DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Cố Định Một Đám Mây

Tác giả Nguyễn Ngọc Tư
Bộ sách
Thể loại Sách Nói
Tình trạng Sách Nói
Định dạng Sách Nói
Lượt xem 1758
Từ khóa Audiobook Sách Nói mp3 full Nguyễn Ngọc Tư Anh Chi Bình Nguyên Huỳnh Minh Hiền Truyện Ngắn Văn Học Việt Nam Văn Học Phương Đông
Nguồn Anh Chi | Bình Nguyên | Huỳnh Minh Hiền
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

"Cố định một đám mây" (Nguyễn Ngọc Tư): Khi cái Thiện không thắng thế

Cảm nhận về "Cố định một đám mây", một trong những truyện ngắn trong tập truyện cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư.

 

1. Về tác giả, tác phẩm


Nguyễn Ngọc Tư là nữ văn sĩ xuất thân từ miền Tây sông nước. Văn của cô thấm đẫm chất thơ, độc đáo bởi cách sử dụng ngôn từ mộc mạc, giản dị như lời ăn tiếng nói của bình dân. Những tác phẩm của cô thường có dung lượng khiêm tốn, vừa nhẹ nhàng đằm thắm, vừa sâu sắc, dằn vặt. Cô viết về những cảnh đời bấp bênh, những người dân lam lũ nghèo khó nhưng hồn nhiên, đôn hậu. Văn của cô toát lên tính thiện.
“Cố định một đám mây” là một trong 10 truyện ngắn trong tập sách cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Truyện đặt điểm nhìn ở nhân vật Biền, cậu trai mười chín tuổi ở miền Nước Mặn với những lo toan, suy nghĩ và gắng gượng níu giữ người yêu khỏi cuộc hôn nhân sắp đặt trong khi Ái - người yêu của cậu, luôn ao ước cuộc sống no đủ, chán ghét cảnh nghèo khó ở miền quê, đang từ từ chuội ra khỏi vòng tay của Biền. 
Truyện của Nguyễn Ngọc Tư xoay quanh cái Nghèo, cái Khổ và cái Thiện. "Cố định một đám mây" không phải là ngoại lệ. Nhưng cái Nghèo, cái Khổ trong "Cố định một đám mây" đã kết thành "cái Chết". Giữa cái Nghèo, cái Khổ và cái Chết kề bên, cái Thiện khó lòng thắng thế. Bằng chứng là tất thảy 1977 chữ chỉ nói lên sự chán chường, tuyệt vọng. Chẳng có phép màu nào xảy ra, không có chồi non nảy lên từ bụi xương khô, không tình yêu nào nảy sinh từ hiện thực tàn nhẫn. Ít khi nào ta gặp trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư sự giá lạnh như vậy. 

2. Vài suy ngẫm về truyện

Nhan đề giàu suy tưởng


Trước hết, hãy nói về nhan đề của truyện ngắn này. "Cố định một đám mây" là một nhan đề rất thi vị và mơ mộng. Sự thi vị, mơ mộng nằm ở mong muốn rất nghệ sĩ của người viết. “Cố định” là làm cho thực thể ở yên một vị trí. Bỏ qua những ngoại lệ của tiến bộ khoa học, mây trời là thứ chẳng thể giữ yên một chỗ. Nghệ sĩ xưa nay luôn có mong muốn xoay ngược dòng chảy của tự nhiên như thế. Sự thi vị ấy chẳng khác gì mong muốn "tắt nắng đi", "buộc gió lại" của thi sĩ Xuân Diệu. Nhưng khác là Xuân Diệu khi xưa chỉ “tắt nắng đi”, “buộc gió lại” trong suy tưởng còn nhân vật trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư thì thực đã làm cái việc hoang đường "cố định một đám mây" ấy, dù biết là không thể.
Nhưng nhan đề cũng gợi lên sự không tưởng, vô vọng. Mây là thứ rất mỏng manh, được kết thành từ muôn vàn hạt nước li ti, tan hợp bất kì. Mây ngưng tụ thành mưa, mưa xuống là đời mây cũng hết. Mây vốn thuộc về trời, về thế giới tự nhiên chứ chẳng thuộc về cá nhân nào. Hành động "cố định" ấy gần như là "cố chấp", là việc cố gắng làm một thứ không trong khả năng. 

