Thay Đổi Tí Hon - Hiệu Quá Bất Ngờ |
|
Tác giả | James Clear |
Bộ sách | |
Thể loại | Best seller |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 mp3 |
Lượt xem | 1414 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full mp3 Sách Nói James Clear Vũ Phi Yên Trần Quỳnh Như Best Seller Self Help Thói Quen Tư Duy Kỷ Luật |
Nguồn | tve-4u.org |
• Wall Street Journal Bestseller, USA Today Bestseller, Publisher’s Weekly Bestseller
• Nằm trong Top 20 tựa sách thể loại non-fiction bán chạy và được tìm đọc nhiều nhất của Amazon suốt 40 tuần tính đến tháng 9/2019
• Đã bán trên 4 triệu bản
• Bản Tiếng Việt tái bản lần thứ 2
Một thay đổi tí hon có thể biến đổi cuộc đời bạn không?
Hẳn là khó đồng ý với điều đó. Nhưng nếu bạn thay đổi thêm một chút? Một chút nữa? Rồi thêm một chút nữa? Đến một lúc nào đó, bạn phải công nhận rằng cuộc sống của mình đã chuyển biến nhờ vào một thay đổi nhỏ…
Và đó chính là sức mạnh của thói quen nguyên tử.
Tác giả:
James Clear là tác giả người Mỹ, nhiếp ảnh gia, nhà khởi nghiệp, và là người sáng tạo The Habits Academy.
Anh nghiên cứu về những thói quen, việc đưa ra quyết định và sự cải tiến liên tục. Trang jamesclear.com có hàng triệu lượt truy cập mỗi tháng.
Bài viết của James Clear được đăng trên New York Times, Entrepreneur, Time… Anh cũng là diễn giả thường xuyên tại các công ty nằm trong bảng xếp hạng Fortune 500.
Câu chuyện của tôi
Vào ngày cuối cùng của năm thứ hai ở trường trung học1, tôi bị một cây gậy bóng chày quật vào mặt. Khi một người bạn học của tôi vung tay hết lực, cây gậy trượt khỏi tay cậu ấy và bay về phía tôi, rồi đập vào ngay chính giữa hai mắt tôi. Tôi không có một ký ức nào về khoảnh khắc va chạm.
Cây gậy đập vào mặt tôi mạnh tới mức nó nghiến cái mũi tôi thành hình chữ U dị dạng. Cú chạm đẩy khối mô mềm não tôi đập thịch vào thành sọ trong. Ngay lập tức, một đợt sóng sưng phồng lan khắp đầu tôi. Chỉ trong tích tắc, tôi đã có một cái mũi gãy, nứt xương sọ nhiều chỗ, và hai hốc mắt tan nát.
Khi mở mắt ra, tôi thấy mọi người đang nhìn chằm chằm mình và chạy đi kêu cứu. Tôi nhìn xuống và thấy mấy đốm đỏ trên áo mình. Một người bạn học cởi áo ra đưa cho tôi. Tôi cầm áo chặn lại dòng máu đang tuôn ra từ mũi mình. Bị sốc và choáng, tôi không ý thức được mình bị thương nặng đến mức nào.
Thầy giáo choàng cánh tay lên vai tôi và đỡ tôi bước một đoạn đường dài đến phòng y tế trường: băng qua sân bóng, xuống ngọn đồi, và trở về trường. Có nhiều bàn tay đưa ra đỡ bên sườn, giúp tôi đứng thẳng. Chúng tôi bước chầm chậm, thong thả. Không một ai nhận ra rằng mỗi một phút giây đều rất quý giá.
Khi chúng tôi về đến phòng y tế, cô y tá hỏi tôi một loạt câu hỏi.
“Bây giờ là năm mấy?”
“1998”, tôi trả lời. Thật ra là năm 2002.
“Ai là Tổng thống Mỹ đương nhiệm?”
“Bill Clinton”, tôi nói. Câu trả lời đúng phải là George W. Bush.
“Mẹ của em tên gì?”
