Peter Wohlleben viết cuốn sách dựa trên những kết luận đáng kinh ngạc của nghiên cứu khoa học gần đây và đề xuất chúng ta thay đổi thế giới quan cố hữu của mình: coi xét và đối xử với cỏ cây như là những sinh vật sống nhưng “chậm chạp” hơn nhiều so với thế giới động vật thay vì là những “cỗ máy” hữu cơ đơn giản.
Wohlleben bắt đầu sự nghiệp của mình với công việc quản lý rừng, nhưng ông thú nhận, lúc đó, ông “biết về đời sống bí ẩn của cây chẳng nhiều hơn bao nhiêu những gì mà một người bán thịt hiểu về đời sống cảm xúc của động vật”, bởi nhiệm vụ của ông là đánh giá xem cây rừng nào đã đủ tiêu chuẩn để thu hoạch.
Một bước ngoặt xảy đến vào khoảng 20 năm về trước: Wohlleben bỏ việc, chuyển sang nhận tổ chức huấn luyện sinh tồn và xây dựng các tour du lịch nhà gỗ trong rừng. Chính những cuộc gặp gỡ với du khách đã thay đổi cách nghĩ của ông về thực vật và thiên nhiên. “Du khách bị hút hồn bởi những thân cây cong vẹo, xương xẩu mà trước đây tôi sẽ loại bỏ vì chúng có giá trị thương mại thấp. Đi cùng với những du khách của mình, tôi biết lưu tâm đến nhiều thứ khác hơn ngoài giá trị của thân cây.”
Những trải nghiệm trực tiếp quý giá đã giúp ông tích lũy những câu chuyện “vụn vặt” hằng ngày của cỏ cây hoa lá mà sau này ông tìm cách kể lại trong cuốn sách Đời sống bí ẩn của cây, được nhiều ý kiến đánh giá là đã tiết lộ những khám phá tuyệt vời về đời sống tưởng chừng tĩnh lặng của rừng.
Những ý kiến trái chiều thường “tấn công” ngôn ngữ sử dụng trong tác phẩm: ông dùng trường từ vựng dành để mô tả đời sống xã hội của con người để biểu đạt những nét vẻ trong thế giới cỏ cây. Nhiều người cho rằng Wohlleben đã quá “cảm tính”, cố tình bỏ qua việc phân ranh rành rẽ giữa thực vật và động vật.
Nhưng độc giả có thể thấy ở phần cuối cuốn sách 76 mục tài liệu tham khảo chỉ dẫn tới các ấn phẩm khoa học uy tín cũng như các báo cáo nổi tiếng gần đây chứng minh rằng, tác giả cuốn sách đơn giản chỉ truyền đạt những phát hiện thực tế của khoa học bằng ngôn ngữ mà độc giả dễ tiếp cận.
Hơn nữa, điều thú vị của cuốn sách không chỉ giới hạn trong những kết quả nghiên cứu khoa học, Wohlleben còn dành nhiều trang mô tả những biến chuyển tâm lý và tinh thần của chính mình sau quãng đời làm việc trong rừng.
Wohlleben chỉ cho người đọc thấy, từ quan điểm sinh thái, chúng ta cần xem cây rừng không phải là những cá thể cô lập mà là các cộng đồng bị ràng buộc trong một tập hợp các mối quan hệ sinh thái phức tạp với các sinh vật cùng loài cũng như khác loài và đặc biệt là với các loại nấm trong lòng đất giúp truyền chất dinh dưỡng cho rễ cây. Đây là những điều mà từ lâu các nhà sinh vật học đã nhắc đến, nhưng được tác giả cuốn sách diễn tả rất sống động và cuốn hút.
Cây rừng, không như phần lớn chúng ta nghĩ, vốn có một đời sống tình cảm và xã hội phong phú, thậm chí chúng dường như có khả năng lập kế hoạch trước để tạo ra một môi trường tối ưu, đảm bảo tuổi thọ của chúng. Cây rừng không chỉ tương tác với nhau một cách tình cờ, mà còn có thể hình thành nên những mối quan hệ tựa như “tình bạn” trong những khoảng rừng sâu, và trong lúc đó, những cá thể “cô đơn” sẽ phải chịu bao khó khăn vì bị tách biệt khỏi cộng đồng.
