Alan Watts là một học giả, triết gia người Mỹ gốc Anh. Tác giả cũng là tác giả, diễn giả, một trong những người nước ngoài nổi tiếng nhất trong việc truyền bá triết lý phương Đông đến phương Tây. Alan Watts tốt nghiệp thạc sĩ ngành thần học tại Seabury-Western Theological Seminary.
Trong cuốn sách, tác giả nghiền ngẫm về một cấm kỵ không được thừa nhận, nhưng đầy sức mạnh. Sự thông đồng im lặng của chúng ta về câu hỏi ta thực sự là ai, hoặc là cái gì. Nếu cảm thức của chúng ta về mình dưới dạng ngã biệt lập trong chiếc bao da là ảo tưởng, không phù hợp cả những khám phá khoa học phương Tây lẫn triết giáo phương Đông, vậy thì bản tính đích thực của chúng ta là gì?
Cuốn sách đưa người đọc chìm đắm vào bầu không khí chiêm nghiệm triết học và tìm ra trong các triết thuyết cổ xưa những điểm nhìn cách mạng và hiện đại.
Alan Watts đã trình bày con đường nhận thức mang tính tâm lý học của riêng ông về chân tướng của cái cảm thức mơ hồ gọi là tôi, - mà trên thực tế chính là cội nguồn và căn gốc của vũ trụ.
LỜI TỰA
Cuốn sách này khảo cứu một điều cấm kỵ không được thừa nhận nhưng đầy sức mạnh - việc chúng ta ngấm ngầm thông đồng để lờ đi vấn đề ta thực sự là ai, hay là cái gì. Tóm lại, thứ luận điểm coi cảm nhận phổ biến về bản thân như một bản ngã biệt lập bao kín trong chiếc túi da là một ảo tưởng, cả theo khoa học phương Tây lẫn các triết giáo thực nghiệm phương Đông - đặc biệt là triết phái Vệ Đà nguyên thủy, cội nguồn của Ấn Độ giáo. Ngộ nhận này là căn nguyên khiến con người lạm dụng công nghệ để chinh phục môi trường tự nhiên một cách tàn bạo, và rốt cuộc là hủy diệt tự nhiên.
Vì vậy chúng ta rất cần có một cảm thức về sự tồn tại của chính mình phù hợp với quy luật tự nhiên, và khắc phục được cảm giác vong thân trong vũ trụ. Để đạt mục đích này, tôi đã viện đến tri thức Vệ Đà, song trình bày theo một lối hoàn toàn hiện đại và Tây phương - nhờ vậy cuốn sách này không trở thành một giáo khoa thư hay cuốn tập vỡ lòng về triết phái Vệ Đà theo nghĩa thông thường. Đúng hơn, cuốn sách này là một cuộc hôn phối chéo giữa khoa học phương Tây và trực giác phương Đông.
Xin dành lời cảm ơn đặc biệt cho vợ tôi, Mary Jane, vì đã biên tập cẩn thận và nhận xét về bản thảo. Tôi cũng cảm ơn Quỹ Bollingen đã tài trợ cho dự án biên soạn cuốn sách này.
Alan Watts
Sausalito, California
January 1966
***
Một người trẻ tuổi nên biết những gì để được xem là “người hiểu biết”? Hay nói cách khác, liệu có thứ thông tin nội bộ, điều cấm kỵ đặc biệt, hay một chân tướng nào đó của cuộc đời và sự hiện hữu mà hầu hết các bậc cha mẹ và thầy cô hoặc không biết, hoặc không nói ra?
Ở Nhật từng có tập tục trao cho người trẻ sắp thành hôn “sách gối đầu giường”. Đó là một cuốn sách mộc bản nhỏ, thường tô màu, chỉ vẽ tường tận về giao hợp nam nữ. Tập tục ấy tồn tại, không chỉ vì như người Trung Hoa vẫn nói, “một bức tranh đáng giá vạn lời”, mà còn vì trao cuốn sách cho những đứa con đã trưởng thành của mình, các bậc cha mẹ đỡ cảm thấy ngượng ngùng khi phải đích thân giải thích những chuyện thầm kín. Nhưng ngày nay ở phương Tây, ta có thể kiếm được những thông tin như vậy ở bất kỳ sạp báo nào. Tình dục không còn là điều cấm kỵ nghiêm trọng nữa. Đôi khi thanh thiếu niên biết nhiều về tình dục còn hơn cả người lớn.
Nhưng nếu giờ đây tình dục không còn là cấm kỵ ghê gớm nữa, thì có điều gì là cấm kỵ? Bởi trong xã hội vẫn luôn tồn tại điều gì đó bị coi là cấm kỵ, bị giấu giếm, không được mọi người thừa nhận, hay người ta chỉ thoáng liếc nhìn, vì nhìn thẳng thì quá không ổn. Cấm kỵ lồng trong cấm kỵ, như những lớp vỏ hành. Vậy thì Cuốn Sách mà ông bố phải lén trao cho con trai, còn bà mẹ phải lén trao cho con gái, không bao giờ công khai thừa nhận là có nó, cuốn sách ấy phải nói về điều gì?
