Bạn đã bao giờ cảm thấy ức chế với cách hành xử và những quyết định của nữ chính trong những bộ ngôn tình cẩu huyết? Bạn đã bao giờ nghĩ: “Nếu là mình, mình tuyệt đối không làm như thế” Tác giả Mậu Lâm Tu Trúc sẽ giúp bạn thử đặt mình vào cương vị nữ chính ngôn tình, không chỉ một lần mà những ba lần qua bộ truyện “Ba lần đi thi thái tử phi”.
Vương Lâm, nhũ danh A Ly, là một cô gái bình thường như tôi và các bạn, điều khác biệt duy nhất là chuyên ngành học của cô ấy có hơi… đặc sắc: chuyên ngành cung đấu - trạch đấu khoa xuyên không trường Tấn Giang. Phải nói rằng các bậc tiền bối đàn chị của A Ly đều là những anh tài xuất chúng, bất kể bị vứt vào hoàn cảnh nghiệt ngã thế nào, mặc cho mọi người xung quanh khinh thường chèn ép ra sao, họ cũng luôn duy trì được hào quang rực rỡ của nữ chính, không chỉ thế còn tạo ra màn kết thúc hoành tráng cho bản thân.
Lại nói về A Ly, xét về mọi mặt học lực của cô nàng chỉ có thể xếp loại trung bình. Chính vì lẽ đó, trong lần thi thứ nhất, mặc dù đã may mắn được giao cho đề thi cực kỳ “dễ thở”, A Ly vẫn chỉ có thể trầy trật qua ngày. Xuyên không về thời cổ đại, sinh ra với thân phận một thiên kim tiểu thư của một gia đình danh gia vọng tộc, được cả gia đình yêu thương, chiều chuộng, A Ly vẫn mất kha khá thời gian để hoà nhập vào cuộc sống mới, mọi người thậm chí còn tưởng cô nàng hơi… đần độn.
Ngay khi A Ly bắt đầu bắt kịp nhịp sống của thời đại này, duyên phận đưa đẩy lại giúp cô thuận lợi trở thành Thái tử phi. Đối tượng thành hôn của cô là Thái tử Tư Mã Dục. Để miêu tả vị Thái tử này, chỉ có thể dùng một từ “khó đỡ”. Ghét thầy giáo, muốn trốn học thì ăn cả đống bã đậu đến mức suýt ngộ độc chết tươi. Bị cấm tham gia yến hội đón tiếp sứ thần, không cam lòng thì giả trang thành cung nữ xinh đẹp khiến sứ thần mê đắm mê đuối. Và giờ tên trời đánh đó trở thành nam chính trong đề thi của A Ly.
A Ly đương nhiên hiểu rõ để có thể thi đỗ, cách nhanh nhất chính là chiếm được tình cảm của Tư Mã Dục. Nhưng hai đứa trẻ mười mấy tuổi còn chưa trưởng thành, chưa từng quen biết nhau thì sao có thể dễ dàng hiểu được tình yêu. Giữa A Ly và Tư Mã Dục từ từ hình thành một thứ tình cảm trong sáng, thuần khiết, trên mức tình bạn nhưng lại chưa thể gọi là tình yêu. Nếu phải đặt tên cho thứ tình cảm đó, A Ly có lẽ sẽ dùng từ “thích”.
Đời người có đôi khi đi vào ngõ cụt cũng chỉ vì một lần lỡ nhịp. Chỉ vì một khắc chần chừ của A Ly cùng một phút ngộ nhận của Tư Mã Dục, câu chuyện của hai người mãi mãi đi vào ngõ cụt ấy. Nhiều năm sau đó, khi A Ly quyết định tử bỏ bài thi này, khi nàng ngã xuống trong vòng tay Tư Mã Dục, nàng chỉ còn một ước nguyện cuối cùng: kiếp sau xin đừng gặp lại.
Vào lần thi thứ hai, từ những kinh nghiệm đau thương của lần thi trước, A Ly quyết định chuyển hướng mục tiêu. Kiếp này, A Ly tìm mọi cách để tránh không gặp gỡ Tư Mã Dục, đồng thời cố gắng bồi đáp tình cảm với nam chính tiềm năng mới - Tạ Liên.
