Tóm tắt & Review (Đánh Giá) sách Đứng Vững Ngàn Năm - Nhờ Đâu Nước Việt Vẫn Còn Sau Một Ngàn Năm Bắc Thuộc? của tác giả Ngô Nhân Dụng.
Đây là tác phẩm biên khảo thứ tư của Ngô Nhân Dụng, sau những cuốn đã in dưới nhiều bút hiệu khác nhau:
Yêu con, dạy con nên người Việt (ký Đỗ Quý Toàn, 1987), và
Tìm thơ trong tiếng nói (ký Đỗ Quý Toàn, 1992) (1).
Nhìn vào danh sách cáctác phẩm trên, nhận xét đầu tiên cần được rút ra là: Phạm vi nghiên cứu của Ngô Nhân Dụng thật rộng: Ông đi từ giáo dục đến kinh tế, lý thuyết văn học, và cuối cùng, lịch sử và văn hóa (hoặc, đúng hơn, nhân học, anthropology). Các tác phẩm thuộc các lãnh vực không những khác nhau mà có khi còn rất xa nhau, ngỡ như trái ngược hẳn nhau (như giữa thơ và… tài chính, chẳng hạn!)
Ngoài sự đa dạng, tất cả các cuốn sách ấy đều có hai đặc điểm chung: Thứ nhất, tính chất nghiêm túc trong học thuật. Được đào tạo có bài bản ở Tây phương, lại có kinh nghiệm giảng dạy ở đại học trong nhiều năm, Ngô Nhân Dụng nắm rất vững các phương pháp nghiên cứu, nên cuốn sách nào của ông cũng đều có độ dày về tài liệu, độ sâu của sự phân tích, sự giàu có của các chứng cứ và sự mạch lạc trong cách lý luận, tránh được những kết luận vội vã, võ đoán, xuất phát từ thành kiến quen thuộc thường thấy. Thứ hai, tính chất khám phá. Mỗi cuốn sách của Ngô Nhân Dụng đều mang lại cho người đọc nhiều phát hiện thú vị, hoặc trong tư liệu hoặc trong quan điểm hoặc trong cả hai. Dù chuyển dịch qua nhiều lãnh vực khác nhau, ở đâu Ngô Nhân Dụng cũng nghiên cứu kỹ lưỡng, cập nhật được những kiến thức mới nhất trong ngành và ở đâu ông cũng cố gắng đưa ra một cách nhìn khác, ít nhất so với giới cầm bút Việt Nam. Cái gọi là “cách nhìn khác” ấy hiếm khi được đẩy đến cùng, có lẽ do Ngô Nhân Dụng ngại sự “cực đoan”: Ông thường dừng lại ở thao tác tổng hợp để bao quát nhiều quan điểm khác nhau, từ nhiều góc độ khác nhau, hầu vẽ nên một bức tranh nhiều chiều và nhiều tầng. Đọc ông, nhờ vậy, người ta vừa thấy thích thú vừa thấy gần gũi. Ông không gây hấn với truyền thống và thành kiến, không đẩy người đọc vào thế đối lập. Ông chọn cách đối thoại khoan hòa và dung hòa.
Trong các tác phẩm của Ngô Nhân Dụng, cuốn sách mới nhất,
Đứng vững ngàn năm, là cuốn sách hay và rất cần thiết. Nó vừa có ý nghĩa học thuật vừa có ý nghĩa chính trị: Nó trả lời được nhiều câu hỏi không những của giới nghiên cứu về lịch sử và văn hóa mà còn của mọi người Việt Nam bình thường trước tình hình chính trị, đặc biệt trong quan hệ với Trung Quốc hiện nay. Nhưng ở đây, tôi chỉ xin tập trung vào khía cạnh học thuật.
Đặc điểm đầu tiên của cuốn
Đứng vững ngàn năm là sự mới mẻ.
Trước hết là sự mới mẻ trong đề tài. Thường, viết về lịch sử Việt Nam, hầu hết giới cầm bút đều tập trung vào thời kỳ từ thế kỷ thứ 10 trở về sau. Với thời kỳ trước đó, người ta chỉ thường nhắc một cách họa hoằn và thoáng qua. Lý do dễ hiểu: ít tài liệu.
