Với Ba Người Bạn, nước Đức của Remarque không còn là những tòa nhà màu xám mà là một thành phố nhỏ mờ sương của những bụi tử đinh hương, một góc giáo đường, những quán rượu nhỏ nép mình trong làn mưa lất phất. Đó cũng không phải là đất nước của những bộ óc lạnh lùng lý trí mà là của những thân phận nhỏ bé dù bị trôi giạt đến bước đường cùng vẫn khao khát và chan chứa yêu thương. Đó là một nước Đức của tình cảm và mộng mơ, một nước Đức của nỗi buồn và cái đẹp.
Erich Maria Remarque (1898 – 1970) là nhà văn nổi tiếng người Đức. Ngoài kiệt tác Phía Tây không có gì lạ đầy xúc động, ông còn được yêu mến qua hàng loạt các tác phẩm chan chứa tình yêu dành cho con người và cuộc sống khác như Ba Người Bạn, Khải Hoàn Môn, Đêm Lisbon…. Năm 1931, ông được đề cử cả giải Nobel Văn chương lẫn Nobel Hòa bình.
Ba Người Bạn là tác phẩm Remarque cho ra mắt vào năm 1936 kể về cuộc sống nước Đức thời kỳ hậu chiến. Mặc dù không nổi tiếng như Phía Tây không có gì lạ nhưng với nhiều độc giả Việt Nam, đây lại là tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc nhất, thay đổi hoàn toàn cái nhìn của họ về đất nước và con người Đức, thậm chí là cả cách nhìn về cuộc sống.
Bạn đọc Việt Nam đã yêu mến Remarque (
Erich Maria Remarque - tên thật Erich Paul Remark, 1898 - 1970) - nhà văn Đức nổi tiếng, một trong những tiểu thuyết gia nhiều thành công nhất của thế kỷ hai mươi - qua các tác phẩm “
Phía Tây không có gì lạ”, “Thời gian để sống và thời gian để chết” do nhà xuất bản Văn Học giới thiệu. Remarque chiếm được hằng triệu con tim độc giả trên khắp hành tinh không đơn giản vì ông là một thiên tài văn học; đọc Remarque, ta tìm thấy ở nhà văn một tấm lòng đầy tình yêu thương con người, cảm thông với nỗi đau của con người, tha thiết mong cho tất thảy một cuộc sống hạnh phúc mà con người vốn dĩ xứng đáng được hưởng. Trái tim nhân đạo ấy không thể không ứa máu trước những sự thật tàn khốc mà hai cuộc đại chiến thế giới đã gieo rẳc cho nhân loại, thiên tài văn học ấy không thể im tiếng trước những tội ác ghê tởm do chính bọn cầm quyền của đất nước mình gây ra. Năm 1933 bọn phát xít Đức buộc cho Remarque tội “phản bội những người lính cửa chiến tranh thế giới bằng văn học” và ra lệnh đốt các tác phẩm của nhà văn, năm 1938 ông bị tước bỏ quốc tịch Đức, buộc phải sang New York năm 1939 (1947 nhập quốc tịch Mỹ). Từ sau 1945, Remarque sống khi ở Mỹ, khi ở Thụy Sỹ, ông mất năm 1970 ở Locarno (Thụy Sỹ).
Cả thế giới biết đến Remarque qua hàng loạt tiểu thuyết của ông: “
Phía Tây không có gì lạ” (1929), “
Đường trở về” (1931), “
Ba Người Bạn (Chiến Hữu)” (1938), “
Hãy yêu những kẻ hậu sinh” (1941), “
Khải hoàn môn” (1946). “
Tia lửa sống” (1952), “
Thời gian để sống và thời gian để chết” (1954), “
Bia mộ đen” (1956), “
Đêm ở Lissabon” (1962), “
Bóng tối nơi thiên đường” (1971)…
Xuyên suốt các tác phẩm của Remarque là tính nhân đạo sâu sắc, là tiếng nói kiên định, không mệt mỏi chống lại cuộc chiến tranh phát xít phi nghĩa. Remarque không dùng những lời lẽ đao to búa lớn, không hô khẩu hiệu chống phát xít, nhưng các tác phẩm của ông đã bóc trần toàn bộ bản chất tàn bạo của chủ nghĩa phát xít, lột tả những cảnh địa ngục trần gian mà chiến tranh đã đưa lại. Biết bao số phận khổ nhục, ê chề, biết bao kiếp người phiêu dạt, tha hương không bến đậu, biết bao tình yêu tuyệt vọng, con người phải sống lẩn lút như loài vật, sống mà như đã chết… người đọc cùng đau xót với nỗi đau của tác giả, đau xót bao nhiêu, càng căm phẫn, ghê tởm bấy nhiêu cuộc chiến tranh do bè lũ phát xít gây nên. Thật dễ hiểu vì sao bọn phát xít lại thù ghét nhà văn, khiếp sợ ảnh hưởng văn học của ông đến thế.
