DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Hội Chợ Phù Hoa - William Makepeace Thackeray

Tác giả William Makepeace Thackeray
Bộ sách
Thể loại Tiểu thuyết
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook prc pdf epub azw3
Lượt xem 8729
Từ khóa eBook prc pdf epub azw3 full William Makepeace Thackeray Tiểu thuyết Hiện thực Kinh điển Văn học Anh Văn học phương Tây
Nguồn e-thuvien.com
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY
William Makepeace Thackeray sinh ngày 18 tháng 7 năm 1811 tại Calcutta, Ấn Độ. Ông là con một viên chức của Công ty Ấn Độ, lãnh chức vụ tài phán ủy viên. Năm Thackeray lên 4 tuổi, cha ông từ trần, mẹ ông tái giá. Ông theo mẹ về nước Anh, được gửi theo học trong một trường tư thục ở Chiswich HamSơ. Lối giáo dục nghiệt ngã trong trường này khiến ông không chịu nổi, đã có lần ông phải bỏ trốn. Ta còn thấy dấu vết trường học này trong chương đầu cuốn Hội chợ phù hoa (Vanity Fair). Năm 18 tuổi, ông theo học luật khoa tại Đại học đường Cambridge, nhưng không tốt nghiệp. Ông tỏ ra có khuynh hướng châm biếm ngay từ hồi còn ít tuổi. Trong thời gian theo học tại trường đại học Cambridge, ông dành nhiều thì giờ cộng tác với những tờ báo trào phúng, thí dụ tờ Timbutoo, tờ Người học làm sang (The Snob) hơn là để trau dồi những kiến thức mà ông thấy vô ích.

Rời nhà trường, ông chính thức bước vào làng văn với những bài báo và những truyện ngắn có tính chất châm biếm. Nhờ gia sản của cha để lại, được hưởng một món lợi tức đồng niên khá dồi dào, ông có điều kiện du lịch nhiều nơi tại Âu châu. Ông có sống tại Weima (Đức) một thời gian để tìm hiểu phong tục địa phương và nghiên cứu về thi hào Goethe. Rải rác trong tác phẩm của ông, ta còn thấy một số chi tiết miêu tả sinh hoạt của giới quý tộc Đức, thí dụ đoạn tả tiểu triều đình Pumpernickel trong Hội Chợ Phù Hoa. Ông cũng đã sống tại Paris một thời gian khá lâu để theo học nghề hội họa. Trong lĩnh vực văn học cũng như trong lĩnh vực mỹ thuật, sở trường của ông rất thống nhất: ông có biệt tài về loại tranh biếm họa, đã một thời sinh nhai về nghề này tại Paris. Cũng tự tay ông đã vẽ những “vi-nhét” và những tranh minh họa in kèm tác phẩm Hội chợ phù hoa lần xuất bản thứ nhất. Kết quả của những cuộc du lịch ấy là những tập ký sự có tính chất châm biếm như Tập ký họa thành Paris (The Paris Sketch Book, 1840), Tập ký họa xứ Ai len (The Irish Sketch Book, 1843)v.v…

