DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Tiểu thuyết Kiếm hiệp - Võ hiệp Trung Hoa

Tiểu thuyết kiếm hiệp đã từng bị quan sát với một con mắt khắt khe từ giới phê bình hàn lâm. Thế nhưng, với việc tác giả Kim Dung được bầu chọn trong danh sách 10 đại tác gia...

 

Tiểu thuyết Kiếm hiệp - Võ hiệp Trung Hoa.

 

Tiểu thuyết kiếm hiệp đã từng bị quan sát với một con mắt khắt khe từ giới phê bình hàn lâm. Thế nhưng, với việc tác giả Kim Dung được bầu chọn trong danh sách 10 đại tác gia của thế kỷ 20 của Văn học Trung Hoa, các tác phẩm của ông được đưa vào sách giáo khoa Trung văn đã khiến người ta có cái nhìn chính xác hơn về thể loại văn học này.

 
 
Sự chú ý đối với dòng văn học kiếm hiệp được hâm nóng khi bộ tiểu thuyết Tru Tiên, thực tế tác phẩm này mang thiên hướng tiên hiệp huyền ảo hơn, đã phá vỡ mọi kỷ lục phát hành tại Trung Quốc với mức tiền bản quyền kỷ lục cho tác giả Tiêu Đỉnh. Lúc này nhiều nhà phê bình mới thấy sức ảnh hưởng to lớn của dòng văn học kiếm hiệp đến các nước trong khu vực Châu Á.
kiem hiep trung quoc ebook

Tại Việt Nam, chúng ta dễ dàng bắt gặp hàng loạt diễn đàn bàn luận, đọc truyện về truyện kiếm hiệp, võ hiệp như tangthuvien.com, vnthuquan.net... với hàng triệu thành viên trong cả nước.

Dưới đây là một số giai đoạn phát triển của Văn học Kiếm hiệp:

1. Thời kỳ tiền kiếm hiệp

Truyện kiếm hiệp có từ bao giờ? Một câu hỏi không dễ trả lời. Nhiều người có ý kiến rằng tiểu thuyết kiếm hiệp bắt đầu từ những trang viết của Thái Sử Công Tư Mã Thiên trong thiên Du Hiệp truyện. Trong tác phẩm này, Thái Sử Công đã ghi lại câu truyện mang tính truyền kỳ của những kẻ du hiệp, coi thường pháp luật, dùng cái dũng khí và bản lĩnh nam nhi mà nổi danh thiên hạ mà chúng ta gọi là hiệp khách. Những bài thơ của Thi tiên Lý Bạch nói về kiếm hay Thi thánh Đỗ Phủ mô tả kiếm thuật của Công Tôn đại nương với câu: “Nhất vũ kiếm khí động tứ phương” kích thích trí tưởng tượng của những nhà viết tiểu thuyết kiếm hiệp cao độ. Chuyện kết hợp giữa kiếm pháp và thư pháp tưởng như chỉ xuất hiện ở những tác phẩm kiếm hiệp hiện đại nhưng thực ra Thư thánh Trương Húc đã từng viết: “Khi xem Công Tôn đại nương múa kiếm, tôi mới lĩnh hội được thần và ý cho thư pháp”. Sau đó, những câu truyện trong Thủy Hử truyện của Thi Nại Am cũng mang đầy sắc mầu kiếm hiệp như truyện Võ Tòng đả hổ, Võ Tòng sát tẩu, Lý Quỳ giết hổ v.v… Hay như truyện Thất Hiệp Ngũ Nghĩa (khuyết danh) với truyền kỳ về Bao Thanh Thiên và những đồng sự của mình với kiếm pháp vô song của Nam hiệp Triển Chiêu cũng là những nét chấm phá đầu tiên định hình lên dòng tiểu thuyết kiếm hiệp sau này.

