Với Cỏ, sự phân hóa không mang tính tổng thể quy mô như ở Con đường Flandres mà xuất hiện trong cái thường nhật gần gũi của cuộc đời. Một bà lão 84 tuổi, đúng hơn là một cô gái già, nằm chờ chết trong một gian phòng tối tăm lạnh lẽo toát mùi nước Cologne rẻ tiền và mùi hoa tàn úa quen thuộc. Bà lão đợi chết, đang chết, bận bịu với cái chết, tập trung vào cái chết trong cô đơn, ngạo nghễ, cho dù bà không hay biết gì nữa, không nói năng, không cử động. Bà không còn ai để khóc cho mình ngoài người em trai, có lẽ, cũng đã già với tấm thân nặng nề in đậm dấu ấn thời gian. Đó là một cái chết bình thường của một người con hình thường đã sống một cuộc đời đơn điệu trong sự cần cù, giản dị, đượm phần khắc khổ, đạo hạnh. Qua những hồi tưởng miên man, đứt đoạn của Louise, người cháu dâu, đó là một người con có hiếu, một người chị hết lòng với em, đã giúp em thực hiện giấc mơ của người cha mù chữ suốt đời còng lưng trên mảnh đất: trở nên người có học thức và mang học thức của mình truyền thụ cho kẻ khác. Kết quả là người em đã trớ thành một giáo sư đại học, đã lập gia đình, có con, có dâu, nói chung có một địa vị xã hội đáng kể trong khi người chị gương mẫu kia vẫn một đời sống ở tỉnh lẻ với nghề giáo viên khiêm tốn. Những giờ phút hấp hối của người cô chồng là dịp để Louise ôn lại, ráp lại những mảnh vụn làm nên một số phận, đó cũng là thời gian của tấn bi kịch riêng nơi nàng: ý định cùng người yêu về sống tại một thành phố lạ và quá trình gãy đổ của nó, tất cả diễn ra âm thầm nhưng khốc liệt làm sao! Có thể nói, nhân vật trung tâm ở đây là thời gian, thời gian chi phối tất cả, hiện thân nơi tất cả: từ sự nảy nở và mục rữa của hoa trái đến tiếng mưa rơi, tiếng nước róc rách qua những đồng có, những cánh rừng, những thung lũng… Ðặc biệt sự tàn phá của nó nơi thân xác con người có lẽ khóc liệt hơn cả: thân xác bị gặm mòn bởi từng khoảnh khắc trôi qua của bà lão, thân xác biến dạng vì tuổi tác của người em trai, thân xác xấu xí núp sau những trang phục loè loẹt, giả tạo của bà vợ…: con người “chứng kiến sự tan rã của mình ngay khi còn sống”. Qua lần vách ngăn, Louise đã theo dõi tấm bi hài kịch của đôi vợ chồng già, từ cơn ghen ấp ủ suốt 40 năm của người vợ tới cuộc giằng co xô xát vừa thô bạo vừa tha thiết, tội nghiệp của hai người, trong đó có tiếng khóc, tiếng vỗ về..., đó phải chăng là cố gắng sau cùng của sự sống chống lại ám ảnh của cái chết? Nhưng đó là một cố gắng vô vọng, một cách nào đó lừa dối chính mình. Còn Louise? Cái chết của người cô chồng, người duy nhất trong gia đình nàng có cảm tình, là con dao cắt đứt mọi ràng buộc giữa nàng với nhà chồng: “Giờ đây cô sắp chết, vậy chẳng còn gì nữa”. Nàng sẽ làm lại cuộc đời tại một thành phố với người yêu, điều lẽ ra nàng phải thực hiện từ lâu. Nhưng tại sao nàng trù trừ, không dứt khoát khi ý đồ đã có cơ hội thực hiện? Nàng trù trừ không phải vì hối hận mà có lẽ vì chính tâm hồn nàng cũng rã rời, mệt mỏi, bị nhiễm độc bởi bầu không khí nồng nặc mùi vị của cái chết, của sự băng hoại ở chung quanh, ở sát kề bên thân thể. Nàng không giải thích hay không thể giải thích được. Nàng nghĩ: “Mình đã chết”, và ý nghĩ đó vang vọng trong nàng như một điệp khúc lạnh lùng, ghê rợn. Trước lời hẹn hò của người yêu về chuyến đi, nàng chỉ buông những tiếng “vâng, dạ…” hững hờ và rỗng tuếch. Và nàng biết nàng sẽ không tới, đồng thời cũng biết chàng biết rõ điều đó, và chính chàng cũng sẽ không tới. Nàng tự hỏi tất cả phải chăng chỉ là một sự dối trá, tự đánh lừa? Nói khác đi, tình yêu ở đây cũng chỉ là một sự thất bại thấy trước, như tình yêu giữa nàng và Georges, giữa đôi vợ chồng già kia (bố mẹ chồng của nàng). Khi xem một tấm ảnh cũ rơi ra từ mớ kỷ vật của người đang hấp hối, Louise đã tưởng tượng một cuộc tình nên thơ trong sáng nhưng bất thành của cô gái già trọn đời sống độc thân. Đó là một hình ảnh đẹp hiếm thấy về tình yêu trên những trang sách của Claude Simon: một cái gì gần như không có trong hiện thực.
