NXB Kim Đồng gửi đi thông báo họ vừa phát hành tiểu thuyết Chim én liệng trời cao của Ma Văn Kháng. Tiểu thuyết dày gần 400 trang được phát triển từ truyện ngắn Chim én mà ông khởi bút từ nửa thế kỷ trước.
Vốn là một người Hà Nội, lên vùng cao dạy học, Ma Văn Kháng có hơn 20 năm tuổi trẻ gắn bó với vùng đất Lào Cai. Thiên nhiên, con người và văn hóa của vùng đất này dường như ngấm vào máu thịt của ông, để từ đó, nhà văn viết nên những trang văn đẹp của Chim én liệng trời cao.
Tiểu thuyết lấy bối cảnh ở một địa bàn có người Tày và người Dao sinh sống, trong khoảng thời gian những năm 1940 chống Pháp. Nhân vật chính của tác phẩm là Tiển, sinh ra ở bản người Tày Cam Đồng, Cậu bé ở bản quê hàng ngày ngồi trên lưng trâu, ngắm bầy chim én rồi thổi sáo bài “Chim én liệng trời cao”. Kháng chiến, Tiển sớm gia nhập đội ngũ những người làm cách mạng trên quê hương mình.
Cuộc đời Tiển được ví như chim én với khao khát tung cánh bay trên bầu trời tự do, bất chấp sự kìm kẹp của bọn thực dân xâm lược.
Trong Chim én liệng trời cao, Ma Văn Kháng khắc họa đời sống cơ cực của bà con miền núi dưới áp bức bóc lột của bọn tay sai, thực dân. Những lý trưởng Vi Văn Tăm, tên đồn Tây Brusex tàn bạo, tên tổng Ngao hung ác… cùng những chính sách, hành động hung ác, khét tiếng khiến người dân phải vùng lên.
Tiểu thuyết là lời ca ngợi những chiến sĩ cách mạng dũng cảm trên vùng đất Tây Bắc, cùng người dân đánh giặc như anh Tố, Trần Hòa, Kim…
Trên nền truyện kháng chiến, vẫn có những mối tình thầm lặng, e ấp khiến tác phẩm thêm nhiều màu sắc, sinh động. Tác phẩm còn mang tới bức tranh thiên nhiên rừng núi hoang sơ, vẻ đẹp hùng vĩ và văn hóa của vùng Tây Bắc.
Lấy hình ảnh khúc ca về chim én làm ẩn dụ, tiểu thuyết của Ma Văn Kháng tựa như một bài ca đẹp, hùng tráng về cuộc chiến chống thực dân Pháp của người dân Tây Bắc.
Chim én liệng trời cao là tác phẩm được Ma Văn Kháng thai nghén hơn 50 năm, là kết tinh của văn chương tác giả. Có lẽ đó là món nợ ân tình mà ông trả cho vùng đất Tây Bắc – nơi ông từng gọi là vùng thẩm mĩ của mình.
“Linh giác đây là vùng đất, vùng thẩm mĩ đầy bí ẩn đã mê hoặc tôi ngay từ khi tôi vừa đặt chân lên mảnh đất Lào Cai. Gọi linh giác có lẽ là chính xác vì lúc đó tôi 18 tuổi, vậy mà lại đinh ninh rằng ở vùng đất này, mình sẽ làm được cái gì đó để lập thân, lập nghiệp và có ích cho đời, thế có lạ không?” - Ma Văn Kháng từng nói.
Nhà văn Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh năm 1936 tại Đống Đa, Hà Nội. 18 tuổi, ông lên Tây Bắc dạy học, là hiệu trưởng một ngôi trường cấp ba tại Lào Cai.
Ma Văn Kháng là tác giả của nhiều tiểu thuyết về miền núi, đề tài kháng chiến và cả những tác phẩm đổi mới như: Vùng biên ải, Mùa lá rụng trong vườn, Côi cút giữa cảnh đời, Đám cưới không có giấy giá thú, Chó Bi, đời lưu lạc, Tấm ván thiên…
Ông nhận được nhiều giải thưởng cao quý nhất cho văn chương Việt Nam, như: Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật (2012), Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật (2011). Ma Văn Kháng cũng được giải thưởng Văn học ASEAN năm 1998.
Tần Tần - Zing.vn