Hồi còn thanh niên, Thackeray sống một cuộc đời phong lưu, có dịp tiếp xúc nhiều với những người thuộc tầng lớp tư sản và quý tộc, nhân đó ông đã thu lượm được những tài liệu thực tế rất phong phú về cuộc sống vật chất và tinh thần của những hạng người này để đưa vào tác phẩm của mình. Người ta còn nói rằng vì vợ ông mắc bệnh loạn trí nên ông sinh ra chán đời, việc ấy có thể phần nào cũng ảnh hưởng tới cái nhìn bi quan của ông đối với cuộc sống, và khiến cho ngòi bút châm biếm của ông thêm chua chát, tàn nhẫn; tuy nhiên đó không phải là nguyên nhân chủ yếu. Thackeray sang Mỹ hai lần để diễn thuyết về văn học, đặc biệt là về vấn đề Những nhà văn trào phúng nước Anh thế kỷ thứ 18. Trở về nước, ông ứng cử vào Hạ Nghị viện, nhưng thất bại. Từ 1859 ông làm chủ bút một tờ báo lớn, tờ Tuần báo Cornhin (The Cornhill Magazine) được vài năm. Do làm việc quá nhiều, sức khỏe suy giảm, ông mất năm 1863 vì bệnh xung huyết não thọ 52 tuổi.
Văn nghiệp của Thackeray có tính chất khá thuần nhất. Ông viết nhiều loại truyện, cả truyện nhi đồng và truyện lịch sử, nhưng hầu hết văn phẩm của ông đều có tính chất châm biếm, nhằm đả kích xã hội tư sản quý tộc Anh đương thời. Trong số ấy, nổi tiếng nhất là những tác phẩm Cuốn sách của các ông học làm sang (The Book of Snob); Hội Chợ Phù Hoa; Truyện Penđennix (Pendennis)… Những tác phẩm này đã gây ra một dư luận sôi nổi – người tán thưởng nhiều mà kẻ ghen ghét dĩ nhiên cũng lắm – và nâng ông lên hàng những tiểu thuyết gia hiện thực ưu tú nhất trên văn đàn nước Anh. Đó là những tác phẩm bộc lộ đầy đủ nhất bản sắc tư tưởng của tác giả. Tác phẩm đầu tiên rọi ánh sáng vinh quang vào cuộc đời sáng tác của ông là cuốn Truyện các ông học làm sang nước Anh do một người trong bọn kể lại (The Snobs of England by One of themselves) in năm 1846; tác phẩm này gồm những bài tiểu luận có tính chất luân lý và chính trị, nội dung nhằm đả kích một cách cay độc những cái rởm đời và thối nát trong xã hội và chính giới nước Anh đương thời. Năm sau, ông cho xuất bản cuốn Hội Chợ Phù Hoa. Năm 1848 ông lại cho in cuốn Pendennis. Ngay từ cuốn Truyện các ông học làm sang nước Anh do một người trong bọn kể lại… nhiều người đã tỏ ý bất bình vì những nét đen thẫm trên những bức tranh biếm họa của ông; tới khi cuốn Pendennis ra đời, thì sự khó chịu biến thành sự thù ghét, vì rất nhiều người thuộc các tầng lớp trên cảm thấy hình như tác giả muốn ám chỉ chính họ. Thackeray gặp khá nhiều khó khăn trong việc ấn hành những tác phẩm này.

Hội Chợ Phù Hoa được coi là một kiệt tác của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Anh thế kỷ 19; đó là một trong năm tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học Anh-cát-lợi. Mới đầu cuốn truyện được mang tên là Những bức ký họa về xã hội nước Anh (Sketches of English Society) về sau tác giả đổi là Hội Chợ Phù Hoa; cái tên có tính chất tượng trưng này thích hợp với nội dung hơn vì bao hàm cả thái độ phủ định của Thackeray đối với xã hội đương thời. Lần ấn hành thứ nhất, ngoài bìa có ghi câu “Một cuốn truyện không có nhân vật tiêu biểu cho một hạng người, một thói xấu, hoặc một tầng lớp xã hội; toàn bộ tác phẩm là một bức tranh toàn cảnh miêu tả xã hội nước Anh đương thời, do đó các nhân vật có địa vị quan trọng như nhau, không phân biệt chính phụ”. Thật ra cuốn tiểu thuyết vẫn có những nhân vật chính, và một nhân vật trung tâm là Rebecca Sharp.

Nội dung chủ yếu của Hội Chợ Phù Hoa xoay quanh việc “làm nên” của Rebecca, một thiếu nữ “con nhà hà tiện”, cha là một họa sĩ trác táng, mẹ là một vũ nữ người Pháp. Thiếu giáo dục từ nhỏ, nhưng nhờ có sắc đẹp, lại thông minh và tài hoa, từ chỗ bơ vơ côi cút, bị khinh rẻ, cô ta trở thành con dâu của gia đình Crawley, một gia đình quý tộc thôn quê. Dựa vào địa vị nhà chồng, và nhờ những mánh khóe xảo quyệt riêng, dần dần Rebecca len lỏi được vào giới thượng lưu quý tộc nước Anh và nước Pháp, trở thành một bậc mệnh phụ, danh vọng lẫy lừng, được triều kiến cả hoàng đế George đệ tứ. Song chính những thủ đoạn đê tiện Rebecca dùng để mưu danh lợi về sau đã làm hại cô ta; Rebecca ngoại tình với một hầu tước để lợi dụng y; việc vỡ lở; cô ta bị quẳng ra khỏi xã hội thượng lưu một cách tàn nhẫn. Cô gái sớm hư hỏng ấy trở lại cuộc đời tăm tối cũ; bị cái giới thượng lưu thanh cao một cách giả dối kia ruồng bỏ, càng ngày cô càng chìm sâu xuống vũng bùn trụy lạc. Khi đã luống tuổi, chán cảnh lăn lộn vô ích, Rebecca đành sống cuộc đời tầm thường như mọi người; và nhờ số tiền kiếm được một cách bất chính, Rebecca cũng được thiên hạ kính trọng như một người có đạo đức. Xen vào câu chuyện lên voi xuống chó của Rebecca là những mẩu phim linh hoạt trình bày cuộc sống và tâm lý của nhiều hạng người khác nhau thuộc giai cấp quý tộc, giai cấp tư sản, tầng lớp trung lưu trong xã hội nước Anh đương thời: gia đình ông Sedley, một người làm nghề buôn cổ phiếu, bị cuộc chiến tranh Napoléon làm cho phá sản, lâm vào cảnh khốn cùng, nhưng vẫn luyến tiếc thời kỳ còn ôm giấc mộng làm giàu, gia đình lão Osborne, nhà tư sản buôn sáp, với một nền luân lý đặc biệt của khu City thành Luân Đôn, lấy đồng tiền làm tiêu chuẩn, gia đình Crawley, một gia đình quý tộc lâu đời ở thôn quê với đủ những cái thối tha lục đục trong nội bộ, gia đình Gôn mà người cầm đầu là hầu tước Xtên, với mâu thuẫn trắng trợn giữa cái bề ngoài đầy uy thế của một nhà đại quý tộc và thực chất bất nhân phi nghĩa của một tên lưu manh… tất cả lồng vào câu chuyện tình vừa lãng mạn vừa tức cười của bộ ba Amelia, George Osborne, và Dobbin.

