Truyện ngắn “Sợi dây chyền kim cương” (La Parure) được sáng tác vào năm 1884, trong bối cảnh những năm cuối thế kỷ XIX ở Pháp. Từ rất sớm, xã hội Pháp đã được thiết lập dựa trên một giai cấp cơ bản và những người muốn cố thay đổi hay vượt lên giai cấp mà họ đã sinh ra phải chịu rất nhiều tủi nhục, cay đắng. Sau Cách mạng Pháp (1789- 1799), nước Pháp trở thành nước Cộng hòa, nhưng sự phân biệt giai cấp vẫn là một phần không thể thiếu trong xã hội. Thông qua những số phận bất hạnh, những hoàn cảnh trớ trêu, bằng ngòi bút sắc sảo đầy tính nhân văn của mình, Maupassant đã vạch trần những mặt trái của xã hội Pháp lúc bấy giờ.
***
Trong tập truyện ngắn MƯA, nhiều tác giả, Nguyễn Hiến Lê dịch, có hai truyện ngắn sau đây của Guy de Maupassant (1850-1893): Thùng Nước Lèo (Boule de Suif) và Chiếc Dây Chuyền (La Parure).
Trước đây tôi đã chép truyện trước, nay tôi xin chép thêm truyện sau. Các bạn có thể xem lại lời cụ Nguyễn Hiến Lê giới thiệu tác giả Guy de Maupassant và xem nguyên tác La Parure. Ở đây tôi xin được nói thêm là truyện ngắn La Parue ra mắt độc giả lần đầu tiên trên tờ Gaulois ngày 17-02-1884 và trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng của Guy de Maupassant. La Parure đã gợi hứng Henry James viết truyện ngắn “Paste”; nó đã được chuyển thể thành nhạc kịch, thành phim, và nó cũng được đưa vào sách giáo khoa…
Goldfish
Tháng 11 năm 2013
***
Henri René Albert Guy de Maupassant (1850–1893) là nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng người Pháp.
Guy de Maupassant sinh tại vùng Normandie ở miền bắc nước Pháp, trong một gia đình giàu có.
Cha mẹ Maupassant ly thân năm ông lên mười một tuổi, và bà mẹ đã một mình nuôi dạy con. Từ ảnh hưởng ấy, bà đã trở thành nhân vật nữ trong rất nhiều câu chuyện của ông. Maupassant được gửi đến trường nội trú ở Yvetot vì bản tính bất trị, hay nổi loạn. Ông từng học ở trường Phổ thông cao đẳng tại Rouen và được bằng Cử nhân Văn chương. Sau khi tốt nghiệp, Maupassant gia nhập quân đội và tham gia Chiến tranh Pháp–Phổ (1870–1871).
Năm 1871, ông đến Paris làm một viên chức nhỏ cho Bộ Hải quân. Từ năm 1878 trở đi ông làm một viên chức Bộ Giáo dục. Cuộc đời làm viên chức nhỏ kéo dài khá lâu, đã để lại nhiều dấu ấn trong tư tưởng và sự nghiệp của ông, góp phần quan trọng vào việc hình thành "hình tượng con người bé nhỏ" - một kiểu nhân vật văn học quan trọng sẽ ra đời vào cuối thế kỷ 19 và thịnh hành suốt nửa đầu thế kỷ 20.
Với những khó khăn dồn dập, Maupassant ngày càng trở nên bi quan đến nỗi bị chứng nhức đầu kinh niên không dứt, chỉ có thể làm dịu cơn đau bằng cách hít ether. Việc lạm dụng ether đã gây cho ông nhiều ảo giác và cuối cùng Maupassant bị sụp đổ tinh thần hoàn toàn. Rồi ông trở nên giàu có, và chi tiêu bừa bãi vào thú ăn chơi. Nhưng sau thời gian này, ông trở nên tuyệt vọng, vào năm 1892 tự tử nhưng được cứu sống.
Sau đó Maupassant bị giam trong dưỡng trí viện tư nhân Doctor Blanche tại Passy, Paris.
Maupassant mất ngày 6 tháng 7 năm 1893, chỉ vừa 42 tuổi, trong thời kỳ thứ ba của bệnh giang mai, căn bệnh đã kết liễu cuộc đời của nhà văn.
