DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Cây Brooklyn Xanh biếc

Tác giả Betty Smith
Bộ sách
Thể loại Kinh điển
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 362
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Betty Smith Khánh Trang Tiểu Thuyết Kinh Điển Văn học Mỹ Văn học phương Tây
Nguồn Mọt Truyện
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết Cây Brooklyn Xanh biếc của tác giả Betty Smith & Khánh Trang (dịch).

Giống như bất kỳ cuốn sách được yêu thích nào, Cây Brooklyn xanh biếc vẫn cho chúng ta thấy những hạn chế về cốt truyện. Trong suốt hơn 500 trang sách, hầu như không có gì đáng kể diễn ra cả. Dĩ nhiên, nói như vậy cũng không thực sự chính xác: Tất cả những gì có thể xảy ra trong cuộc sống đều xảy ra trong cuốn sách này, từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, từ kết hôn cho đến trùng hôn [1]. Nhưng những sự kiện đó xảy ra một cách chậm rãi, chắc chắn và vô định hệt như đang xảy ra trong dòng chảy chậm rãi, chắc chắn và vô định của sự hiện hữu chân thật, còn không có cả những tiếng loảng xoảng “và sau đó” vẫn hay chen mình vào phần tóm tắt các sự kiện nữa.

Nếu sau này có người thắc mắc, “Cuốn sách này nói về điều gì?” hiển nhiên rồi, đây là một trong những câu hỏi đáng bực mình nhất và mang tính giản lược nhất trên thế giới đối với cả độc giả lẫn tác giả – bạn sẽ không thể trả lời là, à thì, nó nói về một gã ấu dâm thộp lấy một cô bé ở hành lang, hay một người đàn ông đi uống rượu bét nhè rồi mất việc, hay một người phụ nữ làm công việc dọn dẹp trong mấy tòa nhà cho thuê. Cây Brooklyn xanh biếc không phải là loại sách có thể rút gọn thành những dòng tóm tắt cốt truyện. Người ta sẽ chỉ có thể nói rằng đây là một câu chuyện về ý nghĩa của kiếp người.

Khi cuốn sách này ra mắt lần đầu vào năm 1943, những nhà phê bình có thiện cảm với nó gọi đây là một cuốn sách thật thà, và lời nhận xét này đúng nếu xét trên một phương diện nào đó. Tuy nhiên, giá trị của nó không chỉ dừng lại ở đó: Cuốn sách này chân thật, sâu sắc đến không thể xóa bỏ. Thật thà tức là chiếu ánh hào quang vào trải nghiệm của riêng bạn; còn chân thật tức là chiếu ánh hào quang vào trải nghiệm của tất cả mọi người, đây là lý do vì sao mà đã sáu thập niên sau khi ra mắt và ngay lập tức trở thành một cuốn sách hút khách, Cây Brooklyn xanh biếc vẫn tiếp tục được độc giả ở mọi quốc gia, mọi tầng lớp, tìm đọc. Ở giai đoạn đầu khi thành công của cuốn sách nở rộ, người ta chỉ coi đây là một cuốn sách viết về cuộc sống thành thị, một câu chuyện kể về cái nghèo cùng cực, một giai thoại về những nỗi chật vật của người nhập cư ở Mỹ. Nhưng tất cả những yếu tố đó chỉ là bối cảnh làm nền, những chủ đề mà nó đề cập tới còn vươn xa hơn nữa: kết cấu của gia đình, những giới hạn của tình yêu, sự trưởng thành, và sự khai sinh của tri thức.

Tất cả những điều này đều xảy ra trong cuộc đời của Francie Nolan 11 tuổi, khi câu chuyện của cô được mở ra vào mùa hè năm 1912, trên tầng ba của một tòa nhà không có thang máy, nằm khuất dưới bóng của cây thiên đàng [2] vạm vỡ nơi đô thị, “cái cây duy nhất mọc lên từ xi-măng,” cái cây “có tình cảm với người nghèo”. Bối cảnh của câu chuyện được đặt ra ngay từ những trang đầu tiên, một khu dân cư xô bồ, náo nhiệt, nghèo khổ, nơi lũ trẻ con lấy đồ phế liệu đem bán hòng kiếm vài xu lẻ, một nửa cất riêng để mua sắm những món vặt vãnh cho bản thân, còn một nửa mang về đưa cho bố mẹ, những người hầu như lúc nào cũng hụt tiền nhà hay tiền ăn, không thể mua được gì ngay cả khi cửa hàng gần đó bày ê hề các loại thực phẩm giảm giá vì sắp hết hạn sử dụng.