Nói về tính cách, Tạ Liên và Tư Mã Dục đích thực là hai thái cực hoàn toàn trái ngược nhau. Tư Mã Dục ngây thơ, nồng nhiệt và ngang ngạnh bao nhiêu thì Tạ Liên chín chắn, trầm tĩnh và văn nhã bấy nhiêu. Chàng đối với A Ly vừa dịu dàng, tinh tế lại chân thành. Ngay từ khi còn nhỏ, chàng đã xác định A Ly là người vợ tương lai của mình. Tạ Liên như một dòng suốt trong trẻo, ngọt ngào chảy dọc theo những tháng ngày niên thiếu của A Ly, biến nó thành một vùng đất nhỏ trong hồi ức, yên bình, xinh đẹp, rực rỡ cỏ và hoa.
Thế nhưng, ngay cả trong quãng thời gian êm đềm, hạnh phúc nhất, giữa Tạ Liên và A Ly vẫn tồn tại một bóng dáng mang tên Tư Mã Dục. Khác với kiếp đầu tiên, kiếp này Tư Mã Dục thích A Ly, thích ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cậu cũng biết Tạ Liên, người bạn thân chí cốt của cậu cũng thích A Ly, vậy thì cậu sẽ cùng Tạ Liên cạnh tranh công bằng. Chỉ có điều A Ly lại nhất quyết không cho cậu dù chỉ một cơ hội nhỏ nhoi. Cậu cứ cố gắng và chờ đợi, rồi lại cố gắng rồi lại chờ đợi. Cũng chỉ chờ một cái quay đầu của A Ly.
Thực ra, từ sâu trong thâm tâm, A Ly biết cô vẫn yêu Tư Mã Dục, thế nhưng nỗi đau vẫn còn âm ỉ từ kiếp trước không cho phép cô tự đẩy mình vào ngõ cụt một lần nữa. Kiếp này Tạ Liên đối với A Ly vẫn là sự lựa chọn an toàn. Nhưng “người tính không bằng trời tính”, A Ly một lần nữa trở thành Thái tử phi. Nếu đây đã là sự sắp đặt của số phận, A Ly sẽ chấp nhận, chấp nhận để bản thân mình yêu vị Thái tử ngốc nghếch này một lần nữa.
Cho tới khi trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay Tư Mã Dục, A Ly mới nhận ra mình đã sai rồi. Đối với những vị giám khảo khó tính đang dõi theo câu chuyện của cô, “yêu” chưa bao giờ là một kết thúc đủ đẹp đẽ. Trong cuộc thi khốc liệt này, không tồn tại một sự lựa chọn an toàn nào cả, chỉ có hào quang nữ chính mãi toả sáng mà thôi. Một bước đi sai lầm của A Ly sẽ mãi mãi là nỗi đau khắc sâu vào trái tim Tư Mã Dục. Chỉ trong một nháy mắt, thời gian trôi ngược, cảnh vật như xưa, chỉ có người trong cuộc nguyện ngủ vùi không bước tiếp…
***
“Ba lần đi thi Thái tử phi” thực sự là một bộ truyện khiến mình cảm thấy khó đánh giá. Nếu nói là hay thì không phải, mà nếu nói là dở thì cũng không đúng.
Không thể phủ nhận, truyện có motif khá mới lạ và sáng tạo. Tuy nhiên, đáng tiếc rằng ngòi bút của Mậu Lâm Tu Trúc lại chưa đủ chắc tay để tạo nên một tác phẩm xuất sắc. Có những tuyến nhân vật chưa được khai thác triệt để, có những nút thắt được tháo gỡ một cách hơi… dễ dàng, có những tình tiết bí ẩn chưa được bật mí theo cách đủ hấp dẫn và quan trọng nhất là chưa tạo được cao trào cần có cho bộ truyện.
