Đường Một Chiều là một cuốn tiểu thuyết tình cảm, phản ảnh một góc nhỏ xã hội miền Nam trong thời chinh chiến, tất cả xoay quanh câu chuyện về một vụ thảm sát khó hiểu diễn ra ngay trong nhà của thiếu tá Lộc. Nhân vật chính là một sĩ quan cấp tá của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông đồn trú xa nhà với chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng một tiểu đoàn tác chiến. Gia đình ông gồm Thúy, vợ ông, bé Ly, 14 tuổi con riêng của bà Thúy và 2 đứa con nhỏ. Ngoài ra, hạ sĩ Ninh, được vợ chồng ông xem như em, ở chung nhà, vừa làm nhiệm vụ tài xế vừa làm quản gia cho gia đình. Chính Ninh là người mở ra thảm kịch gia đình cho thiếu tá Lộc.
Toàn bộ nội dung cuốn sách là những phiên xử, những góc khuất trong mối quan hệ của Ninh với các thành viên trong gia đình Lộc, những suy nghĩ của người nhà nạn nhân cũng như bị can, những tình tiết giả thiết mà báo chí, luật sư thêm vào trong vụ thảm sát. Sự việc cuối cùng rồi sẽ ra sao? Liệu Lộc có tha thứ cho cấp dưới của mình? Liệu Ninh có bị xử đúng tội theo như pháp luật? Liệu các con của Thúy có thôi ám ảnh trước cái chết của mẹ mình?
Đường Một Chiều là một tác phẩm khá nổi bật của Nguyễn Mộng Giác và xứng đáng là một trong những tác phẩm xuất sắc của nền văn học chế độ Sài Gòn cũ.
***
Nguyễn Mộng Giác (1940 - 2012) là nhà văn Việt Nam. Năm 1981, ông rời quê hương, định cư tại Hoa Kỳ vào cuối năm 1982, và rồi mất tại đây vào tháng 7 năm 2012.
Ông sinh ngày 4 tháng 1 năm 1940 tại thôn Xuân Hòa, xã Bình Phú, quận Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn), tỉnh Bình Định, miền Trung Việt Nam.
Thời kháng chiến chống Pháp 1946 đến 1954, ông học tiểu học và trung học tại vùng kháng chiến. Sau Hiệp định Genève 1954, ông tiếp tục học tại trường Cường Để (Quy Nhơn), trường Võ Tánh (Nha Trang), rồi học năm chót của bậc trung học tại trường Chu Văn An (Sài Gòn).
Sau khi học một năm ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn, ông ra Huế học Đại học Sư phạm ban Việt-Hán. Năm 1963, ông tốt nghiệp thủ khoa, khóa Nguyễn Du. Ngay năm ấy, ông được điều đến giảng dạy tại trường Đồng Khánh ở Huế. Năm 1965, đổi ông vào Quy Nhơn làm Hiệu trưởng trường Cường Để.
Năm 1973, thăng ông làm Chánh sở Học chánh tỉnh Bình Định. Năm 1974, chuyển ông vào Sài Gòn làm chuyên viên nghiên cứu giáo dục Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng hòa cho đến 1975.
Về sự nghiệp văn chương, ông bắt đầu viết văn từ năm 1971, đã cộng tác với các tạp chí: Bách Khoa, Văn, Thời Tập, Ý Thức. Năm 1974, truyện dài Đường một chiều của ông được giải thưởng Văn Bút Việt Nam dưới thời Việt Nam Cộng hòa .
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, việc sáng tác của ông tạm gián đoạn. Đến năm 1977, ông cầm bút trở lại, và bắt đầu viết bộ trường thiên tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ, và hoàn thành vào năm 1981.
Tháng 11 năm đó (tức sau khi vừa viết xong bộ truyện trên), ông cùng con trai vượt biển. Chuyến vượt biển thành công, ông đã đến được đảo Kuku của Indonesia. Trong mấy tháng ở đây, ông đã viết được một số truyện ngắn mà sau này xuất bản thành cuốn Ngựa nản chân bon, và tập I của bộ trường thiên tiểu thuyết Mùa biển động.
Tháng 11 năm 1982, ông đến Hoa Kỳ, định cư tại Nam California[3], rồi cộng tác với các báo: Đồng Nai, Việt Nam Tự Do, Người Việt, Văn, Văn Học Nghệ thuật ở nước ngoài.
Từ năm 1986, ông làm Chủ bút tạp chí Văn Học ở California, Hoa Kỳ. Đến tháng 8 năm 2004, ông phải ngưng công việc làm báo vì phát hiện mình bị ung thư gan.
Sau nhiều năm dài chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, ông đã qua đời lúc 22 giờ 15 phút ngày 2 tháng 7 năm 2012 (ngày giờ địa phương ở California, tức sáng ngày 3 tháng 7 năm 2012 giờ Việt Nam) tại tư gia ở thành phố Westminster (Orange County, California, Hoa Kỳ), thọ 72 tuổi.
Mời các bạn đón đọc
Đường Một Chiều của tác giả
Nguyễn Mộng Giác.