Hội ngộ từ diễn đàn Tam Quốc
Nói nhóm dịch thuật bị “giời đày” không sai. Bởi trong cuộc sống ngày thường, có lẽ hiếm ai đủ kiên nhẫn dành thời gian 10 năm, kỳ cạch dịch hàng ngàn trang cổ văn Trung Quốc. Và dịch để đưa miễn phí lên mạng internet chỉ với một mục đích duy nhất: làm dẫn chứng cho những cuộc tranh cãi liên tu bất tận về… truyện Tam Quốc diễn nghĩa.
Tất nhiên, không phải đến giờ, Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung mới là cảm hứng để độc giả Việt Nam bàn luận lúc trà dư tửu hậu. Nhưng, kể từ khi internet vào Việt Nam cuối những năm 2000, không gian mạng cho phép những người cùng sở thích dễ dàng tìm đến với nhau, để rồi hàng chục topic, fan page hay website về thời Tam Quốc chi chít mọc lên cho đến tận bây giờ.
Theo thời gian, những nhân vật của Tam Quốc vẫn luôn khiến độc giả say mê và bàn luận. Trong ảnh là một số nhân vật của phim Tam Quốc diễn nghĩa phiên bản 2010
Nhóm biên dịch 2.400 trang Tam Quốc chí (vừa được NXB Văn học ấn hành) đều ở độ tuổi trên dưới 40. Họ là Hoàng Giang - nhà báo, Phạm Thành Long - hiện đang sống tại Czech và Bùi Thông - dịch giả chính, là công chức trong ngành kỹ thuật.
Điểm chung giữa 3 gương mặt này là cùng… mê Tam Quốc, như rất nhiều gương mặt 6X, 7X khác. Như chia sẻ, ở thập niên 1980, thời điểm mà đời sống giải trí còn nhiều hạn chế, đọc Tam Quốc và bàn Tam Quốc đã sớm trở thành thú vui của thế hệ này.
“Cốt truyện đặc sắc, chỉ gói gọn trong quãng thời gian ngót trăm năm mà anh hào kỳ tuyệt xuất hiện đông đảo như lá rừng. Lời văn theo lối tự sự, truy tìm đến nguồn gốc nhân vật mà viết, tuy mộc mạc nhưng đủ ý, khiến người đọc dễ nhớ”- Bùi Thông giải thích.
Rồi anh so sánh thêm: “Cũng chẳng lạ khi trong Tứ đại danh tác, Tam Quốc diễn nghĩa lại được độc giả mình yêu thích đến vậy. Hồng lâu mộng câu văn bóng bẩy, nhất bút song quan, rất xuất sắc nhưng lời văn ủy mị, không hẳn là văn chương đại chúng. Tây du ký chỉ kể chuyện hoang đường khó tin, các nút thắt mở đơn giản. Thủy Hử, văn chương dân dã rất hay, nhưng mang dáng dấp của những tiểu truyện rời rạc được chắp nối lại. Tất cả không thể ở vào dạng “nhã tục cộng hưởng”, ai cũng bàn luận được như Tam Quốc”.
Cảnh “nhã tục cộng hưởng” ấy cũng là cơ duyên để các thành viên trong nhóm dịch gặp nhau, trong topic bàn luận về Tam Quốc diễn nghĩa tại một diễn đàn. Những câu hỏi về các tình tiết vô lý, về những “khoảng mờ” khó lý giải trong pho sách này được đặt ra, để rồi từ 2006, Bùi Thông lọ mọ đi tìm nguồn Tam Quốc chí trên mạng, tự dịch và đưa lên làm cơ sở bàn luận.
Giải đáp những thắc mắc về “Tam Quốc diễn nghĩa”
“Tùy vào độ tuổi và cách tư duy của độc giả, những thắc mắc về Tam Quốc diễn nghĩa thường đặt ra theo những cấp độ khác nhau”- anh Phạm Thành Long nhận xét. “Cấp độ 1 là đọc Tam Quốc diễn nghĩa đến thuộc lòng, là fan của nhân vật nên tranh luận theo kiểu Lã Bố và Triệu Vân nếu đánh nhau thì ai thắng? Cấp độ thứ 2 thì bắt đầu đặt ra những thắc mắc về chiến lược hay thân phận nhân vật, kiểu như Khổng Minh trong lịch sử có giỏi thật không? Chu Du có nhỏ nhen đến thế không? Kế sách vượt Tý Ngọ của Ngụy Diên là hay hay dở ?...”.
