DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim

Tác giả Trần Trọng Kim
Bộ sách
Thể loại Lịch sử - Quân sự
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook prc pdf epub azw3
Lượt xem 32935
Từ khóa eBook prc pdf epub azw3 full Trần Trọng Kim Lịch sử Lịch sử Việt nam Văn học Việt nam Văn học phương Đông
Nguồn
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY
Sử là sách không những chỉ để ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc. Chủ đích là để làm cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực những thế nào, mới chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này.

Người trong nước có thông hiểu những sự tích nước mình mới có lòng yêu nước yêu nhà, mới biết cố gắng học hành, hết sức làm lụng, để vun đắp thêm vào cái nền xã hội của tiên tổ đã xây dựng nên mà để lại cho mình. Bởi những lẽ ấy cho nên phàm dân tộc nào đã có đủ cơ quan và thể lệ làm cho một nước độc lập, thì cũng có sử cả. Nước Việt ta khởi đầu có sử từ đời nhà Trần, vào quãng thế kỷ thứ XIII. Từ đó trở đi nhà nào lên làm vua cũng trọng sự làm sử. Nhưng cái lối làm sử của ta theo lối biên niên của Tàu. nghĩa là năm nào tháng nào có chuyện gì quan trọng thì nhà làm sử chép vào sách. Mà chép một cách rất vắn tắt cốt để ghi lấy chuyện ấy mà thôi, chứ không giải thích cái gốc ngọn và sự liên can việc ấy với việc khác là thế nào.

Nhà làm sử lại là người làm quan, vua sai coi việc chép sử, cho nên dẫu thế nào sự chép sử cũng không được tự do, thường có ý thiên vị về nhà vua, thành ra trong sử chỉ cần chép những chuyện quan hệ đến nhà vua, hơn là những chuyện quan hệ đến sự tiến hóa của nhân dân trong nước. Vả, xưa nay ta vẫn chịu quyền chuyên chế, vẫn cho việc nhà vua là việc nước. Cả nước chỉ cốt ở một họ làm vua, cho nên nhà làm sử cứ theo cái chủ nghĩa ấy mà chép sử, thành ra sử đời nào cũng chỉ nói chuyện những vua đời ấy mà thôi. Bởi vậy xem sử ta thật là tẻ, mà thường không có ích lợi cho sự học vấn là mấy.

Sử của mình đã không hay, mà người mình lại không mấy người biết sử. Là vì cái cách học tập của mình làm cho người mình không có thể biết được sử nước mình. Bất kỳ lớn nhỏ, hễ ai cắp quyển sách đi học thì chỉ học sử Tàu,chứ không học sử nước nhà. Rồi thơ phú văn chương gì cũng lấy điển tích ở sử Tàu, chứ chuyện nước mình thì nhất thiết không nói đến. Người mình có ý lấy chuyện nước nhà làm nhỏ mọn không cần phải biết làm gì. Ấy cũng là vì xưa nay mình không có quốc văn, chung thân chỉ đi mượn tiếng người, chữ người mà học, việc gì cũng bị người ta cảm hóa, chứ tự mình thì không có cái gì là cái đặc sắc, thành ra thật rõ như câu phương ngôn: "Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng!" Cái sự học vấn của mình như thế, cái cảm tình của người trong nước như thế, bảo rằng lòng vì dân vì nước mở mang ra làm sao được?

Nhưng dẫu thế nào mặc lòng, nước ta đã có sử ta thì cũng có thể bởi đó mà biết được những sự đã qua ở nước ta, và có thể bởi đó mà khảo cứu được nhiều việc quan hệ đến vận mệnh nước mình từ xưa đến nay xoay vần ra làm sao. Hiềm vì sử nước ta thì làm bằng chữ Nho cả, mà chữ Nho thì từ rày trở đi chắc rồi mỗi ngày một kém đi. Hiện nay số người đọc được chữ Nho còn nhiều, mà trong nước còn không có mấy người biết được chuyện nước nhà, huống chi mai sau này chữ Nho bỏ không học nữa, thì sự khảo cứu về những việc quan hệ đến lịch sử nước mình sẽ khó biết bao nhiêu!

Nay nhân sự học ở nước ta đã thay đổi, chữ quốc ngữ đã phổ thông cả trong nước, chi bằng ta lấy tiếng nước nhà mà kể chuyện nước nhà, ta soạn ra bộ Việt Nam Sử Lược, xếp đặt theo thứ tự, chia ra từng thời đại, đặt thành chương, thành mục rõ ràng, để ai ai cũng có thể xem được sử, ai ai cũng có thể hiểu được chuyện, khiến cho sự học sử của người mình được tiện lợi hơn trước.

