DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Đức Phật và nàng: Hoa sen xanh

Tác giả Chương Xuân Di
Bộ sách
Thể loại Ngôn tình
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook prc epub mp3
Lượt xem 12615
Từ khóa eBook prc epub mp3 Sách Nói Audio full Chương Xuân Di Ngôn tình Văn học phương Đông
Nguồn Hội chăm chỉ làm eBook free
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY
Tên gốc: Tên gốc: Không phụ Như Lai không phụ khanh
Tác giả: Tiểu Xuân (Tên thật Chương Xuân Di)
Tên khác: Phụ Như Lai Bất Phụ Khanh
Tác giả: Tiểu Xuân (Tên thật Chương Xuân Di)
Đức Phật Và Nàng - Hoa Sen Xanh - Cuốn sách ngồn ngộn những tri thức quý báu và hiếm có về lịch sử triều đại nhà Nguyên, Mông Cổ, về lịch sử phật giáo Tây Tạng và những biến động to lớn của thời cuộc.

Tiểu thuyết này không dành tặng những ai muốn nhanh chóng tìm kiếm một chuyện tình bay bổng, lãng mạn. Chúng ta buộc phải nhẩn nha thưởng thức chầm chậm những dòng tri thức văn hóa, lịch sử, tôn giáo rất dày, rất sâu chảy cuồn cuộn trong cuốn sách, buộc phải có một cái nhìn thật sự nghiêm túc về tình thân, tình yêu, tình người trong sự hỗn mang của thời cuộc, để từ đó thêm thấu hiểu, thêm yêu thương và trân trọng những gì ta có.
***

Hơn bảy trăm năm rồi, Bát Tư Ba, vật đổi sao dời, bãi bể nương dâu, còi xe lửa nay đã hú vang trên núi Côn Luân nhưng đôi mắt chàng, chỉ có đôi mắt chàng vẫn vẹn nguyên nét thuần khiết như khoảnh khắc đầu tiên ta gặp nhau, năm chàng mười hai tuổi.

 

Những câu văn đầy ám ảnh trong chương đầu của Đức phật và nàng: Hoa sen xanh đã mang đến cho tôi những dự cảm đầy day dứt về một kết thúc không trọn vẹn cho các nhân vật trong truyện. Cũng phải thôi, ngay từ đọc tên truyện “Đức phật và nàng: Hoa sen xanh” (tên gốc là Bất phụ như lai bất phụ khanh: Lam liên hoa), tôi đã thấy cần chuẩn bị trước tâm lý cho mình. Lựa chọn giữa lý tưởng và tình cảm, từ muôn đời nay có bao giờ là dễ dàng, huống chi là với nhân vật có xuất thân đặc thù như Bát Tư Ba. Hoa sen xanh là một cuốn truyện mà tôi tự bắt mình phải đọc với tất cả sự thành kính và trân trọng với các nhân vật, với những biến cố lịch sử có thật của vùng đất Tây Tạng nói riêng và Trung Quốc nói chung. Đừng quá để ý đến các yếu tố ngôn tình trong truyện, có lẽ các bạn sẽ cảm nhận được nhiều điều có ý nghĩa hơn.