Trong một số cộng đồng có sự cấm kỵ nghiêm ngặt liên quan đến tôn giáo, thậm chí ở những cộng đồng mà người ta vẫn đi lễ nhà thờ hay đọc Kinh Thánh. Ở đó, tôn giáo là việc riêng của mỗi người. Bàn bạc hay tranh luận về tôn giáo là xấu, khiếm nhã, và sẽ là rất tệ, nếu ai đó tỏ ra quá sùng đạo. Nhưng một khi đã thâm nhập sâu vào hầu như bất kỳ một tôn giáo lớn nào, bạn sẽ băn khoăn tự hỏi sự nín lặng này có ý nghĩa gì. Chắc chắn, Cuốn Sách mà tôi nghĩ đến không phải cuốn “thánh thư” Kinh Thánh, - kho trí tuệ, lịch sử, và ngụ ngôn vĩ đại của người xưa, vốn được xưng tụng là Lời Thiêng đến mức có lẽ người ta nên giấu nó đi chừng một đôi thế kỷ, để về sau có thể nghe lại bằng đôi tai mới. Trong Kinh Thánh quả thật có những bí mật, và một số điều còn mang tính cách mạng, nhưng thảy đều bị vùi lấp dưới những câu chữ phức tạp, những biểu tượng và lối tư duy cổ xưa, đến mức giáo lý Cơ Đốc thành ra vô cùng khó diễn giải đối với con người thời nay. Thành ra, nếu không bằng lòng với việc đơn giản hóa giáo lý thành sống đời thánh thiện và noi gương Chúa Jesus, thì cũng chẳng hề có ai giải thích phải làm điều ấy thế nào. Để làm được điều ấy, người ta phải có khả năng đặc biệt Chúa ban, gọi là “ân điển”, nhưng tất cả những gì chúng ta thực sự biết về ân điển là một số người được ban, số khác thì không.
Các tôn giáo lớn, dù là Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, hay Phật giáo - như ngày nay người ta vẫn thực hành - đều như những cái mỏ đã cạn, rất khó khai thác. Trừ vài ngoại lệ hiếm hoi, quan điểm của các tôn giáo nêu trên về con người và thế giới, những hình tượng, lễ thức và ý niệm về cuộc sống đạo hạnh xem ra không phù hợp với thế giới như chúng ta đang biết, hay với một xã hội đang đổi thay nhanh đến mức những điều ta vừa học ở trường đã thành lỗi thời ngay hôm ta tốt nghiệp.
Cuốn Sách tôi đang ấp ủ viết không mang tính tôn giáo theo nghĩa thông thường, mà bàn đến nhiều vấn đề mà tôn giáo quan tâm - như vũ trụ và vị trí của con người trong đó, cái trung tâm kinh nghiệm bí ẩn mà ta gọi là “cái tôi”, những vấn đề về sự sống và tình yêu, khổ đau và cái chết, và câu hỏi liệu sự tồn tại có ý nghĩa chăng, theo bất kỳ nghĩa nào của từ này. Vì ngày càng có nhiều người tin rằng, tồn tại thực chất chỉ là một cuộc chạy đua ác liệt không lối thoát: mọi sinh vật, bao gồm cả con người, chẳng qua chỉ là những cái ống nuốt các thứ vào đầu này rồi thải ra ở đầu kia, nhờ đó chúng có thể tồn tại, nhưng về lâu dài cũng sẽ vì vậy mà kiệt sức. Vậy nên, để vở kịch vui nhộn tiếp diễn, những chiếc ống tìm cách tạo ra những chiếc ống mới. Ở đầu vào, chúng thậm chí phát triển đầu mối thần kinh gọi là não, kèm theo mắt và tai, nhờ đó chúng có thể dễ dàng tìm các thứ để nuốt hơn. Khi đã ăn đủ, chúng dùng cho hết năng lượng thừa bằng cách chuyển động theo nhiều dạng thức phức tạp, tạo đủ thứ tiếng ồn bằng cách hút đẩy không khí qua đầu vào, và còn kết thành bè nhóm để đánh nhau với các nhóm khác. Theo thời gian, những chiếc ống phát triển thêm các bộ phận đi kèm thừa thãi đến mức khó mà nhận ra chúng thực chất chỉ là những chiếc ống, và làm việc đó bằng nhiều cách đa dạng đến kinh ngạc. Giữa chúng hình thành một nguyên tắc mơ hồ là không được ăn những chiếc ống đồng dạng với mình, nhưng nhìn chung luôn tồn tại một cuộc cạnh tranh gay gắt để trở thành loại ống đứng đầu. Những điều này dường như vô nghĩa lạ lùng, thế nhưng, khi suy ngẫm sâu hơn, ta sẽ thấy chúng lạ lùng hơn là vô nghĩa. Thực vậy, chúng hết sức kỳ quặc.