Vậy tại sao cây rừng là những sinh vật xã hội như vậy? Wohlleben trả lời: “Lý do cũng giống như trong cộng đồng loài người chúng ta: hợp tác sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn”. Trường hợp một nhóm bạch dương nuôi dưỡng một cá thể bị bệnh khiến ông nhớ về chuyện một đàn voi chăm nom con bị ốm: “Cũng giống như đàn voi, chúng coi sóc lẫn nhau, giúp đỡ kẻ ốm yếu cho đến khi nó khỏe lại. Thậm chí, đàn voi còn miễn cưỡng không nỡ bỏ lại con voi chẳng may chết”.
Mùi hương chính là thứ ngôn ngữ bí mật mà cây rừng sử dụng để giao tiếp với nhau. Wohlleben so sánh điều này với cách thức động vật giao tiếp bằng cách sử dụng pheromone hay những tín hiệu hóa học giữa các cá thể cùng loài. Tác giả đưa ra một ví dụ: ở thảo nguyên châu Phi, hươu cao cổ thường ăn lá cây keo gai dù. Khi điều đó xảy ra, trong vài phút cây bắt đầu sản xuất một chất độc biến lá cây thành đắng, khiến hươu cao cổ phải chùn bước. Đồng thời, cây keo gai dù đó còn tạo ra một mùi hương cảnh báo để những cây keo khác xung quanh ngay lập tức nhận ra – và vì thế, chúng có thể chuẩn bị trước cho cuộc tấn công hươu cao cổ.
Vì không thể di chuyển và chạy trốn, cây rừng đã phát triển các hệ thống thay thế để tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa khác nhau. Mạng kết nối được hình thành khi rễ của cây rừng kết nối với nhau qua một hệ thống nấm trong lòng đất “giao tiếp” bằng cách truyền các xung điện. Điều này rất hữu ích, đặc biệt trong trường hợp cần cảnh báo các cây khác về sự xâm nhập của sâu bệnh hoặc hạn hán. Hơn nữa, cây rừng còn có khả năng chia sẻ chất dinh dưỡng qua rễ, đặc biệt khi một cá thể cây không quang hợp đủ hay bị côn trùng tấn công.
Trong một chương về sinh sản có tựa đề “Tình yêu”, Wohlleben kể rằng, một số cây rừng đã giao tiếp với nhau và ngầm đồng thuận về việc không nở hoa hàng năm, để lũ thú rừng không thể dựa dẫm vào chúng. “Cây sẽ trì hoãn việc ‘yêu đương’ tạo ra thế hệ kế tiếp, vì vậy suốt mùa đông lũ động vật mang thai phải căng mình chịu đựng một thời gian dài với rất ít thức ăn, và nhiều con sẽ không sống sót nổi. Khi tất cả dẻ gai và sồi đồng loạt nở hoa vào cùng thời điểm rồi kết trái, số thú ăn thực vật ít ỏi còn lại sẽ không thể nào phá hủy được mọi thứ…” Chương này đặc biệt cho thấy Wohlleben tài tình như thế nào trong việc chuyển thông tin khoa học sang các phỏng đoán, các tưởng tượng về đời sống kỳ thú của cây.
Wohlleben còn cho rằng mỗi cây rừng có một “tính cách” riêng, theo nghĩa chúng có sự kết hợp độc đáo những kinh nghiệm và đặc điểm riêng biệt. Hầu hết chúng ta đều cho rằng bất cứ điều gì được mã hóa trong gen của một loài thực vật sẽ quyết định toàn bộ đời sống của nó. Wohlleben qua quan sát từng cây riêng lẻ trong nhiều năm đã chứng minh rằng cây rừng có thể ghi nhớ những kinh nghiệm và rút ra những bài học, theo thời gian; những “trải nghiệm sống” này hình thành nên tính cách độc đáo của chúng. Càng ngày càng có nhiều chuyên gia đồng thuận với ý kiến của tác giả: cây cối vốn là sinh vật xã hội, chúng biết chăm lo cho con cái, cho hàng xóm láng giềng; chúng biết ghi nhớ, học hỏi, tính toán, thậm chí có cảm xúc và cảm nhận được đau đớn.
“Một khu rừng khỏe mạnh hơn – bạn thậm chí có thể nói rằng hạnh phúc hơn – có năng suất tăng đáng kể, nghĩa là mang lại nhiều lợi nhuận hơn.” Cuối cùng, ngôi làng Hümmel ở vùng núi Eifel quê nhà của Wohlleben đã thuê ông quản lý rừng theo những nguyên tắc sinh thái mà ông coi trọng. Ông mô tả lại trải nghiệm này trong Đời sống bí ẩn của cây, nhấn mạnh việc giảm thiểu các tác động đến sự phát triển tự nhiên của rừng, thúc đẩy sự đa dạng sinh thái, dùng động vật để loại bỏ cây không cần thiết thay vì dùng máy móc nặng đốn chặt và vận chuyển.