Đức phật và nàng: Hoa sen xanh là tập truyện thứ 2 trong seri 3 cuốn sách viết về đề tài Phật giáo của tác giả Chương Xuân Di, kể lần lượt về cuộc đời của 3 vị đại sư có tầm ảnh hưởng lớn lao đến tiến trình phát triển của Phật giáo nói chung, đó là Khưu Ma La Thập, Bát Tư Ba và Thương Ương Gia Thố. Và câu chuyện mà tôi muốn kể bây giờ là về nhân vật Bát Tư Ba. Cỏ rất nhiều người sẽ e dè với cuốn sách này bởi đề tài Phật giáo với những cố kị liên quan đến tình yêu, và suy nghĩ rằng viết một câu chuyện hư cấu về tình cảm của một vị sư là báng bổ. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng những điều mà chúng ta biết chỉ là một phần rất nhỏ của Phật giáo, và không phải giáo phái nào của Phật giáo cũng cố kị điều này. Trong cuốn sách Hoa sen xanh, Bát Tư Ba thuộc giáo phái Sakya, giáo phái xuất phát từ gia tộc Khon hùng mạnh vùng Sakya do cụ nội của Bát Tư Ba sáng lập. Từ đời bố Bát Tư Ba, trách nhiệm đã được phân chia thành người con cả sẽ xuất gia để trở thành người lãnh đạo giáo phái, còn người con út sẽ lấy vợ để duy trì huyết thống. Sở dĩ tôi muốn giải thích kĩ điều này để các bạn không cảm thấy khúc mắc và có cái nhìn sai lệch về nhân vật Bát Tư Ba, nhà sư có tầm nhìn của một chính trị gia với tham vọng mở rộng giáo phái Sakya song song với sự lớn mạnh của gia tộc Khon chứ không phải là chỉ là một nhà sư tu tâm thanh tịnh không màng đến phàm trần như chúng ta vẫn nghĩ bấy lâu nay; và cũng để các bạn có cái nhìn bao dung hơn cho yếu tố hư cấu về tình cảm giữa Bát Tư Ba và Tiểu Lam trong truyện, qua đó phần nào hiểu được một con người Bát Tư Ba hết sức đời thường, tình nghĩa bên cạnh vai trò vĩ đại của ông trong lịch sử.

Tôi rất ngưỡng mộ tác giả Chương Xuân Di vì sự trân trọng của chị với những giá trị lịch sử, văn hóa, tôn giáo và ý thức muốn truyền tải những tư liệu quý giá ấy đến với bạn đọc thông qua lớp vỏ ngôn tình. Chị đã dành hết 3 năm tìm tòi, nghiên cứu để có thể phác họa nên câu chuyện về cuộc đời ông một cách chân thực mà cũng gần gũi đến vậy. Ngoại trừ yếu tố hư cấu về sự xuất hiện của nhân vật hồ ly Tiểu Lam thì có thể nói rằng Hoa sen xanh là một cuốn sách lịch sử thú vị cho những bạn nào có hứng thú với vùng đất Tây Tạng bí ẩn.

Con hồ ly nhỏ bị mắc bẫy của gã thợ săn, tình cờ được cậu bé Bát Tư Ba cứu về, mở ra câu chuyện đầy day dứt và dai dẳng. Con hồ ly ấy được đặt tên là Lam Kha Mai Đóa, vẫn thường được gọi âu yếm là Tiểu Lam, đã gắn bó với cuộc đời của hai anh em Bát Tư Ba và Kháp Na, đồng thời chứng kiến toàn bộ những biến động của thời cuộc trong hơn bảy trăm năm qua. Thời thơ ấu trong sáng, đẹp đẽ của hai anh em Bát Tư Ba và Kháp Na có Tiểu Lam ở bên có lẽ sẽ mãi là khoảng kí ức bình yên ấm áp nhất trong lòng mỗi nhân vật cũng như người đọc. Khoảng thời gian đầu họ làm bạn với nhau, chăm sóc nhau, chưa có thứ tình cảm lạ lẫm khiến tim đập loạn nhịp xuất hiện, những toan tính chính trị hay âm mưu quyền lực chưa thực sự rõ nét khiến những đứa trẻ bị buộc phải lớn sớm hơn và gánh vác trách nhiệm. Đôi mắt Bát Tư Ba vẫn luôn thuần khiết, nụ cười  Kháp Na vẫn còn hồn nhiên, vì những điều ấy mà bước chân ba trăm năm mỏi mệt của Tiểu Lam cuối cùng đã tìm thấy điểm dừng. Nhưng thời gian vốn vô tình, chẳng thể kéo dài mãi những khoảnh khắc thơ ấu. Bát Tư Ba được nhận định sẽ trở thành người kế thừa của người bác Ban Trí Đạt vĩ đại, còn Kháp Na gánh vác trọng tránh kéo dài huyết thống khi mới chỉ là một đứa trẻ chín tuổi. Tôi đã khóc rất nhiều ngày cậu bé Kháp Na phải lấy vợ, kể từ đó nụ cười ấy luôn nhuốm nét tang thương và u buồn. Những ngày hạnh phúc bên cạnh anh trai và Tiểu Lam đã thay bằng nỗi sợ hãi nơm nớp với những trận đòn của cô vợ mười bảy tuổi, vậy mà cậu bé ấy vẫn phải cắn răng chịu đựng vì cậu biết đó là sứ mệnh của mình từ khi sinh ra. Kì vọng của người bác, sự yêu thương của anh trai và Tiểu Lam ngày ngày ở bên đã trở thành động lực tồn tại của Kháp Na.

