Tác phẩm best-seller Ai rồi cũng chết! được viết bởi Atul Gawande, một bác sĩ phẫu thuật đã dành nhiều năm cuộc đời mình để nghiên cứu và làm sáng tỏ những giới hạn của y học. Kể từ cuốn sách đầu tiên đạt giải thưởng sách quốc gia Phức thể, bác sĩ Gawande nỗ lực dùng ngòi bút của mình để truyền đạt đến với độc giả thông điệp "Dù cho các công nghệ y khoa và chữa bệnh có tân tiến đến đâu, bác sĩ vẫn chỉ là con người và là con người, tất cả đều hữu hạn". Đến tác phẩm Ai rồi cũng chết!, ông đã mạnh dạn động chạm đến chủ đề có sức nặng này.
Giữa một thế giới hiện đại tôn thờ tuổi trẻ và vật chất công nghệ, nơi quá nhiều người tin rằng mình còn có thể sống rất lâu, các công nghệ y học sẽ giúp chúng ta trường thọ, không mấy ai sẵn sàng đối diện với sự thật: tuổi xuân sẽ nhanh chóng qua đi, cơ thể rồi sẽ sa sút bệnh tật, sẽ mất đi khả năng làm được những điều mình thích và cuối cùng cái chết sẽ đến.
"Một cuốn sách mà tất cả những người 'còn thở' cần phải đọc", Elise L.Hesseron nhận xét. |
Trong cuốn sách, bác sĩ Gawande không ngần ngại kể lại bi kịch xảy ra trong chính gia đình ông về sự mong manh của sinh mệnh con người, để người đọc cảm nhận và trải nghiệm những gì họ đã phải trải qua. Ông viết: "Nếu chúng ta sống để được độc lập và tự do làm điều mình muốn, thế thì chúng ta có thể làm gì khi không còn đủ sức duy trì sự tự do đó nữa?".
Nhà trường dạy kiến thức. Xã hội dạy những kỹ năng để làm việc và để sống. Nhưng không nơi nào, không ai dạy cho chúng ta kỹ năng đối diện với cái chết. Vậy nên, thừa nhận giới hạn của bản thân và sống tốt khi còn có thể, là điều khiến ta không phải day dứt khi hấp hối.
Thông điệp này được truyền tải rất rõ qua những câu chuyện thực tế, bác sĩ Atul Gawande góp nhặt trong cuốn sách. Đó là số phận của các cụ ông, cụ bà từng năng động thời trẻ, nay phải sống mòn trong viện dưỡng lão. Hay câu chuyện về bà mẹ trẻ vừa sinh con đã phải lãnh án tử vì một căn bệnh ung thư quái ác đến công nghệ y học tối tân nhất nước Mỹ cũng phải bó tay.
Cái chết, tuổi già hay bệnh tật đều là những chủ đề nhạy cảm và đáng sợ để nói đến. Thế nhưng, bằng nỗ lực không mệt mỏi và đầy tình yêu thương con người được đúc kết trong cuốn sách Ai rồi cũng chết!, bác sĩ Atul Gawande giúp độc giả nhìn nhận thực tế về sự hữu hạn của bản thân một cách trọn vẹn hơn. “Con người cảm thấy cuộc sống của họ có ý nghĩa khi và chỉ khi họ được quyền tự viết nên câu chuyện đời mình”, ông cho rằng cái chết không đáng sợ, điều đáng sợ nhất là việc chúng ta không thừa nhận nó mà phí hoài đời mình, không nỗ lực sống một cuộc sống ý nghĩa, nỗ lực đạt đến thành công, tận hưởng tình yêu thương và niềm hạnh phúc bên gia đình và những người thân yêu. Cuốn sách gửi đến thông điệp về sự cần thiết rèn luyện cho bản thân cái nhìn đúng đắn và thái độ sống tích cực để cuộc sống luôn đong đầy hạnh phúc.
Qua đây, người đọc thấm thía rằng, cuộc chiến quan trọng nhất của mỗi con người cho đến cuối đời chính là cuộc đấu tranh gìn giữ sự chính trực của bản thân. Nói cách khác, làm thế nào để sống một cuộc đời xứng đáng, được cống hiến cho đam mê, để được hạnh phúc bên cạnh những người mình yêu thương..., nhất là khi tuổi già và cái chết cận kề?