Ông khuyên chúng ta không nên áp dụng trồng rừng độc canh mà nên cố gắng đáp ứng “nhu cầu xã hội” của cây. Như những gì Wohlleben kết luận, nếu hiểu các khả năng vô tận của cỏ cây và học cách cảm biết được đời sống và nhu cầu cảm xúc của chúng thì chúng ta sẽ bắt đầu đối xử với chúng khác đi, không coi rừng thuần túy là nhà máy sản xuất gỗ nữa, mà coi rừng như “lá phổi xanh” của nhân loại, một ốc đảo để con người nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe.
“Nhưng chúng ta không nên quan tâm đến cây chỉ đơn thuần vì nguyên nhân vật chất, chúng ta cũng nên quan tâm đến chúng vì những câu đố và những điều kỳ diệu nho nhỏ mà chúng cho chúng ta thấy. Dưới tán cây xanh, những sự việc kịch tính hàng ngày và những câu chuyện tình yêu cảm động đang diễn ra.”
Đời sống bí ẩn của cây là một cuốn sách vừa lãng mạn, vừa giàu tính khoa học. Rất nhiều người có thể học hỏi từ cuốn sách này, từ những người ham du thám muốn có cảm thức kết nối sâu sắc hơn với thiên nhiên đến những nhà quản lý muốn xây dựng một chính sách ưu việt hay những nhà hoạt động vì môi trường. Cuốn sách thôi thúc chúng ta suy ngẫm lại những gì đã được coi là hiển nhiên, khuyến khích chúng ta dùng tri kiến mỗi lần tiếp xúc với thiên nhiên, dùng sự tử tế để đối đãi với cây cối, xây dựng một mối quan hệ mà trong đó, các bên đều có lợi. “Cho đến lúc ấy, khi lần tới bạn đi dạo trong rừng, hãy để trí tưởng tượng của bạn bay cao.”
Peter Wohlleben viết cuốn sách Đời sống bí ẩn của cây dựa trên những kết luận đáng kinh ngạc của nghiên cứu khoa học gần đây và đề xuất chúng ta thay đổi thế giới quan cố hữu của mình: coi xét và đối xử với cỏ cây như là những sinh vật sống nhưng “chậm chạp” hơn nhiều so với thế giới động vật thay vì là những “cỗ máy” hữu cơ đơn giản.
Wohlleben bắt đầu sự nghiệp của mình với công việc quản lý rừng, nhưng ông thú nhận, lúc đó, ông “biết về đời sống bí ẩn của cây chẳng nhiều hơn bao nhiêu những gì mà một người bán thịt hiểu về đời sống cảm xúc của động vật”, bởi nhiệm vụ của ông là đánh giá xem cây rừng nào đã đủ tiêu chuẩn để thu hoạch.
Một bước ngoặt xảy đến vào khoảng 20 năm về trước: Wohlleben bỏ việc, chuyển sang nhận tổ chức huấn luyện sinh tồn và xây dựng các tour du lịch nhà gỗ trong rừng. Chính những cuộc gặp gỡ với du khách đã thay đổi cách nghĩ của ông về thực vật và thiên nhiên. “Du khách bị hút hồn bởi những thân cây cong vẹo, xương xẩu mà trước đây tôi sẽ loại bỏ vì chúng có giá trị thương mại thấp. Đi cùng với những du khách của mình, tôi biết lưu tâm đến nhiều thứ khác hơn ngoài giá trị của thân cây.”
Những trải nghiệm trực tiếp quý giá đã giúp ông tích lũy những câu chuyện “vụn vặt” hằng ngày của cỏ cây hoa lá mà sau này ông tìm cách kể lại trong cuốn sách Đời sống bí ẩn của cây, được nhiều ý kiến đánh giá là đã tiết lộ những khám phá tuyệt vời về đời sống tưởng chừng tĩnh lặng của rừng.
Những ý kiến trái chiều thường “tấn công” ngôn ngữ sử dụng trong tác phẩm: ông dùng trường từ vựng dành để mô tả đời sống xã hội của con người để biểu đạt những nét vẻ trong thế giới cỏ cây. Nhiều người cho rằng Wohlleben đã quá “cảm tính”, cố tình bỏ qua việc phân ranh rành rẽ giữa thực vật và động vật.