Đứng vững ngàn năm là một cuốn sách hiếm hoi tập trung vào cái vùng được xem là ít tài liệu và cũng ít được đề cập ấy. Trong cái vùng hoang vắng ấy,
Đứng vững ngàn năm lại xoáy sâu vào một khía cạnh hầu như chưa có ai nghiên cứu thật sâu: tại sao, trước sự bành trướng dữ dội và liên tục của Trung Hoa, trong khi các sắc dân khác ở Quảng Đông, Vân Nam và nhiều vùng khác đều lần lượt bị thôn tính và đồng hóa, Việt Nam vẫn có thể đứng vững và cuối cùng, giành được độc lập sau cả ngàn năm Bắc thuộc? Đã có nhiều học giả tìm cách trả lời câu hỏi ấy. Ví dụ, với Trần Trọng Kim, đó là nhờ nghị lực và tính chất riêng của người Việt; với Lê Thành Khôi, nhờ người Việt có tiếng nói riêng; với Keith Taylor, ngoài yếu tố ngôn ngữ, người Việt còn có một sức mạnh khác: Phật giáo; với Lê Mạnh Hùng, nhờ Việt Nam có dân số đông và một nền kinh tế dựa trên nghề trồng lúa nước vững chắc (tr. 12).
Câu trả lời của Ngô Nhân Dụng không hoàn toàn mới mẻ nhưng có tính chất bao quát và sâu sắc. Ông không tin vào một lý do duy nhất (tr. 13). Ông cho sự tồn tại của dân tộc Việt Nam xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Theo ông, lòng yêu nước và tinh thần bất khuất tuy cần, rất cần, nhưng không đủ để bảo vệ một quốc gia. Cả ngôn ngữ cũng vậy. Hầu hết các dân tộc phía Bắc Việt Nam, tuy cũng có tiếng nói riêng, nhưng cuối cùng, đều bị người Hán nuốt chửng, và trở thành một tỉnh hay một quận của đế quốc Trung Hoa mênh mông hiện nay. Lập luận của Ngô Nhân Dụng được xây dựng dựa trên một giả thuyết: trước và trong khi tiếp xúc với Trung Hoa, “[đ]ời sống tập thể của dân Việt phải có những cơ cấu khá vững chắc làm nền tảng thì mới có sức đề kháng trước làn sóng văn minh Trung Hoa” (tr. 359).
Cái gọi là “cơ cấu vững chắc” ấy bao gồm: “Nhiều yếu tố kinh tế, xã hội và văn hóa tạo nên sức mạnh của dân Việt, làm vốn liếng để xây dựng được ý thức dân tộc mạnh mẽ và bền bỉ. Sức mạnh của dân Việt nằm trong một mạng lưới xã hội là thôn làng (người); trên căn bản kinh tế đủ phong phú (đất); và trong những tín ngưỡng (thần) giúp người Việt thêm tin tưởng vào giá trị văn hóa của mình, tự phân biệt với các quan lại và quân lính đô hộ” (tr. 360).
Giữa cái gọi là “cơ cấu vững chắc” và tinh thần bất khuất, yếu tố nào quan trọng hơn? Dường như Ngô Nhân Dụng phân biệt hai khía cạnh và hai giai đoạn khác nhau: Trong việc bảo vệ bản sắc dân tộc trước âm mưu đồng hóa của Trung Hoa, “[y]ếu tố quan trọng nhất giúp tổ tiên người Việt không bị Hán hóa có lẽ là, trước khi người Hán tới, họ đã có sẵn một nền nếp tốt đẹp trong cuộc sống chung, gọi là văn minh” (tr. 14). Nhưng trong việc giành độc lập thì “yếu tố quyết định vẫn là ý chí vững chắc, một ‘cái nghị lực riêng’ muốn sống như một dân tộc, dù chỉ là một quốc gia nhỏ bé; chứ không chịu sáp nhập vào một đế quốc lớn mạnh” (tr. 384).
Ngoài ra, Ngô Nhân Dụng cũng nhận ra một yếu tố khác nữa mà vì tự ái dân tộc ít ai nghĩ đến: sự may mắn. Việt Nam ở xa, bị ngăn cách với các trung tâm quyền lực và văn hóa của Trung Hoa bằng những vùng núi non hiểm trở; hơn nữa, khí hậu lại khá khắc nghiệt; cả hai yếu tố địa lý và khí hậu ấy biến thành “những hàng rào ngăn cản khiến người Hán bành trướng xuống tới biên giới nước Việt thì bị ngăn lại” (tr. 14, 176, 179 & 359).
