14 Ngày Đẫm Máu |
|
Tác giả | Jeremy Bates |
Bộ sách | Những Truyền Thuyết Đáng Sợ Nhất Thế Giới |
Thể loại | Kinh dị |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 82 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Jeremy Bates Đồng Thị Tú Linh Những Truyền Thuyết Đáng Sợ Nhất Thế Giới Tiểu Thuyết Kinh Dị Văn học Canada Văn học phương Tây |
Nguồn | ebook©vctvegroup |
BẠN SẼ KHÔNG BAO GIỜ NGHĨ VỀ GIẤC NGỦ NHƯ CŨ NỮA.
Năm 1954, khi Chiến tranh Lạnh nổ ra, quân đội Liên Xô đã trao quyền tự do cho bốn tù nhân chính trị khi họ tham gia vào một cuộc thử nghiệm yêu cầu họ phải tỉnh táo trong vòng 14 ngày dưới sự tác động của một loại khí kích thích mạnh. Cuối cùng, bốn tù nhân này có hành vi giết hại, tự huỷ hoại bản thân và mất trí.
Không một ai sống sót.
Năm 2018, trong một kỳ nghỉ hè, Roy Wallis – một tiến sĩ Tâm lý học đáng kính của Đại học Berkeley – cố gắng thực hiện lại thí nghiệm tương tự trong một toà nhà sắp bị phá bỏ ở khuôn viên trường. Anh và hai trợ lý sinh viên của mình chia sẻ các ca làm việc luôn phiên kéo dài tám giờ để quan sát các đối tượng thử nghiệm trẻ tuổi người Úc suốt ngày đêm.
Tuy nhiên, mọi chuyện dần biến thành cơn ác mộng không ai có thể tưởng tượng được
Tác giả bán chạy nhất USA Today và tác giả #1 của Amazon, đã xuất bản hơn 20 cuốn tiểu thuyết được dịch sang nhiều thứ tiếng, được tuỳ chọn cho phim và truyền hình. Các tác phẩm của ông được độc giả tải xuống hơn 1 triệu lần. Midwest Book Review so sánh tác phẩm của ông với “Stephen King, Joe Lansdale và những bậc thầy nghệ thuật khác”.
14 ngày đẫm máu là cuốn tiểu thuyết nằm trong loạt “Những truyền thuyết đáng sợ nhất thế giới” dựa trên những truyền thuyết có thật
***
14 Ngày Đẫm Máu lấy cảm hứng từ thí nghiệm giấc ngủ của Liên Xô năm 1954, nơi bốn tù nhân chính trị bị buộc phải thức suốt 14 ngày trong điều kiện khắc nghiệt, dẫn đến sự điên loạn và cái chết của tất cả họ.
Năm 2018, Roy Wallis, một tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Berkeley, quyết định tái hiện thí nghiệm này trong một tòa nhà bỏ hoang, với sự hỗ trợ của hai trợ lý và hai tình nguyện viên làm đối tượng nghiên cứu. Ban đầu, mọi thứ diễn ra theo kế hoạch, nhưng càng về sau, mọi thứ dần trở nên mất kiểm soát. Những tác động của việc thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng đến các tình nguyện viên mà còn thay đổi tâm lý của cả nhóm nghiên cứu, dẫn đến những sự kiện kinh hoàng và vượt ngoài sức tưởng tượng.
Cốt truyện hấp dẫn, lối kể lôi cuốn
Jeremy Bates xây dựng một cốt truyện vừa mang tính giật gân (thriller), vừa có yếu tố tâm lý kinh dị. Không chỉ tập trung vào hậu quả của việc thiếu ngủ, tác giả còn khai thác tâm lý của từng nhân vật, từ tiến sĩ Wallis với tham vọng và bí mật của riêng mình, đến những người tham gia thí nghiệm với mục đích cá nhân khác nhau.
Bầu không khí căng thẳng, đầy ám ảnh
Tác giả không sử dụng jumpscare hay những cảnh kinh dị rùng rợn theo kiểu máu me, mà thay vào đó là nỗi sợ tâm lý, sự ngột ngạt khi theo dõi từng diễn biến của thí nghiệm. Những mô tả về cơ thể con người khi bị thiếu ngủ kéo dài, trạng thái hoang tưởng, tự làm hại bản thân… đủ khiến người đọc phải lạnh sống lưng.
Khắc họa nhân vật tốt, nhưng còn thiếu chiều sâu
Các nhân vật trong truyện đều có cá tính và mục tiêu riêng, nhưng tiến sĩ Wallis – nhân vật trung tâm – đôi lúc chưa thực sự có chiều sâu tâm lý thuyết phục. Một số động cơ của ông ta có phần chưa rõ ràng, đặc biệt là lý do thực sự khiến ông quyết tâm thực hiện thí nghiệm này.
