Đầu tháng chín, Hiệp sĩ không hiện hữu , tác phẩm cuối cùng trong bộ ba Tổ tiên của chúng ta của Italo Calvino, đã được Nhã Nam phát hành. Đối với những người đọc say mê văn của Italo Calvino, đây là một tin vui, một niềm hứng khởi thực sự. Tôi là một trong số đông đảo những người đó.
Ngoài bộ ba Tổ tiên của chúng ta được viết ở giai đoạn đầu của sự nghiệp gồm Tử tước chẻ đôi (1952), Nam tước trên cây (1957) và Hiệp sĩ không hiện hữu (1959) thì Italo Calvino còn có một số tác phẩm cũng đã được dịch ra tiếng Việt, đó là Nếu một đêm đông có người lữ khách (1979) và Mr Palomar (1983), Những Thành phố vô hình.
Theo trình tự thời gian, các tác phẩm trên của Calvino thể hiện một sự hợp lý trong quá trình phát triển suy nghĩ cũng như cá tính riêng của tác giả dưới tác động của đời sống. Thời kỳ đầu, tương ứng với tuổi trẻ của đời người và niên thiếu của đời văn, bộ Tổ tiên của chúng ta cho ta thấy một lối nghĩ khác biệt, một trí tưởng tượng phong phú trong những lời bàn giải cho những câu hỏi về sự hiện hữu, về những tồn tại đối lập, mâu thuẫn trong mỗi con người, về sự khuyết thiếu ở mỗi cá thể. Theo thời gian, lối nghĩ khác biệt đã trở nên sắc nét hơn, những câu hỏi riêng biệt được kết nối lại, chằng chịt, đan chéo lên nhau tạo nên tập hợp những trầm tư, những câu chuyện chỉ có bắt đầu nhưng đầy lôi cuốn trong Mr Palomar và Nếu một đêm đông có người lữ khách. Theo thể loại thì ba tác phẩm trong Tổ tiên của chúng ta đều là những tiểu thuyết đúng nghĩa, có nhân vật, có câu chuyện, có bắt đầu, có kết thúc trong khi Mr Palomar và Nếu một đêm đông có người lữ khách thì như là các ghi chép hay tập hợp các tiểu luận. Vì thế, đọc bộ Tổ tiên của chúng ta nói chung là dễ hơn đọc hai cuốn còn lại.
Bộ Tổ tiên của chúng ta là những câu chuyện kỳ thú của các nhân vật có trạng thái tồn tại rất đặc biệt (chẻ đôi, không hiện hữu, sống ở trên cây) sống trong những thời kỳ lịch sử trọng đại của thế giới (thời cuộc chiến Kitô – Thổ, thời Hoàng đế Charlemange, thời cách mạng Pháp). Mỗi câu chuyện là một cách nhìn nhận về các vấn đề quan trọng liên quan đến con người như tính thiện, tính ác, sự tồn tại, sự hiện hữu, sức mạnh ý chí,… dựa trên một giả định khác biệt về tình trạng tồn tại của cá nhân trong xã hội.
Tử tước chẻ đôi viết về chàng Tử tước Medardo xứ RạngĐông bị thương khi tham gia cuộc chiến chống Thổ Nhĩ Kỳ, thân thể bị xẻ dọc thành hai nửa. Sau lưu lạc, hai nửa Medardo quay trở về quê hương và tồn tại hoàn toàn đối lập, thuần chất Thiện và Ác. Từ đó, ở xứ RạngĐông xảy ra không biết bao nhiêu là chuyện, đến nỗi người ta đã phải lắc đầu ngao ngán mà rằng: “Ngày tháng ở xứ RạngĐông trôi qua như thế, và tình cảm của chúng tôi trở nên nhạt thếch và cùn nhụt, bởi chúng tôi cảm thấy mình như thể bị mất hút giữa ác hiểm và đức hạnh, đều phi nhân như nhau”. Được xây dựng trên nền một giả định độc đáo với sự đối lập được đưa lên mức cao nhất để bàn giải về việc tồn tại những mặt đối lập, mâu thuẫn trong mỗi cá thể, về khiếm khuyến của con người nhưng với cách viết đầy hài hước, trào lộng, nhìn mọi chuyện một cách thấu suốt nhưng nhẹ nhõm đã tạo nên một câu chuyện hấp dẫn, sâu sắc đầy lý thú.
