DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Định Chế Tôtem Hiện Nay

Tác giả Claude Lévi-Strauss
Bộ sách Tinh Hoa Tri Thức
Thể loại Văn Hóa - Xã Hội
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 5384
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Claude Lévi-Strauss Tinh Hoa Tri Thức Văn Hoá Tôtem Tham Khảo Chuyên Ngành
Nguồn tve-4u.org
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY
Claude Lévi-Strauss là một nhà nhân học người Pháp đã có ảnh hưởng lớn lên ngành khoa học xã hội và nhân văn thế giới trong nửa sau của thế kỉ 20 với phương pháp phân tích cấu trúc (analyse structurale) mà ông đã chủ yếu dựa vào âm vị học cấu trúc (phonologie structu-rale) để lập ra rồi ứng dụng vào nghiên cứu của ông vô cùng đồ sộ, với hơn hai mươi cuốn sách và hơn hai trăm vài viết!
 

TÌM HIỂU CLAUDE LÉVI-STRAUSS

Nguyễn Tùng

 

Claude Lévi-Strauss là một nhà nhân học Pháp có ảnh hưởng lớn lên các ngành khoa học xã hội và nhân văn thế giới trong nửa sau của thế kỉ 20 với phương pháp phân tích cấu trúc mà ông đã chủ yếu dựa vào âm vị học cấu trúc (phonologie structurale) để lập ra rồi áp dụng vào nghiên cứu nhân học. Do sự nghiệp khoa học đồ sộ của ông (với hơn hai mươi cuốn sách và hơn hai trăm bài viết!), do sự đa dạng của các chủ đề nghiên cứu, do các giả thuyết và các phương pháp vô cùng mới lạ mà ông đề xuất, từ cuối những năm 1940, Lévi-Strauss đã không ngừng làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận và nhiều phê phán ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt ở Pháp và Mĩ. Các công trình của ông đã được mổ xẻ, phân tích trong vô vàn cuốn sách và bài viết của nhiêu nhà nhân học, xã hội học, triết học, ngữ học, sử học… nghiêm túc trên thế giới.

Tiểu sử

Sinh ngày 20-11-1908 ở Bruxelles, nhưng chỉ ít lâu sau đó cha mẹ ông quay về sống ở Paris. Tân khai sinh của ông là Gustave Claude Lévi. Cha mẹ ông đều là người Do Thái ở vùng Alsace (Pháp). Cha ông là họa sĩ vẽ chân dung có tên thật là Raymond Lévi, nhưng lại kí tên là Lévi- Strauss, vì ông ta là cháu ngoại của Isaac Strauss, một nhạc trưởng kiêm nhà soạn nhạc khá nổi tiếng ở Paris vào giữa thế kỉ 19. Phải đợi đến năm 1961 Claude Lévi-Strauss mới chính thức mang họ Lévi-Strauss.

Vào cuối các năm trung học, ông quen một đảng viên trẻ của Đảng Xã hội Bỉ và nhờ thế biết đến tư tưởng của Marx rất sớm. Ông hoạt động trong Đảng Xã hội SFIO và trở thành Tổng bí thư của Đoàn Sinh viên Xã hội Pháp. Năm 1928, ông làm thư kí cho đại biểu quốc hội Georges Monnet1 thuộc Đảng SFIO, nhưng vẫn tiếp tục học ở khoa luật của Đại học Paris.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật, ông chuyển sang học triết ở Đại học Sorbonne, và đậu thạc sĩ2 triết học (được xếp thứ ba) năm 1931.

Năm 1932, ông kết hôn với Dina Dreyfus, trẻ hơn ông 3 tuổi (sinh năm 1911); đậu thạc sĩ triết học năm 1934, vợ ông cũng chuyển sang nghiên cứu dân tộc học.

Sau hai năm dạy triết ở trường trung học phổ thông, ông chấp nhận đề nghị của nhà xã hội học Pháp Célestin Bouglé3 cùng vợ sang Brazil dạy xã hội học ở Đại học Sao Paulo. Ở đây, ông tổ chức và chỉ đạo nhiều cuộc điền dã ở Mato Grosso và vùng Amazonia, với sự tham gia của vợ.

Trong chuyến điền dã đầu tiên (1935-1936), Claude Lévi-Strauss nghiên cứu hai bộ tộc Mĩ-Ấn (amérindien) Caduveo và Bororo. Trong chuyến thứ hai (năm 1938), ông nghiên cứu tộc người Mĩ-Ấn Nambikwara.

Trở về Pháp trước khi thế chiến II bùng nổ, ông bị động viên vào quân đội với vai trò liên lạc viên ở chiến lũy Maginot trong hai năm 1939 và 1940, rồi được bổ dạy trung học phổ thông ở Montpellier. Năm 1940, ông bị chính quyền Vichy cách chức vì có gốc Do Thái.