2. Kiếm hiệp đầu thế kỷ 20

Tiểu thuyết kiếm hiệp dần được hình thành và phát triển với dấu mốc quan trọng của Hoàn Châu Lâu Chủ (1902-1961).
Với tác phẩm Thục Sơn Kiếm Hiệp, Hoàn Châu Lâu Chủ đã tạo một bước ngoặt lớn lao cho dòng tiểu thuyết kiếm hiệp. Đầu tiên, Hoàn Châu Lâu Chủ là người đầu tiên viết truyện kiếm hiệp theo kiểu phơi-ơ-tông đăng tải hàng ngày trên báo chí. Thứ hai, tác phẩm Thục Sơn Kiếm Hiệp của Hoàn Châu Lâu Chủ đã tạo ra một thế giới kiếm hiệp kỳ ảo khiến người đọc vô cùng say mê. Năm 1932, tác phẩm Thục Sơn Kiếm Hiệp của Hoàn Châu Lâu Chủ đã tung hoành trên tờ Thiên Phong báo (Thiên Tân). Với sức tưởng tượng phi phàm, kết câu truyện ly kỳ, Hoàn Châu Lâu Chủ đã tạo nên một tác phẩm đậm màu sắc kiếm hiệp với nhân vật truyền kỳ của phái Nga My. Điểm đặc biệt khiến Hoàn Châu Lâu Chủ có ảnh hưởng lớn đến những tác gia kiếm hiệp sau này là việc ông đã rất thành công trong việc xây dựng kết hợp mô tả nhân vật với mô tả cảnh trí thiên nhiên, giảng giải văn hóa với nhiều đoạn tuyệt bút văn phong tuyệt mỹ kích thích cao độ trí tưởng tượng của người đọc. Thục Sơn Kiếm Hiệp là nền tảng để một loạt những tác phẩm đương thời ra đời như Giang Hồ Kỳ Hiệp của Bình Giang Nhất Tiếu Sinh (1890 - 1957), “Kỳ Hiệp Tinh Trung truyện” của Triệu Hoán Đình (1877 - 1951), “Thập Nhị Kim Tiền Tiêu” của Bạch Vũ (1901 - 1966) v.v.. Tuy nhiên, điểm yếu của Hoàn Châu Lâu Chủ cũng như điểm yếu của khá nhiều tác gia kiếm hiệp sau này là câu chuyện ban đầu quá rộng lớn, thành ra nhân vật tản mát, tác giả viết bút lực càng ngày càng cạn kiệt dần khiến độc giả ban đầu còn thích thú, càng về sau càng cảm thấy chán nản.

3.Kiếm hiệp hiện đại – Tiền Kim Dung

Kim Dung đương nhiên là một cột mốc lớn của dòng tiểu thuyết kiếm hiệp. Tuy nhiên trước Kim Dung cũng có nhiều cái tên đáng chú ý. Một trong số đó là Vương Độ Lư (1909 - 1977). Ông là tác giả của một loạt bộ tiểu thuyết trứ danh như Bảo Kiếm Kim Thoa và đặc biệt nhất là Ngọa Hổ Tàng Long, bộ thiểu thuyết sau này đã được Lý An dựng thành bộ phim cùng tên, chinh phục khán giả từ Đông sang Tây và đoạt vô số giải Oscar danh giá. Điểm vượt trội của Vương Độ Lư là tình tiết câu truyện chặt chẽ, đặc biệt ông miêu tả tình cảm của nhân vật cực kỳ cảm động. Ví như mối tình giữa Lý Mộ Bạch với Dư Tú Liên. Dư Tú Liên yêu tha thiết Lý Mộ Bạch và họ Lý cũng hiểu mối thâm tình nàng dành cho mình nhưng họ Lý luôn cảm thấy day dứt vì mình đã không cứu được Tiểu Mạnh vốn là hôn phu của Dư Tú Liên. Ngoài trắc trở về tâm lý, truyện còn đề cập đến mối tình giữa nàng thiên kim tiểu thư Ngọc Kiều Long và tướng cướp La Tiểu Hổ thể hiện rõ sự giằng xé giữa địa vị và tình yêu. Mang những yếu tố tâm lý vào truyện và giải quyết tình huống truyện một cách thấu đáo, có thể nói Vương Độ Lư đã vượt lên trên khỏi cái bóng của Hoàn Châu Lâu Chủ.
ngoa ho tang long ebook