Một mảng đề tài được Remarque khá quan tâm là số phận của những người cựu chiến binh Đức, những người phải gánh chịu trực tiếp hậu quả cuộc chiến tranh diễn ra ngoài ý muốn của họ. Tác phẩm “Ba Người Bạn” để lại ấn tượng hết sức sâu sắc bởi lẽ đã giúp ta thấy được cái hậu quả gớm ghiếc ấy dưới biết bao góc độ. Cốt truyện diễn ra vào những năm 20 của thế kỷ này, thời gian xen giữa hai cuộc đại chiến thế giới. Các nhân vật trung tâm là ba cựu chiến binh trẻ, ba “chiến hữu” trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Ba Người Bạn trong thời hậu chiến - những con người tiêu biểu cho cái “thế hệ vất đi” sau chiến tranh. Họ là những thanh niên bình thường, từng có những ước mơ bình thường: người muốn trở thành bác sĩ, kẻ muốn trở thành giảng viên đại học… nhưng đã bị buộc tham gia vào cuộc chiến tranh phi nghĩa. Tuy không bỏ xác ngoài trận tuyến như biết bao thanh niên đồng lứa với mình, Robby, Lenz và Koster đã bị chiến tranh cướp mất lẽ sống, họ thấy cuộc đời phi lý và trống rỗng, thể xác trẻ trung mà tâm hồn sớm già cỗi. Ngoài những giờ sửa chữa xe thuê, vật lộn kiếm sống, họ tiêu phí thời gian vào những đêm rượu chè, những phen phóng xe điên cuồng, những cuộc hoan lạc… để rồi lại về một mình đối diện với chính mình, cô đơn, trống rỗng, trong một gian buồng trọ tồi tàn. Ba Người Bạn gắn bó với nhau hết mình đương đầu với cuộc sống, trong khi thực ra họ cũng không hiểu sống để làm gì. Mối tình của Pat và Robby đã cho cuộc sống ấy chút ý nghĩa. Họ thấy mình cần thiết cho mối tình ấy, cho cô gái bất hạnh ấy, họ quên mình đến cảm động giúp cô gái chống lại bệnh tật. Nhưng đó chỉ là cuộc chống chọi tuyệt vọng của ba nạn nhân trực tiếp của chiến tranh hòng cứu cô gái là nạn nhân gián tiếp của chiến tranh; lớn lên trong những năm chiến tranh đói kém. Pat đã mắc chứng lao phổi, căn bệnh vô phương cứu chữa thời bấy giờ. Ba thanh niên lành mạnh bị xô đẩy vào cuộc chiến, bị biến thành những kẻ đồng lõa, để rồi sau đó bị quẳng sống vạ vật giữa cái xã hội hỗn mang thời hậu chiến. Với họ, chỉ có mất mát: Lenz mất mạng vì một bọn phát xít choai choai, Koster phải bán xưởng, bán chiếc xe mà anh yêu quý hơn chính cánh tay mình, Robby mất người yêu, cũng là mất cái mắt xích cuối cùng gắn anh với cuộc đời… Ai là kẻ có tội trước cuộc đời bỏ đi của họ? Cuộc chiến tranh phát xít.
