Phải làm sao để chọn ra cho được chỉ một tiểu thuyết của Jane Austen? Với một số người, Austen tự nhiên là một tác gia Anh ngữ đỉnh cao trên bất kỳ danh sách nào. Một số sẽ nói rằng: Austen là vĩ đại nhất. Có người sẽ đề cử tất cả, từ Kiêu hãnh và Định kiến trở đi. Nhưng nguyên tắc chọn lọc của chúng tôi chỉ cho phép mỗi tác giả một tác phẩm: cho nên buộc phải lựa chọn. Vì vậy, tôi đã chọn Emma đại diện cho các tiểu thuyết của bà có mặt tại đây bởi ba nguyên nhân sau.
Thứ nhất, đây là tác phẩm ưa thích của cá nhân tôi, một câu chuyện về lối hành xử hài hước nhưng chín chắn và lỗi lạc (và nhiều điều khác nữa) được hoàn thành vào những năm cuối đời của tác giả. Thứ nhì, được xuất bản bởi John Murray, Emma đưa chúng ta đến một cánh đồng văn chương mới, khởi nguồn của thế giới văn học tồn tại đến tận thế kỷ XXI hôm nay. Và thứ ba, quan trọng hơn cả, tiểu thuyết sau cùng của Austen hội tụ những tinh hoa của các tác phẩm trước như Kiêu hãnh và Định kiến với một sự nhạy cảm sâu sắc. Sở thích thật khó có thể lượng hóa được: chỉ là tôi thích cuốn này hơn so với các cuốn khác vậy thôi.
Emma được sáng tác vào thời kỳ nắng nóng đỉnh điểm – theo một số học giả – từ 21/1/1814 đến 29/3/1815 (năm của trận chiến Waterloo), và trở thành đỉnh cao của thời kỳ sáng tạo tột đỉnh đáng nhớ. Kiêu hãnh và Định kiến (bản thảo đầu tiên với tên “Những ấn tượng đầu tiên” được viết vào khoảng 1796-1797) xuất bản năm 1813, còn Trang viên Mansfield năm 1814. Tác phẩm của Austen trở thành thứ gì đó như một sự tôn sùng, và Austen hiểu rõ độc giả của mình. Thật vậy, Hoàng thân nhiếp chính(*) là một người hâm mộ các tác phẩm của bà (Emma được nữ văn sĩ đề tặng cho ông). Austen dường như biết rõ bà không chỉ viết cho bản thân mình nữa. Ngòi bút của bà đã đạt đến tầm vóc đỉnh cao, song bà lại chỉ còn sống được không quá hai năm. Tôi cho rằng, tất cả điều này đã khiến cho Emma có một sự sâu sắc hơn cả với tư cách là bông hoa cuối cùng của người nghệ sĩ tài ba biểu trưng cho thế hệ tác phẩm của bà.
Bản thân nữ tác giả nhận thức rất rõ về nghệ thuật của mình. Bà viết cho một người bạn rằng, Emma là “một nhân vật nữ chính sẽ không ai ngoài tôi yêu thích cho được.” Có thể. Tuy nhiên, nếu đặt lên bàn cân với những nhân vật nữ khác – Elizabeth Bennet, Fanny Price, Anne Elliot, và Catherine Morland – thì Emma là tính cách phức tạp, khôn khéo và hoàn thiện nhất. Phải, cô ấy “xinh đẹp, thông minh và giàu có.” Nhưng cô ấy chỉ mới 21 tuổi và sẽ bị đưa vào vòng xoáy niềm tin sai lầm, hối hận, ăn năn, thích gì làm nấy bất chấp người khác quen thuộc của Austen, song có phần gian nan hơn những tiền bối của mình.
Ở phương diện khác, Emma cũng đại diện cho một Austen chín chắn. Bà đã hoàn thiện nghệ thuật kể chuyện gián tiếp tự do để truyền tải tâm lý của nhân vật chính trong khi vẫn duy trì được vai trò tác giả thông tỏ mọi chuyện. Ánh sáng và bóng tối hài hòa một cách điệu nghệ và xứng tầm, và tình tiết đơn giản lại được diễn đạt bằng đủ mọi hình thức đánh lừa người đọc, những trò lừa, những bức thư và những câu đố – cuốn sách quá thú vị – khiến người đọc hoàn toàn bị cuốn hút, thậm chí chìm đắm vào tác phẩm. Austen cũng phát hiện một niềm vui già dặn trong không gian của bà. Bà nổi tiếng với câu viết “ba hay bốn gia đình ở một ngôi làng nông thôn là một thứ thật hay để bắt đầu”, và ngôi làng Highbury trong Emma là minh họa rõ rệt cho cương lĩnh ấy. Tại đây, hoàn toàn làm chủ thể loại này, Austen chìm đắm vào các nhân vật và điểm yếu của họ. Ngài Woodhouse, vợ chồng Elton, cô Bates đáng thương, Jane Fairfax và vị hôn phu đáng ghét Frank Churchill, và tất nhiên, ngài Knightley là vài trong số những nhân vật chói lọi toàn cầu trong văn học tiểu thuyết Anh, chân thật với chúng ta như Pickwick và Jeeves vậy.
