Đường về Trùng Khánh (1973)—Destination Tchounking (1953)
Tác giả Han Suyin aka Hàn Tú Anh
Dịch giả Trùng Dương & Hồ Hải
Nhà xuất bản Tổ Hợp Gió 1973
LỜI NGƯỜI DỊCH
Qua Đường Về Trùng Khánh, người đọc có thể nhận ra những nhân vật điển hình — những diễn viên kỳ cựu — của bất cứ vở kịch chiến tranh nào xẩy ra từ trước tới nay trong lịch sử nhân loại : đó là đám nông dân cổ cày vai bừa sẽ chết, trong khi đám con cháu các gia đình khá giả lười biếng ăn chơi hay học hành tại các trường đại học và sửa soạn vào các nghề tài chánh, y khoa, hay luật sư và dĩ nhiên, cũng có những ngoại lệ và tuy thế cũng không phải là ít và thực đáng cảm động: “ Tôi không thể nào ngồi yên được nữa, tôi phải tham dự vào cuộc chiến, tôi phải tham dự vào cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Hoa. Tôi phải về nước. Dù không làm được gì quan trọng tôi cũng phải về, tôi cần hiện diện để chia sẻ những khổ cực và gian nguy. Tôi là người Trung Hoa mà.” Đó là câu nói của nhân vật chính của tác giả, Hàn-tú-Anh, người nữ văn sĩ mang hai giòng máu Trung Hoa—Bĩ.
***
Tựa Của Tác Giả
Người ta đã yêu cầu tôi viết bài tựa cho cuốn Destination Tchoungking đã được xuất bản lần đầu tiên tại Anh vào năm 1942.
Bằng cả tâm hồn và thể xác, tôi đã sống lùi lại mười một năm về trước, hồi còn trẻ, tại Trùng Khánh, ngập mình trong binh lửa, và thấy lại trọn vẹn cảnh tượng lúc bấy giờ: những chữ ở đây đều có một nghĩa tuyệt đối; những mục tiêu tự nó tồn tại, chính đáng và đáng kính; đạo đức và niềm tin đã chống cự lại nạn đói kém, nỗi đau khổ và sự buồn nản. Chúng tôi đã tin tưởng rằng sẽ tồn tại để cất lên tiếng cười, để tận dụng cuộc sống, mặc trạng huống hiện hữu, mặc những điệp khúc vô tận của những trận mưa bom mỗi ngày khô ráo mỗi tái diễn. Rồi thì cuối cùng mọi sự đều đã được giải quyết ổn thỏa.
Tôi không có một mảy may ý định viết văn. Hồi đó tôi tập sự nghề cô đỡ tại một bảo sinh viện nhỏ dưới quyền điều khiển của Marian Manly, một nhà nữ truyền giáo Hoa Kỳ, ở Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Pao, chồng tôi, đóng tại Tây Bắc, và trong thời gian chàng vắng nhà, tôi ở lại nhà thương với Marian.
Cha mẹ của Marian đã từng là những nhà truyền giáo tại Trung Hoa. Chị nàng cũng thế. Chính nàng ta, một y sĩ kiêm truyền giáo, đã trải qua phần lớn đời nàng tại Trung Hoa. Nàng đã vẻ kiểu và xây lấy ngôi bảo sinh viện này, và tại đây, nàng huấn luyện các cô đỡ Trung Hoa cho đến khi những người này tốt nghiệp, gửi họ về các vùng quê, hay đưa đến những đô thị bị cô lập để làm cái việc cần thiết nhất tại Trung Hoa là giúp các sản phụ sinh nở dễ dàng và hợp vệ sinh.
Một đêm nọ, tôi ngồi với nàng trong phòng nàng, trước ngọn lửa được đốt bằng củi để sưởi ấm, và chúng tôi đã thảo luận về những cuốn sách đã đọc. Nàng nói với tôi là đã nhiều lần nàng hy vọng sẽ viết một cuốn sách về tất cả những kinh nghiệm đã trải qua ở Trung Hoa trong tình thương và thông cảm. Nàng đã viết nhiều truyện ngắn và thơ nhưng chưa có được cuốn sách nào cả.
