Trịnh Cung là một họa sĩ nhưng anh viết văn thật chuyên nghiệp. Bài viết đã cung cấp những tư liệu sinh động, ấn tượng mà có thể trước đây nhiều người chưa biết đến.
Tuy nhiên tôi hoàn toàn không ngạc nhiên sau khi đọc xong bài viết ấy. Vì Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ giàu tình cảm, chống chiến tranh, có cảm tình với MTGPMN, và đôi khi cũng muốn làm một chàng hiệp sĩ…
Nhưng chiến tranh không phải vậy. Chiến tranh là hy sinh, đổ máu, là ngục tù. Chiến tranh còn là thủ đoạn, thanh toán nhau, phủ nhận nhau, loại trừ nhau… Trịnh Cung kể rằng ngày 30.4.75 có một ông nhạc sĩ đã “đuổi” Trịnh Công Sơn ra khỏi phòng thu Đài phát thanh Sài gòn là một ví dụ nhỏ nhưng khá điển hình.
Qua bài viết của Trịnh Cung tôi thấy không có gì quan trọng, không có gì để trách cứ, lên án Trịnh Công Sơn, trái lại càng thương anh. Cũng như bao nhiêu người giàu tình cảm khác, rất nhẹ dạ, cả tin, cộng với một chút háo danh, một chút “cơ hội”… gộp lại thành một cái bi kịch nho nhỏ.
TCS không có lỗi gì cả. Anh chỉ có một tấm lòng. Và anh tưởng bở. Tưởng rằng mình có tài, mình nổi tiếng thì sẽ được trọng dụng, có biết đâu rằng chế độ mới không cần “tài”, không cần “nổi tiếng” họ chỉ cần anh có phải đảng viên hay không. Nếu anh đã là đảng viên rồi, lại còn phải xét xem anh có ăn cánh không thì mới được tin dùng.
Đừng nói Trịnh Công Sơn chỉ là “quần chúng” cảm tình khơi khơi… ngay cả cộng sản thứ thiệt như Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Hộ, Hùynh Tấn Mẫm… cũng vẫn “tưởng bở” như thường. Và sự “tưởng bở” ấy đã dẫn họ đến những kết cục rất bẽ bàng.
Bi kịch của TCS là bi kịch tưởng bở. Tội cho anh, thương cho anh. Anh chẳng bao giờ là cộng sản. Anh không có trong tổ chức của Đảng, của Đoàn hay của cái quái gì cả. Anh chỉ là một nhạc sĩ tài năng và rất mong manh. Gán cho anh bốn chữ “tham vọng chính trị” tôi thấy vừa buồn cười vừa “ép người quá đáng”.
Chuyện TCS có ý định tham gia chính phủ Dương Văn Minh chỉ là chuyện tào lao (chính ông Lý Quý Chung cũng đã xác nhận điều đó). Ông Nguyễn Trần Thiết, một nhà văn miền Bắc, trong suốt tác phẩm dày hơn 1000 trang viết về Dương Văn Minh (do tôi biên tập) cũng không hề có dòng nào nói đến chuyện TCS có ý định tham gia chính phủ Dương Văn Minh.
Sau ngày 30.4.75 rõ ràng là có một cái “mốt việt cộng nằm vùng”: nữ nghệ sĩ Kim Cương cũng đại tá việt cộng, Thanh Nga cũng vi-xi, trung tướng Nguyễn Hữu Có cũng tình báo cộng sản, rồi bây giờ đến lượt Trịnh Công Sơn. Bài viết của Trịnh Cung đã góp phần tạo ra một ảo tưởng “nhà nhà làm tình báo, người người làm tình báo.” Thực ra không phải như vậy. Thực ra cộng sản thì ít mà ham vui thì nhiều. Chàng nhạc sĩ họ Trịnh của chúng ta cũng thuộc “típ” ham vui đó.
Còn việc sau này (trong “thập niên 90”) TCS hỏi ý kiến Trịnh Cung xem có nên vào Đảng hay không cũng chỉ là chuyện trẻ con. Chắc chắn có vài người trong Hội Nhạc sĩ đã gạ anh, dụ anh vào Đảng để Đảng được dựa hơi danh tiếng anh, và để Đảng khoe với dư luận thế giới rằng “chúng tôi rất thoáng, biết tôn trọng nhân tài”. Thế thôi, nào phải TCS muốn vào Đảng.