Truyện đặt ra trước mắt người đọc những nghịch lí phũ phàng về cuộc sống nơi miền Nước Mặn.


Tuổi trẻ đối mặt với nỗi chán chường, tuyệt vọng vào cuộc sống.
Ái và Biền còn rất trẻ, tuổi đời chưa chạm đôi mươi. Theo lẽ thông thường, Ái và Biền phải rất háo hức với cuộc sống. Thế nhưng hai người chẳng có vẻ gì hài lòng với tuổi trẻ và sức sống hiện tại. Câu nói đầu tiên của Ái và cũng là những từ mở đầu cho truyện, được nhắc lại hai lần "Chỉ người chết mới chịu ở lại cái đất này”. Điều đó chứng tỏ cô rất chán chường với cuộc sống, với quê hương, với hoàn cảnh hiện tại của mình. Dù cho cô không muốn trở thành "người chết", không muốn ở lại mảnh “đất này”, nhưng cô hoàn toàn không có ý niệm gì về mảnh "đất khác" là đâu, như thế nào. Tức là cô chỉ nhìn vào mặt tiêu cực của vấn đề và cố ý đổ lỗi cho "đất", cho quê hương, cho hiện thực khách quan. Chưa khi nào cô nhìn vào bản thân và mong muốn chính mình thay đổi hiện thực tàn khốc ấy. 
Nhưng suy nghĩ tiêu cực của Ái hoàn toàn có cơ sở khi cô sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cằn cỗi, đói nghèo này:
"Từ bãi sụt, cát lở, nghêu biến mất, khách du lịch không còn xuất hiện ở bến thuyền, sóng hung bạo vỗ vào dải bờ Đông hẳm đứng. Người Nước Mặn lần lượt rời đi. Như là một cách sống sót. Những chuyến xe đêm đón khách ở cầu Rượu quá quen với cảnh hành khách lút trong đống hành lý chuyển dời. Không thể nhổ ngôi nhà theo, họ mặc kệ nó cho bầy gió mặn và khùng. Người ở lại, với chút tôn trọng những kẻ trốn chạy, nán chờ cho đám mối tràn lên chân vách mới xông vào tháo dỡ căn nhà bỏ hoang, đem về làm củi chụm".

Sự chán chường trong Ái đã hoá thành sự tuyệt vọng. Ái chuội ra khỏi vùng đất quê hương hệt như một người chạy trốn khỏi cái đói, cái nghèo, cái khổ. Nhưng không cần nói cũng biết, Ái đang chạy trốn khỏi một vùng đất cằn cỗi để lao vào một vùng đất chẳng lấy gì chắc chắn cho cô sự no ấm, đủ đầy.
Ái đang lạc lối, có lẽ chính Ái cũng nhận ra điều đó. "Mảnh đất hứa" mà cô thấy trên phim "về một xóm vắng nơi người đàn ông mù sống cùng với đứa trẻ bị dì ghẻ bạo hành, một người đàn bà bị xua đuổi trong quá khứ, cùng với cô gái dở dại dở điên. Cả bài hát trong phim cũng không có chút sinh khí, rặt hắt hiu", dù đìu hiu, mông lung, nhưng cũng đỡ khốn cùng hơn mảnh đất quê hương cô. Ái đánh một canh bạc vào màn đêm mịt mùng, nhất mực tan vào đêm tối còn hơn yên vị tại vùng đất rặt những đói khổ này. 
Biền có vẻ lạc quan hơn với cuộc sống và hoàn cảnh hiện tại. Cậu cố chấp hơn vào tương lai của hai người tại miền Nước Mặn:
"Suốt năm nay Biền lì lợm ngồi đó với chiếc đò máy bạc đi, thuyết phục Ái cùng người nhà cô và cả chính mình, rằng nó có một công việc khá ổn. Thêm cả chục ngoài giồng khoai lang ngoài vườn đang xuống củ, và nhà của nó trụ được giông gió phải đến chục năm nữa, mới phải sửa sang".