Cuốn sách Tử Tước Chẻ Đôi
Hiệp sĩ không hiện hữu kể chuyện chàng Hiệp sĩ Agilulfo không hiện hữu nhưng vẫn tồn tạitrong đoàn quân của Hoàng đế Charlemnge. Để chống lại những sự hiện hữu đang vây quanh, hay nói cách khác là để chứng minh sự hiện diện của mình, bằng sức mạnh ý chí mạnh mẽ, chàng luôn thực hiện mọi công việc ở mức độ hoàn hảo, không để cho bất cứ sự lấp lửng, mơ hồ nào xen vào, để những kết quả đó hiện hữu thay mình. Với sự không hiện hữu của chàng Agilulfo, bao nhiêu con người đang hiện hữu quanh chàng chợt cảm thấy sự hiện hữu của mình và những người xung quanh thiếu chắc chắn, thế là có một cuộc rượt đuổi, tìm kiếm, chứng minh tính hiện hữu mà đích ngắm lại không ai khác mà là chàng hiệp sĩ không hiện hữu. Vẫn xây dựng dựa vào một nhân vật ở tình trạng quá ư độc đáo, không hiện hữu, vẫn giọng văn hài hước, trào lộng không lẫn vào đâu được, Italo Calvino lại tiếp tục tạo nên một câu câu chuyện mà nếu đã đọc, ta không thể dừng lại được.
Cuốn sách Hiệp sĩ không hiện hữu
Đọc Tử tước chẻ đôi và Hiệp sĩ không hiện hữu, ta thấy khung, nền cho hai câu chuyện khá giống nhau. Hãy xem cảnh mở đầu câu chuyện, một bên là cảnh chiến trường Bohemia giữa quân Thổ và quân Kitô giáo(Tử tước chẻ đôi), một bên là cảnh Hoàng đế Charlemange duyệt binh dưới chân thành Pari(Hiệp sĩ không hiện hữu). Những cảnh chiến trận, chiến trường, đội quân ở cả hai tác phẩm đều được miêu tả theo một giọng điệu, đó là cái kiểu giọng: thì cảnh nó vầy đó, vua trông vầy, tướng quân vầy, hiệp sĩ vầy, đội quân cũng vầy vầy vầy, tức là ai thì cũng vầy. Rồi sự hiện diện của những nhân vật độc đáo như bác sỹ Trelawney (Tử tước chẻ đôi) và anh chàng hiện hữu mà không biết hiện diện tên Gurdulù(Omobò,…) hay bất kỳ cái tên nào cũng không quan trọng (Hiệp sĩ không hiện hữu). Hay sự tham dự của nhóm hội kiểu Hiệp sĩ Chén Thánh(Hiệp sĩ không hiện hữu) và các tín đồ Huguenot(Tử tước chẻ đôi) vào câu chuyện. Và cuối cùng, kết thúc câu chuyện thì tình trạng tồn tại đặc biệt, không hiện hữu và chẻ đôi , đều bị xóa bỏ. Vì vậy, có cảm giác như Italo Calvino đã dựng sẵn khung cho những luận bàn quan trọng về con người, mỗi khi định bàn về vấn đề nào, ông sẽ giả định ra một nhân vật với trạng thái tồn tại thật đặc biệt và cho nhân vật đó bước vào cuộc hành trình mà sẽ có một số con đường nhất định phải đi qua, rồi dọc theo hành trình của nhân vật chính thì các nhân vật, những tình huống sẽ được phát sinh theo, và cứ thế, đến điểm cuối của mô hình, ta có một kết quả, chính là cách luận giải cho vấn đề được đặt ra. Với vấn đề thiện/ác, tốt/xấu, mâu thuẫn nội tại trong mỗi con người thì ta có Tử tước chẻ đôi với đầy những tình huống, hình ảnh đối nghịch đầy trào lộng dưới tác động riêng rẽ của thiện hoặc ác. Với câu hỏi về sự hiện hữu, tồn tại của con người ta có Hiệp sĩ không hiện hữu với những hành trình đầy bất ngờ để tìm kiếm, chứng minh sự hiện hữu. Được viết sau, lại giải đáp cho một vấn đề trừu tượng hơn, thế nên Hiệp sĩ không hiện hữu hấp dẫn hơn ở các tình huống mang tính phiêu lưu.