Khi phân tích sự tồn tại của Việt Nam sau một ngàn năm Bắc thuộc, Ngô Nhân Dụng cũng nhấn mạnh một điểm ít người để ý: trong lịch sử, người Việt Nam không những giữ được bản sắc văn hóa riêng mà còn có khả năng đồng hóa ngược lại những người Hoa di dân đến Việt Nam: Tất cả đều dần dần biến thành người Việt; hơn nữa, họ còn góp phần bảo vệ và xây dựng Việt Nam trước những âm mưu xâm lăng cũng như đồng hóa của Trung Quốc, như trường hợp của Lý Bôn, tổ tiên nhà Trần, Vũ Phương Đề, Trịnh Hoài Đức, v.v.. (tr. 15-6, 306-337).
Tuy nhiên, cái hay và cái mới nhất của cuốn sách không phải ở các luận điểm lớn và chung chung vừa nêu: Chủ yếu chúng nằm ở độ sâu và độ rộng của sự phân tích. Ngô Nhân Dụng tránh được hai khuyết điểm thường thấy trong giới nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam: Một, nhìn mọi hiện tượng ở Việt Nam như những gì biệt lập; và hai, như hậu quả của khuyết điểm ấy, hay có khuynh hướng cường điệu hóa một số mặt mạnh hoặc sự độc đáo nhằm thỏa mãn tự ái dân tộc hơn là tìm kiếm sự thật. Tránh được hai khuyết điểm ấy, một phần, có lẽ do tầm nhận thức, chủ yếu là tầm nhận thức của người sống giữa các nền văn hóa, do đó, có thói quen nhìn mọi vấn đề ở phạm vi toàn cầu; phần khác, theo tôi, quan trọng hơn, do phương pháp nghiên cứu mà Ngô Nhân Dụng lựa chọn: nó thuộc về lãnh vực nhân học (anthropology) hơn là lịch sử. Các nhà nghiên cứu lịch sử thường bị giới hạn trong một phạm vi hẹp: sự kiện; với một nguồn tài liệu cũng hẹp: ngôn ngữ (chủ yếu là ngôn ngữ viết, chỉ có trong khẩu ký sử - oral history - mới sử dụng nhiều loại ngôn ngữ nói – dưới hình thức phỏng vấn); giới nghiên cứu nhân học có tầm hoạt động có tính chất liên ngành, từ lịch sử đến khảo cổ học, ngôn ngữ học, kinh tế học…, và nhắm đến một đối tượng lớn hơn: con người, và sau con người, văn hóa. Với một đối tượng lớn như thế, ngành nhân học đòi hỏi cái nhìn vừa có tính so sánh (comparative perspective) vừa có tính chỉnh thể luận (holistic perspective) tức luôn luôn tập trung vào chức năng và quan hệ giữa các đối tượng được khảo sát.
Ví dụ, viết về vai trò của tín ngưỡng dân gian và các tôn giáo, đặc biệt về Phật giáo, Ngô Nhân Dụng không hề đề cao các tín ngưỡng hay các tôn giáo ấy, xem chúng hay hơn các tín ngưỡng và tôn giáo ở những nơi khác. Ông chỉ tập trung vào các chức năng xã hội và chính trị của các tín ngưỡng và tôn giáo ấy: Một, chúng giúp người ta thấy mình khác với các sắc dân khác, nhất là những sắc dân đang xâm lược và đô hộ mình; hai, chúng giúp nuôi dưỡng niềm tự tin và tự hào dân tộc; ba, chúng tạo nên tình liên đới và sự đoàn kết giữa những người đồng chủng đang chịu khổ đau và áp bức; bốn, các cơ sở thờ phượng đóng vai trò đào tạo lớp người có học để sau đó, họ trở thành những kẻ lãnh đạo trong các cuộc đấu tranh cho độc lập cũng như trong việc xây dựng đất nước; và cuối cùng, tín ngưỡng và tôn giáo khiến người ta can đảm hơn, sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa khi cần thiết. Nhìn vấn đề như vậy đã hay. Nhưng Ngô Nhân Dụng không chỉ dừng lại ở các phân tích như thế. Khác với hầu hết các nhà văn hóa học Việt Nam, ông mở rộng tầm nhìn sang nhiều nước khác trên thế giới, như Kosovo, Ireland, Nam Sudan và Ba Lan để thấy ở những nơi khác, tín ngưỡng và tôn giáo cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc hình thành dân tộc. Chứ không riêng gì ở Việt Nam.