Mẹ của Francie là một phụ nữ nhỏ nhắn và xinh đẹp nhưng cứng cỏi và cương quyết; bố cô có tính tình hồn hậu, dễ mến nhưng vô trách nhiệm và hơn hết, là một kẻ nát rượu. Và tất cả những điều đó sẽ rơi vào cái khuôn khổ chật hẹp của định kiến nếu như những con người và hoàn cảnh xung quanh Smith không được cô nhìn qua những lăng kính chân thật đến không thể bác bỏ, không được kể lại một cách dung dị nhưng phong phú với những chi tiết và khoảnh khắc nhỏ nhặt nhắc chúng ta nhớ về cuộc sống của chính mình: cái ngân hàng tự chế làm từ một chiếc lon cũ mà mẹ của Francie đem giấu trong tủ quần áo để dành dụm tiền mua một mảnh đất nhỏ, mặt trước được hồ cứng của chiếc áo sơ-mi mà bố cô mặc bên trong chiếc tuxedo cũ khi anh tới nhà hàng làm bồi bàn kiêm ca sĩ, người thủ thư chỉ cúi mặt cộp dấu vào những cuốn sách mà cổ mượn về chứ không bao giờ ngước mắt trông lên, người giáo viên một mực bắt cô chỉ được viết về những điều đẹp đẽ và êm đềm, thay vì viết về những gì mà cô thực sự trông thấy xung quanh mình.

Nhìn từ góc độ văn chương, đây không phải là một cuốn sách quá phố trương. Các trang viết không nặng nề với những hình ảnh ẩn dụ hay so sánh hay bị lấn át bởi giọng nói của tác giả đang mê mẩn với tiết tấu riêng của câu chuyện. Giá trị của nó nằm ở những mô tả sắc bén về khung cảnh và con người trong đó. Khi gia đình Nolan chuyển nhà, căn hộ trống trải của họ “có dáng vẻ của một người cận thị khi bỏ kính ra.” Khi lũ trẻ nhìn bố uống rượu, chúng “băn khoăn vì sao rượu uống để dễ ngủ cũng có thể là rượu uống để tỉnh táo.” Khi Francie viết bài tiểu luận đúng như kỳ vọng của giáo viên, cô đã đọc lại những gì mình vừa viết rồi kết luận: “Nghe như những lời này đến từ một chiếc lon đựng đồ ăn chế biến sẵn vậy; sự mới mẻ đã bị đun đến bốc hơi mất rồi.”

Không cần phải thêu hoa vẽ bướm cho những câu chuyện này; sức mạnh của chúng nằm ở thứ cảm xúc phổ quát giản dị mà chúng gợi lên. Francie phải tới bệnh viện công để chủng ngừa thì mới được phép đến trường; bên cạnh nỗi sợ tiêm của cô là sự tủi hổ khi phải ngồi nghe hai vị bác sĩ và y tá bình luận với nhau rằng trông cô thật bẩn thỉu, lem luốc. Cuối cùng, sau khi vết tiêm ở tay được dán băng, Francie đã vượt qua khoảng cách giai tầng vời vợi giữa cô và vị bác sĩ giàu có cùng vị y tá vốn cũng từ môi trường giống như cô vươn lên nhưng lại quay lưng chối bỏ xuất thân của mình, để mà nói với họ rằng: “Tiếp theo đến lượt em cháu tiêm. Tay nó cũng bẩn như tay cháu nên mọi người đừng ngạc nhiên. Mà cô chú cũng không cần phải nói cho nó biết chuyện này. Cô chú vừa nói với cháu rồi.”

“Không ngờ con bé lại hiểu những điều tôi nói,” sau đó vị bác sĩ đã sửng sốt thốt lên.

