Trong thang bậc sĩ nông công thương theo sự phân công lao động xã hội ở các quốc gia Nha giáo, kẻ sĩ là tầng lớp đứng đầu, đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Nhưng quan hệ giữa họ với hệ thống chính trị không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, điều này dẫn tới sự hình thành của một nhóm xã hội được gọi là ẩn sĩ, những người có khả năng làm quan nhưng chủ động không bước vào hay ly khai quan trường.
Cuốn sách Ẩn sĩ Trung Hoa do tác giả Cao Tự Thanh dịch từ nguyên bản Hoa văn Trung Quốc cổ đại đích ẩn sĩ của tác giả Hàn Triệu Kỳ, thuộc tủ sách Trung Quốc cổ đại sinh hoạt tùng thư của Thương vụ ấn thư quán Quốc tế hữu hạn công ty, là một công trình tổng kết lịch sử ẩn sĩ ở Trung Quốc đáng chú ý. Với 14 phần: Nguồn gốc của ẩn sĩ; Vì sao ẩn sĩ ở ẩn; Diện mạo muôn hình muôn vẻ của ẩn sĩ; Ẩn sĩ trong mối quan hệ với chính trị đương thời; Tình hình cơm áo của ẩn sĩ; Tình hình cư trú của ẩn sĩ; Gia đình của ẩn sĩ; Quan hệ xã hội của ẩn sĩ; Ẩn sĩ với việc ngao du sơn thủy; Ẩn sĩ với thơ; Ẩn sĩ với học thuật và nghệ thuật; Ẩn sĩ với trà; Ẩn sĩ với rượu và Ẩn sĩ với việc dưỡng sinh, tác giả đã bước đầu phác họa một cách khá toàn diện về diện mạo của đội ngũ ẩn sĩ suốt mấy ngàn năm ở Trung Quốc.
Mặc dù các cứ liệu được khảo sát và dẫn chứng trong quyển sách này chủ yếu lấy từ lịch sử Trung Quốc cũng như tác giả chỉ mới dừng lại ở chỗ bước đầu phân loại và hệ thống hóa chứ chưa nêu được những kiến giải sâu sắc về ẩn sĩ, công trình này vẫn có những giá trị gợi mở nhất định, có thể là một tác phẩm bổ ích về cả kiến thức lẫn nhận thức không những với người đọc Trung Quốc mà còn cả với người đọc Việt Nam.
Mời các bạn đón đọc
Ẩn Sĩ Trung Hoa của tác giả
Hàn Triệu Kỳ.