DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Du Ngoạn Vòng Quanh Châu Á Trên Lưng Ngựa

Tác giả K. A. Vyazemski
Bộ sách
Thể loại Du ký
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 2499
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full K. A. Vyazemski Hồ Bất Khuất Nguyễn Thị Như Nguyện Du Ký Địa Lý Văn Hóa Xã Hội Du Lịch
Nguồn tve-4u.org
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY
Du Ngoạn Vòng Quanh Châu Á Trên Lưng Ngựa ghi lại hành trình chuyến du ngoạn của công tước Konstantin Aleksandrivich Vyazemski đến Việt Nam năm 1892. Qua đó giúp độc giả thấu hiểu hơn về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc cũng như vẻ đẹp hoang sơ và kỳ thú của phong cảnh nước ta.
 

VTB

Nhà tài trợ chính

Cuốn sách này được ấn hành nhờ sự hỗ trợ của Tổ chức Liên bang về Hoạt động của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, của đồng bào sống ở nước ngoài và về hợp tác nhân đạo quốc tế (Hợp tác Nga)

Dịch từ nguyên bản tiếng Nga

Князь К. А. Вяземский

Путешествие вокруг Азии верхом.

Вьетнамские дневники. 1892 год

Москва: Институт востоковедния РАН, 2011

ISBN 978-5-904469-32-0

© Lokid Premium Ltd, bản tiếng Việt, 2014

© Nhà xuất bản Thế Giới, bản tiếng Việt, 2014

***

Lời những người dịch

Chúng tôi đã học chuyên ngành Tiếng Nga và Văn học tại nước Nga từ thế kỷ trước. Thời sinh viên, chúng tôi có biết đến Konstantin Aleksandrovich Vyazemski như một nhà khoa học, nhà văn hóa chứ không phải nhà văn và cũng chưa được đọc tác phẩm nào của ông, tuy nhiên, tên tuổi của ông vẫn được chúng tôi ghi nhớ.

Vào năm 2013, chúng tôi được tặng cuốn sách tiếng Nga của Công tước Konstantin Aleksandrovich Vyazemski, có tựa đề “Du ngoạn vòng quanh châu Á trên lưng ngựa. Nhật ký Việt Nam năm 1892”. Chúng tôi đọc thấy vô cùng thú vị. Được sự gợi ý và động viên của Phó giáo sư - Tiến sĩ Anatoly Alekseeich Sokolov (người sưu tầm, biên soạn và giới thiệu cuốn sách này) và nhà thơ - dịch giả Thúy Toàn, chúng tôi đã dịch cuốn sách này. Đây là một công việc đầy hào hứng vì cả hai chúng tôi đều rất thích nội dung cuốn sách, muốn nhiều bạn đọc Việt Nam cùng thưởng thức món quà tinh thần này để biết thêm về đất nước xinh đẹp của chúng ta trong quá khứ và cũng để mà suy ngẫm về hiện tại.

Công tước Konstantin Aleksandrovich Vyazemski là một nhà quý tộc Nga, ông có khát vọng đi du ngoạn khắp nơi trên thế giới để tận mắt chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên và tìm hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc. Konstantin Aleksandrovich Vyazemski là một người uyên bác trong nhiều lĩnh vực, nhưng không phải là chính khách nên cách nhìn nhận của ông rất khách quan, vì vậy “Nhật ký Việt Nam năm 1892” là một tài liệu lịch sử - văn hóa có giá trị lớn đối với Việt Nam. Những gì ông viết ở đây là do ông quan sát, nhìn thấy và suy nghĩ như vậy. Ở đây có những nhận xét thẳng thắn, tinh tế và sâu sắc. Ông thích thú vẻ đẹp thiên nhiên Việt Nam khi ấy bởi sự hoang sơ và kỳ thú, làng mạc sơ sài mà vẫn có những nét đặc trưng, và ta cũng có thể thấy được cảm tình của ông đối với con người Việt Nam. Văn ông toát lên sự nhẹ nhàng, hồn hậu của một tâm hồn đầy nhân văn và sự thâm thúy, sâu sắc của một người nhiều trải nghiệm, kiến thức phong phú. Khiếu hài hước của ông góp phần không nhỏ khiến người đọc thích thú. Khi dịch, chúng tôi cố gắng chuyển tải điều này, mặc dù tiếng Nga và tiếng Việt có sự khác biệt khá lớn.

