DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Đoạn Đầu Đài - Tchinguiz Aitmatov

Tác giả Chyngyz Torekulovich Aytmatov
Bộ sách
Thể loại Tiểu thuyết
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook prc pdf epub azw3
Lượt xem 5904
Từ khóa eBook prc pdf epub azw3 full Chyngyz Torekulovich Aytmatov Tiểu thuyết Kinh điển Văn học Kyrgyzstan Văn học phương Tây
Nguồn tve-4u.org
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY
Tiểu thuyết gia Kyrgyz - người khiến cả thế giới biết đến đất nước Trung Á nhỏ bé, lắm núi nhiều đồi của mình qua những tác phẩm về cuộc sống thường nhật dưới thời Xô viết.

Aitmatov bắt đầu nổi tiếng từ năm 1958 với cuốn tiểu thuyết Jamilya. Lấy bối cảnh Thế chiến II, tác phẩm là câu chuyện về một phụ nữ trẻ người Kyrgyz dám bỏ chồng để chạy theo một cựu quân nhân. Jamilya từng làm dấy lên những cuộc tranh luận tại cộng đồng Hồi giáo cũng như ở các nước tồn tại nam quyền về việc liệu một phụ nữ có nên bỏ chồng vì một người đàn ông khác.

Tuy nhiên, nhà thơ Pháp nổi tiếng Louis Aragon ca ngợi, Jamilya là “thiên tình sử hay nhất mọi thời đại”.

Trong những sáng tác khác, Aitmatov miêu tả cuộc sống con người dưới thời Xô viết. Ông đặc biệt chú trọng đến những thân phận từng bước bị biến thành nô lệ, bị nô dịch hóa. Aitmatov là nhà văn quyết liệt bảo vệ sự tồn tại và phát triển độc lập của nền văn hóa và ngôn ngữ ở những quốc gia không nói tiếng Nga trong khối Xô viết. Trong cuốn Một ngày dài hơn thế kỷ, nhà văn xây dựng một nhân vật giết chết mẹ mình vì không còn nhớ ra bà.

Nhiều sáng tác của Aitmatov đã được dựng thành phim. Trong đó Người thầy đầu tiên - bộ phim dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của ông, dưới bàn tay của đạo diễn Nga nổi tiếng Andrei Konchalovski - đã trở thành một tác phẩm điện ảnh lay động lòng người tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Sau năm 1991, tiểu thuyết của Aitmatov được dịch và phổ biến rộng rãi tại phương Tây. Nhà văn có thêm hàng triệu độc giả, đặc biệt là tại Đức.

Là một trong số hiếm hoi những người Kyrgyz có danh tiếng vượt ra khỏi biên giới quốc gia 5 triệu dân của mình, Aitmatov là nhân vật có ảnh hưởng đặc biệt trong đời sống chính trị Kyrgyzstan. Sự ủng hộ của nhà văn dành cho Askar Akayev đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Akayev trở thành Tổng thống Kyrgyzstan nhiệm kỳ 1990-2005.

Chingiz Torekulovich Aitmatov sinh ngày 12/12/1928 tại làng Sheker, vùng tây bắc Kyrgyzstan. Năm 1935, gia đình ông chuyển đến Matxcơva, Nga.

3 năm sau, Torekul Aitmatov - bố của nhà văn - bị đưa đi cải tạo rồi xử tử. 60 năm sau, thi thể ông mới được tìm thấy trong một ngôi mộ tập thể ở miền Bắc Kyrgyzstan. Tấn bi kịch cá nhân này đã hắt dấu vào rất nhiều tác phẩm của Aitmatov. Đoạn đầu đài là một tiểu thuyết như thế. Sáng tác ra đời năm 1986 này là cuốn sách được đọc nhiều nhất trong thời kỳ cải tổ kinh tế tại Nga.

Trong văn nghiệp của mình, Aitmatov từng đoạt giải thưởng Lênin (1963) và 3 giải thưởng Nhà nước (1968, 1977, 1983). Tuy đoạt rất nhiều giải thưởng và những vinh quang văn học nhưng trước sau, Aitmatov, theo đánh giá của nhà văn Nga Viktor Yerofeyev, vẫn là một con người “trung thực, khiêm nhường và liêm khiết”.
***
Khi Chinghiz 10 tuổi, Torekul Aitmatov - bố của nhà văn - bị đưa đi cải tạo rồi xử tử. 60 năm sau, thi thể ông mới được tìm thấy trong một ngôi mộ tập thể ở miền Bắc Kyrgyzstan. Tấn bi kịch cá nhân này đã hắt dấu vào rất nhiều tác phẩm của Aitmatov. Đoạn đầu đài là một tiểu thuyết như thế. Sáng tác ra đời năm 1986 này là cuốn sách được đọc nhiều nhất trong thời kỳ cải tổ kinh tế tại Nga.

