DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY
Cuốn dã sử tiểu thuyết Câu thơ yên ngựa được tác giả Hoàng Yến san hành vào năm 1979.

Kì thực trứ tác không lấy gì làm đặc biệt, có nhẽ vì đương thời giới văn bút Việt Nam ít có kinh nghiệm với thể loại cổ phong tiểu thuyết. Tuy nhiên, nhờ xuất hiện đúng thời điểm tổ quốc chịu gian lao trong dòng thác lịch sử, mà trọng điểm là cuộc chiến tranh biên giới ở phía Bắc đang hồi khốc liệt nhất, cho nên thay vì đến với công chúng ở hình trạng tác phẩm văn chương thuần túy thì nó lại trở nên kịch bản cải lương tuồng cổ.

Tác phẩm này cũng có nhẽ tiên khởi cho trào lưu chuyển soạn tuồng kiếm hiệp cổ trang (đương thời gọi vỏ-thuật chiến-đấu) với cốt truyện và bối cảnh hoàn toàn Việt Nam. Thông qua điển tích quan thái sư Lý Đạo Thành đòi treo ấn từ quan để thúc bách triều đình phải cương quyết kháng Tống và quan thái úy Lý Thường Kiệt đi thu phục man động đứng về Lý triều như thế nào, tuyến truyện tôn vinh nhiều nét mĩ đức của những con người bình thường trong hoàn cảnh nước An Nam lâm nguy trước họa xâm lăng từ phương Bắc.

Tác giả nêu vấn đề rằng, đối với mối nguy chung thì tiềm lực không phải ở bao nhiêu quân hay võ khí hùng hậu ra sao, mà cái cốt yếu vẫn là lòng người có vững bền hay không. Đây là điều thế hệ Z hiện đại thường tìm cách lảng tránh và thậm chí coi là đối tượng cần phải bôi xóa.
***

Nhà thơ, nhà văn, soạn giả Hoàng Yến đã qua đời lúc 19 giờ 30 ngày 23-2, sau một thời gian lâm trọng bệnh, hưởng thọ 91 tuổi. Hoàng Yến tên khai sinh là Lê Hoàng Yến, sinh năm 1922 tại Đà Nẵng.

Ông tham gia cách mạng từ năm 1942. Sau toàn quốc kháng chiến năm 1946, ông nhập ngũ và về làm Thư ký toà soạn Báo Khu 4, sau đó ông có một thời gian chiến đấu trong đội hình đại đoàn 304 tham gia nhiều chiến dịch lớn, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1957 ông là một trong những hội viên tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Dưới các bút danh Hoàng Yến, Thạch Tiên, Hoàng Lan, Hoàng Đức Anh, ông sáng tác khá nhiều, từ thơ, tiểu thuyết đến kịch bản sân khấu. Nhiều tác phẩm của ông đã ghi đậm dấu ấn trong lòng bạn đọc như tiểu thuyết lịch sử Câu thơ yên ngựa, Chân mây khép mở, tiểu thuyết Kẻ trộm nước trời... cùng nhiều kịch bản sân khấu khác. Ông đã giành được nhiều giải thưởng văn học - nghệ thuật gồm 3 huy chương vàng và 2 huy chương bạc cho các tác phẩm sân khấu.

Cách đây 2 năm, ông phải phẫu thuật ung thư đại tràng, kể từ đó sức khoẻ ông suy giảm dần cho đến khi mất. Linh cữu của ông quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm, TPHCM. Lễ động quan vào 6 giờ 30 ngày 27-2, sau đó an táng tại Nghĩa trang Công viên Bình Dương.

T. VY

***

Khi hạt sương đầu hạ chưa tan trước tia nắng sớm còn trằn trọc trên bóng vương thành, Thái Úy Lý Thường Kiệt đã lặng lẽ lên đường đi châu Lạng.

Trái với lệ thường, Thái Úy từ khước mọi nghi lễ tiễn đưa. Có lẽ chỉ có quan Đô Tri Lưu Khánh Đàm, vị quan chấp chưởng mọi việc ở cấm đình, là người duy nhất có mặt lúc Thái Úy qua sông. Thân hình ông ta như nhô ra từ trong bóng sáng chập choạng đẫm hơi sương của điện Hàm Quang.

Nhờ một ngọn gió lạc từ mé sông vào, đoàn tùy tùng đi sau, tình cờ nghe được một câu cuối cùng của quan Đô Tri nói với Thái Úy: "Mọi việc ở nhà, xin lệnh công cứ yên tâm". Rồi bóng ông ta lùi dần âm thầm lặn mất giữa bóng hòe trên con đường dẫn vào cửa Diệu Đức.

Chuyến đi của Thái Úy Lý Thường Kiệt càng thầm lặng thì những lời xì xào, bàn tán càng xôn xao trong đám đình thần. Người kinh thành cũng linh cảm có điều gì bất thường trong chuyến tuần du đột ngột này của quan Thái Úy. Mọi người cố suy đoán để tìm ra điều bí ẩn.