Cô là đứa trẻ có thể hiểu được hầu hết mọi việc xung quanh. Phần mô tả cô bước vào giai đoạn tuổi mới lớn, khi cô đột nhiên nhận ra thế giới này thật đen tối và đầy rẫy những khiếm khuyết, bố mẹ cô cũng là những con người bằng xương bằng thịt chứ không phải đấng toàn năng, hay những vở kịch trên sân khấu mà trước đây cô từng say sưa thực ra chỉ là những câu chuyện đã được kể đi kể lại đến cũ mèm, là một trong những phần mô tả tuyệt vời nhất trong văn chương về sự biến ảo của chiếc kính vạn hoa mang tên cuộc sống mà quá trình trưởng thành mang lại. Cuối cùng, cô đã đặt ra câu hỏi về trò chơi mà mẹ cô bày cho con cái mỗi khi nhà hết đồ ăn, trong đó cô và em trai giả vờ làm các nhà thám hiểm đang bị mắc kẹt trong một cái hang ở Bắc Cực vì bão tuyết. “Các nhà thám hiểm phải chịu đói như vậy là có lý do,” Francie nói. “Thế chúng ta cũng phải chịu đói như thế là vì cái gì?” Katie Nolan buồn bã trả lời, “Con đã phát hiện ra cái bẫy ở đây rồi.”

Chắc hẳn trước đây độc giả cũng từng được gặp kiểu hình tượng nữ chính này trong những tác phẩm văn chương đáng nhớ khác, những đứa trẻ sắc sảo, đọc sách say sưa, viết lách không ngừng nghỉ, luôn mơ về một tương lai khác với tương lai mà quá khứ và hiện tại của họ đưa ra điềm báo trước. Jo March trong “Little Women” (Những người phụ nữ bé nhỏ) là một ví dụ, Anne Shirley trong cuốn tiểu thuyết “Anne of Green Gables” (Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh) là ví dụ thứ hai, Betsy Ray trong loạt tiểu thuyết Betsy– Tacy là ví dụ thứ ba. Nhưng Francie Nolan và Cây Brooklyn xanh biếc đã vạch trần điểm yếu cố hữu trong những câu chuyện trên, sự thiếu hơi thở của hiện thực đã khiến chúng mãi mãi dừng chân ở địa hạt của những cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nữ tuổi mới lớn, trong khi chủ đề này vẫn thường thuộc về dòng văn chương viết cho người trưởng thành.

Ở Brooklyn thân thương của Francie, một kẻ hiếp dâm lén lút rình mò nơi hành lang các tòa nhà, những phụ nữ trẻ sinh con ngoài giá thú và thường xuyên bị chửi rủa hay thậm chí là bị đánh đập, còn ông lão tốt bụng trong cửa hàng thu gom phế liệu không phải là người mà một đứa trẻ có thể liều lĩnh đến gặp một mình. Những cô gái nhà March trong Little Women tuy nghèo, nhưng cái nghèo của họ được khắc họa như một loại phước lành cao quý; Betsy Ray thì quyết tâm và chắc chắn sẽ trở thành một nhà văn, điều này được mô tả như một thực tế không thể tránh khỏi. Trong khi đó, cái nghèo của gia đình Francie lại đi kèm với sự hèn kém và khốn khổ, và khả năng trở thành một nhà văn thực ra chỉ là một ước mơ xa vời, bởi cô phải nghỉ học, rồi làm việc trong các nhà máy và văn phòng để có tiền mua thức ăn và trả tiền thuê nhà. Khi Francie tới nhà hát xem kịch, cô không khỏi khinh bỉ khúc của đột ngột trong cốt truyện, khi nhân vật chính xuất hiện vào giây phút cuối cùng để thanh toán khoản tiền thuê nhà và cứu vãn được tình hình. “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu anh ta bị giữ chân và không thể đến kịp?” Cô tự hỏi, và tự trả lời câu hỏi này theo cách duy nhất mà cô biết: “Chắc chắn họ vẫn sống rồi,” Francie ủ dột nghĩ. “Để chết được cũng khó lắm.”