Tiểu thuyết Đoạn đầu đài là tác phẩm lớn cuối cùng, cũng là tác phẩm tổng kết kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật của Aitmatov. Đoạn đầu đài chứa đựng những nét đặc biệt trong tư duy sáng tạo của nhà văn. Nổi bật lên trong tác phẩm là kiểu tư duy huyền thoại, kiểu cốt truyện huyền thoại tạo nên tính chất đa nghĩa, mơ hồ cho tác phẩm. Thực ra, cốt truyện huyền thoại, kiểu tư duy huyền thoại, sự đậm đặc yếu tố huyền thoại đã thể hiện ngay trong những tìm tòi, sáng tạo không ngừng nghỉ của ông trước đó như ở Cánh đồng mẹ, Con chó khoang chạy ven bờ biển, Vĩnh biệt Gunxarư, Và một ngày dài hơn thế kỉ. Tuy nhiên, ở Đoạn đầu đài, có sự hội tụ, tập trung cao không chỉ của tài năng và kinh nghiệm sáng tạo, mà còn của tư tưởng, trí tuệ của nhà văn. Vấn đề huyền thoại, do đó, cũng được kết tinh lại trong cuốn tiểu thuyết này.
***

Sau một ngày ấm áp ngắn ngủi, nhẹ nhàng như hơi thở trẻ em, thời tiết trên những sườn núi quay về phía mặt trời chẳng mấy chốc đã thay đổi lúc nào không biết. Gió bắt đầu nổi lên từ các tảng băng trôi và bóng tối sớm sủa, dày đặc, thấm sâu vào khắp nơi, đã bắt đầu len lỏi vào các khe hẻm, đem theo màu xám lạnh lẽo của đêm tuyết sắp đến. Tuyết thật nhiều khắp xung quanh, trên suốt dãy núi vùng ven hồ Ixức-Cun, ngọn núi nào cũng phủ đầy những tuyết. Mới hai ngày trước đây, một trận bão tuyết đã tràn qua những nơi này chẳng khác gì một đám cháy bỗng bùng lên dữ dội do sự đỏng đảnh của những lực lượng thiên nhiên muốn gì làm nấy. Quang cảnh diễn ra thật khủng khiếp. Núi non biến mất, bầu trời biến mất, toàn bộ thế giới nhìn thấy được trước đây cũng biến mất trong cảnh bão tuyết mù mịt. Sau đó mọi vật lặng đi và trời trở nên quang đãng. Từ khi ấy, cùng với trận bão tuyết đã dịu đi, những ngọn núi bị các khối tuyết khổng lồ làm tê liệt, đứng sừng sững trong không khí tĩnh mịch lạnh cóng, tê buốt và tách khỏi mọi vật trên đời.

Chỉ có tiếng ầm ầm của chiếc máy bay lên thẳng cỡ lớn là vang lên diết dóng mỗi lúc một to, mỗi lúc một mạnh. Vào giờ phút hoàng hôn ấy, chiếc máy bay lên thẳng này bay lần theo lũng sâu Udun-Sát về phía đèo Ala-Mônguy phủ kín băng, bị những đám mây xoắn ốc che mờ mờ như khói tỏa trên chốn trời cao lộng gió. Tiếng ầm ầm mỗi phút một vang to hơn cứ lớn lên, cứ tiến lại gần, và cuối cùng thì vang lên đầy đắc thắng. Nó đã hoàn toàn chế ngự được khoảng không và vang động mãnh liệt, đầy uy lực, bên trên những dãy núi, những đỉnh cao, những khối băng cao tít mà không một thứ gì với tới nổi, ngoài âm thanh và ánh sáng. Được tăng cường thêm bởi vô số tiếng vọng nối tiếp nhau giữa các núi đó và các khe hẻm, tiếng ầm ầm trên đầu ấy cứ tràn đến mãi với một sức mạnh ghê gớm, dữ dội, hình như chỉ một chút nữa thôi là sẽ xảy ra một cái gì đó khủng khiếp như lúc động đất.

