Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết Cô Độc của tác giả Uông Triều.
Biên tập viên B, một kẻ
cô độc ích kỷ bị ám ảnh bởi mối tình quá vãng và những bản thảo vĩ đại. Bị sức mạnh của thực tế tầm thường phá hủy, anh tự cô lập mình trong trụy lạc và phản bội. B mong được lấp đầy trái tim trống rỗng, nhưng lại chọn ở một mình. Chênh vênh đứng bên lằn ranh của quá khứ và thực tại, của mơ mộng và hiện thực, B muốn tìm kiếm một chỗ đứng, mong có được một vị thế, đạt được thành tựu nào đó với chữ nghĩa, khẳng định bản sắc trong một thế giới xa lạ, nhưng rồi anh lại đứng về phía cô độc nhảy vào hố sâu tan vỡ, tự đưa mình xuống tận cùng của vực thẳm, tự đẩy nhanh khoảnh khắc của chính mình…
'Cô độc' - tiểu thuyết về người biên tập sách
Hai nhân vật trong "Cô độc" - đều là biên tập sách - cô lập khỏi gia đình, đồng nghiệp, dùng dục vọng lấp đầy khoảng trống tâm hồn.
Nhà văn Uông Triều mất hơn ba năm để viết tiểu thuyết dài gần 300 trang, ra mắt trong tháng 12. Tác phẩm thuộc dòng văn kỳ ảo, huyễn hoặc với nhiều chi tiết tưởng tượng ma mị. Nội dung xoay quanh hai câu chuyện riêng biệt về nhân vật Ba và B, cùng làm nghề biên tập sách. Cả hai bị ám ảnh bởi hình bóng người yêu cũ và một bản thảo văn học vĩ đại. Họ cô lập và hủy hoại bản thân trong thế giới riêng, đắm chìm trong tình dục để tìm lại những xúc cảm quá khứ, trước khi tự đẩy nhanh khoảnh khắc kết thúc cuộc đời mình.
Nhân vật Ba trải qua nhiều biến cố trong chuyện gia đình, tình yêu. Anh không có mối quan hệ tốt với cha mẹ ruột và từng ly dị vợ. Anh chìm đắm trong ảo vọng về cô gái tên Cầm - tác giả của bản thảo văn học về một người mất quá khứ. Ba dành nhiều năm tìm kiếm cô và bản thảo đó, cũng là hành trình tìm kiếm quá khứ của chính bản thân anh.
Câu chuyện về B xoay quanh một nhà xuất bản sách, nơi anh giữ vai duyệt các bản thảo. Cuộc đời B trăn trở với công việc và coi trọng vị trí của mình. Sự nghiêm khắc với bản thân khiến anh thành người lạnh lùng, tàn nhẫn. B chọn cách đốt hết những bản thảo anh cảm thấy yếu kém, không xứng đáng phát hành. Mạch truyện đẩy B tới điểm anh cần quyết định thay đổi vì sự phát triển của nhà xuất bản hay từ bỏ các nguyên tắc vốn là lẽ sống của đời mình.
Về cơ bản, Cô độc viết về bản thể và ý nghĩa tồn tại của con người. Hai nhân vật sống bất chấp, chọn sự cô độc để vượt qua những sự ngăn cản nhằm đạt được tự do. Tuy nhiên, bên trong họ dần xuất hiện những nghi vấn về chính mục đích và ý nghĩa của cuộc đấu tranh đó. Tác phẩm gợi nhớ tới phong cách của nhiều cây viết nổi tiếng phong trào Văn học Hiện sinh như Franz Kafka hay Martin Heidegger.
Tiểu thuyết giống một thử thách Uông Triều tự đặt ra cho bản thân trong việc viết. Anh thử nghiệm lối kể chuyện song song về hai nhân vật B và Ba, tạo cho độc giả cảm giác họ tuy hai mà một. Tuyến tính thời gian cũng bị lu mờ. Các tình tiết không có cột mốc cụ thể để người đọc xâu chuỗi, hình dung và đối chiếu. Suốt tác phẩm, Uông Triều lồng ghép nhiều hình ảnh ẩn dụ mang tính biểu tượng, thách thức người đọc khám phá.
Tác phẩm gây tranh luận trong buổi tọa đàm ở Hà Nội hôm 17/12. Nhiều nhà phê bình văn học khen ngợi sự táo bạo và chủ động tìm tòi cách thể hiện mới của Uông Triều. Tuy nhiên, một số nhận định tiểu thuyết viết còn yếu, câu chuyện khô khan. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét Uông Triều viết đơn giản, không đủ phức tạp để tạo sự hấp dẫn, tò mò. Người đọc có thể dễ dàng nhận ra B và Ba có nhiều điểm tương đồng như cùng là biên tập viên sách, ly dị vợ, không có con và thích tận hưởng khoái lạc của sự cô độc. Theo nhà văn Bùi Công Thuấn, màu sắc thẩm mỹ của tác phẩm chưa ấn tượng, dễ làm đuối sức người đọc.
Uông Triều, tên thật là Nguyễn Xuân Ban, sinh năm 1977. Anh vốn là giáo viên ngoại ngữ, chuyển hướng sang viết văn và hiện làm biên tập viên ở tạp chí Văn nghệ Quân đội. Uông Triều được đánh giá là cây viết chịu tìm tòi. Các tác phẩm được xuất bản của anh gồm tiểu thuyết Tưởng tượng và dấu vết, Sương mù tháng Giêng, Người mê, cùng một số tập truyện ngắn và tản văn.
Đạt Phan
Mời các bạn tải đọc sách Cô Độc của tác giả Uông Triều.
Mọi người cũng tìm kiếm