Vậy thì tại sao đây lại không phải là một cuốn sách u ám, dù rằng có xuất hiện cả những cảnh như người bố mà Francie yêu quý khóc lóc trong cơn sảng rượu và giáo viên của cô bé liên tục cho cô điểm “C” môn Anh văn vì dám viết về cảnh tượng đáng sợ có thật ấy, thay cho những câu chuyện kể đầy tính sắp đặt về những vườn táo và những buổi trà chiều? Một phần nguyên nhân chắc chắn là bởi chúng ta đều biết rằng cuối cùng, Francie sẽ giành chiến thắng. Một giọng nói trầm tư và thông thái thi thoảng sẽ xuất hiện như để giám sát diễn biến của cuốn tiểu thuyết, đó vừa là giọng nói của tác giả, Betty Smith, vừa là giọng nói không thể nhầm lẫn của cô bé Francie đang từng bước trưởng thành, từng bước trở nên điềm đạm và vững vàng. Không có gì phải nghi ngờ, đây là một cuốn tự truyện; ban đầu nó được viết theo thể loại hồi ký, về sau được viết lại thành tác phẩm hư cấu theo yêu cầu của một biên tập viên ở nhà xuất bản. Về phần bản thân tác giả, khi kể về dòng thư nối liền không dứt do độc giả gửi tới sau khi cuốn Cây Brooklyn xanh biếc ra mắt lần đầu và các lần tái bản sau đó, bà chia sẻ: “Có tới một phần năm trong số những bức thư đó bắt đầu bằng dòng chào hỏi Francie thân mến.”

Nhưng ngay cả khi chúng ta không ngờ được rằng Francie lớn lên không những sẽ trở thành một nhà văn mà còn viết được một cuốn sách hút khách và đạt được thành công ngoạn mục, thì ở phần cuối của cuốn tiểu thuyết này vẫn toát lên một bầu không khí bình yên như dự đoán về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho những nhân vật thân thương trong đó. Em gái của Francie, ra đời sau khi người bố đáng mến nhưng không giúp được gì nhiều cho gia đình qua đời, sẽ được trải qua một cuộc sống dễ thở hơn nhiều so với Francie và em trai Neeley của cô; ngay cả khi cô ngồi là tấm phù hiệu công đoàn trên áo của Neeley, Francie cũng sắp lên đường tới một trường đại học ở rất xa Brooklyn. Cô rời đi, nhưng là rời đi với tất cả những gì cô đã học được từ một nơi vừa có cái nghèo cùng cực vừa có sự phong phú đến tuyệt vời. Trong cảnh kết thúc nhiều xúc cảm, cô phóng tầm mắt nhìn ra những khoảng sân sau khu nhà cho thuê, nơi cây thiên dàng tuy đã bị chặt nhưng lại kiên cường mọc lên một lần nữa, rồi khi trông thấy một cô bé ở đó, cô đã thì thầm như nói với chính con người trước đây của mình rằng: “Tạm biệt, Francie.”

Có phải tại thời điểm đó chúng ta chỉ nói lời tạm biệt với Francie thôi không? Dĩ nhiên là không, nếu đúng như vậy thì có lẽ cuốn sách này đã rơi vào quên lãng từ lâu rồi. Đây không đơn thuần chỉ là bức chân dung khắc họa một góc của một thành phố từ cách đây gần một thế kỷ, cũng không phải là bản mô tả về cuộc sống của những con người nghèo khó thời ấy ở nước Mỹ. Và mặc cho một vài nhà phê bình vẫn đưa ra lập luận này, đây không phải là một cuốn sách viết về những vấn đề trong xã hội, về đấu tranh giai cấp, tư cách thành viên công đoàn, hay giáo dục công cho người nghèo. Đây cũng không phải là một cuốn tiểu thuyết bàn về phúc lợi xã hội, trong đó các nhân vật chỉ tồn tại trong vai trò của những con rối, mà người giật dây là những mục đích cao cả đang thịnh hành ở thời đại của họ. Trong cuộc sống, những vấn đề đó chỉ tồn tại và hiện thân thông qua con người, sở dĩ chúng có mặt trong cuốn sách này là bởi có sự khắc họa về những con người bị chúng giày vò, cứu rỗi hay dọa nạt.

Thay vào đó, đây là một cuốn sách thuộc hàng hiếm hoi và có sức sống bền bỉ, một cuốn sách mà qua đó, bất luận xuất thân hay bối cảnh của chúng ta là gì, chúng ta vẫn nhận ra chính bản thân mình. Francie không nói “tạm biệt” khu nhà cho thuê hay những bi kịch, cô nói “tạm biệt” cô gái nhỏ bé mà trước đây cô từng là, những ảo tưởng mà cô từng có và cuộc sống mà cô từng sống.