Vì cuốn sách do một du khách nước ngoài viết về Việt Nam từ hàng trăm năm trước nên một số từ ngữ, mô tả, nhất là những từ ngữ liên quan đến địa danh, cây cối, hoa trái... rất khó tra cứu chính xác. Dù chúng tôi đã rất cố gắng, nhưng có lẽ vẫn không tránh khỏi những sai sót khi chuyển ngữ. Chúng tôi rất mong bạn đọc gần xa góp ý để những lần xuất bản tiếp theo được tốt hơn.

TS. Hồ Bất Khuất và TS. Nguyễn Thị Như Nguyện

Hà Nội, 21 tháng Sáu năm 2014

***

Lời nói đầu

Những thông tin đầu tiên về Việt Nam tại nước Nga bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỷ XIX, đây là những bài viết trên báo chí định kỳ (cả ở thủ đô và cấp tỉnh), và như thường thấy, chúng là các bản dịch từ báo chí nước ngoài, trước hết là từ báo chí Pháp. Sau đó ra đời những cuốn sách kể về vị trí địa lý Việt Nam, sự phong phú, đa dạng của thiên nhiên, phong tục tập quán và văn hóa dân tộc.

Trong những thập niên cuối của thế kỷ XIX, ngày càng có nhiều người châu Âu đi du lịch các nước khác nhau ở phương Đông. Sở dĩ có được điều này một phần không nhỏ là nhờ vào việc xây dựng đường sắt và mở những tuyến đường thủy, giúp dân cư của lục địa mới và cũ vươn tới những nơi mà trước đây được xem là không tới được. Chắc chắn, những yếu tố chính góp phần vào sự “bùng nổ Phương Đông” bắt nguồn từ lợi ích địa chính trị và sự gia tăng mâu thuẫn giữa các quốc gia đang tích cực khai thác sức hấp dẫn lớn trong kế hoạch phát triển kinh tế ở các thuộc địa phương Đông.

Đông Dương bắt đầu thu hút sự chú ý của Nga vào những năm 80-90 của thế kỷ XIX (khi Pháp đã thực sự củng cố vững chắc vị thế trong khu vực), và điều này liên quan đến nhận thức về triển vọng của mối quan hệ Nga - Trung, về tầm quan trọng vị trí chiến lược - quân sự của Việt Nam và các nước láng giềng trong cuộc đấu tranh đang diễn ra, nhằm phân chia lại thế giới.[1] Vì vậy, các con tàu của quân đội Nga thực hiện khá thường xuyên những chuyến đi trên Thái Bình Dương, đến các cảng biển Việt Nam như Hải Phòng, Sài Gòn, Vịnh Cam Ranh. Kết quả của những chuyến đi đó là những ấn phẩm trong các tạp chí chuyên ngành (“Tạp chí về biển”, “Tạp chí quân sự”, “Khoa học tự nhiên và địa lý”, v.v.), cũng như trên các tờ báo và tạp chí phổ biến (“Ý tưởng Nga”, “Người thương binh Nga”, v.v.). Trong số các tác giả có các nhà văn nổi tiếng (К. M. Stanyukovich, V. V. Krestovski), các nhà khoa học (A. M. Bolshakov, E. Erickson), các Nhà ngoại giao (G. de Vollan), các nhà quân sự chuyên nghiệp và thậm chí cả người kế vị ngai vàng, nhà vua tương lai của nước Nga Nikolai II. Đây là những tác phẩm văn học và chính luận có giá trị của những người Nga đầu tiên đến Việt Nam. Họ mang lại cho chúng ta không chỉ thông tin liên quan đến lĩnh vực nghề nghiệp của mình, mà cả những ấn tượng trực tiếp về một đất nước xa xôi, lạ lẫm đối với chúng ta.[2]

***

Trong số những người đầu tiên khám phá Đông Dương, nhiều người bị cái kỳ thú, mới lạ thu hút, còn số khác thì do cố gắng làm giàu khi đã mất hi vọng làm được điều đó ngay tại quê nhà. Nhưng cũng có những người muốn thử thách chính mình trong điều kiện thời tiết và địa hình khốc liệt, và rất khó nói trong ý định của họ thì sự lãng mạn hay tính mạo hiểm - cái gì nhiều hơn. Trong số những “người chinh phục” Đông Dương ấy, có người đồng hương của chúng ta - Công tước Konstantin Alexandrovich Vyazemski (1852-1904), người có số phận rất thú vị, đồng thời rất đáng học hỏi. Tính cách của ông đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học nước nhà, nhưng đáng tiếc là cho đến nay vẫn chưa xuất hiện một công trình riêng biệt, nghiêm túc mà, không còn nghi ngờ gì nữa, nhà du ngoạn Nga này xứng đáng được hưởng.[3]

