Hiện nay, có rất nhiều công cụ giúp con người tối ưu hóa thời gian và tăng tốc độ xử lý công việc. Từ những ứng dụng quản lý thời gian trực tuyến được tải và cài trên điện thoại một cách dễ dàng, đến những tài liệu, sách báo truyền thống đều đưa ra chỉ dẫn về cách sắp xếp giải quyết công việc sao cho đạt hiệu suất cao nhất đều là công cụ hữu ích.
Nhưng tất cả phương tiện, công cụ ưu việt đến mấy sẽ không hữu dụng nếu chúng ta bỏ qua sự tôn trọng giới hạn của bộ não con người, vì hiệu quả thực hiện chúng phụ thuộc rất nhiều vào tư duy và thói quen hàng ngày được điều khiển bởi bộ não.
Vì vậy, thiết lập tư duy đúng đắn và luyện tập kỹ năng với tần số liên tục để bộ não thích nghi và biến những hành vi tốt trở thành “bản năng thứ nhì” chính là chìa khóa để chúng ta đạt được hiệu suất trong công việc và cuộc sống.
Thiết lập tư duy đúng đắn và “bản năng thứ nhì” có nghĩa là bạn “biết điều gì là đúng” và “làm được những điều đó thuần thục, thành thạo như bản năng”.
Khái niệm tưởng như phức tạp này được “gỡ rối” trong cuốn Kiến tạo tương lai của chính bạn - 8 cách thay đổi thói quen để tối ưu hóa hiệu suất trong công việc và cuộc sống. Cuốn sách của Tiến sĩ Jason Selk và Tom Bartow đưa ra bộ 8 quy tắc cốt lõi nhưng đơn giản và có tính ứng dụng cao để xây dựng thói quen tích cực cho cá nhân.
Sách Kiến tạo tương lai của chính bạn. |
Có thể tóm tắt 8 quy tắc mà cuốn sách đưa ra như sau:
1. Hoạch định ngày mai ngay hôm nay: Luôn lên kế hoạch cho công việc và cuộc sống mỗi ngày. Viết chúng ra giấy thay vì gõ bằng máy tính hay lưu trên điện thoại.
2. Lựa chọn sáng suốt: Dù là công việc hay cuộc sống, đừng ôm đồm muốn làm xong tất thảy mọi việc. Hãy tập đặt ra thứ tự ưu tiên từng việc và chọn ra “3 việc quan trọng, 1 việc bắt buộc phải làm” trong ngày và chỉ tập trung hoàn thành việc quan trọng nhất cho xong rồi mới chuyển sang việc khác.
3. Tối đa hóa thời gian: Tận dụng mọi khoảng thời gian dù là nhỏ nhất để giải quyết một công việc cụ thể hoặc thực hiện một hành động thể hiện sự quan tâm tới người bạn yêu thương (cha mẹ, bạn đời, con cái, bạn bè, đồng nghiệp...)
4. Vượt qua đấu tranh nội tâm: Không nản chí trước khó khăn, không bị chi phối bởi yếu tố bên ngoài, kiên trì làm xong việc mới thôi.
5. Đánh giá đúng đắn: Học cách đánh giá kết quả và năng lực bản thân, từ đó tìm ra phương pháp thích hợp với từng sự việc.
6. Độc thoại tích cực: Tập cho mình khả năng động viên khích lệ tinh thần của bản thân thay vì chờ đợi sự cổ vũ bị động từ bên ngoài.
7. Giao tiếp hiệu quả: Tập luyện khả năng truyền đạt những suy nghĩ tới mọi người, vì bạn không sống một mình mà đang sống trong một cộng đồng. Do vậy việc bạn truyền đạt hiệu quả suy nghĩ của mình sẽ giúp công việc và cuộc sống của bạn được cải thiện không ngừng.
8. Trở nên phi thường: Nếu đã thành thạo 7 kỹ năng trên thì dù gặp khó khăn gì, bạn cũng sẽ đương đầu được, khi đó, bạn đã trở nên phi thường chứ không phải gồng mình để thành người phi thường.
Sở dĩ cuốn sách được đặt tên là Kiến tạo tương lai của chính bạn vì nhóm tác giả quan niệm rằng tương lai của chúng ta không phải là một thứ gì đó xa xôi, khó hình dung mà thực chất là kết quả của những hành vi và sự nỗ lực nhỏ nhất mỗi ngày và nó được biểu hiện thông qua sự tư duy và những thói quen nhỏ.
Các phương tiện, công cụ dù ưu việt đến mấy cũng chỉ phát huy khả năng dưới năng lực vận hành của bộ não. |
Hãy coi 8 quy tắc này là một thực đơn gồm những “món ăn tinh thần” tương đương các chiến lược cải thiện hiệu quả. Trước mặt bạn có 8 món cả thảy. Hãy nếm thử tất cả các món rồi bắt đầu chọn ra 3 món ăn hấp dẫn nhất và từ đó chọn tiếp một món mà bạn ưa thích nhất làm món chính để tập trung thưởng thức. Qua thời gian, bạn có thể tích lũy mỗi lúc một nội dung và dần dần, thói quen sống hay thói quen trong xử lý công việc của bạn sẽ được điều chỉnh tự nhiên ngay lúc bạn không ngờ tới.
Các quy tắc đều đơn giản và đi thẳng trọng tâm, nhưng đây không phải kiểu kế hoạch giúp bạn “thành công trong chớp mắt”. Bạn sẽ phải tốn công sức, thay đổi một số thói quen thì mới nhìn thấy được sự tiến bộ.
Sách Kiến tạo tương lai của chính bạn hướng dẫn từng bước để tự vẽ nên “bản vẽ chi tiết mô hình thành công trong công việc và cuộc sống cho riêng mình”. Nếu không xem đó là thành công lớn lao thì chí ít bạn cũng tích lũy được từng thành công nhỏ và xây dựng thói quen hiệu quả trong dài hạn, từ đó giải tỏa đáng kể căng thẳng công việc và cải thiện chất lượng cuộc sống.