Anna Quindlen

***

Nghị lực mạnh mẽ trong "Cây Brooklyn xanh biếc"

Được đánh giá là một trong những tiểu thuyết hay nhất của văn chương Mĩ, Cây Brooklyn xanh biếc là một áng văn vừa cá nhân nhưng lại phổ quát, vừa dịu dàng nhưng cũng mạnh mẽ… về những con người vượt qua số phận đầu thế kỉ XX.

Xoay quanh nhân vật Francie Nolan, tác phẩm lớn này gồm 5 phần nhỏ và được viết ra như bản sử thi gia đình. Lấy bối cảnh khu ổ chuột Williamsburg những năm 1900 cho đến những ngày kề cận Đệ nhất Thế chiến, tiểu thuyết gia Betty Smith đã truyền đi nhiều thông điệp ý nghĩa. Với lượng lớn nhân vật và những câu chuyện có nhiều nhánh rẽ, tác phẩm này cũng phản ánh một cách hiện thực nước Mĩ và những con người trong đô thị ấy.

Những người ngoại đạo

Là con của một gia đình nhập cư người Đức, có lẽ hơn ai hết Betty Smith biết những khó khăn mình sẽ gặp phải. Trong một đất nước mà người mới đến luôn luôn bị coi như kẻ bên lề, cả nhà Nolan cũng như Rommely đã rất cố gắng trong từng giây phút. Trong đó gia tộc Nolan đến từ Ireland bởi Nạn đói lớn, và đã chịu cảnh đọa đầy bởi phân biệt đối xử. Cũng tương tự với một tác phẩm khác lấy cùng bối cảnh là Tro tàn của Angela của nhà giáo – tiểu thuyết gia Frank McCourt, cả hai tác phẩm đều nổi bật lên một sự nghèo đói nhưng được khắc họa theo hướng vui tươi.

Có lẽ thành công lớn nhất của Betty Smith là đã xây dựng được một nhân vật ấn tượng. Trong cuốn sách này, Francie cũng như bạn bè đồng trang lứa được sinh ra giữa sự nghèo khó. Cô đã đồng hành cùng với Neeley – em trai cách mình 1 tuổi, để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn. Ở những phân cảnh có hai chị em, Betty cho ta cảm giác về sự tin tưởng cũng như thơ ngây và đầy hồn nhiên. Bởi lẽ cái nghèo không hẳn lúc nào cũng nghiêng về phía tiêu cực, mà ở khía cạnh nào đó, nó cũng mang ta lại gần với nhau.

Trong cách viết văn có phần gần gũi, Betty Smith đã rất tài năng khi kể lại được những chuyện vừa buồn vừa vui, để lại dấu ấn sâu trong người đọc. Chẳng hạn như việc người mẹ Katie tuy rất thiếu thốn nhưng vẫn cho phép con gái phung phí món café pha loãng vì “những người như chúng ta thi thoảng có thể phung phí thứ gì đó để tận hưởng cảm giác có thật nhiều tiền trong tay và không phải lo lắng về việc phải đi xin xỏ người khác”. Đó cũng là những chi tiết về người cô Sissy với vẻ quyến rũ lẳng lơ cùng với đời sống tình cảm có phần bốc đồng… Có thể thấy rằng trong tác phẩm này, nhân vật dù chính hay phụ thì đều sẽ được khai thác dưới nhiều nhãn quan, giúp họ có cá tính riêng và được độc giả quan tâm nhớ đến.

Ở nhà Nolan, nhân vật chủ chốt vẫn là người bố Johnny luôn luôn thấu hiểu cũng như dịu dàng với con của mình. Đó cũng là mẹ Katie cần cù, chịu thương chịu khó và luôn giữ mãi những nét đức hạnh. Gia đình gồm 4 người họ trong buổi khó khăn cùng nhau vun vén để mà tồn tại. Dường như sống trong thiếu thốn giúp họ nhận ra mình cần nhau hơn, và cũng giống với gia đình McCourt trong Tro tàn của Angela. Nhưng gió rồi sẽ đảo chiều khi những trụ cột gia đình sẽ bị ngáng trở bởi cuộc đời này, khiến họ như bị phá hủy từ tận bên trong.