Thế kỷ thứ 19, chế độ tư bản nước Anh đang trong giai đoạn phát triển cực thịnh; năm 1875, tính ra bốn phần năm dân số Anh sống về công nghiệp. Lợi nhuận bóc lột được của công nhân trong nước và vơ vét được tại các thuộc địa tạo điều kiện cho giai cấp tư sản và giai cấp quý tộc tư sản hóa sinh hoạt hết sức xa xỉ. Bề ngoài xã hội Anh đương thời có một bộ mặt phồn vinh; việc kinh doanh dễ đem lại những món lợi lớn; địa vị của giai cấp tư sản trong xã hội được nâng cao; sự cấu kết giữa giai cấp phong kiến và giai cấp tư sản càng chặt chẽ hơn. Giai cấp quý tộc đi vào con đường kinh doanh tư bản để thu lợi nhuận, hoặc liên kết với giai cấp tư sản để lấy tiền mạ vàng lại huy hiệu của dòng họ; ngược lại, giai cấp tư sản cũng muốn quý tộc hóa đồng tiền của mình bằng cách kết liên với giai cấp phong kiến, đồng thời đó cũng là một cách nhờ hơi hướng địa vị của giai cấp này nhằm bước vào lĩnh vực hoạt động chính trị dễ dàng hơn. Trong ngai vàng ngư trị xã hội, có hai thế lực cùng ngồi song song, là đồng tiền và danh vọng. Đó là hai thế lực có tác dụng nhào nặn tâm lý con người đúc theo một cái khuôn chung, và biến cuộc đời thành một cái chợ trong đó mọi thứ quan hệ đều có tính chất “tiền trao cháo múc”. Cuộc chạy đua theo đồng tiền và danh vọng lôi cuốn tất cả các tầng lớp từ bậc trung lưu trở lên. Tôn giáo bị giảm bớt hiệu lực, vì một nền luân lý mới có tính chất thực tiễn hơn đã hình thành: hạnh phúc tối cao của cuộc đời là có địa vị sang trọng và có thật nhiều tiền, vì thiên hạ đang xô nhau vào mà quỳ lụy, bợ đỡ, sợ hãi kính phục kẻ có của và có địa vị. Đạo đức và tài năng trở thành những thứ đồ cổ bị gạt ra bên lề cuộc sống, bởi lẽ trong một xã hội thương mại chỉ có hai thần tượng được người ta phụng thờ là đồng tiền và uy thế của dòng họ; kẻ có tài nhưng nghèo túng và xuất thân tăm tối của mình. Văn hào Stendhal[3] đã có một nhận xét lý thú: “Trí thông minh và thiên tài đặt chân lên nước Anh là mất ngay hai mươi lăm phần trăm giá trị”; ông muốn nói tới cái “Tinh thần chiết khấu” đặc biệt thương mại thấm nhuần trong mọi quan hệ của xã hội Anh.