Chúng ta đừng làm cho sự việc trở nên nặng nề, vì thực chất trường hợp TCS rất dễ hiểu, rất nhẹ nhàng. Còn việc TCS sáng tác bài “Cho một người nằm xuống” cho Lưu Kim Cương chẳng qua là vì ông ta đã tạo điều kiện cho Sơn “được hoãn dịch” khỏi phải tham dự vào một cuộc chiến tương tàn nhảm nhí.
Đừng nghĩ rằng TCS là một con người chính trị, hãy hiểu rằng Thượng đế đã mời Trịnh Công Sơn xuống trần gian để làm nhạc sĩ. Vì thế không việc gì anh phải “khí tiết cách mạng”, phải kiên định lập trường vì một phe phái nào. Anh chỉ cần yêu người, yêu đời, thậm chí anh chỉ cần “mê gái” và sáng tác cho chúng ta những ca khúc về những tình yêu ấy cũng đã là điều vĩ đại rồi.
Hiểu Trịnh Công Sơn như thế thì ta sẽ đón nhận bài viết của Trịnh Cung một cách nhẹ nhàng.
Một nhạc sĩ có thể viết được một câu tuyệt vời như: “Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn” thì chuyện vào Đảng, chuyện chính trị chính em cũng chỉ là miếng giẻ rách mà người nhạc sĩ tài hoa tình cờ gặp phải trên đường “tìm lại bên sông những dấu hài.”
***
Đào Hiếu (sinh năm 1946), tên khai sinh: Đào Chí Hiếu. Các bút danh khác: Biển Hồ, Đào Duy. Hiện ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam.
Đào Hiếu, sinh ngày 10 tháng 2 năm 1946 tại Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Ông sớm gia nhập phong trào sinh viên cách mạng tại Quy Nhơn.
Năm 1968 ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1970 ông bị bắt quân dịch và trở thành binh nhì sư đoàn 22 Quân lực Việt Nam Cộng hoà.
Sau sáu tháng, ông trốn vào Sài Gòn bắt liên lạc với Tổng hội sinh viên hoc sinh để tiếp tục hoạt động chống Mỹ đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Ông tốt nghiệp cử nhân văn chương trước 1975 tại Sài Gòn. Từng làm phóng viên báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ.
Hiện Đào Hiếu sống và viết tại TP. Hồ Chí Minh.
Truyện dài
- Giữa cơn lốc, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1978.
- Một chuyến đi xa, Nhà xuất bản Măng Non, 1984, nxb Trẻ 1994.
- Qua sông, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 1986.
- Vùng biển mất tích, Nhà xuất bản Đồng Nai 1987.
- Vượt biển, Nhà xuất bản Trẻ 1988, 1995.
- Vua Mèo, Nhà xuất bản Trẻ 1989.
- Người tình cũ, Nhà xuất bản Văn Nghệ 1989.
- Kẻ tử đạo cuối cùng, Nhà xuất bản Trẻ 1989.
- Thung lũng ảo vọng, Nhà xuất bản Trẻ 1989.
- Hoa dại lang thang, Nhà xuất bản Văn Học 1990.
- Trong vòng tay người khác, Nhà xuất bản Tác phẩm Mới 1990.
- Kỷ niệm đàn bà, Nhà xuất bản Văn Nghệ 1990.
- Nổi loạn, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 1993.
- Lạc Đường (tự truyện), Nhà xuất bản Giấy Vụn 2008, Nhà xuất bản Kim Thư Production USA 2008.
- Tuyển tập Đào Hiếu (tập 1 và tập 2) Nhà xuất bản Kim Thư Production USA 12. 2009.
- Mạt lộ, Nhà xuất bản Lề Bên Trái (tự xuất bản)[1], 03. 2009.
Truyện ngắn và tạp văn
- Bầy chim sẻ, Nhà xuất bản Văn Nghệ 1982.
- Những bông hồng muộn, Nhà xuất bản Trẻ 1999.
- Tình địch, Nhà xuất bản Trẻ 2003.
Thơ
- Đường phố và thềm nhà, Nhà xuất bản Trẻ 2004.
Mời các bạn đón đọc Cuộc Cách Mạng Bị Thất Lạc của tác giả Đào Hiếu.