Bộ Việt Nam Sử Lược này, soạn giả chia ra làm 5 thời đại: Thời đại thứ nhất là Thượng Cổ thời đại, kể từ họ Hồng Bàng cho đến hết đời nhà Triệu. Trong thời đại ấy, từ chương thứ III, bàn về xã hội nước Tàu trước đời nhà Tần, phần nhiều là những chuyện hoang đường, huyền hoặc cả. Những nhà chép sử đời trước cũng theo tục truyền mà chép lại, chứ không có di tích gì mà khảo cứu cho đích xác. Tuy vậy, soạn giả cũng cứ theo sử cũ mà chép lại, rồi cũng phê bình một đôi câu để tỏ cho độc giả biết rằng những chuyện ấy không nên cho là xác thực.

Thời đại thứ nhì là Bắc Thuộc thời đại, kể từ khi vua Vũ Đế nhà Hán lấy đất Nam Việt của nhà Triệu, cho đến đời Ngũ Quí, ở bên ta có họ Khúc và họ Ngô xướng lên sự độc lập. Những công việc trong thời đại ấy, thì sử cũ của nước ta chép rất là sơ lược lắm. Vì rằng trong thời đại Bắc Thuộc, người mình chưa được tiến hóa, sự học hành còn kém, sách vở không có, cho nên về sau những nhà làm sử của ta chép đến thời đại này cũng không kê cứu vào đâu được, chỉ theo sử Tàu mà chép lại thôi. Vả, người Tàu lúc ấy vẫn cho mình là một xứ biên địa dã man, thường không ai lưu tâm đến, cho nên những chuyện chép ở trong sử, cũng sơ lược lắm, mà đại để cũng chỉ chép những chuyện cai trị, chuyện giặc giã, chứ các công việc khác thì không nói đến.

Thời đại Bắc Thuộc dai dẳng đến hơn một nghìn năm, mà trong thời đại ấy dân tình thế tục ở nước mình thế nào, thì bấy giờ ta không rõ lắm, nhưng có 1 điều ta nên biết là từ đó trở đi, người mình nhiễm cái văn minh của Tàu một cách rất sâu xa, dẫu về sau có giải thoát được cái vòng phụ thuộc nước Tàu nữa, người mình vẫn phải chịu cái ảnh hưởng của Tàu. Cái ảnh hưởng ấy lâu ngày đã trở thành ra cái quốc túy của mình, dẫu ngày nay có muốn trừ bỏ đi, cũng chưa dễ một mai mà tẩy gội cho sạch được. Những nhà chính trị toan sự đổi cũ thay mới cũng nên lưu tâm về việc ấy, thì sự biến cải mới có công hiệu vậy.

Thời đại thứ ba là thời đại Tự Chủ, kể từ nhà Ngô, nhà Đinh cho đến sơ-diệp nhà Hậu Lê. Nước mình từ thời đại ấy về sau là một nước dộc lập, tuy đối với nước Tàu vẫn phải xưng thần và chịu cống, nhưng kỳ thực là không ai xâm phạm đến cái quyền tự chủ của mình. Buổi đầu, nhà Đinh, nhà Lê mới dấy lên; còn phải xây đắp cái nền tự chủ cho vững bền, phải lo sửa sang việc võ bị để chống với kẻ thù nghịch, cho nên sự văn học không được mở mang lắm. Về sau đến đời nhà Lý, nhà Trần, công việc ở trong nước đã thành nền nếp, kẻ cừu địch ở ngoài cũng không quấy nhiễu nữa, lại có nhiều vua hiền tôi giỏi nối nhau mà lo việc nước, cho nên từ đó trở đi việc chính trị, việc tôn giáo và việc học vấn mỗi ngày một khai hóa ra, làm cho nước ta thành một nước có thế lực, bắc có thể chống được với Tàu, nam có thể mở rộng thêm bờ cõi. Nhà Lý và nhà Trần lại có công gây nên cái quốc hồn mạnh mẽ, khiến cho về sau đến đời Trần mạt, nhân khi họ Hồ quấy rối, người Tàu đã toan đường kiêm tính, người mình biết đồng tâm hiệp lực mà khôi phục lại giang sơn nhà. Kế đến nhà Lê, trong khoảng một trăm năm về buổi đầu, nước mình cũng có thể gọi là thịnh trị, nhất là về những năm Quang Thuận (1460-1469) và Hồng Đức (1470-1497), thì sự văn trị và võ công đã là rực rỡ lắm. Nhưng về sau gặp những hôn quân dung chúa, việc triều chính đổ nát, kẻ gian thần dấy loạn. Mối binh đao gây nên từ đó, người trong nước đánh giết lẫn nhau, làm thành ra nam bắc chia rẽ, vua chúa tranh quyền. Ấy thật là một cuộc biến lớn ở trong nước vậy.