Nếu cha của Frank từng bị xem thường chỉ bởi chủng tộc, thì Johnny lại chịu tổn thương bởi những ước vọng không thể đạt được. Cả hai đều bị hủy hoại dưới sự phân biệt một cách cực đoan mà không một ai có thể giúp đỡ. Mang nặng tâm lí gánh vác gia đình, họ sớm oằn vai và rồi ngã xuống. Từ đó mà họ để lại một gia đình lớn cùng với người vợ giờ sẽ suy sụp. Thế nhưng khác Angela người làm mọi thứ để con cái mình có được miếng ăn, dù là xin xỏ từ chỗ phát chẩn hay các nhà thờ, thì Katie lại dạy con mình bài học lớn hơn, khi luôn biết cách giữ gìn phẩm giá.

Phản ánh xã hội

Không thể khẳng định đâu là cách làm tốt hơn, thế nhưng qua tác phẩm này, Betty Smith cũng đã cho thấy những tư tưởng mới và đầy tiến bộ của người phụ nữ đầu thế kỉ XX. Khi mà quyền được bầu cử vẫn chưa thông qua, thì họ vẫn luôn biết cách để mà thu vén, tiết kiệm, cũng như ý thức chỉ có giáo dục mới khiến thế hệ tiếp theo không còn nghèo đói. Trong những đoạn văn mà bà ngoại Mary dạy cho Katie cách nuôi dạy trẻ, trong cách đối xử đầy lòng thương yêu của các người dì Sissy và Evy đối với Francie… ta cũng thấy được một góc nhìn mới về việc khẳng định sức mạnh phụ nữ.

Chẳng hạn như một đoạn văn mà chính bà ngoại nói với Katie: “Đứa nhỏ cần có một thứ vô giá gọi là trí tưởng tượng. Nó phải có một thế giới bí mật, nơi cư ngụ của những thứ chưa từng tồn tại trên cuộc đời này. Điều cần thiết ở đây là đứa nhỏ phải biết tin tưởng, bắt đầu bằng việc tin vào những thứ không thuộc vào thế giới này. Đó là quá trình tìm hiểu sự thật. Trước tiên tin tưởng bằng cả trái tim, sau đó không còn tin nữa. Nó khiến các cung bậc cảm xúc lên cao và rồi xuống thấp. Khi trưởng thành, nếu có người khiến nó thất vọng, nó sẽ tiếp nhận mọi chuyện không quá khó khăn.” Từ đó mà người mẹ ấy đã hướng con mình đến một tương lai rất đáng khích lệ.

Tác giả cũng không giấu đi hiện thực về tính nam độc hại, về sự gia trưởng và những phân biệt đối xử trong giai đoạn đó. Những vết nhơ về lạm dụng, quấy rối tình dục, thiếu lòng vị tha, thiên vị nam tính… cũng được khảo sát một cách kĩ càng. Dẫu vậy chúng không được viết bằng lối giáo điều mà thay vào đó là rất dịu dàng cũng như đồng cảm. Mang dáng dấp bán tự truyện, Betty Smith biết cách khai thác sự quan sát và tâm hồn nhạy cảm của nhân vật chính, từ đó truyền đi thông điệp ý nghĩa.

Chẳng hạn khi thấy Joanna – một người phụ nữ bị vị nhân tình ruồng bỏ hay thấy Neeley bắt nạt người khác mà mới trước đó cậu là nạn nhân… Francie đã tự ý thức được lòng trắc ẩn. Betty Smith cũng nhấn những nét chấm phá cho các nhân vật tưởng như bên lề như cậu bé mắc bệnh suyễn Henny, ông chủ quán rượu McGarrity hay viên cảnh sát McShane… Từ đó cho thấy cuộc đời vốn luôn phức tạp, và cách sống đẹp là biết chia sẻ. Còn nhiều bài học khác nữa trong tác phẩm này, và chúng cũng sẽ được viết một cách sống động và đầy thơ mộng.

Không hề che giấu những vết thương sâu, Betty Smith bằng dung lượng dài của cuốn tiểu thuyết cũng viết nên một áng văn về tấn trò đời nơi nhiều số phận cũng như thân phận soi chiếu lẫn nhau. Ở đó có những người tốt khi không e ngại cả sự nghèo đói để cứu thoát một sinh linh, nhưng cũng có người lầm đường lạc lối mà sự can đảm sẽ chẳng đưa họ đi đến được đâu...