Đó là câu chuyện của Tử tước chẻ đôi và Hiệp sĩ không hiện hữu, vậy còn Nam tước trên cây thì sao?
Trong Nam tước trên cây, Nam tước Cosimo MưaGiông xứ Rondo đã lựu chọn đời sống trên cây bắt đầu từ cái tuổi mười hai khi từ chối món ốc sên. Để thực hiện đúng quyết định đã đưa ra, từ giây phút đó, chàng bắt đầu đời sống của mình trên những cây cối ở trang viên BóngRâm, lân la sang trang viên SóngVỗBờ ngay bên cạnh với những bước phiêu lưu, mạo hiểm đầy mới mẻ và hồi hộp. Chỉ di chuyển giữa các cành cây, sự rậm rạp của cây cối đủ để chàng trải qua toàn bộ tình huống cuộc đời trên đó.Ở cái thế gieo neo trên những cây những cối đó, chàng học, chàng đọc, chàng thực hành, chàng suy tư, chàng hành động, chàng kết bạn, chàng yêu đương, chàng tham gia phe phái, chàng đấu tranh. Một câu chuyện không hề kém phần kỳ thú so với hai câu chuyện trên.
Cuốn sách Nam Tước Trên Cây
Ngoài ra, so với Tử tước Medardo và Hiệp sĩ Agilulfo thì Nam tước Cosimo còn có phần nổi trội, đặc biệt hơn. Trước hết, chàng là người tự quyết định về việc sống trên cây, hoàn toàn khác với Medardo bị chẻ đôi do pháo bắn trúng còn Agilulfo thì khi xuất hiện đã không hiện hữu, đều dạng là bị đặt vào trạng thái đặc biệt đó. Việc tự quyết định và quyết tâm thực hiện, không bao giờ vi phạm trong cả đời người nào phải chuyện giản đơn. Thêm nữa, tình trạng chẻ đôi của Tử tước Merdado và không hiện hữu của Hiệp sĩ Agilulfo chỉ tồn tại một thời gian rồi mất đi, còn tình trạng ở trên cây của Nam tước Cosimo thì không vậy, ở trên cây – đó là chàng khi sống.
Câu chuyện về Nam tước Cosimo là một câu chuyện dài, phức tạp, nhiều biến động bởi biết bao là vấn đề được đặt ra với một người trên cây khi mà vẫn thực hiện tất cả mọi thứ như những người dưới đất. Đây thực sự là một câu chuyện về lòng dũng cảm, ý chí mạnh mẽ của con người, thế nhưng bằng giọng văn dí dỏm, cách miêu tả hồn nhiên, bay bổng, giàu tưởng tượng đã cho ta một câu chuyện thật duyên dáng, nhẹ nhõm, theo đúng tinh thần trong mấy câu viết về Nam tước Cosimo trên bia tưởng niệm chàng:
“Cosimo MưaGiông xứ Rondo
Sống trên cây
Luôn yêu thương quả đất
Thăng về trời”
Tóm lại, trong bộ ba Tổ tiên của chúng ta thì Nam tước trên cây duyên dáng và sâu sắc hơn hai cuốn còn lại.
Tuy nhiên, nếu ai muốn thưởng thức câu chuyện ngắn gọn, hài hước mà vẫn không kém phần trí tuệ thì có vẻ Tử tước chẻ đôi và Hiệp sĩ không hiện hữu lại là lựu chọn thích hợp.
Hãy thử thưởng thức những đoạn văn điển hình cho phong cách của Italo Calvio trong Hiệp sĩ không hiện hữu, cuốn mà bạn mới rước về từ hiệu sách.