“Ba Người Bạn” vẽ lên đầy đủ cuộc sống cơ cực của tầng lớp nghèo hèn nhất trong xã hội, những con người bị coi là hạng “cặn bã” phải chịu hậu quả ghê gớm của chiến tranh, để một nhóm kẻ cầm quyền hưởng lợi nhuận chiến tranh. Có lẽ không ai có thể cảm thông với đám cựu chiến binh hơn là các cô gái điếm và ngược lại. Họ đều là những người trẻ tuổi, nuôi những mơ ước bình dị, nhưng chiến tranh đã không cho họ cái cơ hội làm một con người bình thường. Nạn đói, nạn thất nghiệp, sự bỏ mạng của người chồng nơi chiến địa đã đẩy những người phụ nữ suốt đời chỉ mơ làm vợ làm mẹ ấy phải lao vào con đường bán trôn nuôi miệng. Remarque đã viết về họ, những nạn nhân đáng thương chứ không đáng trách ấy, với một ngòi bút đầy nhân đạo, vị tha. Dưới ngòi bút của tác giả, những nhân vật “cặn bã” này, những chàng trai cô gái bất hạnh “bỏ đi” này lại “người” hơn ai hết. Thật cảm động là những trang viết về tình gắn bó đùm bọc giữa họ với nhau, họ không thương lấy nhau thì còn ai thương họ nữa, vả chăng họ mất mát nhiều quá, thiệt thòi nhiều quá nên cũng quá cảm thông nhau. Những người như họ có quyền hưởng hạnh phúc, nhưng cuộc đại chiến thế giới thứ nhất đã thiêu ra tro quá khứ và hiện tại của họ, và đại chiến thế giới lần thứ hai đang rình rập hủy nốt cái gọi là tương lai không có tương lai của họ. Đói nghèo, thất nghiệp, mãi dâm - những nét tiêu biểu của xã hội Đức trong những năm cuối thập kỷ 20 thế kỷ này đã được Remarque mô tả một cách hết sức giản dị mà cực kỳ rõ nét, đầy đủ trong “Ba Người Bạn”. Các nhân vật của ông mỗi người khổ sở mỗi cách. Đó là Muttchen, một bà lão đêm đêm đứng đường với chảo xúc xích để cung phụng ông chồng nghiện moocphin, đó là Valentin, cựu chiến binh, nuôi ấn tượng quá khủng khiếp về cuộc chiến tranh, không còn biết bắt đầu lại ra sao với cuộc đời mình, suốt ngày ngập trong rượu mừng vì nỗi thoát chết; đó là Hasse, một viên chức cần mẫn, lúc nào cũng chúi mũi vào việc công sở, nơm nớp lo mất việc, không dám ăn tiêu, dè xẻn từng đồng phòng khi thất cơ lỡ vận, để đến nỗi bà vợ chịu không nổi bỏ đi, cuối cùng kẻ xấu số ấy thắt cổ tự vẫn; đó là F Grau, một họa sĩ có tài nhưng phải sống bằng nghề truyền thần ảnh người chết… Biết bao kiếp người bế tắc trong một xã hội bế tắc. Qua một chương thôi, Remarque đã cho ta thấy sự bế tắc tột cùng của những người Đức thời bấy giờ, họ đổ xô đến những cuộc hội họp chính trị, không cần biết mục đích của đảng phái chính trị ấy, họ tìm một cái gì đó thay cho tôn giáo để mà tin, để mà bấu víu, và dễ dàng trở thành những kẻ cuồng tín. Đó chính là cơ sở để chủ nghĩa phát xít phát triển, đi đến chỗ cầm quyền. Đã thấy bóng dáng của lũ người mặc áo bludông, những tên phát xít khủng bố được dung túng. Vả chăng Lenz cũng đã chết bởi bàn tay chúng.
“Ba Người Bạn” cũng như cả loạt tác phẩm có thể gọi là “chống chiến tranh” của Remarque hơn lúc nào hết vẫn mang tính thời sự nóng hổi, bởi hiện nay các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới đang đấu tranh không tiếc sức cho một hành tinh hòa bình không có chiến tranh, chống lại cuộc chiến tranh thế giới mới luôn đe dọa bùng nổ bởi bàn tay của các thế lực đế quốc và bọn phát xít mới. Giới thiệu với bạn đọc “Ba Người Bạn”, chúng tôi hy vọng thời gian tới đây có thể lần lượt cho ra mắt đầy đủ, có hệ thống, các tác phẩm nổi tiếng tiếp theo của Remarque, nhà văn lỗi lạc mà bằng sự nghiệp văn học của mình mãi mãi còn góp tiếng nói cho hòa bình.