Cá tính đặc biệt

Trong suốt dòng chảy văn chương, có thể đánh giá Cây Brooklyn xanh biếc ngang hàng với tác phẩm khác là Chuyện gia đình March vô cùng kinh điển của Louisa May Alcott. Có cùng motif một nhân vật chính khi vừa mạnh mẽ lại vừa hồn nhiên, Betty Smith mang đến góc nhìn không quá hiện thực nhưng cũng không hẳn nhuốm màu đen tối. Trong cô bé ấy là một cái nhìn hoàn toàn bao dung, được đúc kết từ thiếu thốn cá nhân cùng với quá trình vươn lên số phận.

Hình tượng Francie cùng với không gian đọc sách ở chỗ cầu thang của cô đã và sẽ mãi đi vào lịch sử văn chương. Chỉ bằng một mô tả ngắn nhưng ta thấy cả một cá tính riêng và rất đặc biệt. Trong cô bé ấy có cái phù phiếm của tuổi mới lớn, trong việc đặt tấm thảm nhỏ lên cầu thang, lấy gối trên giường, ăn chiếc bánh xốp bạc hà màu hồng và trắng mà mình đã mua từ chỗ xu lẻ kiếm được từ bán phế liệu… Nhưng cũng đồng thời đầy sự trưởng thành và có ý thức, với các cuốn sách mượn từ thư viện và chỗ quan sát đặc biệt, nơi một cái cây mà cô giấu mình và nhìn xung quanh.

Cũng ở đoạn này Betty Smith đã cho ta thấy rất nhiều hình tượng mang theo sức mạnh. Đó là “cây thiên đường”, “cầu Brooklyn” như đại diện cho sự tự do mà nhân vật chính mong muốn hướng đến. Cô biết cái cây nhỏ ấy dù có bị chặt hay làm tổn hại thì nó rồi sẽ xanh lại và đầy sức sống. Con người chúng ta cũng hệt như thế, trưởng thành từ những nỗi đau để ta lớn hơn và hiểu nhiều hơn về cuộc đời này. Francie đã không từ chối xuất thân nghèo khó, cô chấp nhận nó và coi đó là động lực để mình vươn lên.

Như khi Betty Smith viết “Cô tự hào vì cái mùi này. Nó cho cô biết rằng ở gần đây có một nhánh sông, dẫu rằng nhánh sông đó rất bẩn, đổ ra một con sông khác rồi chảy ra biển. Đối với cô, thứ mùi tanh nồng ấy gợi lên hình ảnh của những con thuyền ra khơi và những chuyến phiêu lưu.” Vì vậy rốt cuộc ở cuối tác phẩm khi đã bước lên cây cầu Brooklyn – một biểu tượng khác của sự thành công, Francie đã không choáng ngợp trước thứ mình đã tưởng tượng. Cuộc sống của cô sau nhiều biến cố đã xa và rộng lớn hơn khu ổ chuột Williamsburg và khu Brooklyn cô đã từng quen, để vươn xa hơn và cao hơn mãi.

Từ những điều trên có thể thấy rằng bằng một cốt truyện nhẹ nhàng, điềm tĩnh, nhưng cũng không thiếu những sự mạnh mẽ cũng như tàn khốc, thông qua ngôn ngữ trong sáng, Betty Smith đã viết nên một áng văn dũng cảm về việc vượt lên số phận, tiến về phía trước. Cây Brooklyn xanh biếc là tác phẩm lớn, và các giá trị mà nó mang lại sẽ còn trường tồn rất lâu sau nữa.

LINH TRANG

 

Mời các bạn tải đọc sách Cây Brooklyn Xanh biếc của tác giả Betty Smith & Khánh Trang (dịch).

Mọi người cũng tìm kiếm


Cây Brooklyn Xanh Biếc PDF

Cây Brooklyn Xanh Biếc ebook

Cây Brooklyn Xanh Biếc Review

Giá bìa 146.000

Giá bán

116.800

Tiết kiệm
29.200 (20%)
Giá bìa 146.000

Giá bán

116.800

Tiết kiệm
29.200 (20%)