Nhưng sự lạc quan ấy chỉ len lỏi trong suy nghĩ và những lời nói đến chính cậu cũng không bị thuyết phục. Cậu ít nói, ngay đến cả việc thuyết phục cô bạn gái ở lại bên mình cũng không làm được, làm không tới, quan trọng nhất là chính cậu cũng không tin vào sự khả thi trong lời đề nghị đó. Giữ người yêu lại không được, khuyên nhủ cùng bỏ đi biệt xứ cũng không xong. Ngay đến việc trình diện trước gia đình của người yêu, cậu cũng không đủ can đảm. Đau đớn khi phải thừa nhận, cậu bất lực hệt như một lão già hết gân, "cố gieo vào bụng" người yêu một đứa trẻ cũng không được. Tinh lực, trí lực, năng lực của Biền không thể đủ, dù cậu đang ở giai đoạn sung sức của đời người. Cuối truyện, đến Biền cũng bị thuyết phục hoàn toàn bởi câu nói của người yêu "Giờ Biền biết ra bến đò ngồi còn ý nghĩa gì, bởi sự thật, chỉ người chết mới chịu ở lại bìa cát mặn này. Biền bắt đầu nghĩ về chuyện đó, hết sức nghiêm túc". Cái đói, cái nghèo đã thành công nuốt chửng cá thể cuối cùng. Truyện mở ra tăm tối khép lại tối tăm, hệt như tuổi trẻ của Ái và Biền, chưa kịp nở rộ đã sớm tàn trên vùng đất đói nghèo, cằn cỗi.
Sự sống đối đầu với cái Chết.
Cảnh vật nơi nhị tì và địa thế của vùng Nước Mặn. 
"Nắng lịm nhanh, vừa mới nãy thôi vẫn còn rình mò khu tha ma, làm nên những mảng bóng chao động trên thân thể đứa con gái khi thằng Biền rập rờn phủ lên người. Hơi lạnh và bóng tối không một chút do dự, chiếm lấy những thứ nắng vừa bỏ lại. Ở nhị tì suốt nhiều buổi chiều, Biền nhận ra đêm của bìa Nước Mặn khởi phát từ đây, từ những khe nứt của hàng trăm ngôi mộ, bóng tối tuôn ra lênh láng. Những khe gạch bơ phờ cỏ dại, còn là cánh cửa cho linh hồn dưới ấy ra vào,..." 

Nguyễn Ngọc Tư chọn khung cảnh trên bãi tha ma lúc chiều tà để nói về vùng Nước Mặn. Cả không gian và thời gian đều không lấy gì làm sáng lạn. Cảnh vật buông xuôi để bóng tối, cái chết nuốt chửng ánh sáng và sự sống. Cảnh vật vùng thôn quê toát lên cái giá lạnh hệt như ở âm trì địa ngục. 
Ngay cả cái tên "Nước Mặn", cái tên riêng như định mệnh cho sự khó khăn tự nhiên mà vùng đất này phải gánh chịu: "mảnh đất hình ụ mối nằm tách biệt bởi một cửa sông, nhìn như bị thất lạc khỏi lục địa, trong tư thế sẵn sàng hiến thân cho biển". Không ngạc nhiên mà "Đám thanh niên còn lại mỗi đêm nằm nghe tiếng còi xe ướt mèm quốc lộ, nghĩ một nơi chốn xa lạ nào đó, mà tụi nó nay mai sẽ văng mình vào".
Cuộc làm tình của Ái và Biền trong một nghĩa địa
Cuộc làm tình của Ái và Biền diễn ra trên khung cảnh và địa thế ngặt nghèo đó đủ hiểu cái kết cho mối quan hệ của hai người. Không một người sống nào chứng giám cho mối quan hệ này mà chỉ có người chết: thằng Thản, người mẹ đáng thương đã mất của Biền,... 
Dễ thấy, đây chẳng phải lần làm tình đầu tiên của hai người. Lần này, Biền đã cố tình "quắp cô nhiều hơn một lần", tay Biền vẫn thao thức chờ một nhịp đập bất thường nơi cô người yêu, nhưng rốt cục, vẫn chẳng có tín hiệu nào cho thấy sự sống được hoài thai. Kể cũng phải, trong cái cảnh đói nghèo suy dinh dưỡng của Biền, trong cái khung cảnh ảm đạm có phần đáng sợ, lạnh lẽo nơi bãi tha ma trong thời khắc nhập nhoạng cuối ngày, thật khó để một cuộc làm tình chóng vánh, có phần lén lút lại ươm mầm được một sinh mạng. Sự sống kiệt hẳn rồi, chính nó cũng uể oải, buông xuôi cho cái chết dần dần xâm chiếm. 
Cái chết của Thản, đứa trẻ nhà giàu nằm trong mộ.
Những tưởng chỉ người nghèo mới khổ sở, chán nản. Chính người giàu cũng không sống nổi trên mảnh đất này
"Bảy năm nay Thản ở yên một chỗ này. Nó giàu, chết vì u não. Mười bốn tuổi, Thản làm nên mớ nghịch lý mà dân Nước Mặn không làm sao chấp nhận được: giàu và chết, trẻ và chết, con nít và mộ lớn. Bù đắp cho cuộc đời ngắn ngủi của nó, người ta xây cho nó ngôi mộ tráng lệ, ngói lợp mái che, xung quanh ốp gạch men, bia đục từ đá hoa cương, nền mộ rộng đủ cho chục ngoài người ngồi bày tiệc"  