Konstantin Aleksandrovich Vyazemski sinh ra trong một dòng họ được phong tước hiệu Công tước từ lâu đời, thuộc nhánh liên quan đến tỉnh Tula và tỉnh Vladimir. Ông sinh ra ở Moskva vào năm 1852, trong một gia đình quý tộc tương đối giàu có, được giáo dục tốt và có lòng tự trọng cao. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp trường thiếu sinh quân, Vyazemski không theo đuổi sự nghiệp quân sự. Ông bị cuốn hút bởi những vấn đề đạo đức - triết học; ông quan tâm đến cách sống, phong tục, tôn giáo của các quốc gia và các dân tộc. Bởi thế, ngay từ khi còn trẻ, ông đã thích đi du lịch, hơn nữa, theo một cách khá đặc biệt - trên lưng ngựa. Ông đặt ra nhiệm vụ “nghiên cứu trái đất ở nhiều nơi khác nhau với tất cả các đặc tính”, và “nhận biết cuộc sống thực thụ của các dân tộc không bị tha hóa bởi nền văn minh phù sa”.[4]

Công tước Vyazemski giải thích niềm đam mê du lịch trên lưng ngựa như sau: “...Nếu bạn muốn vào sâu lục địa một đất nước, nơi có thể nhìn thấy một cái gì đó độc đáo và đặc biệt, thì làm gì có phương thức di chuyển nào khác, bởi ngoài đường núi thì không còn con đường nào cả”.[5] Trong vòng mười lăm năm, ông đã có mặt tại các hang cùng ngõ hẻm của nước Nga, Tây Âu, châu Phi và châu Á, vượt qua nhiều ngàn cây số.

Công tước ghi nhật ký thường xuyên, chỉ mới có một phần rất ít được in ở Pháp (báo “Le Figaro”), và ở báo chí nước nhà (tạp chí “Bình luận Nga”). Ngoài ra, ông trở nên nổi tiếng khắp châu Âu với những phát biểu công khai trong Hội địa lý ở Paris.

Trong những năm 1881-1882, ông đi khắp Marốc và là người Nga đầu tiên đến thăm đất nước này. Trong chuyến đi gần mười tháng, kéo dài từ tháng Chín năm 1883 đến tháng Sáu năm 1884, Konstantin Aleksandrovich Vyazemski đã du ngoạn đến vùng Tiểu Á, Syria, Palestin, sa mạc Sinai, Ai Cập, Sudan, Lưỡng Hà, Kurdistan, Armenia và vùng Kavkaz.

Sau chuyến đi thực sự thành công của ông đến châu Phi, Công tước Vyazemski quyết định thực hiện một dự án mới, còn lớn hơn nhiều; ông đã viết như sau: “Cuộc hành trình này (lớn hơn tất cả những cuộc mà tôi đã thực hiện), tôi đặt ra mục tiêu đến tất cả các nơi của châu Á và làm một vòng tròn trọn vẹn quanh lục địa này rồi trở về, nếu Chúa cho phép”.[6] Rõ ràng, không tin vào khả năng thành công của kế hoạch hoành tráng như vậy, Hội địa lý Nga đã từ chối giúp đỡ vật chất và bảo trợ cho công tước, do đó, tất cả chi phí, ông phải tự lo liệu. Trong chuyến đi vòng quanh châu Á, bắt đầu từ tháng Bảy năm 1891 và hoàn thành vào tháng Mười một năm 1893, ông vượt qua hơn 40 ngàn cây số, đi xuyên qua Sibir đến hồ Baikal, sau đó xuyên qua Mông Cổ, trên lưng ngựa, tới Bắc Kinh. Hơn nữa, ngoài Trung Quốc ra, ông đã đến Việt Nam (hồi đó là Đông Dương, thuộc địa của Pháp), Miến Điện, Lào, Xiêm, Campuchia, Ấn Độ, Tây Tạng. Ở Campuchia, ông di chuyển bằng chiếc xe trâu kéo; ở Ấn Độ, trên lưng voi; còn ở Himalaya, bằng bò rừng Tây Tạng. Công tước bị bọn cuồng tín bản địa gây thương tích, hai lần bị cướp, bị tấn công, bị đạn bắn trúng vai, bị lưỡi lê đâm vào chân, bị bọn cướp nhốt hai tuần và trở về quê hương với bệnh dịch sốt.[7]

Trong suốt các tháng dài của cuộc hành trình, Vyazemski ghi nhật ký, được đặt tên là “Du ngoạn vòng quanh châu Á trên lưng ngựa”, bao gồm gần bốn chục cuốn vở chi chít chữ viết tay rất nhỏ.