Vào một thời điểm kịch liệt nào đó quả có xảy ra như vậy thật. Tại một sườn dốc đá dựng đứng phơi mình ra trước gió và nằm trên hướng bay của chiếc máy bay lên thẳng kia, một khối đá không lớn lắm bị sóng âm thanh mãnh liệt làm lung lay, trượt đi và bỗng dừng sững lại như dòng máu đang chảy chợt đông lại bởi những câu phù chú. Nhưng nền đất không chắc chắn chỉ cần cái hích đó thôi là đủ. Một vài tảng đá nặng trịch rời khỏi triền dốc, lăn xuống dưới, mỗi lúc một chạy tứ tung, cuốn theo sỏi đá, làm bụi bay mù lên, và khi đến chân dốc thì băng như đạn pháo qua những bụi craxnôtan và hoàng liên gai, đã xuyên thẳng các đống tuyết, lan đến tận hang sói của một gia đình sói xám nằm ở đây, dưới chân núi đá, trong khe hẻm ẩn sau các bụi cây rậm rạp, cạnh một con suối nhỏ ấm áp nay đã đóng băng tới một nửa.

Con sói cái Acbara nhảy phắt sang bên để tránh sỏi đá lăn từ trên xuống và tuyết rơi lả tả, rồi lùi vào bóng tối của khe, co mình lại như lò xo, dựng bờm lên và nhìn phía trước bằng cặp mắt sáng quắc, đỏ rực một cách man rợ trong bóng tối mờ mờ, sẵn sàng giao chiến vào bất kì lúc nào. Nhưng nỗi lo sợ của nó là thừa. Ngoài kia, ngoài thảo nguyên lồ lộ thì đáng sợ thật, khi chẳng biết trốn đâu cho thoát chiếc máy bay lên thẳng cứ bám riết lấy mà săn đuổi, mà theo sát gót, với tiếng cánh quạt rú rít làm inh tai nhức óc, với những loạt đạt tiểu liên làm kinh hoàng; khi trên khắp thế giới không có một cách gì tránh nổi chiếc máy bay lên thẳng; khi không có một khe hẻm nào có thể giấu đi chiếc đầu sói hoảng loạn – mặt đất đâu có chịu nứt ra để tạo nơi trú ẩn cho những kẻ bị săn đuổi.

Còn trong núi thì khác. Ở đây bao giờ cũng có thể chạy trốn, bao giờ cũng tìm được chỗ ẩn náu để chờ cho mối đe dọa qua đi. Ở đây, chiếc máy bay lên thẳng không đáng sợ, núi non mới đáng sợ cho máy bay lên thẳng. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi là phi lý, nhất là nỗi sợ hãi đã quen thuộc, đã nếm trải. Khi chiếc máy bay lên thẳng lại gần, con sói kêu lên ăng ẳng, thu tròn lại, rụt đầu vào, vậy mà thần kinh của nó vẫn không chịu nổi, vẫn như bị đứt phựt. Nó rú lên dữ dội, bị nỗi sợ hãi bất lực, mù quáng xâm chiếm lấy, nó quằn quại bò sát bụng ra cửa hang, răng lập cập va vào nhau đầy giận dữ và tuyệt vọng, sẵn sàng giao chiến ngay tại đây, dường như hy vọng là sẽ tống cổ được con quái vật bằng sắt đang bay ầm ầm bên trên khe hẻm, con quái vật mà khi xuất hiện đã làm sỏi đá cũng phải lăn rào rào từ trên xuống như khi động đất..

Nghe thấy tiếng gào rú kinh hoàng của Acbara, con sói đực là Tastrainar thò đầu vào hang. Tastrainar nghĩa là ‘máy nghiền đá’, biệt danh đó là do những người chăn cừu địa phương đặt cho nó vì nó có đôi hàm cực khỏe. Từ khi vợ nó trở nên nặng nề, nó phần lớn không ở trong hang mà ở một nơi hẻo lánh giữa các bụi cây. Nhưng nay nó bò vào chỗ sói vợ nằm và gừ gừ dịu dàng như muốn lấy thân mình che chở cho vợ khỏi cơn nguy hiểm. Nép vào sói chồng mỗi lúc một sát hơn, con sói cái vẫn tiếp tục kêu ăng ẳng, ai oán kêu gọi hoặc là ông Trời bất công, hoặc là một kẻ nào đó không biết là ai, hoặc là số phận bất hạnh của mình. Toàn thân nó còn run rẩy một hồi lâu nữa. Nó không thể tự chủ lại được ngay cả khi chiếc máy bay lên thẳng đã biến mất sau băng hà Ala-Mônguy đồ sộ và tiếng ầm ầm đã tắt hẳn sau các đám mây dày.