Thản là người duy nhất không vội thoát khỏi mảnh đất này, và Thản là một người chết. Thản trở thành dẫn chứng hùng hồn cho câu nói "Chỉ người chết mới ở lại cái đất này" của Ái. Hay nói cách khác, chỉ người chết mới không thấy khổ, mới không có nguyện vọng chạy trốn khỏi mảnh đất nghèo đói này.

Mối quan hệ mập mờ khi va chạm với hiện thực đầy tàn khốc.


Cuộc làm tình của Ái và Biền trong nghĩa địa
Dễ dàng thấy được, mối quan hệ của Ái và Biền, dù không có gì sai trái nhưng cũng không phải là chính thức, không có sự chúc tụng của bất cứ ai. Họ lén lút làm tình trong nghĩa địa, nơi khởi nguồn màn đêm của cả miền Nước Mặn. Ân ái tại một nơi âm u lạnh lẽo như vậy, người đọc thừa hiểu kết cục của mối quan hệ mập mờ này. Cuộc làm tình diễn ra vừa chóng vánh, vừa lạnh lẽo. Sự chóng vánh thể hiện ở cái hối hả khi Biền "lột vỏ" Ái ngay khi hai người ở chợ về. Cái lạnh lẽo toát ra cả ở khung cảnh nghĩa địa tối tăm, cả ở lòng người nguội lạnh. 
"...lúc áp mặt vào cổ Ái, nơi duy nhất nó không cắn xé trong những khoảnh khắc tuyệt vọng. Thấy mình có cố vào sâu đến mức nào cũng không sao nhập hai đứa thành một khối. Dải da thịt non xanh của con nhỏ cứ rời ra, trôi đi. Ngờ là do nền đá hoa cương dát trên mộ nọ quá trơn, thử quắp nhau ở những ngôi mộ trơ bêtông hoặc gạch dán đã nứt lở, giữ Ái bằng mọi cách nhưng Biền vẫn cảm giác cô đang chuội khỏi nó".  