Trong những năm 1894-1895, một số đoạn trích từ nhật ký của ông đã được công bố trên tạp chí “Bình luận Nga”, kể về Sibir và Trung Quốc - giai đoạn đầu của cuộc hành trình. Tất cả những phần còn lại chưa hề được in.[8]

Trong ghi chép của mình, Vyazemski mô tả chi tiết ấn tượng trên đường đi về các đất nước và các dân tộc mà ông nhìn thấy, luân thường, đạo lý, phong tục, tôn giáo của họ. Tuy nhiên, thiên nhiên rực rỡ và kỳ thú của những đất nước xa lạ, những di tích lịch sử, các cuộc gặp gỡ với những người khác nhau vẫn không giải thoát ông khỏi sự bất bình nội tâm: “Nếu hoạt động của tôi chỉ hạn chế bằng cuộc du ngoạn này, thì tôi sẽ phải buồn bã công nhận rằng, tôi đã sống cuộc đời của kẻ vô dụng”.[9] Lời thú nhận này, trong một chừng mực nhất định, đã phản ánh sự khủng hoảng tinh thần mà công tước phải trải qua trong cuối những năm 1880 - đầu những năm 1890. Đó chính là khi ông bắt đầu cảm thấy sự cần thiết phải “hoàn thiện đạo đức”, gắn liền với sự tìm tòi tôn giáo và mỹ học của ông. Trong giai đoạn này của cuộc đời, Konstantin Aleksandrovich Vyazemski chịu ảnh hưởng của quan điểm triết học của Lev Nikolaevich Tolstoi và hoạt động truyền bá của giám mục Macary. Với Tolstoi, công tước kết nối bằng sự quen biết thân thiện và trao đổi thư từ bạn bè, ông đã hai lần tới Yasnaya Polyana. Cuộc gặp đầu tiên với nhà văn diễn ra vào ngày 11 tháng Bảy năm 1890, cuộc gặp thứ hai sau đó một năm, vào ngày 27 tháng Sáu năm 1891.[10] Chủ đề chính của việc trao đổi thư từ giữa Vyazemski và Tolstoi là thảo luận về các vấn đề tôn giáo và đạo đức[11]; thư từ bị gián đoạn do Tolstoi bị lâm bệnh, phải đến Crưm để điều trị.

Trong chuyến đi dài đầu tiên của mình, Konstantin Aleksandrovich Vyazemski làm quen với giám mục Macary, trụ trì tu viện Thánh Panteleimon trên núi Aphon.[12] Và chẳng bao lâu sau đó, Macary trở thành người cha tinh thần của công tước. Thư từ và giao tiếp với giám mục Macary đã ảnh hưởng đến thế giới quan của Konstantin Aleksandrovich Vyazemski và sau đó ấn định số phận cá nhân của ông. Năm 1895, ông xuống tóc và nhận tên thánh là Kiprian tại tu viện Thánh Panteleimon, và vào năm 1900, trở thành tu sĩ Ksenofont.[13] Lev Nikolaevich Tolstoi tán thành việc công tước rời bỏ đời sống trần tục và gửi cho ông một lá thư; về việc này Vyazemski có viết cho em gái mình vào ngày 8 tháng Tư năm 1901.[14]

Từ năm 1895 đến khi qua đời, Konstantin Aleksandrovich Vyazemski sống trong tu viện Thánh Panteleimon. Thư từ trao đổi của Vyazemski với N. M. Sologub[15] cho biết ông là thủ thư của tu viện. Làm việc trong một kho lưu trữ các bản thảo vô giá, chỉ có thể là người có học vấn cao. Trong những năm này, Vyazemski xử lý kết quả chuyến thám hiểm của mình và đăng bài trên các tạp chí khoa học Pháp.

Chiến dịch tuyệt giao với Lev Nikolaevich Tolstoi và nhà thờ tác động nghiêm trọng đến Konstantin Aleksandrovich Vyazemski. Vào đầu những năm 1900, ông lâm bệnh và tạ thế ngày 4 tháng Bảy năm 1904, sau một cơn đau tim.

* * *

Thành quả chính của những chuyến du ngoạn dài ngày của Công tước Vyazemski là hai tập nhật ký: “Hành trình đến Marốc” (1881-1882, lưu trữ của Hội địa lý Nga, Peterburg) và “Du ngoạn vòng quanh châu Á trên lưng ngựa” (1891-1893, Phòng bản thảo của Thư viện Quốc gia Nga, Moskva). Ngoài ra, các tập nhật ký khác và các công trình khoa học của ông, thư từ trao đổi với Lev Nikolaevich Tolstoi - được lưu giữ ở các kho lưu trữ khác nhau của Nga - rõ ràng cũng rất thú vị.