Và trong không khí lặng lẽ đột nhiên tràn ngập vùng núi non này, một không khí vắng lặng tựa như sụp đổ của cảnh tịch mịch trong vũ trụ, con sói cái bỗng cảm thấy rõ hơn trong bụng nó. Hiện tượng tương tự cũng đã xả ra trong thời kì đầu cuộc đời săn bắt của Acbara, khi nó nhảy xổ ra giết chết một con thỏ cái lớn. Trong bụng con thỏ cái này, nó cũng cảm thấy những cựa quậy như vậy của những sinh vật vô hình nào đó mà mắt không thấy được. Điều lạ lùng ấy khiến con sói cái non trẻ và hiếu kỳ vừa ngạc nhiên lại vừa tò mò. Nó kinh ngạc dỏng tai lên, ngờ vực nhìn con mồi đã chết. Và nó thấy kỳ lạ và khó hiểu đến nỗi thậm chí, nó định đùa nghịch với những sinh vật vô hình kia, hệt như mèo chơi trò vờn nghịch với con chuột đã dở sống dở chết. Giờ đây, chính nó cũng cảm thấy trong bụng mình một thứ gì đó nằng nặng và sống động hệt như thế. Đó là dấu hiệu của những sinh vật sẽ chào đời khoảng gần hai tuần nữa, nếu các hoàn cảnh trùng hợp một cách thuận lợi. Nhưng hiện nay thì những con vật non nớt chưa ra đời ấy vẫn gắn bó khăng khít với lòng mẹ, vẫn là một phần của cơ thể sói mẹ, và bởi vậy, trong tiềm thức mơ hồ đang hình thành của chúng, chúng cũng trải qua cơn kinh hoàng và tuyệt vọng như chính sói mẹ. Đó là sự tiếp xúc gián tiếp đầu tiên của chúng với thế giới bên ngoài, với hiện thực thù nghịch đang chờ đợi chúng. Do đó, chúng bắt đầu cựa quậy trong bụng mẹ để đáp lại những nỗi đau khổ của mẹ chúng. Chúng cũng cảm thấy khiếp sợ và sự khiếp sợ này là do máu mẹ truyền sang chúng.

Trong cặp sói này thì Acbara quyết định mọi việc. Nó có quyền đề xướng các cuộc săn bắt, còn Tastrainar là kẻ thừa hành trung thành, tin cậy, thực thi không mệt mỏi và không điều kiện mọi ý muốn của sói vợ. Mối quan hệ đó không bao giờ bị vi phạm. Chỉ có một lần đã xảy ra một trường hợp bất ngờ, lạ lùng, khi sói đực biến mất tới tận rạng sáng và trở về với mùi lạ của một con sói cái khác, thứ mùi ghê tởm của thời kỳ động đực trơ trẽn luôn khêu gợi và vẫy gọi con đực từ một nơi cách xa hàng chục dặm. Thứ mùi đó khiến Acbara giận điên lên. Nó lập tức xua đuổi sói chồng đi và bất ngờ cắm phập răng nanh sâu vào vai sói chồng, buộc sói chồng phải đi khập khiễng mấy ngày liền để trừng phạt. Nó không cho sói chồng lại gần và dù con sói đực ngốc nghếch kia có tru lên thế nào chăng nữa cũng không một lần đáp lại, không một lần chịu dung hòa, dường như Tastrainar không còn là chồng nó nữa, không còn tồn tại đối với nó nữa. Nếu như Tastrainar lại dám mon men đến gần để mua chuộc và lấy lòng nó thì chắc hẳn nó sẽ đọ sức thật sự. Không phải ngẫu nhiên mà nó là cái đầu, còn Tastrainar chỉ là tay chân trong cặp sói xám từ nơi khác đến này.