Những kẻ muốn tỏ ra mình có đi lại mật thiết với người nhà Thái Úy, nghiêm nghị lên giọng: "- Phải biết Thái Úy là con người chí hiếu. Cách đây ngót bốn mươi năm, lúc phụ thân của Thái Úy là quan Lang Tướng An Ngữ bị bệnh từ trần trong châu Ái, Người đã khóc ròng ba ngày liền không một ai dỗ nổi. Đầu năm nay Đức Thánh Tông đột ngột băng hà - ngoài nghĩa vua tôi đối với Tiên Đế, Thái Úy còn mang nặng một thâm tình ruột thịt. Có dễ gì trong chốc lát, vết thương sâu này có thể liền da. Vì vậy mới có việc phò mã Thân Cảnh Phúc khẩn khoản mời người đi châu Lạng. Chắc phò mã muốn mượn cảnh đẹp của dòng sông Đào Hoa để làm Người khuây vợi nỗi buồn thương".

Lại có người mỉm cười, bình thản bảo:

"- Có gì đâu, Thái Úy vừa ốm dậy. Mà mùa hè năm nay đến rất hỗn. Mới đầu tháng hai, nó đã vội vã đem sắc đỏ gay gắt của hoa gạo chặn đứng mùa xuân lại. Chắc chắn chuyến đi này của Thái Úy lên phương Bắc chỉ là một cuộc nhàn du tránh cái nóng oi nồng đang thiêu đốt kinh thành.

- "Tránh nắng ư? - Một kẻ khác thầm thì - Đúng hơn là tránh mặt đấy quan huynh ạ!

Huynh đài nên biết quan Thái sư phụ chính Lý Đạo Thành không ưa gì quan Thái Úy đâu - Giữa hai vị tể thần đầu triều ấy có điều đểnh đoảng với nhau như cơm nhạt canh loãng ấy mà". Vị kia bỗng ghé mồm vào tai bạn nói khẽ: - "Huynh đài nhầm rồi, người mà Thái Úy không muốn chạm mặt chính là Hoàng Thái Hậu Thượng Dương kia. Thái Úy không muốn tham dự vào những việc làm chướng tai gai mắt của bà Hoàng Hậu đa nghi vừa mới lên nắm quyền nhiếp chính".

Một võ quan ngồi im bỗng buột miệng nói to những điều đang suy nghĩ trong đầu: "- Sai toét! Cứ lấy đấu lấy bát mà so với vực với sông. Thái Úy đâu phải con người như thế. Biết đâu không phải vì Bắc thùy sắp sinh đại biến mà Người phải ra đi!".

- "Ông bạn ơi! Ông mơ ngủ hay sao mà nói thế? Làm gì có chuyện ấy - Một người bạn đồng liêu cãi lại - Tháng 3 vừa rồi, nhà Tống đã chẳng sai quan Chuyển vận sứ Quảng Tây là Khang Vệ sang điếu ai là gì? Hai nhà Tống - Lý vẫn giao hảo thuận hòa đấy chứ".

Riêng có gã thư nhi phụ việc cho quan Chiêm tinh là ở cách bức, xa mọi lời bình phẩm. Gã vẫn ngồi lì ở một góc trên Vọng tình đài, trịnh trọng lật quyển sổ bìa vàng, chậm rãi ghi:

"Năm Nhâm Tí, Thần Vũ thứ tư, mùa hạ bỗng đến đột ngột lấn mất của mùa xuân 28 ngày trời". Rồi như không tự chủ được ngòi bút, gã để cho mạch suy nghĩ lôi cuốn, bất giác tay gã viết tiếp:

"- Tháng giêng Nhâm Tí, vào ngày Canh Dần, vua Lý Thánh Tông băng hà cũng đột ngột. Thượng tuần tháng tư, chuyến đi của quan Đôn quốc Thái Úy Lý Thường Kiệt lên châu Lạng cũng đột ngột".

Hình như Thái Úy Lý Thường Kiệt không hay biết gì về những điều dị nghị về mình. Ông vẫn thanh thản lên yên, bỏ lại đằng sau những nghi hoặc bâng khuâng của kinh thành như đám bụi mù la đà bốc lên sau vó ngựa. Và mỗi bận thấy vị nguyên nhung của mình lên ngựa, viên tì tướng cận vệ trẻ tuổi lại ngẩn người trố mắt ra nhìn, không hết ngạc nhiên.