Nhưng bên cạnh đó, truyện vẫn có khá nhiều điểm sáng hấp dẫn. Đầu tiên phải nói tới tuyến nhân vật phong phú. Mỗi nhân vật trong “Ba lần đi thi Thái tử phi” đều mang một màu sắc rất riêng, vừa tưng tửng hài hước vừa có chiều sâu nhất định. Nếu bạn đọc tới những chương cuối cùng, bạn sẽ nhận thấy thực ra không có nhân vật nào mang tính phản diện. Dù là “tiểu tam” Tả Giai Tư hay Thái hậu, họ đều không phải người xấu. Họ chỉ là những con người bình thường, có những nỗi khổ riêng, có những mong muốn vị kỉ và có cả những quyết định sai lầm.
Mà bàn về những quyết định sai lầm thì không thể không nói tới nữ chính A Ly. Sẽ có những lúc bạn mất kiên nhẫn với sự khù khờ, bị động của cô ấy, nhưng đừng lo, có cả một ban giám khảo nghiêm khắc và soi mói sẽ thay bạn mắng cho cô nàng tối tăm mặt mũi. Nhưng đồng thời, A Ly cũng nói ra những suy nghĩ không chỉ của riêng cô ấy mà còn đại diện cho một bộ phận lớn độc giả để chỉ trích mấy vị “mẹ ghẻ”. Tại sao luôn đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với độ “sạch” của nam chính như vậy? Tại sao nữ chính đã từ chối nam phụ nhưng vẫn bắt chàng phải “trung trinh” với mình cả đời mà không thể đi tìm hạnh phúc riêng? Quá là vô lý rồi (=__=||||)
Cuối cùng, ưu điểm lớn nhất phải kể đến văn phong của tác giả. Nếu như ngòi bút của Mậu Lâm Tu Trúc failed hoàn toàn trong những tình tiết cung đấu thì trong những phân đoạn tình cảm, tác giả lại hoàn thành khá xuất sắc. Tình cảm thanh mãi trúc mã trong sáng, thuần khiết giữa A Ly và Tạ Liên, tình yêu vừa đơn thuần vừa day dứt, vừa đau đớn lại vừa ngọt ngào giữa A Ly và Tư Mã Dục, tình cảm lặng lẽ, êm đềm, đầy thấu hiểu và vị tha giữa Tạ Liên và Hoàn Đạo Liên… tất cả đều được miêu tả một cách tinh tế và uyển chuyển qua văn phong của Mậu Lâm Tu Trúc.
Mọi mảnh ghép tình cảm đều được khắc hoạ tỉ mỉ và đẹp đẽ. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu các bạn mong muốn nam chính là Tạ Liên hay Vệ Lang thay vì Tư Mã Dục. Nhưng đến cuối cùng, người bạn thanh mai chờ bạn trong trời mưa phùn ngày đó sẽ tìm được người vợ dịu dàng chỉ thuộc về anh, người anh trai cùng bạn lang thang khắp phố phường hồi ấy cũng sẽ tìm được người con gái giúp anh biết thế nào là yêu. Còn nam chính sẽ là người đi với bạn đến những chương cuối cùng.
Bởi vì đó không chỉ là câu chuyện về tình yêu nam nữ, đó là câu chuyện về cả một thời thiếu niên.
Review by #Linh_Hy Tần - fb/ReviewNgonTinh0105
***
Đó là một ngày rất lâu sau đó.
Sau nghìn hô vạn hoán, A Ly rốt cục cũng thành con chồn hương mẹ(*).
(*) có giải thích về tên mụ của A Ly ở chương 2.
A Ly:..... Không phải bạn nói là mình bị vô sinh sao?!
Dung Khả: =___= Mình chỉ suy đoán, đoán mò chút thôi mà. Hơn nữa suốt kiếp đầu tiên bạn cũng có đẻ được đâu!
A Ly suy nghĩ một chút, suốt kiếp đầu tiên bản thân đã ngập lụt trong sự hồ đồ, đến tột cùng cô đã ăn phải bao nhiêu thứ mà người ta lén bỏ vào, e rằng có muốn biết cô cũng đã không thể tìm hiểu được nữa.
