Một người họa sĩ Nhật Bản nghèo túng bỏ tiền nhờ bà quản gia mua một chút thức ăn. Tuy nhiên, bà lại mang về một con mèo trắng, với lý do rằng căn nhà quá lạnh lẽo và cô đơn. Lúc đầu người họa sĩ rất không vui, vì anh nghèo đến nỗi đã lâu rồi chẳng đủ tiền mua gạo. Hơn nữa, thời xưa, trong các câu chuyện cổ, mèo luôn mang lại điềm gở. Tuy nhiên, người họa sĩ đã thay đổi ít nhiều, sau khi để ý thấy chú mèo trắng này thực chất có tới ba màu lông, vốn được coi là điều may mắn.
Vả lại, thái độ hiền lành và ngoan ngoãn của chú mèo làm người họa sĩ cảm thấy rất yêu mến chú. Anh đặt tên cho chú mèo là “May mắn”. Vào bữa sáng, người họa sĩ bất chợt nhận ra rằng chú mèo đang bày tỏ lòng kính trọng với Đức Phật, điều mà người họa sĩ từ lâu đã không làm, sau khi gia cảnh khó khăn và nghèo túng. Một lần khác, người họa sĩ còn thấy một chuyện lạ: vì quá đói, chú mèo đã vồ lấy một con chim, nhưng sau đó chú lại nhẹ nhàng thả tự do cho con vật. Chú mèo cư xử quá đỗi đặc biệt, thậm chí còn tự động rời phòng nếu cảm thấy làm phiền người khác.
Trong hoàn cảnh túng thiếu đến cùng cực, người họa sĩ đột ngột được các vị sư trong một ngôi chùa địa phương mời vẽ tranh. Lý do các nhà sư chọn người họa sĩ cũng khá kỳ lạ. Khi họ viết tên của các họa sĩ trong vùng vào giấy, đặt trước sân, rồi cầu khấn, thì tất cả các miếng giấy khác đều bay mất, ngoại trừ miếng giấy có tên người họa sĩ nghèo. Bức họa mà người họa sĩ phải vẽ là bức tranh miêu tả cảnh Phật Thích Ca Mâu Ni nhập cõi niết bàn. Bao quanh Ngài là các đồ đệ, và xa hơn nữa, những con vật trong vùng cũng đến tiễn đưa. Người họa sĩ thậm chí còn nhận được một số tiền đặt cọc lớn để giải quyết gia cảnh khó khăn trước mắt của mình.
Khi vẽ tranh, người họa sĩ nhập tâm vào cuộc đời của Đức Phật, và những lần chuyển sinh trước đó của Ngài, nhằm mường tượng được cảnh tượng một cách chân thực nhất. Sau khi đã hoàn thành phần lớn tác phẩm, người họa sĩ bắt đầu vẽ tới những con vật. Anh bất chợt nhận ra rằng, chú mèo mà anh cảm phục và yêu quý lại không thể ở trong bức vẽ. Theo quan niệm truyền thống ở Nhật Bản cổ xưa, mèo là loài vật bị nguyền rủa. Bởi vì quá kiêu ngạo, những con mèo đã từ chối nghe lời dạy của Đức Phật khi Ngài còn tại thế, vì thế chúng không thể nào lên Thiên quốc được.
Bức ảnh “Đức Phật niết bàn” do họa sĩ Nhật Bản thời Edo, Hanabusa Itcho vẽ (Ảnh: Educators Mfa)
Tác phẩm của người họa sĩ cuối cùng cũng đến tay các nhà sư, và được họ hết lời ca tụng… cho đến khi họ phát hiện ra chú mèo ở trong bức tranh. Các vị sư hoàn toàn từ chối chấp nhận tác phẩm đó và người họa sĩ bị ghét bỏ. Tuy nhiên, buổi tối hôm đó, khi người họa sĩ quay lại ngôi đền, anh được chứng kiến một phép lạ nhiệm màu…
Chú mèo xuất hiện trong tranh (Ảnh: Educators Mfa)
Câu chuyện ngụ ngôn cảm động “Con mèo trời” đã trở thành một tác phẩm kinh điển kể từ khi được xuất bản năm 1930 và được nhiều thế hệ độc giả yêu thích. Người đọc sẽ không khỏi bất ngờ, khi Elizabeth Coatsworth, một tác gia phương Tây, lại có thể viết một câu chuyện cảm động mang đậm chất Á châu đến vậy. Hiện, cuốn sách “Con mèo trời” đã được Nhà xuất bản Trẻ phát hành và gửi tới bạn đọc.
Quang Minh - daikynguyenvn.com