Chỉ cần khẽ nhún chân, vóc người đồ sộ nhưng rất cân đối của Thái Úy đã bay lên mình ngựa, tư thế uy nghi vững chãi như thạch trụ - trong thoáng giây thảng thốt ấy, quả Thái Úy đã biến thành một con người khác. Cái tuổi 54 của Thái Úy như lùi xa lại nhường bước cho khí lực sung mãn của một chàng trai đang độ tuổi xanh cường tráng. Con ngựa chiến Xích Long của Thái Úy, hí khẽ một tiếng vui mừng, cuộn hai chân trước lên rồi nhẹ nhàng sải vó. Cây cỏ nhà cửa hai bên đường vật vờ chạy ngược lại phía sau. Thỉnh thoảng một ngôi quán ven đường khẽ khàng nâng tấm liếp nhìn với theo đoàn người ngựa rồi lặng lẽ buông xuống như mi mắt còn ngái ngủ. Riêng ngôi quán ở đầu ngã ba Cội là có vẻ náo động khác thường. Ba gã lực lưỡng ăn mặc theo lối khách thương từ trong quán đổ xô ra, cặp mắt láo liếng của chúng không nhìn vào người cưỡi mà dán chặt vào những thân ngựa bóng nhẫy. Có tên nhanh chân chạy vượt theo vài bước để kịp nhìn thấy màu lông tía mật của con Xích Long lấp lóa trong nắng sớm.

Mải theo dõi từng cử động nhỏ của Thái Úy, viên tì tướng cận vệ không để ý đến những sự việc vụn vặt xảy ra ở hai bên đường.

Lúc này Thái Úy đang buông lỏng dây cương, chốc chốc lại ngoảnh đầu nhìn về phía mặt trời lên, ngựa lơi nước Kiệu. Nhìn theo luồng mắt của Thái Úy, viên tì tướng bỗng chợt hiểu ra.

Đấy là miếng đất Tiên Du, nơi an nghỉ hài cốt của các vị tiên đế dòng vua Lý. Cách đây không lâu, di thể của vua Thánh Tông cũng được đưa vào đấy. Hình như Thái Úy đang cố nén một tiếng thở dài.

Trong ngôi điện chứa kỷ niệm riêng tư đáng ghi nhớ của Thái Úy, hình bóng vua Thánh Tông quả đã chiếm một chỗ trang trọng, thiêng liêng nhất. Chẳng phải vì vị minh quân này đã không ngừng ban cho ông những phẩm vật triều đình cao nhất và đặt ông vào hàng vương gia với tước Thiên tử Nghĩa nam. Cũng không hẳn vì tấm lòng nhân của vua Thánh Tông tỏa ra bốn cõi, một lòng nhân chân chất, không khoác áo màu tự nhiên như lòng mẹ thương con, như hạnh sen nằm giữa đài sen. Lúc vua Thánh Tông lên ngôi là lúc hoài bão kiến công lập nghiệp ấp ủ trong buổi thiếu thời của công đã chín lại trên một mục tiêu chính xác và cao cả. Ý thức giúp vua xây dựng một quốc gia tự chủ có cương giới phân minh gặp được đầu óc tự cường mạnh mẽ của ông vua mới như hạt giống tốt gặp miếng đất phì nhiêu. Hai người như hai mũi tên cùng được đặt trên một dây cung, cùng bay đến một đích. Hai gương mặt lịch sử ấy soi bóng vào nhau và cùng thấy cháy lên một chí hướng chung. Cuộc hạnh ngộ này quả là một điều may mắn cho cuộc đời ông cũng như cho vận mệnh đất nước. Giữa hai người dần dần nảy sinh mối thân tình ruột thịt thường có được do gắn bó với nhau qua nước mắt mồ hôi, qua bụi đường chinh chiến.

Đối với ông, đức Thánh Tông không chỉ là vị quân vương tôn kính của mình mà còn là một người bạn đường tri kỷ. Viên tì tướng lặng lẽ nhìn Thái Úy. Tuy hạt sương sớm ngoài trời vừa tan biến từ bao giờ, anh vẫn cảm thấy trên khuôn mặt tuyệt đẹp của Thái Úy, đang phảng phất chưa tan làn sương mù của ký ức.

Lúc này Thái Úy đang hồi tưởng đến nỗi đau phũ phàng, bất ngờ ập đến trong đời ông. Vua Thánh Tông bỗng dưng băng hà đột ngột không kịp di mệnh. Nhưng bằng vào những ngõ ngách sâu thẳm trong tâm tư, ông đã hiểu được ý nguyện thầm kín của tiên quân.

Trước hơn ai hết trong đám quần thần, ông cảm thấy sâu sắc lời di mệnh không thành tiếng ấy đang đè nặng xuống vai ông và giờ đây một mình ông phải cáng đáng.

Suốt đêm hôm ấy và qua ngày hôm sau, vua Thánh Tông vẫn cùng đi với ông trong cuộc hành trình... Hồi ức trỗi lên thành âm thanh du dương của một điệu nhạc triền miên có thêm tiếng vó ngựa lộp cộp đều đặn đệm tiết tấu. Điệu nhạc này cứ đeo đẳng theo ông mãi cho đến lúc vóc dáng cao lớn dềnh dàng của phò mã Thân Cảnh Phúc cùng thuộc hạ hiện lên bên kia bờ sông Nam Bình...

Mời các bạn đón đọc Câu Thơ Yên Ngựa của tác giả Lê Hoàng Yến.

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000