Sự hoà hợp và giữa Ái và Biền
Ái và Biền cũng chẳng có gì là hòa hợp. Bằng chứng là trong từng suy nghĩ, lời nói, cử chỉ của hai người hoàn toàn không có sự ăn nhập.
Biền dẫu sao vẫn còn le lói hi vọng vào quê hương, vào tương lai của hai người. Còn Ái thì đã triệt tiêu mọi hi vọng vào cuộc sống hiện tại và tương lai ở bìa Nước Mặn. Ngay chính cuộc sống của mình cô còn không thể đảm bảo, cô càng không muốn tin vào cuộc sống gắn bó với Biền, để chăm lo, chi chút cho tương lai của hai người. Biền hi vọng, dù biết là tuyệt vọng cho tương lai về mái ấm có Ái ở cạnh bên, còn Ái thì khăng khăng cho rằng ở lại bên Biền thì cô sẽ chết. Biền tin vào một tình yêu cổ tích và giản dị, Ái có lẽ còn không tin vào tình yêu, cô chỉ tin vào một cuộc sống no đủ và ấm êm, với những "lấp lánh" từ phương xa. Chi tiết Biền ngồi bên cái đò máy bạc phếch và Ái cùng với chiếc vali đỏ bầm thật đắt giá làm sao. Với sự cũ kĩ phong sương của phương tiện mưu sinh, Biền như hòa vào không khí và cảnh vật ảm đạm nơi miền Nước Mặn. Ái, cùng với món đồ gói ghém hành trang của cô nổi bần bật trên nền đất nghĩa địa, nghĩ thế nào cũng thấy thật kệch cỡm. Khi Biền còn đang mắc kẹt với những suy tư về tương lai của hai người, Ái một mực nghĩ về việc sắm một đôi giày “coi được”. Ái không biết nhét gì cho đầy chiếc vali, cùng như cô không có bất cứ sự chuẩn bị gì cho cuộc sống mới của mình. Biền mộng ảo nhưng chân thành, Ái thực dụng nhưng phù phiếm. Nghĩ thế nào cũng khó cho rằng hai người có thể đi với nhau. 
Những đoạn đối thoại ngắn ngủn của Ái và Biền cũng đủ thấy họ còn không có tiếng nói chung. Biền cố gắng phát những tín hiệu, tuyệt vọng và nghẹn đắng trong từng lời nói, níu kéo để Ái ở lại bên mình. Ái thì không để ý, không nghe thấy, hoặc ngó lơ, hoặc coi thường, hoặc từ chối những lời đề nghị đó.
Biền cố gắng từng chút, cố định cô bằng mọi cách: là gắn chặt cô vào mình để hai đứa hòa làm một, là cố gieo vào bụng Ái một đứa con, là cố gắng dùng tay để nắm lấy và thấu hiểu người mình yêu; là sát bước cô khi cả hai bước vào màn đêm tăm tối,... Tất cả mọi hành động đều tuyệt vọng, đều tỏ ra đuối sức và khiên cưỡng. 
Càng về sau, khoảng cách giữa Ái và Biền càng xa. Đầu truyện, Ái và Biền dính lấy nhau trong bãi tha ma, hai người dính chặt đến độ Biền cảm thấy như có thể đọc được lời nói của Ái qua mạch đập ở cổ. Biền giữ chặt ái bằng cả cơ thể, cảm nhận cô bằng đủ các giác quan. Sau đó hai người nối đuôi nhau đi trong màn đêm, Biền cảm giác như thể lạc khỏi người yêu, chỉ còn có thể cảm nhận được Ái qua mùi mồ hôi đậm nhạt trong không khí. Cuối truyện, hình ảnh, mùi hương, cảm giác về Ái cũng không còn, chỉ còn Biền chơ vơ trên con đò máy bạc phếch, ngơ ngác nghĩ về tương lai. 
Có lẽ Biền chưa bao giờ có được Ái, cả trong tư tưởng, trong cảm xúc và cả về thể xác. Chỉ có điều trong quá khứ, hoàn cảnh đẩy đưa họ thành một cặp, và trong hiện tại, hoàn cảnh cũng tiễn họ ra xa. 
Trong mối quan hệ, chỉ Biền là người chủ động. Biền như một bến đậu, một khoảng trời nho nhỏ còn Ái là đám mây du đãng đi qua cuộc đời Biền. Điều này cũng trái ngược với quan niệm xưa về tình yêu đôi lứa: người con trai thường là con thuyền còn người con gái là bến đỗ.
Sự tác hợp của hai bên gia đình
Mối quan hệ của Ái và Biền không có sự tác hợp của bất cứ ai. Không một ai còn sống chứng giám cho mối quan hệ của hai người mà chỉ có người âm. Đó là những hồn ma nằm sâu dưới lòng đất nơi nghĩa địa hai người làm tình mà trong đó có thằng Thản, đứa bé nhà giàu chết trẻ; là người mẹ nghèo tội nghiệp đã mất của Biền. Thêm nữa là những đứa con trai trong xóm thầm hiểu về mối quan hệ giữa hai người nên chủ động dạt ra khỏi Ái - điều này là do Biền "đánh dấu lãnh thổ" bằng cách xui lũ trẻ con rêu rao về những tiếp xúc da thịt với Ái - cũng rất ấu trĩ và tuyệt vọng. Gia đình Ái cũng có thể biết về mối quan hệ này, nhưng đương nhiên sẽ không ai ủng hộ cho hai người.  Biền thậm chí còn không được chào đón ở nhà Ái do những thù hận xưa cũ giữa các bậc phụ huynh. Thực tế là Ái đã được đặt vào một cuộc hôn nhân mà Biền không thể can dự vào. 
Má của Biền, người cũng nghèo khổ, đang nằm dưới nấm mộ bao bọc bởi bụi xương khô ủ rũ, có lẽ cũng không hạnh phúc với mối quan hệ của Ái và Biền. Khi còn sống, bà nghèo khó và bạo bệnh. Từng ngày từng giờ, bà muốn Biền ở cạnh bên lâu hơn một chút vậy mà Biền vẫn lẻn trốn đi chơi với Ái. Câu nói "Đừng bỏ má" nghe xé ruột xé gan. Biền hẳn rất ân hận vì đã chưa báo hiếu được người mẹ cả đời vất vả. Má Biền thì ra cũng từng cố định Biền vào lòng, nhưng không được. Và hiện tại, Biền cũng cố gắng làm điều mà thế hệ trước đã không làm được.
***