“Ưm, ừm.” Tôi ngắc ngứ. Mười giây trôi qua.
“Patti”, tôi nói hú họa, phớt lờ thực tế là tôi đã tốn mười giây để nhớ ra tên mẹ ruột mình.
Đó là câu hỏi cuối cùng tôi nhớ được. Cơ thể của tôi không đủ sức chịu đựng cơn sưng phồng đang nhanh chóng lan ra trong não và tôi bất tỉnh trước khi xe cấp cứu đến. Vài phút sau, tôi được đưa ra khỏi trường và chở đến bệnh viện địa phương.
Rất nhanh sau khi đến nơi, cơ thể tôi bắt đầu ngừng hoạt động. Tôi vật lộn với các chức năng cơ bản như nuốt và thở. Tôi bị cơn co giật đầu tiên. Rồi tôi ngừng thở hoàn toàn. Khi các bác sĩ vội vàng cung cấp oxy cho tôi, họ cũng thống nhất rằng bệnh viện địa phương không đủ trang bị để xử lý tình hình này, và họ gọi một chiếc trực thăng để đưa tôi đến bệnh viện lớn hơn ở Cincinnati.
Tôi được đẩy ra khỏi phòng cấp cứu về phía bãi đậu trực thăng bên kia đường. Cái cáng rung lên khi điều dưỡng đẩy tôi đi qua một đoạn vỉa hè gập ghềnh, trong lúc đó một người khác bơm từng hơi thở vào người tôi bằng tay. Mẹ tôi đã đến bệnh viện được một lúc, leo lên trực thăng bên cạnh tôi. Mẹ nắm tay tôi suốt chuyến bay trong khi tôi vẫn bất tỉnh và không thể tự thở.
Bố tôi đã về nhà trông chừng và báo tin cho em trai, em gái của tôi trong lúc mẹ con tôi di chuyển bằng trực thăng. Bố cố nuốt nước mắt vào trong để giải thích cho em gái tôi hiểu rằng ông sẽ bỏ lỡ buổi lễ hoàn thành lớp 8 của con bé diễn ra vào tối hôm đó. Sau khi giao con lại cho gia đình và bạn bè, bố lái xe đến Cincinnati gặp mẹ tôi.
Khi mẹ và tôi đáp xuống đỉnh tòa nhà bệnh viện, một đội ngũ gần hai mươi bác sĩ và điều dưỡng chạy về phía bãi đáp và đẩy tôi vào khoa chấn thương. Vào lúc này, tình trạng sưng trong não tôi đã nặng tới mức tôi liên tục bị co giật hậu chấn. Xương gãy cần được chỉnh lại, nhưng tình trạng của tôi lại không cho phép phẫu thuật. Sau một cơn co giật khác - cơn thứ ba trong ngày - tôi được đặt vào tình trạng điều trị gây mê y khoa2 và chạy máy thở.
Bố mẹ tôi không lạ gì bệnh viện này. Cách đây mười năm, hai người cũng đi vào tầng trệt của chính tòa nhà này khi em gái tôi bị chẩn đoán ung thư bạch cầu ở tuổi lên ba. Lúc đó tôi năm tuổi. Em trai tôi chỉ mới sáu tháng. Sau hai năm rưỡi hóa trị, chọc tủy sống và sinh thiết tủy xương, em gái bé nhỏ của tôi cuối cùng cũng có thể bước ra khỏi viện trong tình trạng vui vẻ, mạnh khỏe và dứt bệnh ung thư. Nhưng bây giờ, sau mười năm sống bình thường, bố mẹ tôi lại quay trở lại nơi ấy với một đứa con khác.
Khi tôi rơi vào hôn mê, bệnh viện gửi đến một linh mục và một nhân viên xã hội để an ủi hai người. Cũng là vị linh mục ấy đã gặp bố mẹ tôi cách đây một thập kỷ, vào cái đêm họ nhận được tin em tôi mắc bệnh.