Năm 1941, ông li thân với vợ, rồi rời Pháp sang tị nạn ở New York. Vào khoảng tháng 9.1941, ông được mời dạy xã hội học đương đại về Nam Mĩ ở Trường Nghiên cứu Xã hội mới (New School for Social Research).

Năm 1942, ông tham gia tổ chức Nước Pháp tự do (France libre) của Tướng de Gaulle và làm xướng ngôn viên cho Cơ quan thông tin chiến tranh (Office of War Information). Ông được nhà triết học Pháp Alexandre Koyré4 giới thiệu với nhà ngữ học Roman Jakobson5. Nhờ ông này, Claude Lévi-Strauss nắm vững phương pháp phân tích của ngữ học cấu trúc mà ông sẽ áp dụng vào việc nghiên cứu các hệ thống thân tộc và huyền thoại.

Tham gia phái bộ khoa học của Các lực lượng tự do Pháp (Forces françaises libres) ở Mĩ, ông cùng với Henri Focillon6, Jacques Maritain7, Jean Perrin8… thành lập Trường Cao học tự do (École libre des hautes études) Ở New York vào tháng 2.1942.

Năm 1945, ông được Bộ Ngoại giao Pháp bổ nhiệm làm tham tán văn hóa ở đại sứ quán Pháp tại Mĩ, nhưng vẫn dành nhiều thời giờ để tham khảo ở các thư viện lớn của Mĩ. Sau khi li dị với bà Dina, ông kết hôn với bà Rose-Marie Ullmo và có được một người con trai.

Năm 1945, trong bài lí thuyết quan trọng đầu tiên của mình9, Lévi-Strauss đã tuyên bố phương pháp phân tích cấu trúc, cũng giống như đối với ngôn ngữ học, sẽ mau chóng đổi mới sâu sắc cách nghiên cứu thân tộc, huyền thoại, nghệ thuật, tổ chức xã hội, v.v..

Năm 1947, ông hoàn thành cuốn Structures élémentaires de la parenté (Các cấu trúc cơ bản của thân tộc).

Năm 1948, ông cùng gia đình về Paris.

Năm 1949, ông xuất bản cuốn Các cấu trúc cơ bản của thân tộc10 mà ông dùng làm luận án tiến sĩ chính (còn luận án phụ là bài “La vie familiale et sociale des Indiens Nambikwara” (Đời sống gia đình và xã hội của người Mĩ-Ân Nambikwara)11); sau đó được bổ làm Phó Giám đốc Bảo tàng Con người.

Năm 1951, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư ở Trường Cao học thực hành (l’Ecole pratique des hautes études).

Năm 1952: xuất bản cuốn Race et histoire [Chủng tộc và lịch sử]. Trong cuốn sách này do UNESCO xuất bản, tuy mỏng nhưng gây nhiều tranh luận, Lévi-Strauss chứng minh là không có các tiêu chuẩn khách quan cho phép so sánh và đánh giá tất cả các xã hội của mọi thời đại. Theo ông, nếu người phương Tây cho rằng văn hóa của nhiều dân tộc khác là “cố định” (stationnaire), chính là vì chúng không đi cùng hướng với văn hóa của họ; và sự tiến bộ là không thiết yếu và cũng không liên tục.

Năm 1954, ông kết hôn với bà Monique Roman và có với bà người con trai thứ hai.

Năm 1955, ông xuất bản cuốn Tristes tropiques [Nhiệt đới buồn] được nhiều nhà trí thức lớn (như Raymond Aron12) cũng như độc giả đón nhận rất nồng nhiệt. Còn ban giám khảo của giải Goncourt thì xin lỗi đã không thể trao giải cho cuốn sách này, vì nó không phải là một cuốn tiểu thuyết, mà là một cuốn du kí kể lại các chuyến du hành và các cuộc điền dã của ông (chủ yếu ở Brazil). Ở cuối cuốn Nhiệt đới buồn, Lévi-Strauss đã viết những trang rất sâu sắc về các “sự thật” (vérité) mà Đức Phật đã chứng ngộ cách đây 25 thế kỉ khi trầm tư dưới gốc cây bồ đề. Ông bái phục Đức Phật như là một nhà tư tưởng lớn mà, theo ông, cho đến nay chưa ai vượt qua được!13

1958: xuất bản cuốn Anthropologie structurale [Nhân học cấu trúc] gồm nhiều bài viết quan trọng đã đăng trong các tạp chí. Cuốn sách này góp phần đáng kể trong việc nâng cao uy tín của Lévi-Strauss.

1959: ông được bầu làm giáo sư nhân học xã hội ở Collège de France (Học viện Pháp quốc), sau hai lần thất bại. Dù không cấp học vị nào cả, học viện này rất có uy tín, vì các giáo sư của nó (được hội đồng giáo sư bầu) thường được xem như là những nhà khoa học, triết gia, sử gia,… hàng đầu. Uy tín của Lévi- Strauss ngày càng tăng đến mức, sau khi ông về hưu (1982), ghế giáo sư nhân học vẫn được Học viện Pháp quốc duy trì và, thậm chí, còn do hai môn đệ của ông (Françoise Héritier14 và Philippe Descola15) kế tiếp nhau đảm nhận.

