Có những người trẻ đón thanh xuân của họ bằng nỗi sợ hãi về tương lai. Không mơ ước, không biết mình thích gì, muốn gì. Họ như những cỗ máy trưởng thành, lao vào một trường đại học nào đó, kiếm một công việc rồi lập gia đình. Katagawa nhận thấy điều này ở những người trẻ trong một xã hội Nhật đầy bất ổn với những khuôn phép, gò bó. Tác phẩm của ông được đông đảo học sinh, sinh viên Nhật yêu thích. Họ giới thiệu sách này cho nhau vì ông đã thắp lên cho họ ước mơ như câu nói nổi tiếng của Mahatma Gandhi, thầy giáo Miyashita thường nói với học trò: “Hãy sống như thể ngày mai ta sẽ chết. Hãy học như thể ta sẽ sống mãi”.
“Em cũng không muốn tò mò. Chỉ vì… anh có cả một cuộc đời, một câu chuyện, mà em thì đến trễ. Em chỉ muốn hiểu mọi thứ. Muốn hiểu anh”. Cô ngập ngừng, rồi nhỏ nhẹ: “Nếu không được nói về quá khứ, vậy có được nói về tương lai không?”. “Chẳng bao giờ có thể nói về tương lai cả, nếu em nghĩ cho kỹ. Ta chỉ nói được về những thứ mình tưởng tượng ra, ước ao tới. Những thứ đó đâu phải là tương lai”. Một đoạn trong cuộc hội thoại giữa Hanah, người đến sau và Tom, người bị mắc kẹt trong nỗi ám ảnh tội lỗi từ những lần mất con của vợ.
Xoay quanh số phận con người khi đặt họ trước những lựa chọn ảnh hưởng đến những người thân yêu nhất, Ánh đèn giữa hai đại dương cũng như bối cảnh đặc biệt mà M. L. Stedman đã chọn: ngọn hải đăng nằm ngay giữa Ấn Độ Dương và Nam Đại Tây Dương. Chúng hòa vào nhau và luân chuyển xoay chiếu vào lòng đại dương sâu thẳm như thể chiếu rọi vào cuộc đời ba con người ngỡ đã mòn mỏi do những đớn đau vì yêu.
“Thế giới thơ Nhã Thuyên vừa kỳ dị, vừa bình thản. Có một sự phóng túng cuồng loạn, một thế giới sống sót vĩnh viễn trong sự phá hủy vĩnh viễn. Tổn thương nhưng không ướt át xúc cảm, trái tim này bị phơi trần và nhịp đập của nó vang vọng. Dù có bị móc rỗng, nó vẫn đập” – Kaitlin Rees (Hoa Kỳ), người đang cùng Nhã Thuyên biên tập tạp chí văn chương AJAR nhận định như vậy về Từ thở, những người lạ. Tập thơ gồm 7 phần: chốn thân thiết ấy – dầu – lửa – tro – cầu hồn – từ thở, những người lạ – bất tận cuối, như thể tái hiện cuộc chu du “vô tiền khoáng hậu” của kiếp người. Nó hàm chứa mọi thứ, từ tâm lý, tâm thức, tính dục,… đến hiện thực đời sống, trầm tích văn hóa, lịch sử bằng cấu trúc lạ lẫm, hiện thực đa chiều, hư ảo xóa nhòa những dấu vết của các thủ pháp kỹ thuật bằng cảm xúc mạnh mẽ và tự nhiên.
Giới thiệu sách Lũ mục đồng là mang đến sự thơ mộng, hoang dại, đầy ám ảnh và quyến rũ qua tám câu chuyện về những đứa trẻ trong Lũ mục đồng toát lên ham muốn cao đẹp muôn thuở của nhân loại: hướng tới cuộc sống vượt lên trên những kìm kẹp và cạm bẫy của sự sinh tồn hiện đại. Tất cả những đứa trẻ ấy, giống như chú dê trong câu chuyện cuối cùng, đều biết “rất rất nhiều thứ, không phải những thứ ta tìm thấy trong sách vở, những thứ mà con người thường hay nhắc tới”. Đó là “những thứ dịu dàng mà mạnh mẽ, chứa đầy vẻ đẹp và sự huyền bí”.
30 bài viết là niềm yêu dấu vỡ òa của Minh Tự về mảnh đất quê hương. Từ chuyện cơm hến, chuyện mè xửng, tô bún bò, đọi bánh canh… đến đường kim mũi chỉ, vành nón bài thơ, những hoa cỏ tuyết sương, gốc mai lão trượng, những khu vườn Huế, cái “ngõ vắng xôn xao” trước chợ Đông Ba với thời tuổi trẻ quay cuồng hay mùi khói củi rơm và trên tất cả là những người Huế vô cùng đáng yêu như “hai ông Phan của Huế”…
Theo nhà văn Vĩnh Quyền, tác phẩm này vừa có dấu ấn một thời sống bên ngoài Huế, vừa có cách nhìn, cách nghĩ của nghề báo, làm nên sự khác biệt với những tác giả viết về Huế – “khúc ruột” bằng tinh thần cực đoan đáng yêu kiểu “không nơi nào có được” hoặc “chẳng thể nào đổi khác”.
Sau tai nạn xe buýt và cái chết của đứa em trai, Maya – bé gái 12 tuổi luôn bị gia đình quản lý chặt chẽ, vì mẹ Maya rất sợ mất đi cô con gái bé bỏng. Ngược lại, Maya rất khó chịu vì không được phép làm những gì mình muốn, cô luôn khao khát được chơi lướt ván, đi học bằng xe buýt một mình.
Một ngày, cả nhà Maya quyết định nhận Cat – cô bé 10 tuổi, làm con nuôi. Maya đã rất thích thú và muốn kết thân. Nhưng Cat lại rất bí ẩn và khó gần, không cần biết đến sự quan tâm của mọi người. Những biến chuyển tâm lý như mưa nắng của cả hai làm đảo lộn cả nếp nhà, tâm lý và quy tắc của gia đình.
Đây là loạt tiểu thuyết trinh thám gồm ba quyển: Đám mây chết, Băng đen, Con đỉa đỏ về thời niên thiếu của thám tử Sherlock Holmes. Mùa Hè năm 1868, Holmes rời gia đình sau một biến cố đến sống cùng người chú thím lập dị trong ngôi nhà rộng ở Hampshire. Với óc tò mò và bản năng phá án, Holmes dần khám phá ra âm mưu hiểm ác của một tổ chức tội phạm.
Những cuộc phiêu lưu và phá án của cậu bé 14 tuổi bắt đầu. Sách dành cho những ai yêu mến huyền thoại Sherlock. Tác phẩm được viết với sự đồng ý của những người thừa kế của nhà văn Conan Doyle.
elle.vn