Trong 9 truyện ngắn của tập '7 ngày trên sa mạc', Di Li thỏa sức sáng tạo để đi sâu vào những ngóc ngách trong tâm hồn, tâm lý con người. Và thình thoảng, lẩn khuất đâu đó, giới hạn giữa người - ma dường như mong manh.
Trong 9 truyện ngắn của tập '7 ngày trên sa mạc', Di Li thỏa sức sáng tạo để đi sâu vào những ngóc ngách trong tâm hồn, tâm lý con người. Và thình thoảng, lẩn khuất đâu đó, giới hạn giữa người - ma dường như mong manh.
"7 ngày trên sa mạc" là tập truyện ngắn gồm những sáng tác mới nhất của nhà văn Di Li.
Không giống nhiều sáng tác của các cây bút trẻ, thường lấy đề tài là cuộc sống gần gũi hàng ngày với không gian đô thị, va chạm trong tình yêu, sự cô đơn và nổi loạn trong cái tôi cá nhân... đến với truyện ngắn của Di Li, người đọc có thể bất ngờ vì nội dung truyện đa dạng, khai thác nhiều ngóc ngách lạ trong đời sống tinh thần của con người, đặc biệt là của giới thượng lưu.
Sau thành công với tiểu thuyết trinh thám và kinh dị Trại hoa đỏ, cái tên Di Li vô tình gắn liền hình ảnh cô gái có khả năng "nhát ma" người đọc qua các trang viết. Thế nhưng, tập truyện ngắn 7 ngày trên sa mạc cho thấy Di Li đang chứng tỏ sự chuyên nghiệp của ngòi bút ở chỗ có thể khiến độc giả không nhàm chán qua những câu chuyện hư cấu mang nhiều phong vị.
Đầu tiên phải kể đến là truyện dài được chọn đặt tên cho cả tập sách, truyện 7 ngày trên sa mạc. Câu chuyện là hành trình của người đàn ông, sau vấp ngã cay đắng trong tình trường và thương trường, đã dấn thân vào hành trình tìm đến con đường giác ngộ trong cõi Phật. Đi từ chỗ ngộ nhận cái chết là sự giải thoát tuyệt đối, người đàn ông nhận ra rằng sự sống mới thật là điều đáng quý và còn dám sống nghĩa là ông ta mới thật sự đặt chân trong chuyến đi về Niết bàn. 7 ngày vượt qua "sa mạc" của sự thất vọng, hoang mang, hoài nghi vì bị phản bội, rốt cuộc nhân vật chính trong truyện tìm thấy lại được niềm tin để làm lại từ đầu.
Với kỹ thuật viết chắc tay, trí tưởng tượng phong phú, Di Li xây dựng nhiều câu chuyện có kết cấu chặt chẽ, hấp dẫn. Đọc truyện Giếng, người ta cảm nhận được không khí lạnh lẽo, nỗi khiếp sợ mà "đại gia" Andy Phúc (nhân vật trong truyện) phải đối mặt khi nhận luật nhân quả. Andy Phúc thuộc về giai tầng thượng lưu, hắn tự cho mình quyền quyết định số phận của người làm thuê, người nghèo khó. Nhưng rốt cuộc, sự ám ảnh tâm linh đã chế ngự bản chất kiêu ngạo và háo thắng của hắn.
Trong Viên kim cương đen, người đọc lại một lần nữa rùng mình khi nhận ra, trong thế giới của những kẻ lắm tiền, những kẻ trục lợi, tình yêu và tình người đã bị biến dạng. Một đôi vợ chồng giàu có ngoại tình. Một đôi tình nhân trẻ giăng bẫy đôi vợ chồng, đua xem ai về đích trước trong kế hoạch chiếm đoạt gia sản. Thế nhưng, kết cục bất ngờ khi kẻ giăng bẫy cũng chính là người bị sa vào chiếc lưới mưu mô.
Kể truyện "ma" mà như không có "ma" là một nét tài tình trong ngòi bút của Di Li. Trong Ảo mộng, một nhóm chơi ảnh trên diễn đàn hẹn nhau đi chụp hình mẫu người đẹp tại ngôi nhà hoang. Trong không gian huyền ảo của sự sáng tạo, người và "ma" dường như đang sống trong thế giới của nhau và "trêu" nhau với trò tinh nghịch.
Tuy vậy, bên cạnh ngòi bút sắc, lạnh, sự hài hước và tiếng cười còn là nét hấp dẫn riêng của Di Li. Ở Lớp học lắng nghe, nhà văn mổ xẻ tâm tính của con người, ở đó người ta thăng tiến bằng thủ đoạn, mưu mẹo hơn là bằng thực tài và sự chân thành. Chính chiếc mặt nạ nhiều kẻ khoác cho mình khiến họ tự trì níu sự phát triển của bản thân và của tập thể.
Tiếng cười hóm hỉnh của Di Li còn được bắt gặp qua nhiều truyện ngắn như: Đôi khi tình yêu vẫn hay đi lạc đường, Hai người trên hoang đảo, Điện hoa... Ở đấy, tác giả không ngần ngại chỉ ra thói hư tật xấu của con người qua nhiều tình huống trớ trêu.
Thoại Hà
***
Mời các bạn đón đọc
7 Ngày Trên Sa Mạc của tác giả
Di Li.