Năm tháng đã biến những đứa trẻ ngày nào trở thành những chàng trai, đồng thời cũng đem đến cho họ những sự thay đổi chẳng thể nào lường trước. Hồ ly Tiểu Lam đã có thể nói được và thậm chí còn biến thành một cô gái với vẻ đẹp diễm lệ, vẻ đẹp có thể mang đến tai họa. Cô khao khát được trở thành con người vì sự ngưỡng mộ và thứ cảm xúc khó diễn tả với Bát Tư Ba, dẫu cô biết rằng khoảng cách giữa họ không chỉ là con người và hồ ly mà còn là thân phận không thể thay đổi của Bát Tư Ba. Còn Kháp Na, tình cảm gắn bó của cậu với Tiểu Lam đã không còn là tình bạn bè bình thường, nhất là khi biết Tiểu Lam có thể biến thành người, tình cảm của cậu đã có thể gửi gắm. Nhưng Kháp Na luôn đè nén cảm xúc ấy khi biết sự quan tâm của Tiểu Lam với anh trai mình, là người lắng nghe cô thổ lộ, là người chứng kiến cô ngày ngày cố gắng tu luyện để có thể đến gần một người đàn ông khác. Và mấu chốt cuối cùng mà chúng ta tò mò chính là Bát Tư Ba. Tôi tin rằng không phải Bát Tư Ba không có cảm giác với Tiểu Lam, nhưng trách nhiệm của chàng quá lớn sao có thể dung túng tình cảm nữ nhi? Huống chi, hơn ai hết, chàng hiểu người em trai của mình, hiểu những thiệt thòi mà Kháp Na phải chịu đựng. Chàng không thể, và cũng không nỡ.