Người ta cũng nhắc đến Tư Mã Linh với “Kiếm Thần Truyện” nổi danh khắp Đài Loan khi ông mới chỉ bước vào tuổi đôi mươi. Nhưng sau đó trước tác của Tư Mã Linh ngày một kém cỏi nên sự nghiệp không có gì quá đặc biệt ngoài tác phẩm kể trên. Nói đến thời kỳ tiền Kim Dung, người ta không thể không nhắc đến cái tên Lương Vũ Sinh (1926 - 2009) với danh hiệu: “Tân kiếm hiệp tị tổ" (thủy tổ của tân kiếm hiệp). Ông một tác gia lớn của dòng văn học kiếm hiệp với khối lượng tác phẩm cực kỳ đồ sộ. Nhà nghiên cứu Trần Mặc trong tác phẩm Kiếm hiệp Ngũ đại gia đã bình luận: “Ông (Lương Vũ Sinh) chẳng những viết tiểu thuyết kiếm hiệp trước Kim Dung mà kết thúc cũng muộn hơn. Thời gian sáng tác của tiểu thuyết của ông gấp đôi Kim Dung, số lượng của ông thì hơn gấp đôi, gồm 35 bộ trường thiên tiểu thuyết. So ra Lương Vũ Sinh thuần tuý, chuyên nghiệp hơn (Kim Dung) nhiều”. Trong số những tác phẩm của ông, không thể không nói đến tác phẩm được liệt vào hàng kinh điển như “Bạch phát ma nữ truyện”, Thất kiếm hạ Thiên Sơn v.v… Sở dĩ nói Lương Vũ Sinh là một trong những cột mốc lớn trước Kim Dung là vì ông đã mang được cái thẩm mỹ thần tình của mình vào những trang viết, kết hợp mạnh mẽ lịch sử và trí tưởng tượng cực kỳ phong phú cùng với kiến văn quảng bác của mình để tạo nên những viên ngọc quý trong kho tàng tiểu thuyết kiếm hiệp.

Đánh giá về Lương Vũ Sinh, Trần Mặc đã viết: “Tiểu thuyết của Lương Vũ Sinh đã kết hợp lịch sử với truyền kỳ , đem 2 thứ vốn thuộc 2 lĩnh vực khác nhau (giang hồ và giang sơn) kết hợp lại sáng tạo nên một thế giới kiếm hiệp mới mẻ. Người xưa cho rằng Tam Quốc diễn nghĩa là đệ nhất tài tử thư, tiểu thuyết của Lương Vũ Sinh cũng có thể coi là tài tử thư, còn như thứ mấy là chuyện khác. Có thể nói công lao mở đầu của ông ko thể coi thường”. Những tác phẩm của họ Lương bao giờ cũng thấm đẫm tinh thần hiệp nghĩa, nêu cao chính nghĩa như quan niệm của ông: “Thế nào gọi là hiệp? Quan điểm của tôi là : hiệp là hành vi chính nghĩa! Thế nào gọi là hành vi chính nghĩa? Tôi cho rằng: đem lại lợi ích cho nhiều người là hành vi chính nghĩa”.

Tự đánh giá về những đóng góp của mình, Lương Vũ Sinh đã nói: “Khai phong khí giả Lương Vũ Sinh; phát dương quang đại giả Kim Dung” (người khai sinh mở mang là Lương Vũ Sinh; kẻ phát huy rực rỡ là Kim Dung, đây có thể được coi là một câu tổng kết chuẩn xác về tầm khai phá của ông trong lĩnh vực tiểu thuyết kiếm hiệp.