Cái ngày xáo động khủng khiếp với con sói cái Acbara đang tàn dần như vậy. Do bản năng không thể tiêu diệt nổi của tình mẹ, nó không lo lắng cho bản thân nó bao nhiêu mà chủ yếu là lo lắng cho đàn con sắp sửa ra đời tại hang này. Cũng chính vì đàn con tương lai ấy, hai vợ chồng nó đã mất công tìm kiếm và xây dựng ở đây, trong khe sâu dưới vòm ngọn núi đá um tùm cây cối và phủ đầy những cây đổ cùng sỏi đá tràn xuống, một tổ ấm của gia đình sói để có chỗ sinh nở và trú ẩn.

Mới một năm trước đây, vùng này không hề hay biết gì về loại sói bờm xám. Một lần chúng có xuất hiện, nhưng chúng vẫn tiếp tục sống biệt lập. Lúc đầu, giống sói đến từ nơi khác đến này tránh va chạm với giống sói địa phương, chúng lang thang phần lớn là tại các khu vực trung lập của các lãnh địa do giống sói địa phương cai quản. Chúng sống vất vưởng, kiếm gì ăn nấy, và trong khi tìm mồi, chúng thậm chí lấn ra các cánh đồng, tới những vùng đất thấp có người ở, nhưng vẫn không chịu quan hệ với các bầy sói trong vùng. Tính cách quá độc lập của con sói cái mắt xanh Acbara không cho phép nó gia nhập các bầy khác để rơi vào tình trạng phụ thuộc.

Hơn nữa, Acbara và Tastrainar lại từ những nơi khác đến đây. Đối với con mắt giàu kinh nghiệm thì ngay cả về vẻ ngoài chúng cũng khác với giống sói địa phương. Trước hết là lớp lông cổ rậm rạp khuôn chặt lấy hai vai tựa như chiếc áo choàng lộng lẫy màu xám bạc, chạy suốt từ dưới ngực cho đến u vai. Lớp lông này của chúng thì sáng màu, đặc trưng cho lũ sói vùng thảo nguyên. Cả về tầm vóc cũng vậy, giống sói Ăcgiala, tức là giống sói bờm xám, bao giờ cũng to lớn hơn giống sói bình thường ở cao nguyên vùng ven hồ Ixức-Cun. Còn nếu như một người nào đó trông thấy con sói Acbara ở gần thì nhất định phải sửng sốt trước đôi mắt xanh trong veo của nó – một trường hợp hiếm hoi và có thể độc đáo duy nhất. Nó được những người chăn cừu địa phương đặt cho biệt danh là Acđalư, có nghĩa là ‘u vai trắng’, nhưng chẳng bao lâu sau, do những qui luật biến đổi của ngôn ngữ, nó biến thành Abarư rồi Acbara, có nghĩa là ‘vĩ đại’, tuy nhiên không một ai biết rằng trong việc đó có dấu hiệu của thiên mệnh.

Giờ đây, sau khi Acbara đã yên tâm ít nhiều và sưởi ấm bên thân hình to lớn của Tastrainar, nó cảm thấy biết ơn sói chồng vì đã chia sẻ nỗi sợ hãi của nó và do đó đã khiến nó thấy tự tin trở lại, vì vậy nó không cưỡng lại những cử chỉ vuốt ve kiên nhẫn của sói chồng. Hơn nữa, để đáp lại những cử chỉ ấy, nó hai lần liếm vào môi sói chồng và trong khi cố chế ngự nỗi kinh hoàng vẫn còn thỉnh thoảng vẫn làm nó run bần bật, nó hướng mọi ý nghĩ vào bản thân. Nó lắng nghe lũ sói nhỏ trong thai động đậy một cách khó hiểu và lo ngại. Nó bằng lòng với những gì hiện có. Nó bằng lòng với cả hang sói, cả với mùa đông giá lạnh trong núi, cả với ban đêm rét cóng đang từ từ đến gần.

Khi lắng nghe những biến chuyển xảy ra ngoai ý muốn trong phần bụng đã sống động của nó, con sói cái Acbara cảm thấy xúc động. Tim nó đập nhanh hơn và tràn dâng lên lòng dũng cảm, tràn dâng mối quyết tâm nhất định sẽ bảo vệ, sẽ che chở những sinh vật nhỏ nhoi mà nó đang ấp ủ trong bụng. Giờ đây, nó sẽ không do dự giao chiến với bất kỳ kẻ nào. Trong người nó, bản năng duy trì nòi giống – một bản năng vĩ đại của tự nhiên – bắt đầu lên tiếng. Và ngay lúc đó, một cảm giác thương mến trào lên trong lòng nó như một làn sóng ấm nóng, nó cảm thấy nhu cầu được vuốt ve, được sưởi ấm những đứa con tương lai, truyền cho chúng dòng sữa của mình y hệt như chúng đã nằm bên cạnh. Đó chính là mối tiên cảm hạnh phúc. Nó lim dim mắt, rên rỉ vì sung sướng, vì chờ đợi sữa dồn lên hai hàng vú phồng căng đến mức đỏ lên. Nó mệt mỏi và chậm rãi duỗi thẳng người ra trong chừng mực khuôn khổ hang cho phép. Cảm thấy đã yên tâm hẳn, nó lại định đến cạnh con sói chồng Tastrainar bờm xám của nó.