Như vậy, không nên đọc
Đứng vững ngàn năm như một tác phẩm sử học (history). Đọc thế là một thiệt thòi cho cuốn sách và cho cả tác giả: Từ góc độ sử học, Ngô Nhân Dụng không có phát hiện quan trọng nào về tư liệu. Ông đọc nhiều, nhớ nhiều, diễn đạt một cách mạch lạc và sáng sủa diễn tiến các câu chuyện được đề cập. Nhưng ông không phải là người đầu tiên khám phá ra những tư liệu ấy. Tôi nghĩ nên đọc
Đứng vững ngàn năm như một công trình có tính chất nhân học (anthropology), ở đó, giá trị của nó chủ yếu nằm ở việc phát hiện ra các quan hệ và các chức năng của những yếu tố có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa, đặc biệt đến tính cách của người Việt, từ đó, giải thích sự tồn tại kiên cường của người Việt trước các đe dọa đến từ phương Bắc. Từ góc độ nhân học, đây là một công trình nghiên cứu mới mẻ, sâu sắc. Và hay.
Đặc điểm thứ hai của cuốn
Đứng vững ngàn năm là ở tầm rộng. Rộng ở nguồn tư liệu: Chúng được viết bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, từ tiếng Việt đến tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và chữ Hán; thuộc nhiều lãnh vực khác nhau, từ lịch sử đến khảo cổ học, văn hóa học, ngôn ngữ học, chính trị học, kinh tế học, … (2) Rộng ở phạm vi quan sát và đối chiếu. Dường như với bất cứ vấn đề gì, Ngô Nhân Dụng cũng nhìn quanh trên thế giới để phát hiện những sự tương đồng và dị biệt. Nói đến vai trò của tiếng Việt trong việc bảo vệ độc lập cũng như bản sắc văn hóa của Việt Nam, ông so sánh nó với những gì xảy ra ở Pháp, Tây Ban Nha, Nam Tư, Canada (đặc biệt vùng Québec), Do Thái, Phần Lan, v.v.. So sánh như thế, Ngô Nhân Dụng thấy được hai khía cạnh quan trọng: Thứ nhất, ở đâu ngôn ngữ cũng có tính chính trị và một sức mạnh mãnh liệt trong việc tạo nên cộng đồng và dân tộc; và thứ hai, yếu tố chính quyết định sức sống bền vững của một ngôn ngữ không hẳn là vì nó “hay” hơn các ngôn ngữ khác mà chủ yếu, một phần, nó gắn liền với tình cảm sâu kín của con người; phần khác, nhờ các mạng lưới xã hội giúp duy trì ngôn ngữ ấy. Riêng trong trường hợp của Việt Nam, mạng lưới ấy chính là nếp sống quần tụ trong các làng xóm với những quan hệ lâu đời chồng chéo ít nhiều biệt lập với chính quyền trung ương. (tr. 202)
Nhưng tầm rộng đáng kể nhất trong cuốn sách của Ngô Nhân Dụng là ở tính khái quát. Ông đọc nhiều, ở đâu cũng trưng ra thật nhiều dẫn chứng nhằm củng cố cho lập luận của mình nhưng ông không quá sa đà vào các chi tiết. Bao giờ ông cũng muốn đẩy các nhận định lên một tầm khái quát thật cao, do đó, đọc ông, chúng ta không những nhìn thấy được nhiều sự kiện mà còn nắm bắt được một số quy luật chung nhất xuyên suốt toàn bộ lịch sử một nước, một khu vực hoặc trên cả thế giới nói chung.