[Review] Cố định một đám mây – thực tại trong những giấc mơ

 

“Cuốn này khó hiểu quá, thử đọc giúp tao.” – Khánh nói vào một buổi chiều, khi mình đang đứng trước giá sách tìm một cuốn để đọc lại. Đúng thế thật, cuốn sách này của Nguyễn Ngọc Tư theo mình là kén đọc, khó cảm hơn những cuốn khác của nữ nhà văn. Nhưng nếu có thời gian để nhấm nháp, thấu hiểu thì sẽ thấy được những nét rất độc và hay, để lại nhiều suy nghĩ, khiến người đọc phải trăn trở.

Về cuốn sách

Tác giả : Nguyễn Ngọc Tư 

Quốc gia, ngôn ngữ gốc : Việt Nam

NXB: NXB Đà Nẵng 

Thể loại: Truyện ngắn tâm lý

Chủ đề : 10 câu chuyện là 10 lát cắt cuộc đời của những phận người cảm thấy vô định trong xã hội. Họ có những vấn đề riêng nhưng đến cuối cùng thì đều có chung một câu hỏi rằng “Có thể cố định một đám mây hay không?”, giống như cuộc đời họ rồi có thôi mông lung, trôi nổi giữa thế giới này.

Những điều mình cảm nhận 
1. Sự hoà quyện thực – ảo 

Ngay ở cái tên, người đọc đã có ấn tượng bởi sự “lâng lâng” bao phủ toàn cuốn sách. Cố định một đám mây – một điều hẳn nhiên là vô lý ở thực tại, nhưng lại có lý ở trong hư ảo. Trong không gian hư vô đó, người ta có thể làm, có thể nghĩ tất cả những điều mình muốn, chẳng màng đến việc có thể trở thành hiện thực hay không. 

Trong những truyện ngắn ấy, đôi khi bạn sẽ không thể biết được rằng nhân vật, hay chính bạn đang ở trong thực tại, hay ảo giác. Vì hai điều đó sẽ được đan xen vào nhau và việc nhận biết có lẽ cũng không còn quá quan trọng nữa. Mạch kể phong phú, có thể dựa theo dòng thời gian hoặc ngược về quá khứ, cũng có thể là những diễn biến trong đầu nhân vật chính. Có những truyện mà phải đến lúc kết thúc, bạn mới biết được rằng tất cả chỉ là những điều không có thật. 

“Từ khi linh ái nở, mơ và thực khiến mình tiều tuỵ, bởi không thể phân biệt được mình đang đổi gác đây là trong mơ hay ngoài đời. Mùi linh ái ăn rễ vào thần kinh, làm cho những giấc mơ mình còn thực hơn khi tỉnh thức. Điều đó có nghĩa, nếu trong mơ bị một bà điên tát vào mặt, thì cảm giác đau rát má sâu sắc đến nỗi mình ứa nước mắt ra.”

Khi linh ái nở, T.70

Một phong cách rất riêng của Nguyễn Ngọc Tư cũng được tìm thấy ở cuốn “Cố định những đám mây”, đó là đừng hy vọng bạn sẽ cảm nhận được sự đồng cảm sâu sắc khi làm quen với những nhân vật. Bởi những số phận đó thường vô cùng khác lạ, đến mức oái ăm. 

Đó là câu chuyện về người phụ nữ vẫn tin rằng chồng mình sẽ trở về sau khi mất tích ở biển, về người sống trong rạp xiếc với sở thích lang thang mỗi đêm, về sự bám víu vào cuộc sống nơi nghĩa địa, về đứa trẻ đi tìm ông bán thuốc chữa ghẻ đến hàng chục năm trời,… Những số phận kỳ lạ ấy khiến người đọc phải ngẫm nghĩ rằng, cuộc đời dài rộng này, có lẽ những người như vậy, thật sự có tồn tại ở đâu đó. 

