Từ biệt Berlin của Christopher Isherwood nằm đâu đó giữa một cuốn nhật ký chân thực và một tiểu thuyết văn chương hư cấu, hé mở và phơi lộ một xã hội từng hào hoa nay đã biến mất.
Sách Từ biệt Berlin xuất bản tại Việt nam qua bản dịch Đoàn Duy. |
Cái tên ban đầu mà Isherwood lựa chọn cho cuốn sách không phải là Từ biệt Berlin (Goodbye to Berlin) mà là The Lost, để chỉ cái đã chết, đã mất đi, đã vĩnh viễn không còn nữa. Cái tên nghe có vẻ “khoa trương” (lời của tác giả) và chung chung đó cuối cùng đã được đổi lại thành Từ biệt Berlin; nó gắn với một địa danh (thậm chí là một mốc thời gian nhất định): Berlin - thủ đô nước Đức, và nó còn gắn với hành động cụ thể: một lời giã biệt.
Từ biệt Berlin bao gồm sáu truyện ngắn nối kế nhau ơ hờ, thoát thai từ những trang nhật ký cùng những bản phác thảo của Christopher Isherwood. Ở đó, tác giả tự nhận mình là "cái máy ảnh với màn trập mở, hết sức thụ động, ghi hình, chứ không suy tư"; và “chỉ là một con rối tiện lợi của nghệ sĩ nói tiếng bụng, chứ không phải một gì khác”.
Tuy nhiên, sáu truyện ngắn này lại kết nối một cách liền mạch, mỗi truyện là một mảnh ghép tạo nên một chương rất quan trọng trong cuốn tiểu thuyết đầy suy tư, trước một thực tại đang dần tan biến không gì có thể vãn hồi.
Từ biệt Berlin mở ra bằng “một bản nhật ký”, với những gì vui tươi và sinh động nhất của những con người đủ mọi quốc tịch, mọi ngành nghề với thiên hướng, sở thích, lối sống đa dạng tụ họp lại ở Berlin. Isherwood vào vai chính mình, gặp gỡ và kết thân với những con người xa lạ đó rồi trần thuật lại câu chuyện, với vai trò là chứng nhân.
Chương đầu tiên là một thế giới vẫn còn tươi sáng, ở đó có bà chủ nhà trọ hiểu chuyện đời và dễ mến, có nhân viên quán bar tính tình dễ chịu; có giọng ca nhạc jazz xuất sắc và có cô gái điếm nhưng vẫn sống hết sức tử tế.
Tuy nhiên, từ chương thứ 2 Sally Bowles trở về cuối cuốn sách, cái đẹp dần biến mất, màu sắc tươi sáng dần thay thế cho những thực tế phũ phàng, những nhân vật tốt đẹp dần biến chất, những nhân vật mới có nét bí ẩn, u uất riêng.
Sách Từ biệt Berlin viết về thủ đô nước Đức giai đoạn chủ nghĩa quốc xã lan rộng. Ảnh: Nhã Linh |
Tiểu thuyết gia là một người kể chuyện trung thực, không đóng vai quan toà - phán xét hay bào chữa cho những nhân vật đại diện trong truyện. Anh chỉ đơn giản là kể lại, để từ đó dần lộ ra những thứ vốn phải hé lộ. Và cuối cùng cái gì đến cũng phải đến, “bóng ma” chủ nghĩa quốc xã lan rộng, những giá trị bị đảo lộn, những mối thân tình bị bỏ mặc hoặc lãng quên, rời bỏ Berlin là lối thoát duy nhất.
Từ biệt Berlin vốn chân thực và hấp dẫn đến vậy là bởi vì Christopher Isherwood từng có 4 năm sống tại Berlin, Đức (1930 - 1933). Đó chính là chất liệu để anh tạo nên một bản trần thuật đầy thanh âm mục ruỗng, dù đã cố tình che đậy bằng giọng văn trung tính, lạnh nhạt và có phần dửng dưng trong suốt cuốn tiểu thuyết.
Điều khiến người đọc say mê với Từ biệt Berlin không chỉ nằm ở bản thân câu chuyện hấp dẫn, văn phong điềm nhiên có phần lạnh lùng đầy chất anh mà những “mã” nhận biết dẫn dụ: “Chủ nghĩa quốc xã” và “dấu ấn tha nhân”.