1960: ông thành lập Phòng nghiên cứu nhân học xã hội thuộc Học viện Pháp quốc và Trường Cao học thực hành. Cho đến nay, phòng nghiên cứu quan trọng này vẫn hoạt động.

1961: cùng với Émile Benveniste và Pierre Gourou, ông thành lập tạp chí L’Homme (Con người), tạp chí rất có uy tín chuyên đăng những bài nghiên cứu về nhân học và dân tộc học.

1962: xuất bản cuốn Le Totémisme aujourd’hui [Định chế tôtem hiện nay] và La Pensée sauvage [Tư duy hoang dại]. Trong chương cuối của cuốn sau (Lịch sử và biện chứng), Lévi-Strauss đã tấn cống chính diện vào chủ nghĩa hiện sinh của Jean-Paul Sartre, nên tạo ra một chấn động trong báo chí cũng như trong giới trí thức.

1964: xuất bản cuốn Le Cru et le Cuit [Cái sống / và cái chín], cuốn đầu của bộ Mythologiques [Huyền thoại] gồm bốn tập dày cả thảy khoảng 2000 trang.

1967: xuất bản cuốn Du miel aux cendres [Từ mật đến tro], Huyền thoại II.

1968: xuất bản cuốn L’Origine des manières de table [Nguồn gốc các cách ăn uống], Huyền thoại III.

1971: xuất bản cuốn L’Homme nu [Con người trần truồng], Huyền thoại IV.

1973: ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp (việc ông ứng cử vào viện này gây không ít ngạc nhiên trong giới trí thức Pháp thuộc cánh tả). Ông xuất bản cuốn Antropologie structurale deux [Nhân học cấu trúc II]: giới phê bình đón nhận nó không mấy nồng nhiệt, vì từ sau phong trào tháng 5.1968, thuyết cấu trúc nói chung ngày càng bị chỉ trích.

1975: xuất bản cuốn La Voie des masques [Con đường của mặt nạ].

1982: nghỉ hưu.

1983: xuất bản cuốn Le Regard éloigné [Nhìn từ xa]. Trong lời tựa, tác giả cho biết cuốn sách này đáng ra có tên là Anthropologie structurale trois [Nhân học cấu trúc III]16. Cuốn này được đón nhận khá tốt.

1984: xuất bản cuốn Paroles données [Những lời đã nói] ghi tóm tắt các bài giảng của ông ở Học viện Pháp quốc.

1985: xuất bản cuốn La Potière jalouse [Bà làm gốm ghen ghét].

1991: xuất bản cuốn Histoire de Lynx [Chuyện Mèo Rừng].

1993: xuất bản cuốn Regarder, écouter, lire [Nhìn, nghe, đọc].

Từ năm 1994 trở đi, Lévi-Strauss ít xuất bản sách, nhưng ông vẫn tiếp tục điểm sách đều đặn cho tạp chí l’Homme.

- 5.2008: Gallimard xuất bản, trong sưu tập La Pléiade, cuốn Œuvres [Tác phẩm] gồm một số cuốn sách do chính ông tuyển chọn.

- 30.10.2009: ông qua đời ở Paris.

Ba cuốn sách xuất bản sau khi ông mất: L’Anthropologie face aux problèmes du monde moderne [Nhân học đối diện với các vấn đề thế giới hiện đại, 2011], L’Autre face de la lune [Mặt kia của trăng, 2011], Nous sommes tous des cannibales [Chúng ta đều là những kẻ ăn thịt người, 2013].

Ngoài Hàn lâm viện Pháp, ông còn là thành viên của Hàn lâm viện Anh, Hàn lâm viện Nghệ thuật và Khoa học hoàng gia Hà Lan, Hàn lâm viện Khoa học và Văn học Na Uy, thành viên người nước ngoài của Hàn lâm viện Quốc gia Mĩ…

Ông cũng là tiến sĩ danh dự (honoris causa) của các trường đại học Bruxelles (Bỉ), Chicago, Columbia, Harvard, Johns-Hopkins, Yale (Mĩ), Montréal, Laval (Canada), Oxford (Anh), Sao Paulo (Brazil), Uppsala (Thụy Điển),…

Trong số các giải thưởng và huy chương mà ông được trao có huy chương vàng của CNRS17 (Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học, Pháp, 1967), giải Erasmus18 (1973) và Giải quốc tế của vùng Catalunya19 (Tây Ban Nha, 2005).

Mời các bạn đón đọc Định Chế Tôtem Hiện Nay của tác giả Claude Lévi-Strauss.

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000