Có lẽ mối quan hệ rối rắm này sẽ cứ tiếp diễn như vậy cho đến khi họ mệt mỏi và dừng lại. Quả thật là mọi việc đã có kết quả, nhưng có lẽ đây mãi là chi tiết đau đớn và ám ảnh nhất trong lòng mỗi người đọc Hoa sen xanh. Trong một lần chuyển tin, Tiểu Lam vì quá lao lực đã ngất đi. Vương phi Khabi, cũng xuất thân từ tộc hồ ly, đã bày một màn kịch giúp Tiểu Lam thử thách tâm tư Bát Tư Ba khi muốn xem chàng có dám đánh đổi 10 năm tuổi thọ của mình để cứu lấy cô hay không. Kết quả có người dám đánh đổi, nhưng không phải Bát Tư Ba, mà là Kháp Na. Sự thật này khiến Tiểu Lam thấy đau đớn, dù vẫn biết sự cách biệt của hai người, dù vẫn biết nơi trái tim chàng hướng về nhưng khi phải đối mặt với sự lựa chọn ấy thì cô vẫn thấy một nỗi thất vọng không thể kìm nén. Và đáng ngạc nhiên hơn, Tiểu Lam bỗng nhận ra tình cảm của mình với Kháp Na không chỉ là tình bạn. Hóa ra nỗi xót xa, uất nghẹn trong lồng ngực khi chứng kiến Kháp Na cứ bị đẩy vào hết cuộc hôn nhân chính trị này đến cuộc hôn nhân chính trị khác không chỉ là sự cảm thông với một người bạn. Có lẽ khi đọc đến đây, rất nhiều người sẽ chỉ trích Tiểu Lam thay lòng đổi dạ. Nhưng chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của cô ấy và phán xét. Bát Tư Ba không chỉ là mối tình đầu thơ dại mà còn là người mà Tiểu Lam ngưỡng mộ nhất, là khát khao như một tín ngưỡng, tình cảm của cô dành cho chàng có lẽ là sự hòa quyên của cả hai cảm xúc trên. Còn với Kháp Na, Tiểu Lam đã ở bên cậu ấy ngày ngày, chứng kiến những nỗi đau cậu ấy phải chịu đựng, cùng cậu chia sẻ những niềm vui ít ỏi, sự đồng cảm, gần gũi ấy không phải được hình thành ngày một ngày hai mà đã qua biết bao nhiêu năm, có lẽ chính Tiểu Lam cũng không nhận ra. Chỉ đến biến cố này, cô mới biết Kháp Na đã vì mình mà hy sinh như thế nào, phát hiện ra một phần cảm xúc mà mình không biết tên, có thêm một phần sự biết ơn và báo đáp. Tình cảm Tiểu Lam dành cho Kháp Na có lẽ còn rối rắm hơn nhiều so với Bát Tư Ba. Với cá nhân mình, tôi nghĩ rằng có lẽ bao hàm tình bạn bè, sự cảm thông, sự gần gũi chia sẻ, một chút rung động… và tôi mạn phép nghĩ rằng còn có  một chút sự thất vọng và giận lẫy Bát Tư Ba nữa. Dù là thế nào đi chăng nữa tôi vẫn trân trọng tình cảm và quyết định của cô, bởi đó là quyết định dựa vào tình cảm và lý trí nữa. Gạt bỏ một mối vướng mắc tình cảm để Bát Tư Ba có thể toàn tâm vào sự nghiệp của mình, lựa chọn một cái kết cho tình yêu bấu lâu của bản thân, yêu thương và trân trọng Kháp Na, thay Bát Tư Ba bù đắp cho những thương tổn mà hôn nhân chính trị gây ra cho người em trai… Không hiểu sao, tôi vẫn phảng phất ý nghĩ rằng khi quyết định như vậy, Tiểu Lam đã nghĩ cho Bát Tư Ba thật nhiều? Tôi không phủ nhận ý kiến rằng Tiểu Lam có yêu Kháp Na, và thật đáng ngạc nhiên khi một người tôn thờ thứ tình yêu chuyên nhất như tôi lại không thấy rằng tình cảm với Kháp Na là mâu thuẫn với tình yêu dành cho Bát Tư Ba trước đó. Tình cảm thật khó nói, và tôi thật kính phục khi tác giả Chương Xuân Di đã có thể xây dựng những tình tiết đầy xúc động như vậy khiến tôi tiếp nhận hoàn toàn tự nhiên và thấu hiểu. Có lẽ mọi thứ không thể chỉ đánh giá bằng đúng sai như tôi vẫn nghĩ được nữa. Còn về các bạn, tôi nghĩ rằng mỗi người sẽ có những cảm nhận của riêng mình.