Yếu tố khoa học kết hợp với giả thuyết tâm linh
Ngoài những kiến thức khoa học về giấc ngủ, Jeremy Bates còn thêm vào yếu tố siêu nhiên để lý giải tại sao con người cần ngủ. Điều này khiến câu chuyện không chỉ dừng lại ở một thí nghiệm khoa học đơn thuần mà còn mở rộng ra một góc nhìn mới, dù giả thuyết này có thể chưa làm hài lòng tất cả độc giả.
Dịch thuật mượt mà, dễ hiểu
Bản dịch của Đồng Thị Tú Linh được đánh giá cao, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận với những kiến thức chuyên ngành mà không cảm thấy nặng nề.
Kết thúc có phần hụt hẫng
Dù phần cuối khá gay cấn, nhưng kết cục lại có phần hơi "trơn tuột", chưa khai thác triệt để chiều sâu tâm lý của tiến sĩ Wallis và những hậu quả thực sự của thí nghiệm này.
Một cuốn tiểu thuyết đáng đọc cho những ai yêu thích thể loại tâm lý kinh dị, giật gân. Dù không hoàn hảo, nhưng 14 Ngày Đẫm Máu chắc chắn sẽ khiến bạn suy nghĩ khác về giấc ngủ của mình.
***
Trước khi đọc The Sleep Experiment (cá nhân mình thích tên sách bản Anh hơn), mình có tìm hiểu trước thí nghiệm được nhắc đến trong mô tả, mới biết nguyên mẫu lấy từ Thí nghiệm giấc ngủ của Nga, đọc xong thì cảm thấy lạnh gáy vì tính vô nhân đạo được miêu tả trong đây. Những tưởng như thế là xong – mình đọc cuốn sách với một sự chuẩn bị tinh thần từ trước, bản thân vẫn rùng mình trước những điều không thể lường trước về lòng người, về sự bí ẩn của thế giới, và sự tò mò vô hạn của con người trước thế giới đó.
Khác với mô tả ở bìa sau, The Sleep Experiment không đơn giản chỉ xoay quanh những thay đổi của các đối tượng tham gia, hay là bản thân cuộc thí nghiệm. Cuốn sách mở ra một thế giới với nhiều góc nhìn từ các cá nhân có liên quan, cho thấy được sự đa dạng trong các sự kiện, cũng như mối liên kết mạnh mẽ giữa người với người trong hành trình tìm đến “chân lí” nơi này. Đó là tiến sĩ Roy Wallis với lối sống không tốt đẹp như những gì sinh viên, hay người yêu của anh biết về anh. Đó là Penny Park hay Guru Chandra Rampal, hai sinh viên xung phong làm trợ lí của tiến sĩ với những tâm tư riêng, không dính dáng đến mục đích nghiên cứu khoa học. Hay hai đối tượng nghiên cứu với mục đích, nguyện vọng rất cá nhân sau khi thí nghiệm kết thúc thành công,… Jeremy Bates viết về cuộc đời của từng người trong sự đầu tư – không ai bị bỏ qua trong hành trình nghiên cứu này, ai cũng có tên trong phần credit (nếu thật sự có). Chính sự tỉ mỉ từng chi tiết đó lại khiến mình buồn cười vì các nhân vật, thật sự, có rất ít sự tương đồng với người khác, và điều khiến các cuộc đời họ đụng vào nhau, chỉ duy nhất là cuộc thí nghiệm này.
The Sleep Experiment có những lí thuyết về giấc ngủ, về tinh thần mà mình đánh giá khá cao, chúng cũng được tác giả sử dụng hiệu quả trong sách – không khiến mình mơ hồ trong biển kiến thức. Và vì được “phổ cập” kiến thức từ trước, mình lại đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, khi những thứ vốn phải tuân theo lí thuyết đó đã bẻ ngoặc theo hướng không thể lường trước. Sách không có phân đoạn jumpscares, tuy thế, mình vẫn rợn gáy vì những miêu tả hết sức chân thật trên cơ thể người – khi hai đối tượng đang trong trạng thái tự hại, chỉ tưởng tượng thôi đã không chịu nổi. Với không gian chật hẹp cùng thời gian gần như bằng không trong lúc đó, sự ngột ngạt bao lấy mình, có khi cũng đang bao lấy hai người họ. Không dừng lại ở đó, mình còn sợ hãi vì những suy nghĩ về sau mới được phát hiện của tiến sĩ Roy Wallis – vốn là mục đích ngay từ đầu của anh, quá vô cảm và chỉ nghĩ đến bản thân mình.
Từ những trang đầu tiên của sách, kết quả của cuộc thí nghiệm giấc ngủ đã được tiết lộ ngay lúc đó. Điều đó lại không ảnh hưởng đến sự kì vọng của mình – khi đọc đến cuối, thay cho nỗi thương cảm cho một tiến sĩ mạnh mẽ vượt qua khỏi sang chấn, lúc này mình chỉ thấy tự giễu. Mọi thứ (lại) không thể lường trước, điều sau càng quay ngoắt và đáng sợ hơn điều trước. Tuy thế, mình đánh giá cao những gì đọc được, cũng đánh giá cao tiến sĩ (dù mình ghét nhân vật này vô cùng). Kết thúc đối với mình có chút hụt hẫng, nhưng để gấp lại cuốn sách trong sự thoải mái, mình vẫn cảm thấy như thế là ổn.