Tôi đưa cho nàng xem những ghi chú và những đoạn văn mà tôi thường viết khi nhàn rỗi, cho những bạn bè ở Anh quốc muốn biết những gì đang xảy ra tại Trung Hoa. Nàng xem xong, bảo tôi: "Đây là những chất liệu quý giá có thể dùng để cấu tạo nên một cuốn truyện. Tại sao chị không viết nó thành cuốn sách nhỉ?
Điều đó làm tôi run sợ. Anh văn của tôi, học từ hồi mười tuổi tại Bắc Kinh, và về sau này có được dồi dào thêm là nhờ đọc chứ chẳng phải nhờ thực tập, chắc đâu đủ để cho phép tôi viết thành một cuốn sách! Nhưng nhờ sự khích lệ nóng bỏng của Marian, tôi đã bắt tay vào việc hình thành cuốn Destination Tchoungking.
Cuốn sách này đã được viết bằng những tờ rời, từng đoạn một, đôi khi vào buổi tối, dưới ánh đèn dầu trong những cái còn lại của một căn phòng sau trận oanh tạc vừa qua; đôi khi vào buổi trưa, trở về nhà sau một cuộc đỡ đẻ kéo dài từ sáng tới tối; hoặc vào khoảng giữa công việc bếp núc nhà cửa và việc quan sát những dấu vết địch quân trên trời. Tôi đã từng đem theo bản thảo Destination Tchoungking vào hầm trú ẩn trong quả đồi gần nhà, nhét giữa cái nồi thổi cơm và con gái tôi.
Trong phần lớn thời gian viết cuốn sách này, Marian và tôi ở xa nhau. Tôi ở với Pao ở Trùng Khánh hoặc theo chàng xê dịch trong vùng Trung Hoa tự do. Nàng vẫn không rời bệnh viện của nàng ở Thành Đô. Tuy thế, sự hợp tác giữa chúng tôi vẫn không bị đứt khoảng, và điều này nói ra không khỏi tầm thường nhưng tôi vẫn cảm thấy phải nói, là nếu không nhờ có Marian sửa chữa, phê bình cùng tu bổ cho từng chương một, chắc chắn cuốn sách này đã không có dịp ra đời.
Ngay khi vừa hoàn tất một chương, tôi gửi bằng máy bay tới Marian liền. Bản thảo bay tới bay lui giữa tác giả và đồng tác giả(co-auteur) trên vòm trời Trùng Khánh, được đánh máy trên những tờ giấy thực mỏng với tất cả thận trọng và rõ ràng để có thể nhét vào phong thơ của bưu điện hàng không.
Rồi, một ngày đẹp trời nọ, nhà xuất bản nhận lời in.
Tuy nhiên, vào thời đó, chưa thể tiết lộ tên tác giả được vì một lý do kỳ khôi. Hồi đó, nhờ chồng tôi nên tôi tạm thời trở thành một nhân viên ngoại giao của xứ tôi. Các bà trong ngoại giao đoàn không được phép viết văn. Nơi chúng tôi sống, người ta coi viết văn như một nghề ít phụ nữ tính và độc hại, y như nghề kịch sĩ vậy. Ngay cả cuốn tự truyện đầy sinh động và duyên dáng, Huilan Koo, của bà Wellington Koo, phu nhân của ông đại sứ Trung Hoa tại Hoa Thịnh Đốn, đã đột nhiên bị cấm lưu hành một cách bất công. Cuốn sách của tôi không bị số phận đó, nhưng trong nhiều năm, tôi khá thấu đáo về vấn đề này.
Đó là câu chuyện đằng sau cuốn Destination Tchoungking của tôi.
Ngoài bài mở đầu này ra, kỳ dư tôi không hề sửa đổi chi tiết nào trong cuốn sách khả dĩ khác với lần xuất bản đầu tiên, trừ vài lỗi chính tả và văn phạm.
HÀN TÚ ANH
Tháng 2, 1953
Mời các bạn đón đọc
Đường Về Trùng Khánh của tác giả
Han Suyin.