Thời đại thứ tư là Nam Bắc phân tranh, kể từ khi nhà Mạc làm sự thoán đoạt cho đến nhà Tây Sơn. Trước thì nam Lê, bắc Mạc, sau thì Nguyễn nam, Trịnh bắc, sự cạnh tranh càng ngày càng kịch liệt, lòng ghen ghét càng ngày càng dữ dội. Nghĩa vua tôi mỏng mảnh, đạo cương thường chểnh mảng: nước đã có vua lại có chúa. Trong Nam ngoài Bắc mỗi nơi một giang sơn, công việc ở đâu, chủ trương ở đấy. Tuy vậy việc sửa đổi ở ngoài Bắc cũng có nhiều việc hay, mà việc khai khẩn trong Nam thật là ích lợi. Nhưng cuộc thành bại ai đâu dám chắc, cơn gió bụi khởi đầu từ núi Tây Sơn, làm đổ nát cả ngôi vua cùng nghiệp chúa. Anh em nhà Tây Sơn vẫy vùng không được 20 năm, thì bản triều nhà Nguyễn lại trung hưng lên, mà đem giang sơn về một mối, lập thành cái cảnh tượng nước Việt Nam ta ngày nay vậy.

Thời đại thứ năm là Cận Kim thời đại, kể từ vua Thế Tổ bản triều cho đến cuộc Bảo Hộ bây giờ. Vua Thế Tổ khởi đầu giao thiệp với nước Pháp Lan Tây để mượn thế lực mà đánh Tây Sơn. Nhưng về sau vì những vua con cháu Ngài đổi chính sách khác, nghiêm cấm đạo Thiên Chúa và đóng cửa không cho ngoại quốc vào buôn bán. Những đình thần thì nhiều người trí lự hẹp hòi, cứ nghiễm nhiên tự phụ, không chịu theo thời mà thay đổi. Đối với những nước ngoại dương, thì thường hay gây nên sự bất hòa, làm cho nước Pháp phải dùng binh lực để bênh vực quyền lợi của mình. Vì những chính sách ấy cho nên mới thành ra có cuộc Bảo Hộ.

Đại khái đó là những mục lớn trong những phần mà soạn giả đã theo từng thời đại để đặt ra. Soạn giả đã cố sức xem xét và góp nhặt những sự ghi chép ở các sách chữ Nho và chữ Pháp, hoặc nhữNg chuyện rải rác ở các dã sử, rồi đem trích bỏ những sự huyền hoặc đi mà soạn ra bộ sách này, cốt để người đồng bang ta biết được chuyện nước nhà mà không tin nhảm những sự huyễn hoặc. Thời đại nào nhân vật ấy và tư tưởng ấy, soạn giả cứ bình tĩnh cố theo cho đúng sự thực. Thỉnh thoảng có một đôi nơi soạn giả có đem ý kiến riêng của mình mà bàn với độc giả, thí dụ như chỗ bàn về danh hiệu nhà Tây Sơn thì thiết tưởng rằng sử là của chung cả quốc dân, chớ không phải riêng cho một nhà một họ nào, cho nên mới phải lấy công lý mà xét đoán mọi việc và không vị tình riêng để phạm đến lẽ công bằng vậy.

Độc giả cũng nên biết cho rằng bộ sử này là bộ Sử Lược chỉ cốt ghi chép những chuyện trọng yếu để hãy tạm giúp cho những người hiếu học có sẵn quyển sách mà xem cho tiện. Còn như việc làm thành ra bộ sử thật là đích đáng, kê cứu và phê bình rất tường tận, thì xin để dành cho những bậc tài danh sau này sẽ ra công mà giúp cho nước ta về việc học sử. Bây giờ ta chưa có áo lụa, ta hãy mặc tạm áo vải, tuy nó xấu xí nhưng nó có thể làm cho ta đỡ rét. Nghĩa là ta hãy làm thế nào cho những thiếu niên nước ta ngày nay ai cũng có thể biết một đôi chút sự tích nước nhà, cho khỏi tủi quốc hồn. Ấy là cái mục đích của soạn giả, chỉ có thế thôi. Nếu cái mục đích ấy mà có thể tới được thì tưởng bộ sách này là bộ sách có ích vậy.
Trần Trọng Kim
***