Dịch thuật trong The Sleep Experiment có thể nói trên mức ổn, có nhiều kiến thức chuyên ngành nhưng người ngoại đạo như mình không thấy khó hiểu, càng khiến mình thưởng thức cuốn sách trọn vẹn hơn. Mình cũng chưa thấy lỗi chính tả nào trong lần đọc này, nên cảm xúc cũng không bị ngắt quãng giữa chừng. Bìa sách đợt tái bản này theo mình không đáng sợ bằng lần đầu, nhưng tổng thể lại khiến mình cảm thấy bí ẩn và nguy hiểm hơn. Xét trên thang điểm mười, mình mạnh dạn để The Sleep Experiment ở mức tám, số điểm hiếm hoi mình chấm trong năm nay.
Tuy chỉ đọc xong trong một buổi chiều, The Sleep Experiment để lại dư âm cho mình lâu hơn mình tưởng. Mình nghĩ bản thân chưa đủ “thép” để đọc lại trong thời gian gần, nhưng đây chắc chắn là cuốn sách mình muốn đọc nhiều lần nữa. Khi đó, hy vọng mình sẽ tìm được điều gì đó mới mẻ hơn, cũng biết cách viết hoặc phân tích về điều mình chú ý trong sách (haha). Bây giờ mình sẽ đi ngủ, sẽ ráng không nghĩ về giấc ngủ theo cách “mới” kia
– Nhật Du
***
Hôm trước tôi đặt mua cuốn sách khoa học "Sao chúng ta lại ngủ" của Matthew Walker, mục đích là cho con gái tôi đọc, để nó biết sợ mà đi ngủ sớm. Kết quả là mua sách cho nó xong nó đọc cuốn sách quên đi ngủ luôn, kế hoạch thất bại. Câu hỏi, "Sao chúng ta lại ngủ" là một trong những câu hỏi lớn của loài người, ngủ để làm gì, sao lại ngủ nhiều như vậy, không ngủ có được không, làm thế nào để không ngủ mà vẫn bình thường, ấy là chủ đề chính của "14 Ngày Đẫm Máu".
Dựa trên những cơ sở khoa học và những sự kiện có thật, như "người không ngủ" Thái Ngọc ở Việt Nam (Jeramy Bates có đưa case này vào sách luôn), suốt 50 năm qua, ông này không cần ngủ nhưng vẫn sống và sinh hoạt bình thường, không bệnh tật gì nghiêm trọng. Câu chuyện mở ra với việc một tiến sỹ khoa học đầu ngành về giấc ngủ quyết định làm một cuộc thử nghiệm với 2 tình nguyện viên, kế hoạch là không để cho họ ngủ bằng một loại khí kích thích, từ đó quan sát đo lường xem khi không ngủ họ sẽ ra sao, và sau cùng là tìm ra lý do "vì sao lại phải ngủ".
Bố cục sắp xếp của cuốn sách này rất mạch lạc, rõ ràng và cuốn hút, đủ các tình tiết để gắn kết, chi phối nhau. Các nhân vật có vai trò rõ nét, đầy đủ, thậm chí rất mang chất điện ảnh bởi nó cô đọng và khá điển hình. Từ đó thôi thúc ta đọc một mạch từ đầu đến cuối mà khó dứt ra được, dù là ta có thể đoán được kết cục "đẫm máu" của cái thí nghiệm kia.
Dù là đoán được kết cục, nhưng quả thực cách mà Jeremy Bates "bày biện" một bàn tiệc toàn là món nặng đô vào nửa cuối của truyện khiến ta cũng phải run rẩy và giật mình đôi chút. Sự "phóng bút" vượt tầm tưởng tượng, và đưa vào một giả thuyết đậm mùi tâm linh để lý giải cho việc chúng ta vì sao phải ngủ quả là mới mẻ và đáng để đọc, dù rằng kết cục hơi trơn tuột và thiếu chiều sâu trong việc khắc họa tâm lý vị tiến sỹ kia, vì lý do thích đáng phải làm cái thí nghiệm đến mức ấy.
Dù đây là một câu chuyện "giật gân" nhưng nó cũng ít nhiều mang lại được sự "cảnh tỉnh" nhất định trong một số khía cạnh, về số phận của các nhân vật khi quyết định một điều gì đó trong đời, như cô phụ tá tiến sỹ, 2 người quyết định tham gia thí nghiệm, bạn gái tiến sỹ ... mỗi quyết định sai lầm đều phải trả giá rất đắt. Và đương nhiên, đọc xong cuốn này ai cũng xác định là phải ngủ đủ giấc, không thì "bóng tối trước mắt sẽ bắt em đi" đấy.