4.Kim Dung

Sở dĩ nói Kim Dung là một cột mốc lớn bậc nhất trong lịch sử tiểu thuyết kiếm hiệp bởi ông là người có công nâng tiểu thuyết kiếm hiệp từ bị thế từng bị coi là dòng văn học thông tục giờ đàng hoàng trở thành dòng văn học chính danh. Những tác phẩm của ông đã được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa, ngang hàng với những tác phẩm văn học cổ điển của những tác gia lớn nhất Trung Quốc như Ba Kim, Lỗ Tấn, Lão Xá… Nhiều người đọc say mê nghiên cứu tác phẩm của ông, từ đó thêm hiểu biết về lịch sử Trung Quốc, về nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật thư pháp v.v…

Thậm chí còn có cả một ngành chuyên nghiên cứu về những tác phẩm của ông được gọi là Kim học. Điều đáng nói là số lượng tác phẩm của Kim Dung không nhiều, 14 tác phẩm (kém xa so với Lương Vũ Sinh, Cổ Long, Ôn Thụy An) nhưng trong số những tác phẩm đó, tỷ lệ tuyệt phẩm là rất lớn. Có thể kể ra đây Xạ điêu Tam bộ khúc gồm bộ ba tác phẩm Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ, Ỷ Thiên Đồ Long Ký hay Thiên Long Bát Bộ, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Lộc Đỉnh Ký. Điểm khiến Kim Dung vượt trội so với những bậc tiền bối và cả những hậu nhân sau này là ông có sở học mạnh mẽ, kiến thức uyên thâm, lại thêm văn tài xuất chúng và trí tưởng tượng cực kỳ phong phú.

Các tác phẩm của ông có nền tảng câu chuyện rất vững vàng, tình tiết câu truyện rành mạch, biết cách dồn nén để bung ra những nút thắt câu truyện vào phút tối hậu khiến người đọc tuyệt thú. Một điểm nữa cũng không thể không kể đến là Kim Dung tự biết lượng sức mình. Sau khi viết xong bộ truyện đồ sộ Lộc Đỉnh Ký, ông đã biết dừng lại và biên tập, chỉnh sửa những tác phẩm của mình. Sở dĩ nói đây là việc làm cực kỳ quan trọng bởi vì quá trình viết truyện kiếm hiệp của phần lớn tác gia kiếm hiệp thường bị đặt vào tình huống truyện dài kỳ với sự thúc ép của các tòa soạn báo và độc giả. Thành ra các tác giả phải liên tục ra đời những chương hồi mới, tình tiết mới và không khỏi bỏ quên nhiều nhân vật, sai sót trong nhiều tình huống khiến người đọc thắc mắc không thôi.

Bản thân Kim Dung cũng mắc những lỗi tương tự nhưng ông tự biết ngồi lại và chỉnh sửa tình tiết văn từ khiến những tác phẩm của mình được nâng lên một bậc và sau này văn chương càng mỹ lệ, tình tiết càng lay động, bố cục càng chặt chẽ khiến ông trở thành một cây đại thụ, một Minh Chủ võ lâm của dòng văn học kiếm hiệp.

5.Hậu Kim Dung

Sau khi Kim Dung phong bút, dường như tiểu thuyết kiếm hiệp chịu nhiều tổn thất. Điểm lớn nhất là những tinh hoa của văn học kiếm hiệp cổ điển, dường như Kim Dung đã thâu tóm hết, hoàn thiện hóa và đưa vào những tác phẩm của mình. Những tác phẩm và uy danh của ông trở nên quá lớn khiến nhiều nhà văn không thể vượt qua cái bóng của bậc tiền bối.

Tiểu thuyết kiếm hiệp đi vào lối mòn, cần tìm ra những lối đi mới. May mà có sự xuất hiện của Cổ Long (1937–1985).
Nhắc đến Cổ Long, người ta thường so sánh với Kim Dung. Kim Cổ đều là hai ngọn cô phong cao nhất của dòng văn học kiếm hiệp. Có điều so sánh giữa Cổ Long và Kim Dung là điều rất khó bởi Cổ Long đi theo một hướng đi rất khác. Bản thân Cổ Long đã nhận định về Kim Dung: “Ảnh hưởng của ông trên cả một thời đại của thiểu thuyết kiếm hiệp trong vòng tám mươi năm nay không ai có thể bì kịp. Bất kỳ tác phẩm của ai không ít thì nhiều cũng đều chịu ảnh hưởng của ông”.