Khi đêm đến, một đống máy móc đang giữ cho tôi sống. Bố mẹ tôi ngủ không yên trên tấm chiếu bệnh viện - giây trước họ thiếp đi vì mệt mỏi, giây sau đã giật mình tỉnh dậy trong lo âu. Mẹ tôi sau đó đã nói, “Đó là một trong những đêm tồi tệ nhất mẹ từng trải qua.”
HỒI PHỤC
Phúc thay đến sáng hôm sau, nhịp thở của tôi đã hồi phục đến điểm làm các bác sĩ yên tâm kết thúc trạng thái hôn mê cho tôi. Cuối cùng khi tỉnh lại, tôi phát hiện ra mình đã mất khả năng ngửi. Để kiểm tra, một điều dưỡng yêu cầu tôi xì mũi và ngửi hộp nước táo. Khứu giác của tôi quay trở lại, nhưng - trước sự sửng sốt của mọi người - động tác xì mũi của tôi ép không khí xì qua các vết nứt trong hốc mắt và đẩy mắt trái của tôi lồi ra ngoài. Nhãn cầu của tôi lồi ra khỏi ổ mắt, được giữ một cách bấp bênh bởi mí mắt và dây thần kinh thị giác nối mắt với não.
Bác sĩ khoa mắt nói mắt tôi sẽ từ từ trượt về đúng chỗ khi không khí thoát hết ra ngoài, nhưng khó mà nói quá trình này sẽ mất bao lâu. Tôi được lên lịch phẫu thuật một tuần sau, để tôi có thêm thời gian hồi phục. Tuy trông như gã vừa thua một trận đấm bốc, nhưng tôi được phép xuất viện. Tôi về nhà với một cái mũi gãy, sáu bảy chỗ nứt xương mặt và con mắt trái lồi ra ngoài.
Những tháng sau đó rất khó khăn. Cảm thấy như thể mọi thứ trong đời tôi chợt dừng lại. Tôi bị nhìn đôi hàng tuần; tôi không thể nhìn thẳng theo đúng nghĩa đen. Hơn một tháng trôi qua, cầu mắt tôi mới trở về đúng chỗ của nó. Giữa các cơn co giật và rắc rối với tầm nhìn đôi, tám tháng sau tôi mới có thể lái xe trở lại. Ở phòng vật lý trị liệu, tôi phải tập các động tác vận động cơ bản như bước đi theo đường thẳng. Mặc dù quyết tâm không để chấn thương kéo mình xuống, nhưng đã có nhiều lúc tôi cảm thấy quá tải và suy sụp.
Một năm sau đó, tôi đau đớn nhận ra nếu muốn quay trở lại sân bóng chày, chặng đường mà tôi phải kinh qua dài đến thế nào. Bóng chày đã luôn là một phần trọng yếu trong cuộc sống của tôi. Bố tôi đã chơi bóng ở các giải nhỏ cho đội St. Louis Cardinals, và tôi cũng có mơ ước được chơi bóng chày chuyên nghiệp. Sau nhiều tháng phục hồi chức năng, điều tôi mong mỏi hơn hết thảy là được trở lại sân bóng.
Thế nhưng hành trình trở lại với bóng chày của tôi không hề suôn sẻ. Khi mùa bóng trờ tới, tôi là học sinh lớp 11 duy nhất bị cắt khỏi danh sách thi đấu chính thức của đội bóng trường. Tôi bị chuyển xuống chơi cho đội dự bị với học sinh lớp 10. Tôi đã chơi bóng chày từ năm lên bốn, với một người đã bỏ bấy nhiêu công sức và thời gian cho thể thao như vậy, bị loại khỏi danh sách chính thức là điều nhục nhã. Tôi nhớ như in ngày xảy ra chuyện. Tôi ngồi trong xe khóc nức nở trong khi liên tục dò đài, tuyệt vọng tìm kiếm một bài hát có thể làm mình cảm thấy tốt hơn.