Bản thân Emma cũng có sức quyến rũ vô tận, người phụ nữ khiến độc giả phải trở đi trở lại bởi những suy nghĩ chứa đựng những bí mật cuốn hút, một sự hiệp thông bí ẩn bện với bài học rằng sự tự biết mình là một ẩn số, sự phù hoa là nguồn gốc của vết thương đau đớn nhất, và tiềm thức là thứ công cụ dối trá và kém hoàn hảo trong việc điều khiển tâm trạng. Người ta có thể phản đối rằng Emma là một quý cô, là một kẻ trưởng giả học làm sang, nhưng cô vẫn tạo ra một sức hút vượt thời gian đối với những bản ngã thân thiện hơn của con người.
Austen dường như biết bà đang tạo ra một thứ thật đặc biệt. Trang viên Mansfield được Thomas Egerton xuất bản. Nhưng sau đó, bà mong muốn một NXB với điều khoản tốt hơn và có uy tín hơn. Chỉ có một địa chỉ phù hợp cho điều này: số 50 phố Albemarle, Mayfair. Bà tìm đến NXB John Murray, NXB của Byron (**), để đề nghị bản thảo mới của bà. Murray lập tức đồng ý và bản in đầu tiên xuất hiện vào tháng 12/1815, sau quá trình biên tập vô cùng suôn sẻ khi nhà xuất bản mới này luôn đảm bảo đối đãi với bà bằng sự kính trọng nhất, dù chưa bao giờ thực sự gặp mặt bà.
Emma chiếm giữ một vị trí đặc biệt trong danh sách này bởi đây là thứ Anh ngữ đỉnh cao – từ nhân vật, không gian, tình cảm đến trí tuệ. Nó mộc mạc đồng quê, khó hiểu nhưng lung linh và lạc quan đồng thời lại đượm vẻ dự báo nỗi buồn và tai ương. Cuối cùng, nó là câu trả lời cho dự đoán đầy hứng khởi về một cuốn tiểu thuyết của chính Austen, đã được nhắc đến trong Tu viện Northanger: “một cách ngắn gọn, chỉ là một tác phẩm truyền tải sự nhận thức sâu sắc nhất về bản chất con người, sự mô tả hạnh phúc nhất tính đa dạng của bản chất ấy, sự bộc lộ cảm xúc về trí tuệ và tâm trạng sống động nhất bằng thứ ngôn ngữ hay nhất.”
Chú thích về tác phẩm:
Chỉ có một bản in duy nhất kịp ra đời khi Jane Austen còn sống, bản in của John Murraynăm 1816, dù có ba chương thực ra đã được xuất bản từ tháng 12/1815. Không có bản thảo nào còn sót lại. Những bản in tiếp theo, nổi bật là của NXB NW Chapman, chỉ chỉnh sửa những lỗi in ấn mà không hề có thay đổi cơ bản nào về mặt nội dung. Emma không ngừng được in lại từ lần xuất bản đầu tiên: đây thực sự là một định nghĩa của các tác phẩm kinh điển.
Các tác phẩm khác của Jane Austen: Lý trí và Tình cảm (1811), Kiêu hãnh và Định kiến(1813), Trang viên Mansfield (1814), Tu viện Northanger và Thuyết phục đều được xuất bản sau khi bà đã qua đời, vào năm 1817.
(*) Hoàng thân nhiếp chính: vua George IV của Anh, giữ vai trò Hoàng thân nhiếp chính thay cho cha ông là vua George III lúc lâm bệnh trước khi chính thức lên ngôi vua vào năm 1820.
(**)Lord George Gordon Noel Byron (22/1/1788 – 19/4/1824) là nhà thơ lãng mạn Anh, một trong những nhà thơ lớn của thế giới thế kỷ 19.
MP (bookaholic.vn - theo Guardian)