Ví dụ, ông nhấn mạnh: Trước thế kỷ 20, Trung Quốc không phải là một dân tộc-quốc gia (nation-state) và người Trung Quốc cũng không có ý thức về dân tộc. Chữ “quốc”, trong chữ Hán, được dùng để chỉ một triều đại. Có thể nói, người Trung Quốc, tự bản chất và ngay từ khởi thủy, một mặt, đã có tinh thần “quốc tế chủ nghĩa” không nhằm xây dựng quốc gia chỉ trên nền tảng sắc tộc; mặt khác, đã mang máu đế quốc, muốn xây dựng đất nước trên nền tảng tư tưởng “bình thiên hạ”. Tư tưởng dựa trên “thiên hạ” ấy có ba hệ quả: Một, không bị ngăn cản bởi những sự phân biệt chủng tộc và sắc tộc, văn minh Trung Hoa dễ bành trướng; hai, người Trung Hoa tương đối dễ chấp nhận sự thống trị của các dân tộc khác (ví dụ, người Mông Cổ hoặc người Mãn Thanh) (ít nhất “dễ” hơn so với người Việt Nam); và ba, khi chiếm và đô hộ Trung Hoa, dưới quan điểm “thiên hạ vi công” (thiên hạ là của chung) như thế, giới thống trị từ nước khác đến rất dễ mất cảnh giác về bản sắc văn hóa gốc của mình; hậu quả là, qua nhiều thế hệ hoặc nhiều thế kỷ, dần dần bị tan hòa vào nền văn hóa của người Hán, nghĩa là bị Hán hóa, và, cuối cùng, mất luôn cả nước (đó là số phận của cả người Mông Cổ lẫn người Mãn Thanh).
Một ví dụ khác, Ngô Nhân Dụng phân biệt ba loại đế quốc: Một loại dựa trên vũ lực (như người Mông Cổ), một loại dựa trên tôn giáo (như người Ả Rập) và một loại dựa trên văn hóa, trong đó quan trọng nhất là chữ viết và các thiết chế chính trị cũng như xã hội (như người La Mã và Trung Hoa). Trong ba loại ấy, loại dựa trên vũ lực có số phận ngắn ngủi nhất, loại dựa trên tôn giáo có hiệu quả hơn nhưng không lâu dài và chắc chắn cho bằng kiểu bành trướng và thống trị dựa trên văn hóa với những định chế chính trị và xã hội riêng (tr. 138, rải rác trong các trang 284-303). Trong cách nhìn như thế, chiến thắng của Việt Nam đối với Champa và Khmer cũng có thể được giải thích như là chiến thắng của “mô hình tổ chức quốc gia lối Trung Hoa” đối với “mô hình Ấn Độ” (tr. 281). Nói cách khác, người Việt Nam, một mặt, dùng truyền thống bản địa để chống lại nước láng giềng khổng lồ ở phía Bắc, nhưng mặt khác, lại dùng các bài học từ phương Bắc để chiếm hữu, cai trị và đồng hóa các dân tộc láng giềng khác ở phía Nam.
Tất cả các điểm vừa nêu có thể không do Ngô Nhân Dụng phát hiện. Nhưng không phải ai cũng đọc rộng và nhạy bén đủ để tìm thấy các phát hiện ấy, hơn nữa, không phải ai cũng biết cách vận dụng các quan điểm ấy để làm tăng thêm chiều sâu và độ dày cho cách lập luận của mình khi tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Cái tài của Ngô Nhân Dụng, với tư cách một nhà biên khảo, nằm ở khả năng tìm kiếm và vận dụng tài liệu như thế.
Đặc điểm thứ ba của cuốn
Đứng vững ngàn năm là ở sự lạc quan. Từ kinh nghiệm Việt Nam không bị Hán hóa sau một ngàn năm Bắc thuộc, Ngô Nhân Dụng tự tin là, trong hiện tại cũng như trong tương lai, về phương diện chính trị, dù Trung Quốc đe dọa đến mấy, người Việt Nam cũng không thể bị mất nước được; về phương diện văn hóa, dù áp lực của toàn cầu hóa nặng nề đến mấy, văn hóa Việt Nam cũng không thể bị mất gốc được; và về phương diện ngôn ngữ, dù phải vay mượn các thứ tiếng khác nhiều đến mấy, tiếng Việt vẫn giữ được bản sắc riêng của nó. Trong từ vựng. Trong cú pháp. Cũng như trong tinh thần.
Mời các bạn tải đọc sách Đứng Vững Ngàn Năm - Nhờ Đâu Nước Việt Vẫn Còn Sau Một Ngàn Năm Bắc Thuộc? của tác giả Ngô Nhân Dụng.