Tuy nhiên vì nhận thức được một cách sâu sắc rằng mình không có sở học nền tảng vững mạnh như Kim Dung, Cổ Long đặt yêu cầu cho mình phải viết khác biệt so với bậc tiền bối: “Phong cách tiểu thuyết của Kim Dung đã sáng tạo ra có thể hấp dẫn nhiều độc giả, tuy nhiên tiểu thuyết kiếm hiệp cũng đã đến giai đoạn cần phải canh tân, cần biết hóa”.

Chính quan điểm này đã tạo ra một hướng đi mới mẻ cho văn học kiếm hiệp với dấu mốc của Cổ Long. Phong cách câu chữ của Cổ Long ngắn gọn, ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn học châu Âu, khác hẳn với kiểu văn bạch thoại được sử dụng nhiều trong những tác phẩm kiếm hiệp trước đó. Ngoài ra, những nhân vật kiếm hiệp của Cổ Long không gắn với những thời kỳ lịch sử nhất định nào, từ đó trí tưởng tượng được phát huy tối đa tạo ra những nhân vật truyền kỳ nổi tiếng khắp châu Á như Đạo Soái Sở Lưu Hương, Tiểu Lý Phi Đao, Lục Tiểu Phụng v.v… nhà nghiên cứu kiếm hiệp Trần Mặc đã có những nhận định sắc sảo: “Cần phải khẳng định rằng Cổ Long là một nhà cách tân tiểu thuyết kiếm hiệp. Ông là nhà nhà tiểu thuyết kiếm hiệp ưu tú nhất sau Kim Dung và Lương Vũ Sinh. Ông đã mở rộng tầm nhìn và không gian của tiểu thuyết kiếm hiệp, mở ra kỉ nguyên mới, con đường mới của tiểu thuyết kiếm hiệp. Văn phong của ông rất độc đáo, ảnh hưởng rất sâu rộng. Thành tựu sáng tác tiểu thuyết kiếm hiệp của Cổ Long đương nhiên không chỉ ở phương diện văn phong, văn thể mà là ở chỗ ông đã tiến hành một sự cách tân và cải tạo triệt để đối với tiểu thuyết kiếm hiệp truyền thống. Cống hiến của Cổ Long là đã mở ra con đường sáng tác kết hợp giữa Đông và Tây, tràn đầy tinh thần nhân văn hiện đại, biểu hiện ở sự tôn trọng con người, coi trọng nhân tính”.

Cùng thời kỳ này cũng có những danh gia kiếm hiệp khác như Lương Vũ Sinh, Ngọa Long Sinh, Ôn Thụy An được nhà nghiên cứu Trần Mặc xếp vào hàng ngũ Kiếm hiệp Ngũ Đại Gia cùng với Kim DungCổ Long. Tuy nhiên xét về tầm ảnh hưởng, Kim Cổ vẫn có sức ảnh hút mẽ hơn cả.

6.Gạch nối Huỳnh Dị

Sau khi Kim Dung phong bút, Cổ Long qua đời, những cái tên như Ôn Thụy An được kỳ vọng sẽ mở ra những lối đi mới của tiểu thuyết kiếm hiệp nhưng rõ ràng kỳ vọng này là quá lớn, vượt khỏi tầm vóc của Ôn Thụy An mặc dù những trước tác của họ Ôn không phải không có chỗ độc đáo.

Cho đến khi Huỳnh Dị xuất hiện trên văn đàn, người đọc lại thêm một lần nữa ngây ngất trước những trước tác lớn có trí tưởng tượng kỳ vĩ và tình tiết lôi cuốn người đọc đến nghẹt thở. Khác biệt với những người đi trước, Huỳnh Dị kết hợp những câu truyện mang đầy tính khoa học viễn tưởng vào với những trang viết truyện kiếm hiệp của mình. "Tầm Tần Ký" và "Đại Đường Song Long truyện" và nhiều sáng tác sau này của ông đều mang dáng dấp của sự kết hợp nhuần nhuyễn đó. Cuộc hành trình của Hạng Thiếu Long qua cỗ máy thời gian ngược trở về thời kỳ Thất quốc tranh hùng (Tầm Tần Ký) qua đó họ Hạng tham gia vào hàng loạt những biến cố lịch sử quan trọng khiến người đọc vô cùng thích thú.