Một mặt khác, đời sống của quần chúng lao động rất cực khổ. Sau chiến tranh chống Napoleon (kết thúc năm 1815), nông thôn tiêu điều xơ xác vì giá lúa mì sụt kinh khủng đến nỗi nhiều nông dân đốt cả cối xay bột; đạo luật khoanh đất cướp ruộng vẫn tiếp tục thi hành; tầng lớp trung gian ở nông thôn giảm đi trông thấy; họ lũ lượt kéo ra thành thị và bị vô sản hóa, hoặc biến thành tá điền làm thuê cho địa chủ. Công nghiệp không dùng hết người, vì kỹ thuật phát triển đòi hỏi tương đối ít nhân công; lại thêm số binh lính quá đông không cần thiết trong thời bình trở thành một gánh nặng cho ngân sách; chính phủ quyết định thải hồi tất cả dân vệ. Do đó thành thị đầy dẫy những đoàn người thất nghiệp; nạn bần cùng lan tràn khắp nơi. Những mâu thuẫn xã hội trầm trọng đến mức sắp nổ ra những vụ bạo động lớn (thí dụ ngày 23-2-1820 sở mật vụ khám phá ra một cuộc âm mưu giết toàn bộ chính phủ, do Thistlewood cầm đầu, tức là: Vụ án phố Ca- tô Chính mâu thuẫn xã hội này giải thích sự phát triển đặc biệt của phong trào “Nghiệp đoàn” (Trade-Unions) và sự ra đời của tư tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng do Owen đề xướng (1833); về mặt văn học, nó là động lực thúc đẩy sự phát triển của khuynh hướng hiện thực manh nha từ thế kỷ 18, trở thành xu hướng văn học chủ yếu dưới triều đại Victôria thế kỷ 19. Hai đại diện ưu tú của văn học hiện thực thời kỳ này là Thackeray và Đickenx. Tuy cùng chung một thái độ phủ định đối với xã hội đương thời, nhưng đối tượng miêu tả của hai người khác nhau.

Thackeray khác Dickens ở điểm ít quan tâm nêu những mâu thuẫn giữa các tầng lớp xã hội đối kháng, cũng như ít chú ý đến vào việc đả kích các tầng lớp thống trị, và có con mắt quan sát tâm lý thấu đáo hơn.

Khuynh hướng trào phúng nảy nở trong văn học Anh từ giữa thế kỷ 18. Những người đại diện của khuynh hướng đó là Smolett và Jonathan Swift[4]. Đó là tiếng nói phản kháng lại những sự bất công trong xã hội; khuynh hướng ấy được kết tinh ở Thackeray. Ông đại diện cho tài năng chân chính bị miệt thị; trong tiếng cười cay độc của ông có phần nào sự phẫn nộ của quần chúng. Chủ nghĩa hiện thực ở Thackeray mang mầu sắc luân lý rõ rệt; ông muốn đứng trên quan điểm đạo đức mà soi mói cuộc đời và rút ra những bài học về cách xử thế.
Chủ đề của Hội chợ phù hoa – như tên cuốn truyện cũng cho ta rõ một phần – là sự vô nghĩa, sự phù phiếm của cuộc đời, một tấn hài kịch lớn, trong đó mỗi con người sắm một vai trò mà không tự biết, hoặc một cảnh hội chợ hỗn tạp, trong đó chỉ toàn là những sự phô trương mua bán, và mọi thứ đều là những món hàng. Tác giả tự coi vừa là một anh hề sắm vai trò để mua vui cho thiên hạ, vừa là nhà đạo diễn cô lại hình ảnh của cuộc sống trong một màn kịch múa rối. Khuynh hướng vạch những nét “mặt trái đời” toát ra trong toàn bộ tác phẩm từ chương đầu đến chương cuối. Tác giả muốn rút ra một bài học luân lý; tác phẩm có tính chất như một bài ngụ ngôn dài. Tất cả những cái gì gọi là cao quý, tốt đẹp, mà thiên hạ hằng khao khát và thiết tha gắn bó, thực ra chỉ là những chuyện hết sức vô nghĩa, thí dụ như danh vọng, tiền tài, những cái vẫn gọi là những đức tính, và ngay cả những tình cảm thiêng liêng như tình cha con, tình bè bạn, tình vợ chồng… nhiều khi cũng chỉ là câu chuyện khôi hài.

Dưới mắt tác giả, đạo đức vẫn khoác tấm áo thêu kim tuyến lộng lẫy như cũ, nhưng lật lên chỉ thấy những tình cảm đê tiện trần truồng: sự tính toán vị kỷ, lòng vụ lợi, thói giả nhân giả nghĩa, tính phô trương rởm đời, sự lường gạt kèn cựa. Mỗi nhân vật trong tác phẩm tiêu biểu cho một thói xấu, một giai cấp; mỗi người mỗi vẻ, nhưng tất cả đều mang trên mình con dấu chính của thời đại, tức là hình ảnh dục vọng hung hãn đè nén và tiêu diệt thiên lương; do đó con người ta ở đời không nên phí sức mà tranh danh đoạt lợi, hãy nên biết tiết chế dục vọng của mình.