Tiểu thuyết
- Một cuộc đời (Une vie, 1883)
- Anh bạn đẹp (Bel-Ami, 1885)
- Mont-Oriol (1887)
- Pierre et Jean (1888)
- Fort comme la Mort (1889)
- Notre Coeur (1890)
Truyện ngắn
- Viên mỡ bò (Boule de Suif, 1880)
- La Maison Tellier (1881)
- Une partie de campagne (1881)
- Cô Fifi (Mademoiselle Fifi, 1882)
- Contes de la Bécasse (1883)
- Au soleil (1884)
- Clair de Lune (1883)
- Les sœurs Rondoli (1884)
- Yvette (1884)
- Miss Harriet (1884)
- Adieu (1884)
- Monsieur Parent (1885)
- Contes du jour et de la nuit (1885)
- La Petite Roque (1886)
- Toine (1886)
- Le Horla (1887)
- Sur l'eau (1888)
- Le Rosier de madame Husson (1888)
- L'héritage (1888)
- La Main gauche (1889)
- Histoire d'une fille de ferme (1889)
- La vie errante (1890)
- L'Inutile beauté
- Le père Millon (1899, sau khi chết)
- Le colporteur (1900)
- Les dimanches d'un bourgeois de Paris (1900)
- Bố của Simon (Le Papa de Simon)
- La Ficelle (1883)
- La Légende du Mont St Michel (1882)
Kịch
- Histoire du vieux temps (1879)
- Musotte (1890)
- La paix du ménage (1893)
- Une répétition (1910)
- Phê bình
- Émile Zola (1883)
- Étude sur Flaubert (1884)
***
Nàng vào hạng thiếu nữ xinh đẹp, có duyên, mà Trời bắt sanh lầm vào một gia đình công chức tầm thường. Nàng không có hồi môn, không có hy vọng, không có phương tiện nào để được người ta biết, hiểu, yêu, để được một người giàu có sang trọng cưới làm vợ; và nàng đành phải kết duyên với một thầy kí ở bộ Quốc gia Giáo dục.
Nàng ăn bận giản dị vì không có gì để trang điểm và nàng khổ sở như kẻ bị tụt địa vị; vì đàn bà không có giai cấp, không có huyết thống: cái nhan sắc, cái kiều diễm của họ thay cho dòng dõi, môn phiệt của họ. Chỉ có cái tinh anh bẩm sinh, cái bản năng thanh nhã và cái tinh thần uyển chuyển của họ là định giai cấp cho họ thôi và làm cho những thiếu nữ thường dân ngang hàng với những bà quí phái nhất.
Nàng đau khổ hoài vì nghĩ rằng mình đáng được hưởng tất cả những cái thanh nhã, những cái xa xỉ. Nàng đau khổ vÌ nỗi căn nhà nghèo nàn, tường vách tôi tàn, ghế thì cũ mà vải thì xấu. Tất cả những cái đó, một người đàn bà khác trong giới của nàng không nhận thấy đâu, nhưng nàng thì thấy đau khổ, phẫn uất. Trông thấy con ở nhỏ miền Bretagne giúp những việc nhà bần tiện cho mình, nàng đâm ra hối tiếc, chua xót và mơ mộng cuống cuồng. Nàng nghĩ tới những tiền sảnh lặng lẽ, tường căng những vải hoa phương Đông, trưng bày những chúc đài cao bằng đồng đen, có hai người hầu to lớn thiêm thiếp ngủ ở những chiếc ghế bành rộng trong cái không khí nặng nề của lò sưởi. Nàng nghĩ tới những phòng khách lớn ghế phủ lụa cổ, những bàn tủ thanh nhã bày những bảo vật vô giá, và tới những phòng khách nhỏ, xinh xắn, lịch sự, thơm tho rất hợp với những câu chuyện tâm sự vào hồi năm giờ chiều giữa những bạn trai thân thiết, những người danh tiếng và sang trọng mà người đàn bà nào cũng thèm muốn được họ chú ý tới.
Mời các bạn đón đọc
Thiên Diễm Tình của tác giả
Guy de Maupassant.