Những tác phẩm đầy chất huyền ảo nhưng vẫn mang đậm chất kiếm hiệp đã tạo cho Huỳnh Dị danh hiệu là “cha đẻ của thể loại Huyền ảo kiếm hiệp”. Đồng thời, ông cũng xứng đáng là gạch nối tiêu biểu nhất của thể loại kiếm hiệp kết nối từ Kim Dung – Cổ Long đến những người viết kiếm hiệp trẻ sau này.

7.Tân Thần Châu Ngũ hiệp

Sau gạch nối Huỳnh Dị, văn đàn kiếm hiệp chứng kiến những thay đổi lớn lao. Đó là sự nổi lên của những tác giả trẻ tuổi nhưng bút lực tràn trề, sức tưởng tượng rộng lớn minh chứng bằng những tác phẩm có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Trong số đó, không thể không kể đến nhóm “Tân Thần Châu Ngũ hiệp” bao gồm Tiêu Đỉnh, Phượng Ca, Bộ Phi Yên, Tiểu Đoạn Thương Nguyệt.
con luan ebook

Mỗi người một vẻ, một thế mạnh, một lối khai phá. Tiêu Đỉnh với tác phẩm Tru Tiên được coi là “Đệ nhất kỳ thư thời đại Internet” có phong cách viết và trí tưởng tượng thâm viễn, xứng đáng là người tiếp nối Hoàn Châu Lâu Chủ. Tuy nhiên tiếp sau Tru Tiên là gì? Người ta vẫn đang chờ đợi những trước tác mới của Tiêu Đỉnh.

Ngoài ra ta còn thấy sự vươn lên của Phượng Ca, với bộ tam khúc Sơn Hải Kinh, một phong phạm trầm ổn uyên bác ảnh hưởng mạnh mẽ của Kim Dung. Cũng không thể không kể đến văn phong và tình tiết sắc lạnh đầy vẻ huyền ảo của Bộ Phi Yên như một bước tiếp nối của kiểu hành văn Cổ Long.

Nhiều người còn kỳ vọng vào một Tiểu Đoạn với những trang tuyệt bút thấm đẫm triết lý nhân sinh hay những tình cảm xót xa tinh tế trong văn của Thương Nguyệt. Đó đều là những người có khả năng khai phá những lối đi mới của dòng văn học kiếm hiệp.

Điểm kỳ lạ của văn học kiếm hiệp là tính tương hợp mạnh mẽ của dòng văn học này. Như nhận xét của Cổ Long: “Trong truyện tiểu thuyết trinh thám không có kiếm hiệp, nhưng tiểu thuyệt kiếm hiệp lại có trinh thám. Trong tiểu thuyết tình cảm không có kiếm hiệp nhưng tiểu thuyết kiếm hiệp lại có tình cảm. Đó là đặc tính dị biệt của tiểu thuyết kiếm hiệp”.

Văn học kiếm hiệp đã trả qua nhiều thời kỳ, có những thăng trầm, có những bất ổn nhưng cứ mỗi khi tưởng như dòng văn học này suy thoái thì lại có những cái tên mới mang lại những hướng đi mới và những niềm hy vọng mới cho những độc giả mê truyện kiếm hiệp. Trong khi một số nhà phê bình vẫn chỉ coi văn học kiếm hiệp là dòng á văn học thì một số lượng lớn độc giả vẫn thích thú với dòng văn học này. Việc những trang viết của tác giả Kim Dung được đưa vào sách giáo khoa, kỷ lục phát hành của Tru Tiên tại Trung Quốc cũng như tầm ảnh hưởng của những tác giả kiếm hiệp đã lan rộng đến nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới chính là minh chứng sinh động nhất cho sức mạnh trường tồn của dòng văn học kiếm hiệp.
HOÀNG TÙNG - binhluankiemhiep.blogspot.com

 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000