Lần lượt, những tiểu truyện nhỏ trong Tam Quốc chí được Bùi Thông dịch thô và đưa lên diễn đàn. Bắt đầu là những tiểu truyện về các nhân vật chính trong Tam Quốc diễn nghĩa như Khổng Minh, Lưu Bị, Quan Công, Tào Tháo. Rồi đến hệ thống các nhân vật phụ - vốn gần như bị che lấp hoàn toàn trong tiểu thuyết của La Quán Trung. Theo lời anh, chính hệ thống nhân vật này mới là các nguồn thông tin có thể hé lộ thêm các khía cạnh quan trọng về sự thực lịch sử thời Tam Quốc.
Công việc cá nhân khiến những tiểu truyện Tam Quốc chí được Bùi Thông đưa lên diễn đàn khá rời rạc. Như lời anh nói, có những tiểu truyện được anh dịch trong một ngày, và có những tiểu truyện phải mất cả tuần.
Sự hào hứng kèm những lời thúc giục của cộng đồng mê Tam Quốc, khiến ý tưởng xuất bản sách ra đời vào năm 2010, khi Tam Quốc chí đã dịch được non nửa. 2 người bạn Phạm Thành Long và Hoàng Giang cùng tham gia với Thông trong vài trò biên tập, hiệu đính và tham chiếu tư liệu.
Chấp nhận thử thách với cổ sử “Tam Quốc chí”
Không phải ngẫu nhiên, khác hẳn với Tam Quốc diễn nghĩa, bộ Tam Quốc chí cho đến trước năm 2016 vẫn chưa hề được dịch tại Việt Nam. Độ dày “khủng khiếp” của 300 tiểu truyện, cùng việc bộ sách được viết bằng ngôn ngữ Hán cổ vào thế kỷ 3, là một trong những lý do quan trọng nhất.
Tiếng Hán cổ, theo lời Bùi Thông, rất khác với Hán văn hiện đại khi câu văn thường ít có chủ vị, lời cô đọng súc tích, ý tứ sâu xa, các câu thường rất ngắn, nhiều khi đối nhau về câu chữ, ngữ nghĩa.
Thậm chí, trong một chừng mực nào đó, loại ngữ pháp gắn kèm với thứ ngữ pháp riêng, thường sử dụng hư từ, trong mỗi câu dịch thường phải bám sát vào văn cảnh. Ở khá nhiều đoạn, Thông phải tìm kiếm những bản Tam Quốc chí đã được chuyển sang bản bạch thoại (ngôn ngữ phổ thông, đang được Trung Quốc sử dụng hiện nay) để tham khảo.
“Chưa kể, trong Tam Quốc chí có rất nhiều thể loại khó như bi, ký, biểu… thường không thể chỉ dịch một lần là xong. Liên tục, chúng tôi phải nhờ “cao nhân” tại các diễn đàn mạng chia sẻ và giúp đỡ” - Thông kể - “Nếu không có sự nhiệt tình của họ, có lẽ bây giờ việc dịch vẫn tiếp tục kéo dài”.
Cuối năm 2013, khi bản dịch hoàn thành, nhóm dịch lại công phu bỏ ra thêm 3 năm tiếp để chỉnh lại câu chữ. Như ý muốn của họ, từng lời dịch cần cố gắng chuyển hết ý văn của tác giả, giữ được phong vị cổ kính của câu văn, các ý văn đối nhau phải thể hiện rõ, soát lại từng câu dịch một, chú thích diễn giải các điển tích và hệ thống một cách tỉ mỉ.
“Chúng tôi dịch vì thú vui, nên muốn làm thật tốt. Nhóm dịch chỉ mong sách tìm đúng chủ - những độc giả yêu Tam Quốc khác - để họ có thêm một cơ sở dữ liệu tham chiếu và đưa ra những lập luận cho riêng mình về thời đại Tam Quốc” - Hoàng Giang nói - “Cũng xin chia sẻ thêm, như bất cứ bộ cổ sử nào, Tam Quốc chí tiềm ẩn rất nhiều những sách lược truyền thống, mưu kế an bang trị quốc cũng như phương kế thôn tính của đất nước tự xưng là Trung Hoa, đối với những dân tộc phụ cận. Những điều đó, đến bây giờ vẫn chưa mất đi tính thời sự, để chúng ta cùng chiêm nghiệm và phác thảo đối sách”.
Tam Quốc chí là pho sử được học giả Trần Thọ viết vào thế kỷ 3, và Bùi Tùng Chi hiệu đính vào thế kỷ 4. Dựa vào pho sử này, La Quán Trung sáng tác tiểu thuyết chương hồi Tam Quốc diễn nghĩa vào gần 1.000 năm sau đó.
Sơn Tùng - Thể Thao Văn Hóa