Sau một năm hồ nghi bản thân, tôi đã nỗ lực để được vào đội chính thức khi bước vào năm cuối phổ thông, nhưng hiếm khi được vào trận. Tính tổng cộng, tôi đã chơi mười một lượt đấu3 cho đội chính thức của trường, chỉ vừa nhỉnh hơn tổng số lượt đấu của một trận bóng đơn.
Mặc cho thành tích mờ nhạt ở trường trung học, tôi vẫn tin tưởng mình có thể trở thành một cầu thủ xuất sắc. Và tôi học được rằng nếu mọi chuyện không được cải thiện thì tôi chính là người chịu trách nhiệm trong việc biến ước mơ thành hiện thực này. Bước ngoặt xảy ra vào hai năm sau chấn thương khi tôi bắt đầu vào học tại trường Đại học Denison. Đó là một khởi đầu hoàn toàn mới, và đó chính là nơi lần đầu tiên tôi khám phá ra sức mạnh đáng kinh ngạc của các thói quen nhỏ.
BÀI HỌC VỀ CÁC THÓI QUEN
Vào học tại trường Denison là một trong các quyết định đúng đắn nhất đời tôi. Tôi giành được một vị trí trong đội bóng chày của trường, và mặc dù là tân sinh viên ở vị trí thấp nhất trong danh sách, tôi vẫn rất hưng phấn. Bất chấp những năm tháng biến động ở trường phổ thông, tôi đã xoay xở để trở thành vận động viên của trường đại học.
Lúc ấy vẫn còn thời gian khá lâu trước khi bắt đầu chơi cho đội bóng nên tôi tập trung sắp xếp cuộc sống của mình lại. Trong khi bạn bè mải mê chơi game và dậy trễ, tôi tập cho mình thói quen ngủ lành mạnh, mỗi đêm tôi đều đi ngủ sớm. Trong thế giới hỗn loạn của đời sống ký túc, tôi bắt mình giữ phòng ốc gọn gàng và sạch sẽ. Những cải thiện này tuy nhỏ nhưng chúng tạo cho tôi cảm giác tự kiểm soát cuộc đời mình. Tôi bắt đầu cảm thấy tự tin trở lại. Và niềm tin đang trở lại này len vào trong lớp, tôi cải thiện thói quen học tập của mình và đã xoay xở đạt được thành tích toàn điểm A trong năm đầu tiên.
Thói quen là một nếp sinh hoạt hằng ngày, hay một hành vi được thực hiện đều đặn - và trong nhiều trường hợp, thói quen có tính tự động. Mỗi một học kỳ trôi qua, tôi lại tích lũy được thêm các thói quen nhỏ nhưng nhất quán để rồi cuối cùng dẫn đến các kết quả mà từ lúc bắt đầu tôi đã không tin mình có thể đạt được. Lấy ví dụ chuyện nâng tạ, lần đầu tiên trong đời tôi tạo lập được thói quen nâng tạ nhiều lần mỗi tuần, và những năm tiếp theo đó, thân hình 1,93m của tôi đã tăng từ 77kg lên gần 91kg.
Khi mùa bóng năm hai về đến, tôi đã giành được vị trí ra quân đầu tiên trong dàn cầu thủ ném bóng. Vào năm thứ ba, tôi được bầu làm đội trưởng và vào cuối mùa giải năm đó, tôi được chọn vào đội hình ngôi sao4. Nhưng mãi cho đến mùa giải của năm cuối đại học, các thói quen ngủ nghỉ, học hành và rèn luyện thân thể của tôi mới phát huy giá trị.
Sáu năm sau khi tôi bị gậy bóng chày đập vào mặt, bị chở tới bệnh viện bằng trực thăng, bị đặt vào tình trạng hôn mê, tôi đã được bầu chọn trở thành vận động viên nam hàng đầu của trường Denison, và được vinh danh trong Đội hình Ngôi sao Sinh viên Mỹ của ESPN5 - một vinh dự chỉ dành cho ba mươi ba cầu thủ trên khắp cả nước. Trước lúc tốt nghiệp, tôi được ghi tên vào sách kỷ lục của trường ở tám hạng mục khác nhau. Cùng năm, tôi được trao huy chương học thuật cao nhất của trường, President’s Medal.