Nhưng độc giả có thể thấy ở phần cuối cuốn sách 76 mục tài liệu tham khảo chỉ dẫn tới các ấn phẩm khoa học uy tín cũng như các báo cáo nổi tiếng gần đây chứng minh rằng, tác giả cuốn sách đơn giản chỉ truyền đạt những phát hiện thực tế của khoa học bằng ngôn ngữ mà độc giả dễ tiếp cận.
Hơn nữa, điều thú vị của cuốn sách không chỉ giới hạn trong những kết quả nghiên cứu khoa học, Wohlleben còn dành nhiều trang mô tả những biến chuyển tâm lý và tinh thần của chính mình sau quãng đời làm việc trong rừng.
Wohlleben chỉ cho người đọc thấy, từ quan điểm sinh thái, chúng ta cần xem cây rừng không phải là những cá thể cô lập mà là các cộng đồng bị ràng buộc trong một tập hợp các mối quan hệ sinh thái phức tạp với các sinh vật cùng loài cũng như khác loài và đặc biệt là với các loại nấm trong lòng đất giúp truyền chất dinh dưỡng cho rễ cây. Đây là những điều mà từ lâu các nhà sinh vật học đã nhắc đến, nhưng được tác giả cuốn sách diễn tả rất sống động và cuốn hút.
Cây rừng, không như phần lớn chúng ta nghĩ, vốn có một đời sống tình cảm và xã hội phong phú, thậm chí chúng dường như có khả năng lập kế hoạch trước để tạo ra một môi trường tối ưu, đảm bảo tuổi thọ của chúng. Cây rừng không chỉ tương tác với nhau một cách tình cờ, mà còn có thể hình thành nên những mối quan hệ tựa như “tình bạn” trong những khoảng rừng sâu, và trong lúc đó, những cá thể “cô đơn” sẽ phải chịu bao khó khăn vì bị tách biệt khỏi cộng đồng.
Vậy tại sao cây rừng là những sinh vật xã hội như vậy? Wohlleben trả lời: “Lý do cũng giống như trong cộng đồng loài người chúng ta: hợp tác sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn”. Trường hợp một nhóm bạch dương nuôi dưỡng một cá thể bị bệnh khiến ông nhớ về chuyện một đàn voi chăm nom con bị ốm: “Cũng giống như đàn voi, chúng coi sóc lẫn nhau, giúp đỡ kẻ ốm yếu cho đến khi nó khỏe lại. Thậm chí, đàn voi còn miễn cưỡng không nỡ bỏ lại con voi chẳng may chết”.
Mùi hương chính là thứ ngôn ngữ bí mật mà cây rừng sử dụng để giao tiếp với nhau. Wohlleben so sánh điều này với cách thức động vật giao tiếp bằng cách sử dụng pheromone hay những tín hiệu hóa học giữa các cá thể cùng loài. Tác giả đưa ra một ví dụ: ở thảo nguyên châu Phi, hươu cao cổ thường ăn lá cây keo gai dù. Khi điều đó xảy ra, trong vài phút cây bắt đầu sản xuất một chất độc biến lá cây thành đắng, khiến hươu cao cổ phải chùn bước. Đồng thời, cây keo gai dù đó còn tạo ra một mùi hương cảnh báo để những cây keo khác xung quanh ngay lập tức nhận ra – và vì thế, chúng có thể chuẩn bị trước cho cuộc tấn công hươu cao cổ.
Vì không thể di chuyển và chạy trốn, cây rừng đã phát triển các hệ thống thay thế để tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa khác nhau. Mạng kết nối được hình thành khi rễ của cây rừng kết nối với nhau qua một hệ thống nấm trong lòng đất “giao tiếp” bằng cách truyền các xung điện. Điều này rất hữu ích, đặc biệt trong trường hợp cần cảnh báo các cây khác về sự xâm nhập của sâu bệnh hoặc hạn hán. Hơn nữa, cây rừng còn có khả năng chia sẻ chất dinh dưỡng qua rễ, đặc biệt khi một cá thể cây không quang hợp đủ hay bị côn trùng tấn công.
