Tập sách gồm năm truyện ngắn, xoay quanh đời sống ái tình đầy dục vọng của năm người đàn bà đẹp.
Trong các truyện ngắn Chuyện về nàng Oshichi si tình, Chuyện về vị phu nhân đa tình và Chuyện nàng Osen đa tình, mỗi nhân vật đều rất đẹp, khiến những người đàn ông xung quanh họ đều phải đắm đuối trong bể tình đầy cám dỗ của họ, nhưng dục vọng vốn là điều dễ khiến con người nảy sinh những suy nghĩ tăm tối.
Những chi tiết xoay quanh tình yêu như ngoại tình, tình dục, đam mê, đau đớn, khổ cực đều được Ihara Saikaku miêu tả rõ rệt. Nghệ thuật kể chuyện cổ điển, tuân theo trật tự thời gian tuyến tính có lẽ phần nào khiến độc giả ngày nay có cảm giác nhàm chán, cũ kỹ. Thế nhưng, ngôn ngữ của Ihara Saikaku lại mang đậm màu sắc của sự khơi gợi, với những biến hóa đầy uyển chuyển, và tạo hình.
Năm truyện ngắn trong tác phẩm này đều mang đậm dấu ấn của giáo lý nhà Phật, với kết cấu nhân – quả, của quy luật tội lỗi và trừng phạt. Mỗi người phụ nữ như nàng Oshichi, nàng Osen, phu nhân Osan, đều gây ra nhiều cám dỗ tội lỗi trong bể tình, vượt ra khỏi đạo lý của thời kỳ phong kiến để sống cho sự si mê đầy nhục dục của mình.
Nhưng tất cả họ đều phải chịu đựng những kết cục bi thương như một lẽ tất nhiên để chuộc lại lỗi lầm về sự phản bội của mình. Trong số những người phụ nữ ấy, kẻ thì bị đâm chết, kẻ tự tử, người lại đi tu... Những xúc cảm nóng bỏng và đầy bản năng của họ là những điều hoàn toàn bị khước từ trong xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ.
Tác phẩm Năm người đàn bà si tình của nhà văn cổ điển Nhật Bản Ihara Saikaku. |
Dù thâm ý của tác giả trong mỗi câu chuyện có những nét riêng, nhưng tựu chung lại, tác phẩm của Ihara Saikaku, cũng mang âm hưởng buồn bã chung của cả một nền văn học Nhật Bản, như lời ông đã kết lại trong truyện ngắn Chuyện về nàng Oshichi si tình: “Cuộc đời bất trắc và hư ảo dường nào, giống hệt như một giấc mộng hoang dã và hoang đường”.
Người phụ nữ trong bối cảnh phân biệt giới tính của xã hội nửa phong kiến lạc hậu là đối tượng đặc biệt được Ihara Saikaku quan tâm. Cũng như năm người đàn bà trong tập truyện, nhân vật phụ nữ của Ihara Saikaku thường được miêu tả vô cùng xinh đẹp, là dấu hiệu của sự thịnh vượng, nhưng ngược lại trong con mắt của của Ihara Saikaku, đó là tiềm ẩn của tai họa, của đoản mệnh, và bạc bẽo. Những cái đẹp ẩn chứa bão tố, và sự nguy hiểm.
Ihara Saikaku không chỉ là một tiểu thuyết gia mà ông còn là một nhà thơ tài hoa, một nhà viết kịch và nhà phê bình nổi tiếng trong thời kỳ của ông. Sáng tác của ông ở lĩnh vực nào cũng mang đậm hơi thơ của đời sống, với những triết lý sâu sắc, nhưng lại được diễn tả mạch lạc và dễ hiểu.
Mặc dù được sinh ra trong một gia đình thương nhân giàu có, nhưng ông lại luôn bị quyến rũ bởi những con hẻm chật chội, những khu ổ chuột bẩn thỉu, với đầy những người an xin, người bán hàng rong, và gái điếm... Ngòi bút của ông sắc sảo nhưng đầy lòng bao dung với cuộc sống nghèo khổ, và những số phận bi thương.
Ihara Saikaku là một trong những tác gia tiêu biểu của thời kì Edo. Đây được xem là thời kỳ đỉnh điểm của xã hội phong kiến Nhật Bản. Nho giáo truyền bá từ Trung Quốc sang Nhật Bản đến thời kỳ này đã gặp được một thể chế chính trị phù hợp.
Nho giáo vốn coi trọng đạo lý, đây chính là yếu tố đã chi phối tư tưởng của Ihara Saikaku trong sáng tác. Trong đó, văn hóa của tầng lớp thị dân với triết lý Ukiyo (Phù thế), nghĩa là phù sinh, vô thường, trôi nổi theo thời gian, cũng là yếu tố gây ảnh hưởng đến sáng tác của Ihara Saikaku.
Triết lý sống Ukiyo thể hiện tính phù du của cuộc đời phiêu dạt, được tầng lớp bình dân, và cả giới võ sĩ đạo tiếp nhận. Có thể thấy rằng, nó cũng chính là hạt nhân để tạo nên cảm thức Aware đặc biệt trong văn học Nhật Bản.