Mục đích của ấn phẩm này là kể về chuyến đi của Công tước Vyazemski đến Việt Nam, tại thời điểm đó bao gồm Bắc Bộ, An Nam và Nam Kỳ, tương ứng với miền Bắc, miền Trung và miền Nam đất nước, và là một phần của cái gọi là Đông Dương thuộc Pháp. Như đã nói ở trên, phần này của cuộc hành trình vòng quanh châu Á của ông được phản ánh trong văn đàn rất ít và rời rạc.

Trước cuộc hành trình dài, Konstantin Aleksandrovich Vyazemski đã gửi một bức thư cho P. V. Bykov - nhà văn, nhà thư tịch học và nhà xuất bản người Moskva:

“Tôi thực hiện cuộc hành trình chưa từng có từ trước đến nay, mà tôi nghĩ, sẽ khiến giới trí thức quan tâm. Tôi dự định đi vòng quanh toàn bộ châu Á trên lưng ngựa. Cuộc hành trình sẽ kéo dài từ một đến hai năm. Tôi sẽ đi vào đầu tháng Bảy. Thông tin khoa học tôi thu được trong cuộc hành trình sẽ được gửi tới Hội địa lý. Tôi xin gửi cho ngài những mô tả chuyến đi từ những nơi tôi đi qua. Tôi sẽ mang theo máy ảnh, vì vậy tôi có thể gửi cho ngài hình ảnh <...> các loài thú vị và nói chung, những cảnh sinh hoạt dân gian của những đất nước mà tôi đi qua”.[16]

Ngày 6 tháng Bảy năm 1891, Konstantin Aleksandrovich Vyazemski cùng với đầu bếp, phiên dịch và người hầu[17] đi tàu hỏa đến Nizhni Novgorod, từ đây đi tàu thủy theo dòng Volga và dòng Kama đến Perm. Sau đó đi bằng xe bưu điện qua Tomsk, Irkutsk, và cuối cùng đã đến Kyakhta. Tại đây, ông được bố trí mấy người Côdắc hộ tống, một trong số đó có kinh nghiệm hành trình thám hiểm đường dài là Nikolai Mikhailovich Przhevalski.[18]Tiếp theo, đường đi của ông xuyên qua sa mạc Gobi.

Bỏ qua miền trung Trung Quốc, vào sáng ngày 14 tháng Ba năm 1892, Công tước Vyazemski và những người đồng hành đến thị trấn biên giới Lạng Sơn.[19] Cuộc hành trình dọc Việt Nam, có đi đến Campuchia và Xiêm, kết thúc tại Sài Gòn, vào tháng Bảy năm đó.

Ở khắp mọi nơi người ta đón tiếp vị khách du lịch người Nga rất trọng thị, đôi khi rất vồ vập. Có lẽ, lý do của thái độ này có liên quan đến sự việc đã xảy ra trước đó: 1891, chuyến thăm Sài Gòn của Thái tử Nikolai năm 1891 và quan hệ hữu nghị Pháp Nga. Ngoài ra, tên của Công tước Vyazemski cũng đã khá nổi tiếng ở châu Âu. Nhưng căn cứ vào những gì được ghi trong nhật ký, điều này nếu không gây khó chịu thì ở mức độ nào đó cũng cản trở việc du lịch tự do, ông không muốn được đối xử như một chính khách. Dẫu vậy, “yếu tố đồng minh” đã giúp ông rất nhiều ở Việt Nam.

Lưu ý một sự việc thú vị: Ngay trước khi bắt đầu cuộc hành trình đến Việt Nam, Công tước Vyazemski biết được rằng, trong đội quân Lê dương của quân đội Pháp có cả những người Nga bỏ trốn khỏi đất nước.[20]

Vyazemski ghi nhật ký hàng ngày. Những ghi chép liên quan đến nhiều thứ khác nhau: tập quán dân tộc, lối sống hàng ngày của người Việt Nam (ông gọi họ là người An Nam) và người Pháp, trang phục, hệ thực vật, động vật, cơ cấu tổ chức hành chính, v.v. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, ông cho rằng khoảng cách giữa Thanh Hóa và Vinh là khoảng 150 versta[i1], không phải 185 như ghi trong bản đồ của Bộ Tổng tham mưu Pháp.