Câu chuyện duy nhất là mình thấy rằng có một phần bản thân của mình là “Chớp mắt mịt mù”, nơi mà cô gái đã bỏ đi khỏi đám cưới để đi miệt mài, cứ gặp đèn đỏ thì rẽ phải, không xác định điểm đến. Dù mình không có ý định bỏ trốn khỏi đám cưới, đi mãi đi mãi như thế, nhưng mình cũng đã từng lang thang vô định với những quy ước ngầm rằng gặp điều gì thì đi tiếp như thế nào. Chặng đường đó khiến mình không lường trước những điều sẽ đến, cứ mở lòng đón nhận tất cả. 

2. Những ước mơ mãnh liệt 

Có lẽ bởi vì thực tại oái ăm và kỳ lạ như vậy, nên những nhân vật vẫn tự xây lên những giấc mơ để trốn vào đấy. Hơn hết, họ nhận thức rằng chỉ có mình mới giải thoát được cho chính bản thân. 

“Giờ Biền biết ra bến đò ngồi còn ý nghĩa gì, bởi sự thật, chỉ người chết mới chịu ở lại bìa cát mặn này. Biền giơ bàn tay đói ra, săm soi từng vết chai, bắt đầu nghĩ về chuyện đó, hết sức nghiêm túc.” 

Cố định một đám mây, T59.

Những giấc mơ được nuôi dưỡng âm thầm, hoặc vụt qua thoáng chốc. Nhưng tất cả đều mang theo nỗi trăn trở khó diễn tả thành lời. Đôi người sẽ muốn tác giả “giản dị lại”, “không bôi tâm lý ra khỏi từ ngữ” ( ý kiến từ trang bình luận goodreads.com). Từ ngữ địa phương được tác giả sử dụng khá nhiều, đôi khi khiến người đọc hơi khó hiểu. Những nét làng quê được khắc hoạ sâu, có lẽ sẽ khiến những người trẻ trong thế hệ mới thấy xa lạ, hoặc thích thú khi có cái nhìn mới về những điều xưa cũ.

Một điều mình rất thích nữa ở cuốn sách là cái kết mở, khiến mình có thể nghĩ về cái kết cho nhân vật mà mình muốn. Mình sẽ để anh lính cho nổ cây cầu ra đảo tiếp tục những giấc mơ của mình, để người con trai chuyển giới gặp lại đứa cháu trong những hoàn cảnh khác,… Mình không áp đặt rằng cái kết đó phải viên mãn hay hạnh phúc, chỉ là mình muốn nghĩ về những cái kết đó như một điều tốt đẹp cho những số phận vô định như những đám mây. Cho dù rằng, việc gắng gượng để cố định một đám mây sẽ làm cho họ không còn là chính họ nữa, mà sẽ trở thành một cá thể khác.

Mình thấy cách kể của tác giả không thừa, không thiếu. Cuốn sách khiến mình đọc mất một tuần, bởi cứ muốn lật lại, để hiểu hơn tại sao lại diễn biến thành như vậy. Điều duy nhất mình không thích là đôi khi những gánh nặng trong suy tư nhân vật khiến mình cảm thấy khá nặng nề và mệt mỏi. Không đem lại sự tích cực. Tuy nhiên chỉ là trong một vài câu chuyện, không phải tất cả. Như đã nói ở trên, sau cùng mình sẽ tự nghĩ ra một cái kết, để có thể tự đem lại sự tích cực đó cho bản thân.

Cuốn sách hợp với những người muốn có cái nhìn khác về những mảnh đời kỳ lạ, tìm tòi sâu vào những diễn biến tâm lý của nhân vật. Hãy tự mình đọc và cảm nhận về những mảnh đời trong tác phẩm, viết nên những cái kết theo cách nghĩ của bạn, xem rằng liệu bạn có đồng ý với quan điểm của mình không nhé.

Đám mây của bạn là gì ? Bạn có muốn cố định nó không ?

Lê Na


Giá bìa 60.000   

Giá bán

45.000 

Giá bìa 60.000   

Giá bán

45.000