Nhà luân lý Thackeray đã nhìn xã hội nước Anh – đúng hơn là xã hội thượng lưu trưởng giả nước Anh – với con mắt rất bi quan, hoài nghi, nhưng không thờ ơ, trái lại hết sức soi mói; do đó những chi tiết nêu lên trong tác phẩm có một giá trị hiện thực lớn.

Mũi nhọn đả kích của tác giả chĩa thẳng vào những tầng lớp đang chễm chệ ngồi trên cổ quần chúng lao động.

Ngòi bút của ông tỏ ra không thương xót đối với giai cấp quý tộc. Khác với giới quý tộc Pháp bị phá sản sau cách mạng, chuyên sống bằng những thủ đoạn bịp bợm, giới quý tộc tư sản nước Anh vẫn giữ được hầu hết những đặc quyền; nhưng không phải vì vậy mà bản chất của chúng khác nhau. Sinh hoạt thối nát, tư cách đê tiện, mâu thuẫn giữa địa vị tôn quý và tâm lý xảo quyệt, bỉ ổi, bất nhân, đó là những nét đặc trưng của giai cấp quý tộc Anh từ nhỏ đến lớn, được nêu bật qua hai nhân vật điển hình là tôn ông Pitt Crawley và hầu tước Xtên.

Tôn ông Pitt Crawley đại diện cho tầng lớp quý tộc thôn quê, chúa đất một vùng, nghị sĩ quốc hội, lãnh chức vụ “bảo an đại quan”[5] một quận; lão bóc lột nông dân tàn nhẫn đến mức hầu hết tá điền trong trang trại của lão đều bị phá sản. Lão lại có thói keo cú bủn xỉn: Ở trại, lão khoác bộ áo đài các của ông chúa một vùng, nhưng hễ ra tỉnh là nơi không ai biết mặt biết tên, lão ăn ở bần tiện đến bẩn thỉu: chia đôi củ hành rán với người ở, đòi lại từng xu lẻ tiền tiêu vặt… Nhà nghị sĩ quốc hội ấy có cái đức không thèm đọc thông viết thạo; là đại diện cho dân nhưng lão chỉ thích những chuyện bắt người, đánh người. Lạc thú duy nhất của lão trên đời là rượu, đàn bà và kiện tụng.

Con người lấy vật dục làm lẽ sống ấy, hoàn toàn vô tín ngưỡng, coi em ruột như quân thù, đánh vợ như bổ củi, không hề biết giáo dục con cái là gì. Càng già lão càng trác táng một cách trắng trợn; mảnh áo sĩ diện đã rách nát, lúc gần kề miệng lỗ, lão lột vứt bỏ nốt. Tác giả đã phải phẫn nỗ kêu lên: “Hội chợ phù hoa!… Tại đây có một thằng đọc không thông, cũng không chịu tập đọc… có những thói quen và tính xảo quyệt của một thằng biển lận, suốt đời chỉ có một lẽ sống là đi lừa vặt thiên hạ, chỉ biết những sở thích, những tình cảm, những thú vui bần tiện bẩn thỉu; vậy mà không rõ tại sao hắn có đủ cả địa vị, danh vọng và quyền lực, lại là một bậc tai mắt trong xứ, một cây cột trụ của nhà nước!… Trong Hội chợ phù hoa, hắn chiếm một địa vị cao hơn cả những tài năng lỗi lạc nhất hoặc những người đạo đức trong sạch nhất”.
Tác giả trình bày cho ta rõ nguyên nhân gây ra tất cả những sự sa đọa của tôn ông Pitt là sự giàu có thái quá.

Chính cái sản nghiệp đồ sộ đã đẩy lão tới thói biển lận và sự trác táng. Lại cũng chính sự giàu có cung cấp cho lão đủ mọi thứ khoái lạc vật chất trên đời, cho nên lão không thiết gì đến tôn giáo, mà cũng không thể vươn tới tín ngưỡng được như Chúa trời đã nói: “Kẻ giàu có muốn lên thiên đường, khó như con lạc đà chui qua lỗ kim”. Đó cũng là nguyên nhân gây ra mối mâu thuẫn đặc biệt giữa lão và ông em trai là mục sư Biutơ Crawley. Suốt đời lão đã tự ý bóp nghẹt tất cả những tình cảm cao quý để thay vào bằng những dục vọng hạ cấp; nhưng đến khi bị thần bệnh làm tê liệt thân thể, bất lực không còn hưởng thụ được nữa, lão mới cảm thấy một sự trống trải ghê gớm xâm chiếm tâm hồn; ấy là lúc phần con người của lão sống lại: lão bám lấy người con dâu dịu dàng hiền hậu để cố sống lấy một chút tình cảm đẹp đẽ trước khi từ giã cõi trần, như một kẻ suốt đời làm ác, lúc hấp hối mới thoáng có một phút ăn năn thành thực.