Các ghi chú của Vyazemski có điều đặc biệt thế này: do có nhiều kinh nghiệm trong du ngoạn, ông luôn luôn so sánh các hiện tượng, sự kiện, đồ vật ở các nước khác nhau. Đúng là cũng có những nhận định gây tranh cãi, chẳng hạn như về pháo bông - đây là một “sáng chế của địa phương (sáng chế của người An Nam), chúng được sử dụng ở tất cả các trường hợp trang trọng, đặc biệt là trong các sự kiện có tính nghi lễ. Từ đây pháo bông được đưa đến Trung Quốc, và người châu Âu lại vay mượn từ người Trung Quốc”.[21]

Những cuộc gặp gỡ với đại diện của các tầng lớp quý tộc địa phương, dù là với thống đốc người Việt Nam (quan đốc) hay là với chính Hoàng đế An Nam, cũng đều rất thú vị. Ông tập trung vào vẻ bề ngoài của người đối thoại: quần áo, thái độ trong lúc trò chuyện, v.v. Khá lạ kỳ là người Việt Nam, thậm chí cả những người giữ chức vụ cao cấp, hầu như không biết gì về nước Nga. Chẳng hạn, trong một cuộc trò chuyện, quan đốc thấy Công tước Vyazemski và công sứ người Pháp (quan chức) nói chuyện với nhau thoải mái; ông rất ngạc nhiên về sự phổ biến rộng rãi tiếng Pháp ở Nga. Về nước Nga, viên quan Việt Nam này biết rất mù mờ và chỉ nghe nói đây là đất nước lạnh nhất trong tất cả các quốc gia. Khi biết Nga không phụ thuộc vào Trung Quốc, Pháp và cả Anh, vị quan chức người Việt này “thấy điều này thật lạ lùng và hỏi: tại sao người ta lại không chiếm lấy nó?”[22] Công sứ người Pháp giải thích cho ông ta rằng, “vào thời điểm này không có khả năng để làm việc đó, rằng nước Nga rộng lớn và mạnh mẽ, rất khó đánh nhau với nước Nga”.[23]

Có một bằng chứng cụ thể về tính cách của Công tước Vyazemski, về ý thích mạo hiểm, muốn thử thách của ông. Khi ông quyết định đi xuyên qua những khu rừng nguyên sinh để vào sâu nội địa, viên công sứ người Pháp đã can ngăn, khuyên từ bỏ cách đi này và dọa bằng những mối nguy hiểm. Vyazemski trả lời: “...chính những điều nguy hiểm cuốn hút tôi, tôi không xem mạng sống của mình là cái gì cả”[24] Cần phải thừa nhận rằng, những ghi chép liên quan đến việc đi xuyên rừng này có những cảm xúc đặc biệt trong cách miêu tả (vẻ đẹp của hệ thực vật xích đạo dường như không thể mô tả bằng lời), chúng chứa đựng vô số những chi tiết thú vị. Những dòng chữ tuyệt vời được ông dành cho voi, cho chim, cho bướm và các “cư dân” khác của rừng nhiệt đới. Ông viết về những cuộc gặp gỡ trong các làng Công giáo với các vị linh mục nói tiếng Latinh vô cùng cảm động, chân tình.

Một trong những cảnh đáng nhớ nhất trên đường được thể hiện trong nhật ký là việc đến Cố đô Huế. Thực chất, đây là một bài bút ký riêng về thành phố phương Đông được miêu tả từ các khía cạnh khác nhau: hành chính, văn hóa, chính trị, lịch sử. Hơn nữa, Vyazemski thường xuyên so sánh với những gì tương tự ông từng thấy ở Trung Quốc. Vùng ngoại ô Huế đặc biệt làm ông thích thú; ở đây, giữa những cánh rừng mỹ miều là lăng tẩm của các vị Hoàng đế An Nam. Ông mô tả chi tiết các cụm công trình kiến trúc, chỉ ra rằng “các ngôi mộ... trong đống đổ nát và được bảo quản tồi, sân phủ đầy rác”.[25]

Ở đây, Vyazemski gặp vua An Nam (thời Pháp thuộc được gọi là Trung Kỳ) Thành Thái, người đã mời vị khách du lịch Nga đến cung điện của mình. Đây là một đoạn trích từ nhật ký của ông: “Hoàng đế An Nam là một cậu bé 15 tuổi... sống gần như là tù nhân trong cung điện của mình. Danh tính của ông không được xác định rõ, ông được gọi là vua, là hoàng đế; trong các văn bản chính thức ông được gọi là quốc vương vĩ đại của phương Nam, là người trị vì chính, là người được Trời lựa chọn.[26] Ông tiếp nhận ngai vàng thay người anh trai “bị lưu đày đến An-giê-ri vì bất tuân lệnh”.[27]