Tastrainar lực lưỡng, bộ lông ấm áp, đàn hồi và rộng. Tuy luôn luôn cau có, Tastrainar cũng thấy được những gì mà con sói cái sắp làm mẹ này đang cảm thấy. Trực giác giúp nó hiểu được những gì đang diễn ra trong bụng sói vợ, và có lẽ nó cũng xúc động. Vểnh một bên tai, Tastrainar hơi ngửng cái đầu nặng nề và kềnh càng lên. Trong ánh mờ tối của đôi đồng tử lạnh lẽo giữa cặp mắt đen thẫm trũng sâu vào trong, có thoáng lướt qua một vết đen nào đó, một linh cảm dễ chịu mơ hồ nào đó. Nó dè dặt kêu gừ gừ, khịt khịt mũi và rên ư ử, biểu lộ tâm trạng hồ hởi của mình, tỏ ý sẵn sàng phục tùng không điều kiện con sói vợ mắt xanh và che chở cho vợ. Rồi nó bắt đầu ân cần và âu yếm đưa cái lưỡi to ẩm ướt và ấm áp liếm đầu sói vợ.

Acbara yêu thích lưỡi sói chồng vào những lúc sói chồng vuốt ve âu yếm nó, người run lên vì nôn nóng, lưỡi nóng bừng vì máu hừng hực dồn lên, trở nên chắc nịch, lanh lẹn và mạnh mẽ như rắn. Vào những lúc ấy, nó hết sức thích thú tuy lúc đầu cố làm ra vẻ bình thản, thờ ơ. Nó cũng thích thú như vậy cả vào những giờ phút êm đềm hạnh phúc sau khi ăn uống no nê, khi lưỡi sói chồng vừa mềm mại vừa ẩm ướt vuốt ve nó.

Người phán xét cao nhất là thời gian. Dần dần, hai con sói bờm xám từ nơi khác đến đã có thể tự bảo vệ mình. Trong vô số những cuộc giao chiến dữ dội, chúng đã giành được phần đất trên cao nguyên vùng ven hồ Ixức-Cun và giờ đây chúng đã trở thành chủ nhân. Lũ sói địa phương không còn dám xâm phạm vào lãnh địa của chúng nữa. Có thể nói rằng, vậy là cuộc sống của những con sói bờm xám mới xuất hiện đã ổn định thành công trên đất Ixức-Cun. Nhưng trước đó là cả một giai đoạn lịch sử. Nếu như thú vật có thể nhớ lại quá khứ thì Acbara – một con sói rất sáng ý và cảm nhận tinh tế – sẽ lại nếm trải tất cả những gì mà đôi khi nó chợt nhớ lại, chua xót đến mức chảy nước mắt và rền rĩ vì đau đớn.