Tôi mong bạn bỏ qua cho sự khoe khoang này. Thật lòng mà nói, chẳng có gì là huyền thoại hay có tính lịch sử trong sự nghiệp thể thao của bản thân tôi. Tôi không bao giờ trở thành vận động viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên khi nhìn lại những năm ấy, tôi tin mình đã đạt được một thành tựu hiếm hoi: Tôi đã hiện thực hóa tiềm năng của mình. Và tôi tin các ý niệm trong quyển sách này cũng sẽ giúp bạn làm được điều ấy.
Tất cả chúng ta đều có những thử thách trong đời. Chấn thương năm đó là một thử thách tôi phải đối mặt, và trải nghiệm ấy bắt tôi học một bài học tối quan trọng: Các thay đổi mới đầu có vẻ nhỏ và không quan trọng sẽ kết hợp lại thành những kết quả đáng kể nếu bạn kiên trì nhiều năm. Tất cả chúng ta ai cũng có các trở ngại phải đương đầu, nhưng về lâu về dài, chất lượng cuộc sống của ta thường phụ thuộc vào chất lượng các thói quen ta có. Với cùng một thói quen, bạn sẽ có cùng một kết quả. Nhưng với nhiều thói quen tốt hơn, không gì là không thể.
Hẳn nhiên đâu đó sẽ có những người thành công rực rỡ chỉ trong một đêm. Tôi thì không biết có ai như thế cả, và tôi chắc chắn bản thân mình không phải là một ca như vậy. Không chỉ có duy nhất một khoảnh khắc xác định nào đó đánh dấu hành trình từ bệnh nhân gây mê y khoa trở thành một vận động viên trong đội hình ngôi sao Mỹ, có vô số các điểm mốc như vậy. Đó là một cuộc tiến hóa dần dần, một chuỗi các chiến thắng nhỏ và các bứt phá tinh vi. Cách duy nhất mà tôi đã đi qua - lựa chọn duy nhất tôi có - là bắt đầu từ những điều nhỏ. Và tôi áp dụng cùng chiến lược này cho những năm về sau khi tôi khởi nghiệp và bắt đầu viết quyển sách này.
TÔI VIẾT QUYỂN SÁCH NÀY NHƯ THẾ NÀO, VÀ VÌ SAO
Tháng 11 năm 2012, tôi bắt đầu đăng các bài viết trên trang jamesclear.com. Trong nhiều năm, tôi đã giữ thói quen lưu lại ghi chú về các thử nghiệm cá nhân về thói quen, và cuối cùng tôi đã có thể sẵn lòng chia sẻ chúng công khai. Tôi bắt đầu bằng việc đăng tải một bài viết mới vào mỗi thứ Hai và thứ Năm hằng tuần. Trong vòng vài tháng, thói quen viết đơn giản này đã mang đến một ngàn email đăng ký theo dõi đầu tiên, và đến cuối năm 2013 số lượng ấy đã nâng lên thành ba mươi ngàn người.
Năm 2014, danh sách email của tôi đã vượt quá một trăm ngàn người đăng ký, khiến nó trở thành một trong những bản tin tức phát triển nhanh nhất trên internet. Tôi cảm thấy mình như kẻ lừa đảo khi mới bắt đầu viết cách đây hai năm, nhưng bây giờ thì tôi đã trở thành một chuyên gia về thói quen - một danh hiệu mới kích thích nhưng tôi vẫn cảm thấy không thoải mái. Tôi chưa từng xem bản thân là một bậc thầy về chủ đề này, thay vào đó tôi thích nghĩ mình là người cùng trải nghiệm với độc giả hơn.