Quyết định của Tiểu Lam khiến tôi có đôi chút niềm vui tư tâm, vì nụ cười hồn nhiên ngày nào cuối cùng đã trở về với cậu. Có lẽ trong cả cuộc đời này, cậu chỉ có thể được sống cho mình trong hai đoạn thời gian ngắn ngủi như thế. Tôi buộc phải nói là ngắn ngủi bởi lẽ hạnh phúc của Kháp Na không kéo dài được lâu, những âm mưu tranh đoạt quyền lực lại một lần nữa làm tổn thương cậu, và lần này thì cướp Kháp Na đi khỏi Tiểu Lam, khỏi Bát Tư Ba và chúng ta mãi mãi. Trong tình huống ấy, Tiểu Lam chỉ có thể lựa chọn cứu Kháp Na hoặc Bát Tư Ba, nhưng cậu đã lựa chọn để anh mình được sống, để chắp lại mối duyên thừa giữa hai người thân mà cậu yêu thương nhất. Nước mắt tôi một lần nữa lại rơi trong một ngày mưa tầm tã. Dẫu vẫn biết đó là những sự thật lịch sử không thể thay đổi nhưng tôi vẫn thấy uất ức cho một chàng trai có tình yêu, có khát vọng nhưng lại bất lực trở thành một quân cờ chính trị. Có người nghĩ rằng Bát Tư Ba phải hy sinh quá lớn, phải từ bỏ tư tình cá nhân để cống hiến toàn bộ cho giáo phái Sakya, còn Kháp Na ít nhẫn vẫn còn có thể lập gia đình. Nhưng nếu “được” lập gia đình như Kháp Na thì chúng ta có còn thấy mừng thay cho cậu? Bản thân Kháp Na chắc đã từng rất nhiều lần mong rằng mình chỉ như những người anh em khác, không phải gánh vác trách nhiệm nặng nề này, hoặc như Bát Tư Ba suốt đời không lấy vợ, thành toàn cho hai người cậu yêu thương cũng là một điều hạnh phúc. Vậy mà số phận lại nghiệt ngã với chàng trai trẻ ấy như thế!

Kháp Na đi rồi, những bí mật của Bát Tư Ba cũng dần được hé mở. Và một sự thật mà tôi tin rằng bất cứ ai đọc truyện đến giờ phút này cũng tò mò, đó chính là cảm xúc của Bát Tư Ba. Chương Xuân Di đã không làm tôi thất vọng. Bát Tư Ba có yêu, thậm chí cũng không hề kém lý tưởng của mình. Vì sự tôn trọng với các lịch sử mà tác giả đã phải tạo ra tình huống vị đại sư Ban Trí Đạt vì không muốn Tiểu Lam cản trở quá trình tu hành của Bát Tư Ba mà đã niệm chú lên cô, để hai người không bao giờ có thể chạm vào nhau. Đó là lý do vì sao hôm ấy người cứu Tiểu Lam lại là Kháp Na. Chúng ta biết cô thất vọng bi thương, mà không biết rằng chàng cũng đau đớn biết nhường nào… Một Bát Tư Ba vĩ đại của lịch sử được đời đời kính trọng, dưới ngòi bút của Chương Xuân Di cũng có đầy đủ những hỉ nộ ái ố như bất cứ ai, là một Bát Tư Ba sống động và tình nghĩa. Tôi tôn trọng Bát Tư Ba của lịch sử, lại càng yêu thương và kính trọng Bát Tư Ba của Chương Xuân Di. Sự “mạo hiểm” duy nhất mà tác giả dám làm là để cho Tiểu Lam và Bát Tư Ba được bên nhau một lần nữa, lặng lẽ trao nhau những yêu thương dang dở. Và sự “táo bạo” duy nhất mà tác giả dám làm là nụ hôn đầu tiên cũng là cuối cùng giữa hai người. Có lẽ đây cũng là lần duy nhất Bát Tư Ba sống vì mình.