Lúc tiểu Thái tử chào đời, cậu đã mũm mĩm y như heo con, A Ly cảm thấy cái tên A Đồn(heo con)này rất có hình tượng. Nhưng Tư Mã Dục tuyệt đối không cho con mình dẫm vào vết xe đổ của cha nó, mỗi lần nói ra tên mụ là mọi người phải cố gắng nhịn cười. Anh suy nghĩ mất một lúc lâu, rồi quyết định gọi cậu là Khuyển Tử(chó con).
Tiểu Thái tử: T__T...... Hai người đủ rồi!
Vẫn là Thái Hậu không nhịn được nữa, mới bảo gọi là Bát Nhã(là trí tuệ trong kinh Phật)—- từ khi thăng chức thành Thái hậu, bà bắt đầu tín Phật, người khác tín Phật thì thắp hương lạy Bồ Tát rồi chép sách kinh, còn khi bà tín Phật thì chỉ đi học Phạn ngữ(tiếng Ấn Độ cổ)để dịch kinh thư, thử nghĩ mà xem người mới nhập môn mà đạt đến trình độ như vậy, A Ly không khỏi cảm thán đây chính là cảnh giới. Có thể để cho tiểu Thái tử gần gũi với bà nội thông tuệ nhường ấy, còn gì A Ly tốt hơn. Danh tự của Thái tử cứ thế được định đoạt.
Có con trai rồi, Tư Mã Dục vui vẻ lên nhiều. Từ khi Thái tử phun nước bọt phì phèo, anh liền mỗi ngày kiên trì trò chuyện với cậu mất nửa canh giờ, anh kiên quyết muốn bồi dưỡng cho con trai gần gũi với bên nội hơn, để chặt đứt tình cảm mẹ con đơm hoa kết trái. Tiểu Thái tử bị cha đoạt mất đồ chơi thì nhăn mặt, đối với hành động khiều tay khiều chân chỉ còn cách quẫy đạp né tránh, rồi dùng vẻ mặt cau có “Đừng lộn xộn” nhìn anh. Chỉ có điều, thằng nhóc này có tính cách giống hệt A Ly, thích nghe giảng đạo lý. Những lúc đó, Thái hậu đều nhịn không được muốn quăng cái trống lắc vào mặt Tư Mã Dục, cậu nhóc lại còn kiên trì không khóc không nháo cũng không động tay động chân, ra vẻ tràn đầy thương hại nhìn Tư Mã Dục. Nghĩ thầm cũng thật đáng thương, mất mặt đến độ đó, người làm mẹ như bà sao có thể quản được nữa chứ?
Thái hậu sâu sắc bày tỏ: con có thể hiểu chuyện bằng một nửa cháu nội đã là tốt rồi......
Thật ra thì Tư Mã Dục có một phần mong đợi nho nhỏ mà người khác không biết.
Anh cảm thấy hai người họ đã có con trai rồi, đại khái A Ly sẽ không nỡ hóa phượng hoàng bay đi. Cho dù cô có muốn vứt bỏ anh, để anh không biến thành chó dại đi cắn người lung tung, tốt xấu gì cũng đã có thêm thằng con trai đứng cùng chiến tuyến với anh, có thể sử dụng nó một cách ôn hòa để ép A Ly suy nghĩ lại. Cho dù đến cuối cùng cô vẫn phải đi, thì ít nhất cô không thể mang con trai theo được, cho đau lòng chết cô luôn, để cô cả đời không thể yên ổn mà sống được! Hơn nữa, đợi đến khi con trai trưởng thành và anh cũng sắp gần đất xa trời, anh sẽ tố cáo tất cả cho nó biết, năm đó A Ly đã giả dối, đã lợi dụng anh thế nào, rồi lại tàn nhẫn vứt bỏ anh ra sao.
Đáng tiếc là, Thái tử vẫn kiên định mở rộng mục tiêu sống hướng về phe phái của mẹ — hết cách, ai bảo trong mắt con nít, mẹ cho nó bú sữa dễ thương hơn nhiều so với người cha đem đồ chơi đến.
Mời các bạn đón đọc
Ba Lần Đi Thi Thái Tử Phi của tác giả
Mậu Lâm Tu Trúc.