“Anh ta nói hối hả, nuốt từ và rối bung; nhiều lúc như liên tục chuyển từ phương ngữ này sang phương ngữ khác, thậm chí chuyển giữa các ngôn ngữ khác nhau thuộc Kito giáo hay xứ Hồi. Bên cạnh các lời lẽ không thể hiểu ra và táo tợn thần sầu, đại để đây là câu chuyện của anh ta:
– Thần xin nằm bò ra đất, thần xin quỳ mọp dưới chân ngài, tuyên bố mình là một con dân uy nghi của Hoàng thượng vô vàn nhún nhường, xin ngài ban lệnh, thần sẽ tuân hành! – tay anh ta vung vẩy một cái thìa đã được buộc vào một đầu dây thắt lưng. – Và khi mà hoàng thượng phán: “Đây: mệnh lệnh của ta, này: ý muốn của trẫm!”, và khua khua cây quyền trượng y như thần đang khua, ngài thấy chưa, rồi hét lên như thần đang hét: “Đâây, mệệnh lệệnh củủa taaa nàày:ýý muốốn củủa trẫẫm!” thì tất cả các người, một bầy tôi ngoan ngoãn phải tuân hành, bằng không ta đem cắm cọc tất, và ngươi kia, kẻ có cái hàm râu và khuôn mặt già ngờ nghệch, sẽ là người đầu tiên!
– Tâu hoàng thượng, liệu thần có nên chặt phăng cái đầu của hắn đi không? – Hiệp sĩ Orlando hỏi, và đã tuốt gươm ra khỏi vỏ.
-Xin hoàng thượng lượng thứ – ông lão trồng rau lên tiếng. – Đây là một sơ suất thường lệ của anh ta: khi nói chuyện với một vị vua, anh ta lẫn lộn, không còn nhớ: anh ta, hay vị vua anh ta đang nói chuyện, ai là vua.”
“- À, vậy là cậu muốn báo thù cho người cha mang hàm tướng, hầu tước xứ Rossiglione! Xem nào, để báo thù cho một vị tướng, cách tốt nhất là loại khỏi vòng chiến ba tên thiếu tá. Chúng tôi có thể giao cho cậu ba tay loàng xoàng. Cậu sẽ ổn.
– Tôi chưa giải thích rõ: kẻ tôi phải hạ thủ là tay thủ lĩnh Argalif Isoarre. Chính bàn tay hắn đã hạ đo ván người cha vẻ vang của tôi!
– Được được, chúng tôi hiểu, song hạ thủ Argalif mà cậu tưởng là chuyện đơn giản à…Cậu muốn bốn đại úy không? Chúng tôi đảm bảo sẽ giao cho cậu bốn tay đại úy ngoại-đạo vào sáng mai. Xin cậu nhớ rằng trong quân đội bốn đại úy tương đương với một vị tướng, vả lại, cha cậu chỉ là một thiếu tướng.
– Tôi sẽ tìm ra tay Argaliff và mổ toang bụng hắn!chính hắn, chỉ hắn thôi!
– Rồi cậu sẽ bị bắt cho mà xem, không phải trong trận đánh, cứ chắc là như thế. Hãy suy nghĩ trước khi mở miệng! Chúng tôi khó dễ với cậu về tay Argalif là có lý do… Chẳng hạn, hoàng đế của chúng ta đang một cuộc thương lượng nào đó với hắn thì sao…
Song một trong các viên chức, cho tới lúc này vẫn vùi đầu trong đống giấy tờ, mừng rỡ đứng dậy:
– Mọi sự đã có lời giải! mọi sự đã có lời đáp! Không phải làm gì cả! Trả thù với trả thiếc cái nỗi gì! Chính hiệp sĩ Olivier, hôm nọ, tin rằng hai ông chú mình đã hy sinh trong chiến trận, bèn đi trả thù cho họ! Thế mà hai vị ấy đã nằm lại dưới gầm bàn say khướt! Chúng tôi đứng trước hai cuộc trả thù cho chú bị thừa này, thật rối rắm. Bây giờ mọi sự đã đâu vào đó: một cuộc trả thù cho cha! Thế là như thể chúng tôi có một cuộc trả thù cho cha chưa đăng ký mà đã được tiến hành.