Năm 1951, trong tác phẩm Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim từng kết luận “Người Việt Nam vì hoàn cảnh, vì tình thế bắt buộc phải im hơi lặng tiếng, nhưng lòng ái quốc mỗi ngày một nồng nàn...” và “Nếu ta biết lợi dụng cái tiềm lực cố hữu và cái tính thông minh hiếu học của ta để theo thời mà tiến hóa, thì sao ta lại không có ngày nối được cái chí của ông cha mà dệt thêm một đoạn lịch sử mỹ lệ hơn trước" trên tinh thần “...đều là một dòng dõi nhà Hồng Lạc, nếu ta biết kiên tâm bền chí, thì há lại không có một ngày ta có cái địa vị vẻ vang với thiên hạ hay sao?”.

Cuốn hồi ký của ông, phải chăng cũng được đặt trong một tâm thế hào sảng, có tâm với quốc gia, dân tộc như vậy?

Sử gia Trần Trọng Kim (1882 - 1953), bút hiệu Lệ Thần, quê xã Đan Phổ (nay là Xuân Phổ), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông xuất thân là nhà giáo, tốt nghiệp Sư phạm ở Pháp (1911), về nước dạy học tại trường Trung học Bảo hộ (Trường Bưởi, nay là trường THPT Chu Văn An - Hà Nội). Trần Trọng Kim là Thủ tướng đầu tiên Nội các độc lập của Đế quốc Việt Nam.

***
Sách Việt Nam Sử-Lược này chép đến đây hãy tạm ngừng, để sau có tài-liệu đầy-đủ và các việc biến-đổi ở nước Việt-Nam này được rõ-rệt hơn, sẽ làm tiếp thêm 189 .

Việc chép lịch-sử cũng như việc dệt vải dệt lụa, dệt xong tấm nào mới biết tấm ấy tốt hay xấu, còn tấm đang dệt, chưa biết thế nào mà nói được.

Ta chỉ biết rằng các dây sợi dệt tấm Nam-sử này còn dài, người dệt tuy phải lúc đau yếu, bỏ ngừng công-việc, nhưng còn mong có ngày khỏe- mạnh lại dệt thêm, có lẽ lại dệt được tốt đẹp hơn, cũng chưa biết chừng.

Mặc dù nước Việt-nam hiện nay được hoàn toàn độc-lập nhưng sự hay-dở tương-lai chưa biết ra thế nào? Song người bản-quốc phải biết rằng phàm sự sinh-tồn tiến-hóa của một nước, là ở cái chí-nguyện, sự nhẫn-nại và sự cố-gắng của người trong nước. Vậy ta phải hết sức mà học-tập, mà giữ cái tâm-trí cho bền-vững thì chắc tương-lai còn nhiều hi-vọng. Nước Việt-nam ta đã có cái văn-hóa chẳng thua-kém gì ai, và lại có một lịch-sử vẻ- vang, nếu ta biết lợi-dụng cái tiềm-lực cố hữu và cái tính thông-minh hiếu học của ta để theo thời mà tiến-hóa, thì sao ta lại không có ngày nối được cái chí của ông cha mà dệt thêm một đoạn lịch-sử mỹ-lệ hơn trươc?

Có một điều thiết-tưởng nên nhắc lại là ta nên giữ lấy những điều hay của ta đã có, bỏ những điều hủ-bại đi, và bắt-chước lấy những điều hay của người, để gây lấy cái nhân-cách đặt-biệt của dân-tộc ta và cùng tiến với người mà không lẫn với người. Muốn được như thế, ta phải biết phân-biệt cái hay cái dở, không ham muốn những cái huyền-hão bề ngoài, rồi đồng tân hiệp lực với nhau mà làm mọi việc cho thành cái hiệu-qủa mỹ-mãn.

Nước nào cũng có lúc bĩ lúc thái, đó là cái công-lệ tuần-hoàn của tạo-hóa trong thế-gian. Tự xưa chưa thấy có nước nào cứ thịnh mãi hay cứ suy mãi. Khi lâm vào cảnh bĩ mà người trong nước cứ vững lòng giữ được cái nghi-lực để sinh-tồn và tiến-hóa, thì rồi thế nào cũng có ngày chấn-khởi lên được. Vậy chúng ta đây đều là một dòng-dõi nhà Hồng-Lạc, nếu ta biết kiên tâm bền chí, thì há lại không có một ngày ta có cái địa-vị vẻ-vang.

Mời các bạn đón đọc Việt Nam Sử Lược của tác giả Trần Trọng Kim.

may-doc-sach

thi-tran-buon-tenh
tiki-top-sach-nen-tang-nhat-dinh-phai-doc
Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000