Vyazemski mô tả mọi chi tiết trong cung điện Thành Thái, những người thân của nhà vua, các loại nhạc cung đình, các vở tuồng được diễn (“người hóa trang thành những con thú, nhảy, lăn trên cỏ”). Để kỷ niệm cuộc gặp gỡ này, Hoàng đế Thành Thái tặng quà cho vị khách du lịch Nga, trong đó có hai huân chương (dân sự và quân sự) Với các quyết định kèm theo, một hộp với mười huy chương hạng thấp hơn, hai cái quạt lông công lớn có cán bằng ngà voi và một chiếc lọng sang trọng.

Sau này, khi còn chưa khỏi hẳn bệnh, trong một bức thư gửi cho N. M. Sologub, công tước miêu tả giai đoạn này trong cuộc hành trình của mình:

“Có Trời biết, tôi có trở lại nước Nga được hay không, có được nhìn thấy tất cả các bạn hay không, sức khỏe của tôi đang lung lay, sức lực suy yếu, tôi vẫn chưa khỏi hẳn bệnh thương hàn, nó suýt mang tôi xuống mồ, và bây giờ tôi đang ở thủ đô An Nam để nghỉ ngơi, nhưng vài ngày tới tôi sẽ vượt qua những ngọn núi chưa có dấu chân người để đến Vương quốc Xiêm; chính quyền Pháp cấp cho tôi một đoàn hộ tống, còn chính phủ An Nam đã tìm cho tôi những người dẫn đường từ các bộ lạc hoang dã sống ở giữa An Nam và Xiêm. Phải đi qua khu rừng nguyên sinh nhiệt đới đến sông Mekong, nơi vẫn chưa có bất kỳ dấu chân người châu Âu nào. Chỉ cần bệnh thương hàn tha cho tôi, còn lại tôi không sợ gì cả. Tất cả chúng tôi sẽ được vũ trang đầy đủ, còn nếu có bị lạc trong rừng, có la bàn, chúng tôi sẽ thoát ra ở chỗ nào đó.

Hoàng đế An Nam tặng tôi huân chương vì đã đi ngựa tới đất nước của ông, vượt qua đất nước vốn không thể đi qua được là Trung Quốc (họ cho là như vậy). Tất cả mọi người ở đây đều ngạc nhiên về chuyến đi của tôi và rất khó khăn để tin rằng, tôi có thể đến đây từ Sibir, gần như không nghỉ ngơi ở đâu cả”.[28]

Điểm dân cư tiếp theo Vyazemski đến là cảng biển Turan (Đà Nẵng hiện nay) - “nơi đầu tiên quân Pháp tiến vào Đông Dương”, ông đã chú ý đến tầm quan trọng kinh tế của cảng này, nơi xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác (quế, gỗ mun, thảo quả, v.v.), ghi nhận số lượng lớn người châu Âu và quá trình Âu hóa đủ mạnh trong thành phố (“thậm chí vợ các quan chức An Nam còn tán gẫu bằng tiếng Pháp và mặc váy liền áo kiểu châu Âu”).

Tiếp theo là thành phố Tây Ninh, vùng ngoại ô có ngọn núi làm công tước đặc biệt quan tâm: từ đỉnh núi đá có thể ngắm nhìn “toàn cảnh tuyệt đẹp của đất nước”.[29] Tại ngôi đền ở đó, Vyazemski đã tham dự các nghi lễ tôn giáo, vốn được ông tái hiện cụ thể trong nhật ký và gọi là “lễ hiến sinh hoặc cúng thần linh”.[30]

Vào tháng Sáu, Vyazemski đến Sài Gòn - “điểm cuối cùng trong chuyến du lịch vòng quanh châu Á”. Trên thực tế, toàn bộ cuốn vở 29 của nhật ký được dành để mô tả chi tiết Sài Gòn và khu phố Tàu là Chợ Lớn. Để tôn vinh công tước Nga, chính quyền Pháp sở tại đã tổ chức buổi tiệc chiêu đãi và chúc mừng chuyến thám hiểm xuyên châu Á kết thúc thành công, đặc biệt, các nhà quân sự và nhà báo bày tỏ sự thán phục hơn ai hết.