– Ôi, cha ơi! – Rambaldo sôi máu
– Cậu làm sao thế?”
“ Hồi kẻng báo thức truyền đi. Doanh trại dưới ánh sang ban mai tấp nập binh lính. Rambaldo muốn hòa mình vào luồng người đang dần dà túa ra thành tổ thành đội, song cậu thấy cái tiếng sắt va loảng xoảng ấy như thể tiếng cách côn trùng ngân, tiếng vỏ khô nứt lách cách. Mũ sắt và áo giáp bọc kín nhiều chiến binh tới tận thắt lưng, thế rồi, tủa ra từ bên dưới các phiến che hông, bảo vệ thận, là những cặp cẳng chân xỏ quần ống túm và vớ dài, bởi vì khi ở trên yên ngựa thì đùi, ống quyển và đầu gối sẽ được các lá chắn. Những cặp cẳng chân ấy, bên dưới vòm ngực bằng thép, trông lêu khêu như cẳng dế; và cái cách các chiến binh vừa nói ,vừa cựa quậy cái đầu tròn vo không mắt, vừa gập cặp cánh tay dày cộm những miếng bọc khuỷu và ngón thì cũng giống như của dế hoặc của kiến; thế là toàn bộ cái cuộc lăng xăng rối rít của họ trông như thể côn trùng đang bò. Giữa đám, cặp mắt Rambaldo đang dõi tìm cái gì đó, cậu hy vọng bắt gặp lại bộ giáp trắng toát của Agilulfo, có thể là vì sự xuất hiện của chàng hiệp sĩ sẽ khiến phần còn lại của đạo quân trở trên cụ thể hơn, hoặc có thể là vì sự hiện diện vững chắc nhất mà Rambaldo mong được gặp chính là hiệp sĩ không hiện hữu.
Cậu nhận ra chàng ta, ngồi xếp bằng dưới đất, bên một cây thông, đang bày sắp các quả thông nho nhỏ rơi rụng trên mặt đất thành một hình vẽ đều đặn, một tam giác cân. Vào thời khắc đó của buổi bình minh, Agilulfo luôn luôn có cái nhu cầu thực hành một bài luyện tập chính xác:đếm sự vật, sắp xếp chúng thành những hình thể hình học, giải bài toán số học. Đây là thời khắc sự vật đang rũ bỏ sự đậm đặc của bóng tối kèm theo chúng về đêm và dần dà lấy lại màu sắc, song cùng lúc, chúng như đang trải qua một thể trạng lấp lững, được ánh sáng soi phớt qua và hầu như viền vầng; cái thời khắc người ta cảm thấy kém chắc chắn nhất về sự hiện hữu của thế gian. Bản thân Aglilufo lúc nào cũng có nhu cầu cảm thấy mình đang trực diện với sự vật như một bức tường đồ sộ để mà đem cường độ ý chí của mình ra đối đầu, và chỉ như thế, chàng mới có thể duy trì một ý thức chắc chắn về bản thân. Trái lại, nếu thế giới xung quanh tiêu tán vào sự lấp lửng, sự mơ hồ, thì chính chàng cũng cảm thấy mình đang bị chìm ngập trong cái sự tranh tối tranh sáng ốm o gầy mòn ấy, không còn có thể làm nảy nở từ sự trống rỗng một ý nghĩ rõ biệt, một thoắt quyết định, một hành xử ngoan cường nữa. Chàng cảm thấy khổ sở: những khoảnh khắc ấy chàng thấy mình kém khả năng nhất; có những lức, phải đánh đổi bằng một nỗ lực cực điểm chàng mới có thể không bị tan biến.Thế là chàng bắt đầu đếm: chiếc lá, hòn đá, ngọn giáo, quả thông, bất cứ thứ gì có trước mặt. Hoặc xếp chúng thành hàng, bố trí chúng thành hình vuông hay kim tự tháp. Thực hành những công việc chính xác này giúp chàng chế ngự phiền muộn, hóa giải bất bình, khắc khoải, suy sụp, và giành lại sự sáng suốt, điềm tĩnh như thường lệ.
