta đã ăn uống xong, đã dọn dẹp bát đĩa nồi niêu. Mấy người đàn bà đang quét ngõ. Chỉ một lát nữa thôi nhà giai sẽ đến rước dâu.
Thằng bé thở hổn hển. Mắt nó đỏ ngầu. Mắt nó ràn rụa nước mắt. Đôi môi nó run rẩy. Đôi môi nó hồng như một cánh hoa hồng đỏ hồng. Chao ôi là ấm ức! Chao ôi là oan uổng! Chao ôi là vô tình!
...
Mời các bạn đón đọc
Tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp của tác giả
Nguyễn Huy Thiệp.