Dòng tiểu thuyết về chủ nghĩa quốc xã vốn luôn khiến người đọc tò mò để rồi đau đớn trước thực cảnh bạo tàn và thống khổ. Từ biệt Berlin mang đến cho người xem một tầm nhìn trước cảnh thống khổ đó nhưng không kém phần đau đớn.
Hai truyện ngắn và cũng là hai chương sách Nhà Nowak và Nhà Landauer đã xuất sắc lột tả được sự khốn cùng của những con người sống tại Berlin thời đó. Nếu như chương Nhà Nowak phơi bày sự khốn cùng của những con người cùng đáy xã hội, sống vật vờ, những giá trị đạo đức bị đảo lộn, mái ấm gia đình trở thành nơi bề bộn và tù ngục; thì chương Nhà Landauer là mở đầu cho chuỗi những ngày đau đớn của người Do thái, không chỉ tại Berlin, nước Đức mà còn trên toàn thể châu Âu sau này.
Nhà văn Christopher Isherwood để nhiều dấu ấn cá nhân trong cuốn Từ biệt Berlin. |
Tình dục cũng là một trong những mối tò mò và quan tâm của độc giả về Isherwood nói chung, cuốn tiểu thuyết nói riêng. Christopher Isherwood thừa nhận một cách thẳng thắn là người đồng tính, nhưng đó là chuyện của sau này. Chính vì thế, mối tình dị tính tưởng tượng giữa “Isywoo” (cách nhân vật chủ nhà trọ Schroeder gọi Isherwood) và nhân vật Sally khiến không ít độc giả bất ngờ.
Tuy nhiên, dù cố gắng thế nào, Christopher Isherwood vẫn để lộ “sơ hở” với thiên hướng tính dục của mình trong Từ biệt Berlin. Đó không chỉ là cách trò chuyện, sự gắn kết, mối thân tình của Isherwood đối với những nhân vật nam trong truyện thường mang những mối gắn kết lạ kỳ với giọng văn cảm mến và nhẹ nhõm hơn, mà còn ở mối quan hệ hiển rõ giữa Otto và Peter trong sách.
Trên tất cả, Từ biệt Berlin còn mang dấu ấn dòng văn chương của những nhà văn là tha nhân. Dù hoà hợp với Berlin, dù kết giao thân thích với đủ hạng người tại đây, nhân vật "tôi" (chính là Isherwood) vẫn luôn cảm thấy xa lạ, khó hiểu, mâu thuẫn. Những dịch chuyển của nhân vật "tôi" dường như khá liên tục, và dường như không thuộc về vùng đất này.
Christiopher Isherwood từng chia sẻ: “Với một nhà văn như tôi, vấn đề chưa bao giờ nằm ở việc ‘đồng tính’, mà là vấn đề của việc là một tha nhân, vấn đề nhìn nhận mọi thứ từ góc độ xiên lệch. Nếu đồng tính trở thành một điều bình thường thì nó không còn là đề tài gây hứng thú cho tôi".
Christopher Isherwood là một tiểu thuyết gia, nhà viết kịch nổi tiểng. Ông cũng được biết đến là một người đồng tính nam với nhiều tác phẩm được viết trên chủ đề này. Isherwood sinh ra tại miền bắc nước Anh vào năm 1904 và trở thành công dân Mỹ kể từ năm 1946. Ông qua đời vào năm 1986 tại nhà của mình tại ở Santa Monica, California.
Tạm biệt Berlin (1939) cùng Mr. Morris Changes Trains nằm trong bộ tiểu thuyết chung có tên The Berlin Stories ra mắt lần đầu vào năm 1945, lọt vào top 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất thể kỷ 20 do Times bình chọn. Từ Biệt Berlin được chuyển thể thành vở kịch I Am A Camera bởi đạo diễn John Van Druten. 15 năm sau vở kịch được chuyển thể thành nhạc kịch nổi tiếng Cabaret.
Trước khi Từ biệt Berlin xuất hiện tại Việt Nam, Christopher Isherwood ít nhiều được biết đến qua tiểu thuyết về đề tài đồng tính có tên A Single Man với 2 bản dịch Người cô độc (Youth Book, 2012) và Một con người (Tao Đàn, 2018). Nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Tom Ford từng chuyển thể cuốn sách này thành bộ phim điện ảnh cùng tên vào năm 2009.