Cho nên Rambaldo trông thấy chàng hiệp sĩ, qua những thao tác chăm chú và nhanh như cắt, đang xếp các quả thông thành hình tam giác, sau đó, tại các cạnh của nó, xếp thành những hình vuông, rồi kiên trì tính tổng số quả thông của các hình vuông tại hai cạnh góc vuông, đem so sánh với tổng số quả thông của hình vuông tại cạnh huyền. Rambaldo hiểu, lúc này mọi sự đang diễn tiến theo nghi lễ, theo quy ước, theo công thức, thế còn đằng sau, đằng sau là gì? Một nỗi day dứt không xác định ùa tới, cậu tự biết, mình hoàn toàn nằm ngoài thể lệ cuộc chơi… Thế rồi, phải chăng ngay cả cái ý chí hoàn thành cuộc báo thù cho cái chết của cha, ngay cả cái nhuệ khí chiến đấu, đầu binh vào đạo quân của hoàng đế Charlemagne, chúng cũng thế, chỉ là các nghi lễ để mà mình không bị chìm nghỉm trong sự trống rỗng, như việc nhặt quả thông lên đặt quả thông xuống của chàng hiệp sĩ Agilulfo? Nghẹt thở khắc khoải trước vấn nạn bất ngờ, cậu trai trẻ Rambaldo nằm lăn ra đất mà khóc rưng rức.
Cậu cảm thấy có cái gì đó xoa lên mái tóc mình, một bàn tay, một bàn tay sắt, nhưng nhẹ bẫng. Agilulfo đã quỳ xuống bên cậu:
– Gì vậy cậu em? Sao lại khóc
Cái trạng thái bấn loạn, tuyệt vọng, hoặc giận dữ trong người khác lập tức truyền cho Agilulfo một sự trầm tĩnh và vững tâm tuyệt đối. Cái cảm giác thấy mình được miễn nhiễm trước những chấn động và những nỗi thống khổ mà các con người hiện hữu là đối tượng, dẫn chàng đến việc đảm nhận một thái độ trưởng thượng và che chở.
– Xin ngài thứ lỗi – Rambaldo nói – có lẽ do mệt mỏi, trọn một đêm tôi đã không chợp mắt, và bây giờ tôi thấy mình như thể đang bị bấn loạn. Tôi thèm được thiếp vào giấc ngủ ít ra một chốc…Nhưng bây giờ trời cũng đã sáng. Vậy còn ngài, cũng thao thức, sao ngài chịu được?
– Ta thì ta lại lên cơn bấn loạn nếu thiếp vào giấc ngủ – Agilulfo chậm rãi nói – đúng ra, ta không gặp lại gì cả, ta vĩnh viễn chơi vơi. Cho nên ta tỉnh như sáo từng giây từng phút, ngày hay đêm.
– Chắc là khốn khổ lắm phải không ạ…
– Không! – Giọng nói trở lại cộc gọn, cứng cỏi.
– Và bộ áo giáp của ngài thì không bao giờ cởi khỏi người?
Chàng hiệp sĩ lẩm bẩm trở lại:
– Đào đâu ra người. Cởi hay mặc, với ta đều vô nghĩa.
Rambaldo đã nghếch đầu nhìn vào những cái khe của tấm che mặt, như thể để tìm sự nhấp nhánh của một ánh mắt trong cái bóng tối đen.
– Sao vậy hả ngài?
– Còn sao nữa hở cậu?
Bàn tay sắt của bộ áo giáp trắng toát vẫn đặt lên mái tóc của cậu trai trẻ. Rambaldo cảm thấy nó hơi đè lên đầu mình, như một sự vật, không truyền đạt bất cứ một hơi ấm tiếp giáp nhân bản nào, dù là một niềm an ủi hay là một nỗi bực dọc, ấy thế mà cậu cảm thấy như thể trong người mình đang lan tỏa.”
Và bây giờ, bạn có thể thưởng thức nốt Hiệp sĩ không hiện hữu qua bản dịch của dịch giả Vũ Ngọc Thăng, để thấy được niềm hạnh phúc của những người đọc khi may mắn có trong tay những tuyệt tác.
Nguyễn Thùy Giang