Trong thế giới đã mất ấy, trong đồng cỏ Môiuncumư mênh mông xa xôi ấy, đã từng diễn ra một cuộc sống đầy những chuyến săn mồi rộng lớn với việc đuổi bắt liên miên những bầy sơn dương Môiuncumư bao la. Từ thời cổ đại, giống sơn dương Xaigắc đã sinh sống trên những vùng thảo nguyên lúc nào cũng rậm rạp loại cây muối đen chịu được tiết trời khô khốc ấy, và trong số những loài móng kép thì chúng thuộc loài lâu đời nhất, lâu đời như chính thời gian vậy. Những bầy súc vật mũi khoằm này chạy không biết mệt,. Lỗ mũi to tướng của chúng dồn không khí qua phổi với một mức độ mãnh liệt hệt như cá voi dồn những dòng nước đại dương qua bộ lược răng, và do đó chúng được trời phú cho khả năng chạy liên tục suốt từ sáng đến tối. Khi chúng bắt đầu chạy vì bị kẻ thù vĩnh viễn và lúc nào cũng bám riết lấy chúng là chó sói săn đuổi; khi một bầy này kinh hoàng khiến bầy bên cạnh, đôi khi cả bầy thứ ba thứ tư nữa, cũng kinh hoàng theo; khi cuộc chạy trốn đồng loạt này lôi cuốn cả những bầy lớn nhỏ khác gặp trên đường chạy; khi chúng lướt vun vút trên thảo nguyên Môiuncumư, qua các gò đồi, các bình nguyên và các bãi cát, chẳng khác gì cơn đại hồng thủy đổ sụp xuống trái đất… thì mặt đất tựa như chạy ngược về phía sau và kêu rào rào như khi mưa đá vào lúc mùa hè. Không khí lúc đó tràn ngập hơi thở quay cuồng của chuyển động, tràn ngập bụi đá và những tia lửa bắn tóe ra từ dưới móng, tràn ngập mùi mồ hôi của bầy súc vật – mùi đua tranh điên cuồng không phải giành lấy cái sống mà là giành lấy cái chết.

Và lũ sói chạy tản ra, bám sát gót, cố xua bầy xaigắc vào những ổ mai phục, nơi nằm chờ chúng giữa những bụi cây muối đen là những con sói lão luyện, ranh năng nhọn hoắt, sẵn sàng từ chỗ mai phục nhảy phắt lên gáy con mồi đang lao vùn vụt, ngã lộn nhào cùng với nó, cắn đứt cổ làm máu phụt ra lênh láng rồi lại lao vào cuộc săn đuổi. Nhưng lũ Xaigắc không hiểu sao thường nhận ra những nơi sói mai phục và kịp né tránh những nơi ấy. Và cuộc săn đuối lại bắt đầu một vòng mới với tốc độ và mức dữ dội còn lớn hơn nữa. Tất cả những con thú ấy, cả những con bị săn đuổi và những con săn đuổi – một mắt xích của quá trình tồn tại nghiệt ngã – đều dốc hết sức vào cuộc chạy thi, khiến máu dường như sôi lên chẳng khác gì trong cơn hấp hối, để sống và để sống sót. Và có lẽ chỉ Chúa Trời mới có thể dừng cả hai bầy thú lại, bởi vì đây là chuyện sống chết của những con vật khao khát sống khỏe mạnh.

Những con sói nào không chịu đựng nổi tốc độ điên cuồng như vậy và những con sói nào không phải sinh ra để ganh đua trong cuộc đấu tranh sinh tồn – trong cuộc chạy đua sinh tồn – đều ngã lăn ra và trút hơi thở cuối cùng trong lớp bụi bốc lên của cuộc săn đuổi đang cuốn xa dần như cơn bão. Nếu chúng còn sống chăng nữa thì chúng cũng phải bỏ đến những miền khác, nơi chúng tha hồ hoành hành giữa những bầy cừu hiền lành, hiền lành đến mức thậm chí không tìm cách chạy trốn nữa. Nhưng quả thật, những nơi ấy có mối nguy hiểm riêng. Mối nguy hiểm đáng sợ nhất trong số tất cả những mối nguy hiểm có thể xảy ra ở đấy: bên cạnh đàn cừu là những con người, những kẻ vừa là Chúa Trời vừa là nô lệ của bầy cừu, những kẻ muốn sống nhưng lại không cho loài khác sống, đặc biệt là những ai không phụ thuộc vào họ và thích được tự do.

Con người! Con người! Họ thật ghê gớm như Chúa Trời vậy! Họ cũng săn bắt lũ xaigắc của đồng cỏ Môiuncumư mênh mông. Trước kia, họ xuất hiện trên mình ngựa, mặc quần áo da thú, trang bị bằng cung tên. Sau này họ xuất hiện với những khẩu súng nổ vang, vừa hò hét vừa phi ngựa hết nơi này đến nơi nọ, – còn lũ xaigắc thì chạy nườm nượp hết phía này đến phía khác – tha hồ mà lùng chúng trong những cánh rừng cây muối đen. Nhưng rồi, đến lúc những con-người-Chúa-Trời ấy bắt đầu tổ chức những cuộc săn lùng bằng xe ôtô nhằm làm cho chúng phải kiệt sức vì mệt mỏi, hệt như lũ sói vẫn làm, lũ xaigắc quỵ ngã và họ vừa ngồi trên xe vừa bắn giết. Tiếp đấy, họ sử dụng máy bay lên thẳng. Lúc đầu, họ từ trên trời quan sát các bầy xaigắc trên thảo nguyên rồi bao vây chúng trong những toạ độ đã định sẵn. Những tay xạ thủ dưới mặt đất thì phóng vun vút khắp những vùng đất bằng với tốc độ một trăm kilômet giờ hoặc hơn thế nữa để lũ xaigắc không kịp ẩn nấp. Máy bay lên thẳng thì từ trên cao hiệu chỉnh mục tiêu và hướng săn đuổi. Ôtô, máy bay lên thẳng, súng trường cao tốc… – và thế là cuộc sống ở đồng cỏ Môiuncumư bị lộn nhào hết lên.