Năm 2015, tôi chạm đến mốc hai trăm ngàn email đăng ký và tôi ký một hợp đồng sách với Nhà xuất bản Penguin Random House để bắt đầu viết quyển sách mà bạn đang đọc. Đi cùng với số lượng độc giả tăng lên là cơ hội nghề nghiệp của tôi. Tôi bắt đầu được mời đến nói chuyện ở các công ty hàng đầu về cách hình thành thói quen, cách thay đổi hành vi, và cách tiến bộ liên tục. Rồi tôi thấy mình đang trình bày các bài diễn thuyết quan trọng nhất tại những hội nghị khắp nước Mỹ và châu Âu.
Năm 2016, các bài viết của tôi bắt đầu xuất hiện đều đặn trên các ấn phẩm báo chí lớn như Time, Entrepreneur, và Forbes. Phi thường làm sao, các bài viết của tôi bắt đầu được hơn tám triệu người đọc vào năm ấy. Các huấn luyện viên NFL, NBA và MLB bắt đầu đọc tác phẩm của tôi và chia sẻ với đội bóng của họ.
Vào đầu năm 2017, tôi khởi động Học viện Thói quen (The Habits Academy), nơi đã trở thành nền tảng huấn luyện đầu tiên cho các tổ chức và cá nhân quan tâm đến việc xây dựng những thói quen tốt hơn trong cuộc sống cũng như sự nghiệp6. Các công ty thuộc top Fortune 500 và các công ty khởi nghiệp khác bắt đầu đăng ký cho các lãnh đạo và nhân viên đào tạo của họ vào chương trình. Tổng cộng đã có hơn mười ngàn nhân viên lãnh đạo, quản lý, huấn luyện viên và giáo viên đã tốt nghiệp từ Học viện Thói quen. Quá trình làm việc với họ đã dạy tôi vô số điều thần kỳ về cách thức biến thói quen trở nên hiệu quả trong đời thực.
Khi tôi đặt dấu chấm kết thúc cho quyển sách này vào năm 2018, trang jamesclear.com đã nhận được hàng triệu lượt khách ghé thăm mỗi tháng, và gần năm trăm ngàn người đăng ký theo dõi bản tin hằng tuần của tôi - một con số vượt quá mong đợi khi tôi bắt đầu, đến mức tôi thậm chí còn chưa từng nghĩ đến.
QUYỂN SÁCH NÀY CÓ LỢI CHO BẠN NHƯ THẾ NÀO
Doanh nhân và là nhà đầu tư Naval Ravikant từng nói, “Để viết một quyển sách vĩ đại, trước tiên bạn phải là một quyển sách vĩ đại.” Ban đầu tôi tìm hiểu các ý tưởng được bàn tới trong quyển sách này bởi vì tôi phải sống nhờ vào chúng. Tôi phải dựa vào các thói quen nhỏ thì mới có thể hồi phục từ chấn thương, để có thể mạnh khỏe hơn trong phòng tập, để thể hiện năng lực cao nhất trên sân bóng, để trở thành một tác giả, để xây dựng một công ty thành công, và đơn giản là để trưởng thành một cách có trách nhiệm. Thói quen nhỏ giúp tôi thực hiện tiềm năng của mình, và kể từ lúc bạn chọn quyển sách này, tôi đoán bạn cũng đang muốn phát huy tối đa tiềm lực của mình.
Trong những trang tiếp theo, tôi muốn chia sẻ với bạn một kế hoạch chi tiết từng bước nhằm xây dựng các thói quen tốt hơn - không phải chỉ theo ngày hay theo tuần, mà nó sẽ theo bạn đến suốt đời. Tuy các kiến thức khoa học chính là nền tảng cho những gì tôi viết, nhưng đây không phải là một bài nghiên cứu học thuật, mà là quyển sách hướng dẫn thao tác sử dụng. Bạn sẽ tìm thấy các tri thức khôn ngoan cũng như lời khuyên thực tiễn ở phần đầu và phần giữa khi tôi giải thích các nền tảng khoa học cho việc tạo lập và thay đổi thói quen một cách dễ hiểu và dễ ứng dụng.