Nếu Pitt Crawley tiêu biểu cho hạng quý tộc thôn quê ngu dốt, tục tằn và bần tiện, thì hầu tước Xtên tiêu biểu cho giới đại quý tộc ở triều đình, danh vọng to, quyền thế lớn, nhưng cũng sa đọa một cách lịch sự hơn, có học thức, tế nhị và thông minh, nhưng cũng xảo quyệt và tàn nhẫn hơn. Lão là trụ cột của triều đình, tiền nhiều của nhiều, mà nói đến những dục vọng đê tiện thì cũng không ai bằng lão.

Lão vớ được tước hầu trong một canh bạc, lấy thế lực và tiền tài để mua dư luận báo chí, chuyên dùng bả vinh hoa để quyến rũ đàn bà con gái và căn cứ vào kinh nghiệm của mình, coi rẻ nhân phẩm của tất cả những ông chồng có vợ đẹp. Đúng tư cách một nhà quý tộc, lão thù ghét con trai cả, vì hắn là kẻ đang nhòm ngó địa vị hầu tước thế tập và cái gia tài kếch xù của lão. Trước mặt thiên hạ, lão là một nhân vật thượng lưu kiểu mẫu, được giới quý tộc coi là “khuôn vàng thước ngọc” cho cách ăn ở, nhưng trong gia đình, đối với vợ con, lão là “một tên bạo chúa” lão bắt vợ ngồi ăn với bọn đĩ rạc, buộc vợ phải tiếp nhân tình của lão thật lịch sự, diếc móc con dâu một cách thô bỉ tàn tệ; trong cái gia đình tôn quý ấy lại cũng có cảnh “ông ăn chả, bà ăn nem”. Lão không từ cả thủ đoạn cho tay sai giam người chồng lại, để tự do với vợ người ta, và khi bị làm nhục thì phái người đi dàn xếp và bảo vệ danh dự bằng cách chuồn ra nước ngoài?… Hầu tước Xtên thuộc loại người quá nhiều tiền bạc và thế lực, sống chỉ cốt thu hết hương nhụy của cuộc đời; lão là con đẻ của một chế độ tất yếu sản sinh ra những tên bạo chúa.

Tác giả đã nêu lên một nét tâm lý đặc sắc của hạng người này là cuộc sống sa đọa đã làm cho con người của chúng biến tính: quen được cuộc đời chiều chuộng quá đầy đủ, chính hầu tước Xtên đâm ra chán ngấy tất cả những lạc thú vật dục nhưng vẫn lao theo những lạc thú ấy do thói quen không cưỡng được như một người trên cái dốc trơn tuột. Lão khuyên Rebecca, nhân tình của lão rằng:

“Gặm cỏ tươi ngoài đồng nội lại ngon hơn xơi cỏ khô trong chuồng”, nhưng lão vẫn cứ dùng “mớ cỏ khô lão đã ngấy để làm mồi dử những con bò non ngờ nghệch”; thì ra xã hội thượng lưu đã tạo cho lão thói sáng suốt trong sự phạm tội. Mặt khác, quen chà đạp và làm hư hỏng người khác, dần dần lão thù ghét và khinh bỉ hết thẩy mọi người, và trong tâm hồn lão, những tình cảm tốt đẹp cũng hoàn toàn tê liệt. Lão chỉ có cảm tình với hạng người tồi tệ, phản bội! Lão yêu Rebecca không những vì dục tình, mà còn vì cô ta là hiện thân của người đàn bà lý tưởng xứng đáng với lão. Rebecca cũng có những dục vọng mãnh liệt, cũng thông minh song xảo quyệt, cũng vô tình, vô nghĩa và dám liều lĩnh không kém gì lão. Cho nên chỉ có một lần hầu tước Xtên say sưa hào hứng, tức là lần xem Rebecca đóng vai kịch Clytemnet giết chồng như thật; có thể nói buổi tối hôm ấy lão mới yêu Rebecca thật sự.

Một đặc điểm thống nhất giữa Xtên và Pitt Crawley là thái độ vô tín ngưỡng. Pitt vì ngu dốt không hiểu được tôn giáo, và cũng vì không cần tới tôn giáo nên coi rẻ; nhưng Xtên thông minh, có học mà cũng không thiết gì đến Chúa trời. Hắn nuôi hai tu sĩ trong nhà, một mục sư Anh quốc giáo, một linh mục Gia-tô giáo chính thống, để thỉnh thoảng khích bác họ cãi lộn nhau mua vui. Tinh thần vụ lợi của thời đại đã hạ thấp vai trò tín ngưỡng xuống thành một vật trang sức, Xtên là một quan lớn còn cần tới nó phần nào để che mắt thế gian, nhưng Pitt không cần thì vứt xó.