Cũng như hầu hết các tác phẩm khác, Cỏ có bối cảnh làm nền là chiến tranh, ở đây là giai đoạn đen tối của nước Pháp năm 40. Claude Simon luôn trở về với chiến tranh như một bi kịch lớn của lịch sử cuốn hút những thân phận riêng lẻ, bé nhỏ. Điều này giải thích phần nào cái nhìn bi quan về con người trong một thế giới đổ vỡ, băng hoại, trong đó mọi cố gắng đều vô ích khi nó chỉ còn một đặc quyền là tan biến vào hư vô, “đặc quyền chết”. Ở đây, một phần nào, Claude Simon là người tiếp nối trào lưu triết học và văn học hiện sinh trước đó với Heidegger, Sartre, Camus… Trong bối cảnh của một thế giới hao hụt, tàn lụi như thế, con người nhận ra sự tha hóa của mình, nhận ra sự hiện diện của mình chỉ là một sự vô nghĩa (non - sens). Nó chỉ còn cách buông xuôi, thỏa hiệp với chính sự thất bại của mình, một lần cho tất cả. Nhưng đó không phải là giải pháp mà là sự bế tắc của mọi giải pháp.
Thể hiện một sự tan rã mang tính tổng thể nói trên đòi hỏi một thủ pháp nghệ thuật, một chất liệu ngôn từ tương xứng. Ta biết rằng điều cốt yếu ở Claude Simon không phải là kể một câu chuyện có đầu có đuôi với tình tiết, diễn biến hợp lý. Ông thường phá hủy trình tự thời gian và làm đảo lộn tất cả: thời gian chỉ còn là những mảnh vụn chất chồng hỗn độn lên nhau. Thời gian con người đã sống qua, khi tái hiện đã không còn là nó nữa. Nhà văn tìm kiếm một thời gian khác, bằng chữ viết của mình. Thật không ngoa khi nói rằng mỗi tác phẩm của ông chỉ là sự dàn trải của một câu văn duy nhất, không khởi đầu, không kết thúc, nó đứt đoạn và không ngừng sinh sôi nảy nở, nó bất chấp mọi qui luật và trật tự thường tình, nó mặc tình rong chơi giữa cái thực và cái hư, hiện tại và quá khứ. Viết là chất chồng những chữ, trong đó một chữ làm nẩy sinh một câu, một câu làm nẩy sinh một câu khác, một trang sách và cả một quyển sách trong cuộc vận hành liên tục, bất tận với những độc thoại nội tâm, những hồi tưởng, những mơ tưởng chen vào những mô tả, kể lể..., tất cả lẫn lộn vào nhau, tạo thành một tổng thể ở dạng nguyên sinh, và người đọc sẽ nhận ra ở đó một ý nghĩa, đúng hơn, chính cái tổng thể rối rắm phức tạp đó - một bức thảm muôn màu – tự nó hình thành một ý nghĩa sẽ được người đọc cảm nhận theo cái cách của mình. Với ông đề tài thực của tiểu thuyết chính là cuốn tiểu thuyết đang hình thành dưới ngòi bút nhà văn, dưới con mắt người đọc. Người đọc không còn bình yên trong cuộc hành trình hứa hẹn nhiều bất trắc cũng như chính nhà văn, qua những hình tượng những ngôn từ ngổn ngang kia cũng không ngớt dò dẫm, lắng nghe, kiếm tìm. Con đường vùng Flandres kết thúc, thật ra không có gì kết thúc ở đây: tác giả bỏ lửng nhân vật của mình trong trạng thái hoài nghi, mơ hồ (về chính những gì đã trải qua, nhớ lại). Cuộc phiêu lưu của Louise trong Cỏ kết thúc trong trạng thái lững lờ (sự chối từ ở đây không phải là một chọn lựa mà là một cách buông xuôi), khi nàng ngã người lên thảm cỏ, thân thể như tan lẫn vào cành lá, đất cát, khí trời, vào niềm yên ả của đêm thâu (la paix nocturne).
***
Claude Eugène-Henri Simon (10 tháng 10 năm 1913 – 6 tháng 7 năm 2005) là nhà văn Pháp đoạt giải Nobel Văn học năm 1985.