Có lẽ từ những thông tin được cung cấp trong phần này của cuốn nhật ký, đối với bạn đọc, và đặc biệt là đối với các nhà nghiên cứu tự nhiên, những thông tin về thảo cầm viên - “nổi tiếng khắp phương Đông và là niềm vui lớn lao cho công chúng” - sẽ vô cùng lý thú và bổ ích. Vyazemski đã miêu tả các loài thực vật khác nhau (cây dương xỉ, cây thông xích đạo và nhiều loài cây khác), nhiều loài thú, loài chim trong những cánh rừng của vùng này (hổ, vẹt xanh, chim bồ câu màu xanh, rắn chuối, v.v.).

Trong ngày cuối cùng của ông trên đất Việt Nam, ông đã đến thăm Chợ Lớn, khu phố mà ông mô tả rất chính xác và súc tích: “Ở đây có sự pha trộn đầy đủ giữa các yếu tố châu Âu và châu Á; mọi người ở đây say mê buôn bán, và cũng thấy có xưởng sản xuất, nhà máy; dưới sông tấp nập tàu thuyền chở đầy gạo, có nhiều máy xay xát gạo”.[31]

Ông bị chấn động khi thấy ở đây thuốc phiện được sản xuất công khai như một ngành công nghiệp: “Ngoài sự vô đạo đức hoàn toàn, tôi còn kinh ngạc về sự thiển cận của các quan chức chính phủ. Họ thừa biết thuốc phiện làm suy yếu con người, làm cho họ trở nên lười biếng, mê muội, không thể làm việc, trước khi giết chết họ. Các quan chức cũng hiểu rõ rằng, các thuộc địa chỉ phát triển được nhờ sức lao động của dân bản địa, và họ nhận thức được rằng, lao động đang thiếu, và đất Nam Kỳ chưa cần vì thế thì cũng đã chưa phát huy hết tiềm năng. Thế mà họ lại còn phổ biến thuốc phiện”.[32]

Sau Sài Gòn, ông tiếp tục hành trình của mình ở Campuchia, Xiêm, Miến Điện; ông ở Calcutta và Ấn Độ trong ba tháng, từ tháng Hai đến tháng Năm 1893. Sau đó, ông vượt dãy Himalaya, Tây Tạng, Pamir, Bukhara, Ba Tư, vùng Kavkaz và trở về nhà vào cuối năm 1893.

Năm 1895, Konstantin Aleksandrovich Vyazemski đến sống tại tu viện Thánh Panteleimon ở núi Aphon, nơi ông sống trọn những năm cuối cuộc đời.

Tên tuổi của Công tước Konstantin Aleksandrovich Vyazemski bị lãng quên một cách bất công mặc dù chuyến du lịch vòng quanh châu Á do ông tổ chức và thực hiện là có một không hai, có lẽ chẳng ai sánh được với ông trong lịch sử địa lý. Đó là “... một đóng góp quan trọng vào lịch sử của khoa học bởi ông đã sử dụng phương pháp so sánh, đặc tả chính xác đặc điểm của dân cư, điều kiện địa lý và hoàn cảnh lịch sử của thời đại mình”.[33]

Nhật ký của ông thú vị bởi tính khoa học và văn chương. Ở trong đó chứa đựng rất nhiều sự so sánh những đặc điểm tự nhiên, văn hóa của nhiều nước châu Á, phong tục, tập quán, đạo đức của các dân tộc khác nhau, mối quan hệ qua lại giữa người dân bản địa và thực dân. Nhiều chuyên gia, đặc biệt là các nhà địa lý nhà thực vật học, động vật học, sử học, dân tộc học, và những người yêu thích du lịch sẽ tìm thấy trong ghi chép trên đường của Công tước Vyazemski nhiều điều bổ ích cho mình.

***

Văn bản nhật ký (chín cuốn vở “Việt Nam”) được giữ nguyên vẹn tối đa như khi chúng được Konstantin Aleksandrovich Vyazemski viết ra, kể cả các địa danh, tên, thuật ngữ, v.v. Trong phần chú giải chúng tôi có đưa ra những giải thích cần thiết. Do nhật ký được viết hơn một trăm năm trước, nên trong một số trường hợp, chúng tôi không thể tìm được lời giải thích đầy đủ.

Tiến sĩ Anatoly Sokolov,

Viện nghiên cứu Phương Đông,

Viện hàn lâm khoa học Nga

 
Mời các bạn đón đọc Du Ngoạn Vòng Quanh Châu Á Trên Lưng Ngựa của tác giả K. A. Vyazemski & Hồ Bất Khuất (dịch) & Nguyễn Thị Như Nguyện (dịch).

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000