“Đức phật và nàng: Hoa sen xanh” được xây dựng bố cục và tình huống khá thú vị. Câu chuyện được mở đầu trong một ngày bão tuyết, hồ ly Tiểu Lam lúc này đã hơn nghìn tuổi, tình cờ cứu được một chàng trai trẻ đang leo núi thì gặp nạn. Trong đêm đó, cô đã đem câu chuyện cuộc đời mình để kể cho anh ta nghe. Hóa ra chàng trai trẻ kia chính là “người ấy”, cứ mỗi một kiếp họ sẽ tình cờ gặp nhau trong một đêm mưa tuyết như thế này, Tiểu Lam sẽ kể câu chuyện của họ để đánh thức kí ức của chàng trai, họ lại được hội ngộ trong khoảnh khắc ngắn ngủi trước khi trời sáng. Có kiếp chàng trai nhớ lại, có kiếp chàng trai lại chẳng muốn nghe tiếp, có kiếp chàng lại ngủ thiếp đi mà bỏ lỡ… Và kiếp cuối này, cuối cùng họ vẫn hạnh ngộ, kết thúc câu chuyện nghìn năm. Có người hỏi tôi chàng trai ấy là Bát Tư Ba hay Kháp Na đầu thai, tôi chỉ cười và nói rằng đáp án là ở trong lòng mỗi người. Có lẽ đó cũng chính là ý định của Chương Xuân Di, để câu hỏi ấy sẽ theo mỗi người lưu giữ những chi tiết về câu chuyện Hoa sen xanh này đến mãi về sau.

Trong cuốn sách “Đức phật và nàng: Hoa sen xanh” này, tác giả Chương Xuân Di đã truyền tải một lượng lớn những kiến thức lịch sử, văn hóa, tôn giáo thông qua các chi tiết truyện. Tác giả cũng khá thông minh khi lồng ghép sự phân tích và những góc nhìn của bản thân thông qua cuộc đối thoại của hai nhân vật ở cuối mỗi chương, cuộc nói chuyện đó hoàn toàn tách biệt khỏi phần truyện chính kể về quá khứ của nhân vật nên độc giả có thể tự do lựa chọn, không bị “gò ép” phải tìm hiểu về những điều mà mình không thích. Lý giải về việc tại sao lại lựa chọn lớp vỏ ngôn tình để thể hiện những điều này, tác giả Chương Xuân Di có bày tỏ rằng:

“Tôi biết rằng, phần lớn bạn đọc yêu mến hai cuốn tiểu thuyết này không phải vì những tri thức lịch sử và Phật pháp hàm chứa trong đó mà là những câu chuyện tình yêu đẹp đẽ mà tôi sáng tác nên. Nhưng nếu tôi chỉ viết truyện ký thông thường về Kumarajiva hay Bát Tư Ba, hẳn rằng sẽ không ai buồn đọc.

Vậy tôi phải làm sao để truyền tải thông điệp của mình, phải làm sao để ngày càng nhiều bạn đọc biết đến những nhân vật vĩ đại với những cống hiến to lớn trong lịch sử nhưng lại được rất ít người biết đến? Tôi quyết định chọn cách thức thông dụng nhất: tiểu thuyết ngôn tình để thu hút bạn đọc. Chỉ khi lôi cuốn được bạn đọc vào câu chuyện, tôi mới có thể truyền tải những thông điệp mà tôi muốn truyền tải. Bằng không, mọi nỗ lực của tôi sẽ chỉ là vô ích.

Và tôi tin rằng, dù bạn chỉ yêu thích phần “ngôn tình” của truyện, nhưng, theo một cách rất tự nhiên, bằng một lẽ rất tự nhiên, bạn sẽ nhận được nhiều hơn thế từ cuốn sách của tôi. Vậy là tôi đã thành công rồi, phải không bạn?”

Hy vọng rằng các bạn có thể đọc cuốn sách này với một tâm trạng tĩnh tại, rộng mở để có thể đón nhận những dòng tri thức đang cuồn cuộn chảy.


Giá bìa 110.000   

Giá bán

88.000 

Tiết kiệm
22.000  (20%)
Giá bìa 110.000   

Giá bán

88.000 

Tiết kiệm
22.000  (20%)