Con sói cái Acbara mắt xanh còn chưa thay lông và con sói chồng tương lai nó là Tastrainar mới nhỉnh hơn nó một chút, thì chúng đã đến lúc phải làm quen với những cuộc săn đuổi lớn. Lúc đầu, chúng không theo kịp, chúng xé xác những con sơn dương đã gục ngã và giết chết những con nào chưa chết hẳn. Nhưng dần dần, về sức lực và sức chịu đựng chúng đã trội hơn nhiều con sói từng trải, nhất là những con sói đang về già. Nếu như mọi việc đều diễn ra theo qui luật tự nhiên thì chỉ ít lâu nữa là chúng sẽ đứng đầu cả bầy sói. Nhưng tình hình lại ngoặt theo chiều hướng khác…

Năm này không giống năm khác. Vào mùa xuân năm đó, các bầy xaigắc sinh đẻ đặc biệt nhiều, không ít con cái còn sinh đôi nữa, bởi vì mùa thu trước, trong thời gian săn đuổi, lớp cỏ khô đã hơi lên xanh lại sau một vài trận mưa tầm tã vào lúc tiết trời ấm áp. Thức ăn thừa thãi, do đó tỉ lệ sinh đẻ tăng lên. Trong thời gian sinh đẻ, lũ xaigắc ngay từ đầu xuân đã đi đến những vùng cát lớn không có tuyết ở mãi sâu trong đồng cỏ Môiuncumư, nơi chó sói không dễ dàng tới được. Mà săn đuổi lũ Xaigắc trên các cồn cát là một việc vô vọng. Trên các cồn cát thì chó sói không thể đuổi kịp lũ xaigắc được.

Để bù lại, chó sói thường sống no đủ vào mùa thu và mùa đông. Khi việc di cư theo mùa của động vật khiến những vùng nửa sa mạc và thảo nguyên đầy ắp những bầy xaigắc đông vô kể, đó là lúc Chúa hậu đãi loài sói. Còn về mùa hè, đặc biệt vào thời tiết nóng nực, chó sói thường không ưa động chạm đến xaigắc bởi vì đã có đủ một loại con mồi khác, dễ săn đuổi hơn, là ngân thử. Vô số ngân thử lang thang khắp thảo nguyên để bù đắp lại những gì chúng đã trượt mất vào thời kỳ ngủ đông. Trong mùa hè, chúng phải kịp làm tất cả những gì mà các thú vật khác đã làm trong một năm trời. Chính vì thế mà chúng hối hả xục xạo khắp nơi, không thèm để ý đến nguy hiểm. Vậy tại sao lại không săn bắt kia chứ – bởi vì cái gì cũng có giờ phút của nó, mà về mùa đông thì không thể săn bắt kia mà, chúng không hề xuất hiện. Lại còn các loại thú nhỏ và chim chóc – đặc biệt là gà gô – dùng làm thức ăn cho sói vào những tháng hè. Nhưng việc kiếm ăn chủ yếu – những cuộc săn đuổi rộng lớn lũ xaigắc – là vào mùa thu và kéo dài từ mùa thu cho đến tận cuối đông. Lại một lần nữa là cái gì cũng có giờ phút của nó, trong đó thể hiện một sự hợp lý riêng, do thiên nhiên ban cho, của vòng quay cuộc đời trong đồng cỏ. Chỉ thiên tai và con người mới có thể phá vỡ quá trình tự lâu đời này của tình hình ở Môiuncumư.

 
Mời các bạn đón đọc Đoạn Đầu Đài của tác giả Tchinguiz Aitmatov,

may-doc-sach

thi-tran-buon-tenh
tiki-top-sach-nen-tang-nhat-dinh-phai-doc
Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000