Trong một chương về sinh sản có tựa đề Tình yêu, Wohlleben kể rằng, một số cây rừng đã giao tiếp với nhau và ngầm đồng thuận về việc không nở hoa hàng năm, để lũ thú rừng không thể dựa dẫm vào chúng. “Cây sẽ trì hoãn việc ‘yêu đương’ tạo ra thế hệ kế tiếp, vì vậy suốt mùa đông lũ động vật mang thai phải căng mình chịu đựng một thời gian dài với rất ít thức ăn, và nhiều con sẽ không sống sót nổi. Khi tất cả dẻ gai và sồi đồng loạt nở hoa vào cùng thời điểm rồi kết trái, số thú ăn thực vật ít ỏi còn lại sẽ không thể nào phá hủy được mọi thứ…” Chương này đặc biệt cho thấy Wohlleben tài tình như thế nào trong việc chuyển thông tin khoa học sang các phỏng đoán, các tưởng tượng về đời sống kỳ thú của cây.
Wohlleben còn cho rằng mỗi cây rừng có một “tính cách” riêng, theo nghĩa chúng có sự kết hợp độc đáo những kinh nghiệm và đặc điểm riêng biệt. Hầu hết chúng ta đều cho rằng bất cứ điều gì được mã hóa trong gen của một loài thực vật sẽ quyết định toàn bộ đời sống của nó.
Wohlleben qua quan sát từng cây riêng lẻ trong nhiều năm đã chứng minh rằng cây rừng có thể ghi nhớ những kinh nghiệm và rút ra những bài học, theo thời gian; những “trải nghiệm sống” này hình thành nên tính cách độc đáo của chúng. Càng ngày càng có nhiều chuyên gia đồng thuận với ý kiến của tác giả: cây cối vốn là sinh vật xã hội, chúng biết chăm lo cho con cái, cho hàng xóm láng giềng; chúng biết ghi nhớ, học hỏi, tính toán, thậm chí có cảm xúc và cảm nhận được đau đớn.
“Một khu rừng khỏe mạnh hơn – bạn thậm chí có thể nói rằng hạnh phúc hơn – có năng suất tăng đáng kể, nghĩa là mang lại nhiều lợi nhuận hơn.” Cuối cùng, ngôi làng Hümmel ở vùng núi Eifel quê nhà của Wohlleben đã thuê ông quản lý rừng theo những nguyên tắc sinh thái mà ông coi trọng. Ông mô tả lại trải nghiệm này trong Đời sống bí ẩn của cây, nhấn mạnh việc giảm thiểu các tác động đến sự phát triển tự nhiên của rừng, thúc đẩy sự đa dạng sinh thái, dùng động vật để loại bỏ cây không cần thiết thay vì dùng máy móc nặng đốn chặt và vận chuyển.
Ông khuyên chúng ta không nên áp dụng trồng rừng độc canh mà nên cố gắng đáp ứng “nhu cầu xã hội” của cây. Như những gì Wohlleben kết luận, nếu hiểu các khả năng vô tận của cỏ cây và học cách cảm biết được đời sống và nhu cầu cảm xúc của chúng thì chúng ta sẽ bắt đầu đối xử với chúng khác đi, không coi rừng thuần túy là nhà máy sản xuất gỗ nữa, mà coi rừng như “lá phổi xanh” của nhân loại, một ốc đảo để con người nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe.
“Nhưng chúng ta không nên quan tâm đến cây chỉ đơn thuần vì nguyên nhân vật chất, chúng ta cũng nên quan tâm đến chúng vì những câu đố và những điều kỳ diệu nho nhỏ mà chúng cho chúng ta thấy. Dưới tán cây xanh, những sự việc kịch tính hàng ngày và những câu chuyện tình yêu cảm động đang diễn ra.”
Đời sống bí ẩn của cây là một cuốn sách vừa lãng mạn, vừa giàu tính khoa học. Rất nhiều người có thể học hỏi từ cuốn sách này, từ những người ham du thám muốn có cảm thức kết nối sâu sắc hơn với thiên nhiên đến những nhà quản lý muốn xây dựng một chính sách ưu việt hay những nhà hoạt động vì môi trường. Cuốn sách thôi thúc chúng ta suy ngẫm lại những gì đã được coi là hiển nhiên, khuyến khích chúng ta dùng tri kiến mỗi lần tiếp xúc với thiên nhiên, dùng sự tử tế để đối đãi với cây cối, xây dựng một mối quan hệ mà trong đó, các bên đều có lợi.
“Cho đến lúc ấy, khi lần tới bạn đi dạo trong rừng, hãy để trí tưởng tượng của bạn bay cao.”