Đúng như văn hào Voltaire[6] đã nhận xét: “Điểm khác nhau giữa phái Whig và phái Tory[7] là “phái Wich thì không có tín ngưỡng mà phái Tory thì chỉ có một tí”. Hình ảnh Pitt Crawley (con trai) minh họa cho nhận định này: hắn làm ra vẻ mộ đạo để được lòng mẹ vợ, nhưng hắn cũng sẵn sàng nhảy từ Gia-tô giáo chính thống sang Anh quốc giáo để dễ mưu địa vị trong chính giới, và Pitt là một tay Tory chính cống.
Tóm lại, tàn nhẫn, bất nhân, sa đọa, hèn nhát, vô tình vô nghĩa và vô tín ngưỡng… đó là hình ảnh trung thực của giới quý tộc Anh đang phá sản về mặt tinh thần. Đáng tức cười hơn nữa là những nhân vật thượng lưu quý phái ấy vẫn cứ “thành thực” tưởng mình là cao quý hơn người.

Chúng tin tưởng vào giá trị của “dòng máu xanh” mang trong người, khinh miệt tất cả các tầng lớp xã hội khác.

Chúng bám lấy giai cấp tư sản để làm tiền, nhưng vẫn có thái độ rẻ rúng. Trong khi ấy bọn con cái nhà tư sản lại ra sức leo lên địa vị quý tộc để rồi quay lại miệt thị ngay chính giai cấp mình. Thể hiện những nhân vật vẫn được coi là hạng người tôn quý với những nét tâm lý trên, Thackeray đại diện cho quần chúng muốn phá bỏ cái uy thế đã mọt ruỗng của một giai cấp vẫn cố níu lấy địa vị thống trị xã hội, và đòi tiêu biểu cho cả một dân tộc. Việc làm này của ông hoàn toàn có ý thức; trong Cuốn sách của các ông học làm sang nước Anh, Thackeray có viết: “Bậc thang giai cấp và những sự phân biệt chỉ là một luận điệu lừa bịp, phải đem quẳng nó vào lửa mà đốt. Sắp xếp chỗ ngồi theo thứ bực địa vị, đó là việc của các ông phụ trách nghi thức nào biết tổ chức sự bình đẳng”.

Đối với nhà vua, tác giả cũng không nể nang hơn mấy tí. Hãy xem ông miêu tả hoàng đế Georgeđệ tứ ngự xem kịch tại rạp Opera: “Thì người ngồi kia… mặt mũi phương phi rạng rỡ, thân hình thật phì nộn, khắp người la liệt huy chương, mớ tóc giả rậm rạp xoăn tít. Phải, chúng mình đã được chiêm ngưỡng dung nhan của Người. Số mệnh cũng không cướp được của chúng mình kỷ niệm ấy đi… chúng mình có thể khoe với con cháu mà không sợ quá lời rằng đã từng được nhìn mặt hoàng đế George đại từ đại bi, hoàng đế George chí tôn, hoàng đế George vĩ đại”. Lời lẽ kín đáo tưởng như ca tụng, nhưng ý tứ châm biếm tưởng cũng rõ ràng, vì con người thực của George đệ tứ là một kẻ trác táng, mê đánh bạc, công nợ ngập mặt, dối trá và bất hiếu. Sở dĩ ông chưa hạ nhà vua xuống xếp ngang hàng cùng hầu tước Xtên khi đả kích, có lẽ vì ông còn muốn cho tác phẩm được ra mắt công chúng.