Những lĩnh vực tôi khai thác - sinh học, khoa học thần kinh, triết học, tâm lý học và các ngành khác - đã có sẵn nhiều năm. Cái tôi mời bạn đọc là sự tổng hợp của những ý tưởng xuất sắc nhất mà những con người trác tuyệt đã tìm ra từ cách đây rất lâu, cũng như các khám phá hấp dẫn mà các nhà khoa học đã tìm thấy gần đây. Đóng góp của tôi, hy vọng là, tìm kiếm ra những ý tưởng có giá trị nhất và liên kết chúng lại với nhau theo cách dễ thi hành nhất có thể. Những điều thông thái trong các trang sắp tới nên được ghi nhận cho các chuyên gia trước tôi. Và bất kỳ sự ngớ ngẩn nào cũng mặc định là của tôi.
Xương sống của quyển sách chính là mô hình thói quen bốn bước của tôi - tín hiệu, khao khát, phản hồi, phần thưởng7 - và Bốn Nguyên tắc Thay đổi Hành vi rút ra từ các bước này. Độc giả có nền tảng tâm lý học hẳn là đã nhận ra các thuật ngữ này từ mô hình điều kiện hóa thao tác của B. F. Skinner những năm 1930, khi đó được gọi là “tác nhân, phản hồi, phần thưởng”8, và gần đây được Charles Duhigg phổ cập rộng rãi bằng các thuật ngữ “tín hiệu, tập quán, phần thưởng”9 trong quyển The Power of Habit.
Các nhà khoa học hành vi như Skinner tin rằng nếu bạn đưa ra một phần thưởng hay hình phạt thích hợp, bạn có thể khiến người ta hành động theo một cách nào đấy. Tuy mô hình của Skinner xuất sắc trong việc giải thích phương thức các tác nhân ngoại lai tác động lên hành vi, nó lại thiếu một lý giải thích đáng cho việc suy nghĩ, cảm xúc và niềm tin của ta ảnh hưởng lên hành vi bản thân như thế nào. Các trạng thái nội tại - tâm trạng và cảm xúc, cũng quan trọng không kém. Trong nhiều thập niên gần đây, các nhà khoa học đã bắt đầu xác định mối liên kết giữa suy nghĩ, cảm xúc, và hành vi. Các nghiên cứu này sẽ được bàn đến trong các trang sau.
Tóm lại, bộ khung mà tôi cung cấp cho bạn là một mô hình tổng hợp của khoa học hành vi và nhận thức. Tôi tin rằng đây là một trong các mô hình đầu tiên nghiên cứu hành vi con người giải thích chính xác tầm ảnh hưởng của tác nhân ngoại lai lẫn cảm xúc bên trong lên thói quen của ta. Tuy đôi chỗ bạn sẽ thấy cách nói của tôi có phần quen thuộc, nhưng tôi tự tin là các chi tiết - và việc áp dụng Bốn Nguyên tắc Thay đổi Hành vi10 - sẽ trao cho bạn một cách nhìn khác về thói quen của mình.
Hành vi con người luôn luôn biến đổi: theo từng tình huống, theo từng tích tắc, theo từng khoảnh khắc. Nhưng quyển sách này là về những thứ không đổi. Nó viết về nền tảng của hành vi con người. Những nguyên lý bền vững bạn có thể tin cậy nhiều năm về sau. Các ý tưởng làm nền tảng cho sự nghiệp, cho gia đình, cho một đời sống mà bạn sẽ có.
Không phải chỉ có một con đường đúng đắn duy nhất cho việc tạo dựng thói quen tốt, nhưng quyển sách này sẽ mô tả cách tốt nhất mà tôi biết - một cách tiếp cận hiệu quả không cần biết xuất phát điểm của bạn ở đâu hay là bạn đang cố gắng thay đổi điều gì. Các chiến lược tôi thảo luận sẽ phù hợp với những ai đang tìm kiếm một hệ thống cải thiện từng bước, dù là bạn đặt mục tiêu ở sức khỏe, tiền bạc, tính hiệu quả, các mối quan hệ, hay tất cả các mặt trên. Chừng nào còn dính đến hành vi con người, chừng ấy quyển sách này còn hiệu dụng với bạn.