Lên xuống dòng đời là cuốn sách được viết bởi Cai Mingjie - người lái taxi có học nhất Singapore. Ông từng là nghiên cứu viên tầm cỡ quốc tế và nhận bằng Tiến sĩ trường Đại học Stanford (Mỹ).
Năm 2008, Cai Mingjie bị mất việc tại một trung tâm nghiên cứu ở Singgapore. Từ một người có địa vị, chức tước, ông trở thành nạn nhân của chính sách quản lý và bất ngờ quyết định trở thành tài xế. Những trải nghiệm trong suốt 6 tháng làm nghề được coi là… “thấp kém” ở đất nước mình, đã được ông ghi chép mỗi ngày, đăng tải trên blog và trở thành hiện tượng vào khoảng thời gian đó.
Tên của cuốn sách được lấy ý tưởng từ câu ngạn ngữ Trung Quốc: “Nhân vãng cao xứ tẩu, thủy vãng đê xứ lưu” – ý nói người luôn hướng đến tầm cao, nước luôn tìm về chốn thấp. Cai Mingjie đã không tìm được một vị trí hàn lâm ở một đất nước nhỏ như Singapore. Ông sẽ phải rời nước nếu muốn tiếp tục làm nghiên cứu, một việc đầy khó khăn bởi trách nhiệm với gia đình.
Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, những trải nghiệm của nghề lái taxi đã giúp Cai Mingjie tiếp cận gần hơn với những tầng lớp người khác nhau, giúp ông nhận ra cách đối xử của một người với một người (có địa vị xã hội thấp hơn mình) phản ánh rất nhiều nhân cách của chính người đó.
Những sự việc lạ lùng chưa từng xảy ra ở tháp ngà khoa học bóc trần một Singapore có phần khắc nghiệt nhưng lại giúp ông hiểu hơn về giá trị của sự nhân văn, lòng tốt hay những cảm thông mà người với người có thể dành cho nhau. Hay, nói một cách khác – ông đã được mở rộng thêm trong mình những giới hạn mới, từ đó thúc đẩy bản thân đến một “tầm cao” hơn.
Cai Mingjjie bộc bạch: “Tôi đã học được nhiều điều trên đường phố từ khi trở thành lái xe taxi, những điều mà khi làm nhà khoa học tôi chưa biết đến. Giờ đây, tôi không chỉ biết rất nhiều về địa lý và kiến trúc của đất nước này, mà quan trọng hơn, tôi còn tiếp cận gần hơn đến cuộc sống của những con người coi đây là nhà. Tôi trở thành một phần trong số họ”.
Lên xuống dòng đời chỉ là những câu chuyện nhỏ, dung dị, thậm chí đôi lúc vụn vặt mà có thể chúng ta – bất cứ ai cũng có thể trải qua trong đời, nhưng nó cho thấy nỗ lực khát khao phi thường của những con người tử tế - những người sẽ không bao giờ đầu hàng số phận, mà biết dùng chính những khó khăn làm đòn bẩy, để tự tin bước đi thật xa.
Giản dị, mộc mạc nhưng sâu sắc, cuốn sách đầu tay của một người viết không chuyên ở tuổi 61 đã nhanh chóng trở thành best – seller của Singapore năm 2013. Tờ The Straits Times nhận xét: Cuốn sách này không chỉ là câu chuyện về một tài xế taxi: Nó chộp được những khoảnh khắc của một người Sing đang vận động, của một cộng đồng bồn chồn và thiếu thoản mãn, của những con người luôn hối hả đi tới những đích đến đâu đây”.
Nguyễn Hoàng Vy - Zing.vn