Năm 1989, Gwyneth Paltrow, 17 tuổi, lần đầu tiên tham gia diễn xuất trong bộ phim truyền hình High. Cũng vào lúc đó, cô tìm đọc Barbarians at the Gate: The Fall of RJR Nabisco, một trong những cuốn sách đầu tiên về kinh doanh mà cô biết tới.
Cuốn sách này do các nhà báo điều tra Bryan Burrough và John Helyar viết ra sau khoảng thời gian họ đưa tin về sự sụp đổ của tập đoàn thuốc lá và thực phẩm Mỹ Nabisco vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90. Những kiến thức trong cuốn sách đã khiến Paltrow nghĩ về việc thành lập một công ty.
Cuốn sách được ra mắt lần đầu năm 1989. Ảnh: Thenile. |
Cuốn sách mô tả chi tiết những nỗ lực của F. Ross Johnson, cựu CEO RJR Nabisco trong việc tư nhân hóa công ty và để ông có thể mua nó vào năm 1988. Đây là một cuộc chiến đấu thầu đầy khắc nghiệt khi nhiều công ty khác cũng đưa ra gói thầu của riêng họ. Cuối cùng, công ty đầu tư Kohlberg Kravis Roberts & Co đã mua được RJR Nabisco với giá 25 tỷ USD. (Vào thời điểm đó, đây là vụ tiếp quản công ty lớn nhất trong lịch sử.)
Theo tờ Nhật báo Phố Wall, mặc dù Johnson không thành công, ông vẫn rời công ty với khoản tiền khoảng 50 triệu USD. Chiến thuật phi đạo đức của ông trong suốt quá trình đấu thầu này đã biến Johnson trở thành biểu tượng của lòng tham và sự tham nhũng trong giới doanh nghiệp vào cuối thập niên 80.
Hai tác giả cũng nêu chi tiết về cách Johnson tham nhũng ngân sách công ty: trang trí văn phòng với một chiếc bình 51.000 USD, một chiếc bàn 36.000 USD và một tấm thảm 100.000 USD. Ông cũng bị cáo buộc sử dụng hơn 10 máy bay của công ty để đi khắp thế giới và nhiều hành vi vi phạm khác.
Gwyneth Paltrow được đông đảo công chúng biết tới qua loạt phim Iron Man. Ảnh: EW. |
Nữ diễn viên Paltrow cho biết những tình tiết trong cuốn sách, được đài HBO dựng thành phim truyền hình vào năm 1993, đã khiến cô say mê với thế giới kinh doanh.
Paltrow chia sẻ: “Tôi luôn giữ trong mình một mong muốn là mở một doanh nghiệp, bằng cách nào đó”.
Mặc dù lớn lên trong một gia đình nghệ thuật, cha cô, Bruce Paltrow là một đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim và mẹ cô là Blythe Danner, một nữ diễn viên Hollywood, Gwyneth Paltrow “luôn bị cuốn hút vào giới kinh doanh”.
Thương hiệu GOOP của Gwyneth Paltrow giờ rất có giá trị. Ảnh: Vanity Fair. |
Điều đó đã được nuôi dưỡng thêm khi cô theo học một trường tư thục nữ có uy tín ở Manhattan. Paltrow nói: “Khi tôi bắt đầu đi học cùng con gái của một số doanh nhân rất nổi tiếng, tôi bắt đầu đặt ra rất nhiều câu hỏi cho họ”.
Năm 2008, ở tuổi 36, Paltrow bắt tay thực hiện ước mơ của đời mình. Cô bắt đầu mở trang Goop để đưa ra lời khuyên về lối sống cho gia đình và bạn bè. GOOP cho tới nay đã trở thành một thương hiệu phong cách sống, chuyên bán các sản phẩm, dưỡng chất làm đẹp và quần áo. GOOP cũng tổ chức các hội nghị về sức khỏe trong suốt cả năm ở những nơi như Los Angeles, New York và London. Bản tin hai tuần một lần gửi qua email của GOOP đã có 8 triệu người đăng ký vào năm 2018 và trang này được định giá 250 triệu USD.