Claude Simon sinh ở Antananarivo, Madagascar, là con trai của một sĩ quan đã hy sinh khi Thế chiến thứ nhất mới bắt đầu. Cùng với mẹ và ông bà ngoại, Simon về Perpignan (Pháp) và bắt đầu đi học. Simon tốt nghiệp trường trung học Stanislas ở Paris, sau học ở Đại học Oxford và Đại học Cambridge (Anh). Ông mơ trở thành họa sĩ nhưng phải từ bỏ ý định này sau một thời gian theo học hội họa và quay sang viết văn.
Năm 1936, Claude Simon sang Barcelona tham gia đội quân tình nguyện quốc tế chiến đấu chống lại tướng Francisco Franco. Trong Thế chiến thứ hai, ông chiến đấu trên nhiều mặt trận và bị quân Đức bắt làm tù binh năm 1940. Sau khi trốn thoát khỏi trại tù binh, Simon trở về tham gia phong trào Kháng chiến ở thị trấn Perpignan.
Thành công đầu tiên trong văn học của Claude Simon đến vào năm 1945 sau khi xuất bản tiểu thuyết Le tricheur (Kẻ lừa đảo). Tác phẩm thời kì này viết theo lối trần thuật truyền thống, chịu ảnh hưởng của Fyodor Mikhailovich Dostoevsky, William Faulkner, Marcel Proust và triết học chủ nghĩa hiện sinh.
Từ giữa thập niên 1950 trở đi Claude Simon bắt đầu tìm tòi, đặt khởi đầu cho trào lưu Tiểu thuyết mới với đặc trưng là cốt truyện “hiện thực” trở thành thứ yếu, còn trung tâm chuyện kể là những miêu tả và các hình tượng không kết gắn với nhau về mặt thời gian, tất cả các cảm xúc đồng hiện trên một bình diện như trên một bức tranh. Năm 1960 Simon kí tên vào “Tuyên ngôn 121” của các trí thức Pháp ủng hộ phong trào đòi độc lập cho Algérie. Tiểu thuyết La route de Flandres (Những con đường xứ Flandres) cũng được xuất bản vào năm này đã mang lại cho ông giải thưởng của tạp chí Express năm 1961. Có thể nhận thấy trong tác phẩm này sự đứt đoạn giữa các sự kiện và ngôn ngữ mô tả chúng - một kĩ thuật mới trong phong cách tiểu thuyết - thể hiện kiếp người vô nghĩa, những đoạn đời không lối thoát, hoặc chỉ dẫn đến cái chết mà thôi. Tiểu thuyết Histoire (Lịch sử, 1967) được trao giải thưởng Meditri. Năm 1973 ông được phong học vị danh dự của Đại học Miền Đông nước Anh.
Từ thập niên 1980, Claude Simon trở về quê Perpignan, vừa viết văn vừa trồng nho. Với tiểu thuyết Les Géorgiques (Đồng nội, 1981), Simon bắt đầu xa rời phong cách thử nghiệm trong các cuốn sách trước đây của ông. Năm 1985 Simon được trao giải Nobel vì “sự kết hợp trong sáng tác của ông các nguyên tắc của thơ và hội họa”, vì “nhận thức sâu sắc về vai trò của thời gian trong mô tả con người”.
Năm 1989, nhà văn 76 tuổi cho ra đời tiểu thuyết L'acacia (Cây keo hoang) được đánh giá cao; cùng với Les Géorgiques là hai tác phẩm tự thuật độc đáo, trong đó lịch sử và hư cấu, quá khứ và hiện tại đan quyện vào nhau trong một hình thức kể chuyện vừa hư vừa thực. Claude Simon mất ở Paris năm 2005.
Tác phẩm:
- Le tricheur (Kẻ lừa đảo, 1945), tiểu thuyết
- La corde raide (Dây căng, 1947), tiểu thuyết
- Gulliver (1952), tiểu thuyết
- Le sacre du printemp (Mùa xuân đăng quang, 1954), tiểu thuyết
- Le vent (Gió, 1957), tiểu thuyết
- L'herbe (Cỏ, 1958), tiểu thuyết
- La route de Flandres (Con đường xứ Flandres, 1960), tiểu thuyết
- Le palace (Cung điện, 1962), tiểu thuyết
- La chevelure de Bérénice (Mái tóc Berenice, 1965), truyện ngắn
- Histoire (Lịch sử, 1967), tiểu thuyết
- La bataille de Pharsale (Trận Pharsale, 1969), tiểu thuyết
- Orion aveugle (Chòm Thiên Lang mờ tối, 1970), tiểu luận
- Les corps conducters (Những thân xác dẫn đường, 1971), tiểu thuyết
- Triptyque (Bức họa tam bình, 1973), tiểu thuyết
- Leçon de chose (Bài học vạn vật, 1975)
- Les Géorgiques (Đồng nội, 1981), tiểu thuyết
- L'acacia (Cây keo hoang, 1989), tiểu thuyết
- La Jardin des plantes (Vườn bách thảo, 1997), tiểu thuyết
Mời các bạn đón đọc
Cỏ của tác giả
Claude Simon.