Đối với giai cấp tư sản, ông cũng tỏ ra không thương xót. Nhân vật đại diện cho giai cấp này là lão Osborne, chủ một hãng buôn sáp lớn ở khu City. Vận mệnh và tâm lý nhân vật này phản ánh rất đúng những đặc điểm của giai cấp tư sản. Xuất thân là một người nghèo, ít học nhờ khôn ngoan và tàn nhẫn, lão leo lên địa vị một đại thương gia, và khi đó tính tình cũng thay đổi theo sự sinh hoạt. Suốt đời chạy theo đồng tiền, lão cam chịu cho đồng tiền chi phối cả tư tưởng và hành động của mình. Lão không ngần ngại trả ơn ân nhân cũ bằng sự vu cáo, sự phản bội, khi tình bạn ấy không còn có lợi gì nữa. Lão tàn nhẫn phá hoại mối lương duyên của con trai, vì bên thông gia đã bị phá sản không còn xứng đáng là chỗ “môn đăng hộ đối”; lão yêu quý đứa con trai độc nhất như vàng, nhưng cũng sẵn sàng từ bỏ và coi con mình như kẻ thù chỉ vì anh ta dám cưỡng lại ý lão, không chịu lấy một cô gái lai da đen triệu phú làm vợ. Về sau, tiếc quá, lão lại đích thân ngỏ lời cầu hôn cho chính mình! Niềm kiêu hãnh duy nhất của lão là sự giàu có; ước vọng duy nhất của lão là được thấy con trai nhờ tiền, nhờ vợ, len lỏi được vào hàng quý tộc, vì đã có “lợi”, lão chỉ còn thiếu có “danh”. Nếu sau này, lão có ý tha thứ cho con trai và đem đứa cháu nội về nuôi, thì một phần vì bản chất con người trong lão chưa tắt hẳn, nhưng chủ yếu là vì đứa trẻ có vẻ mặt dáng điệu của con nhà quý tộc, hứa hẹn rất nhiều sẽ thỏa mãn nguyện vọng của ông nội. Chính sự giằng co gay gắt giữa tình cảm cha con và lòng ham danh lợi trong người lão lại càng cho ta rõ hơn tác dụng phá hoại của đồng tiền đối với bản chất tốt đẹp của con người. Trong xã hội tư bản, những tình cảm thiêng liêng nhất cũng có thể trở thành những món hàng; có thể lấy nhân vật Bơlôc, con rể lão Osborne làm thí dụ. Trước khi lấy vợ, hắn đắn đo cẩn thận, mặc cả rạch ròi về món tiền hồi môn, thận trọng như một thương gia khi hùn vốn vào một công ty. Trước những tai họa xảy đến cho gia đình nhà vợ, hắn có một thái độ điển hình cho “tâm lý lạnh lẽo giá băng của đồng tiền”: hắn coi việc George Osborne bị bố từ là một dịp để kiếm thêm vạn đồng bảng Anh trong phần gia tài của vợ, và khi hay tin bố vợ chết, câu nói đầu tiên của hắn là: “Ông cụ để lại cho thằng bé bao nhiêu tiền đấy hả?… Nhất định không phải là một nửa gia tài chứ? Phải chia làm ba phần đều nhau, dứt khoát thế!”
Tóm lại, qua tác phẩm, cái thế lực hung hãn và cái bản chất vô tình vô nghĩa của đồng tiền đã được minh họa bằng những nét đen thẫm.
Trong xã hội cũ, loại người to tiếng nhất dạy luân lý cho người ta là mấy vị tu sĩ. Nhưng trong Hội chợ phù hoa, ông mục sư Biutơ Crawley đã không xứng đáng đại diện cho giới mình chút nào. Ông ta đi chơi suốt đêm thứ bẩy sáng sớm chủ nhật mới hối hả mò về nhà thờ giảng đạo; bài thuyết giáo thường do bà vợ soạn sẵn hộ, ông ta cứ lên bục giảng mà không cần hiểu ý nghĩa ra sao. Ông thuộc loại tu sĩ sành thể thao, ham tiệc tùng hơn việc Chúa: đức cha rất thánh lại có đầy đủ những thói xấu của con chiên vẫn được ngài thuyết giáo hàng tuần, nghĩa là tham ăn tục uống, hám lợi, đạo đức giả và thô bỉ. Giáo điều đã mất cả hiệu lực ngay cả đối với những kẻ tự nhận là thay mặt Chúa trời. Lại có thể dẫn thêm một thí dụ khác là ngài “tiến sĩ thần học” bị giam cùng Rawdon vì tội quỵt nợ.

Những chi tiết trên rút từ thực tế hàng ngày của giới tu sĩ Anh quốc đương thời. Hồi ấy, giới tu sĩ nước Anh chia làm hai tầng lớp; lớp tu sĩ cao cấp sinh hoạt rất xa xỉ, chuyên việc săn sóc linh hồn cho bọn quý tộc và tư sản lớn, hoàn việc săn sóc linh hồn cho bọn quý tộc và tư sản lớn, hoàn toàn cách biệt với người dân thường; còn tầng lớp mục sư ở nông thôn thì lại quá thiếu thốn, quanh năm lo chuyện ăn mặc và kiếm thêm tiền để dành, nhiều hơn là lo việc Chúa. Cả hai loại giống nhau ở một điểm là coi việc đi tu như một nghề để kiếm miếng sinh nhai. Henry Prentout, sử gia người Pháp, miêu tả họ như sau: “Đó là loại thầy tu giao tế, không hiểu biết mấy về giới thượng lưu chân chính và những phong tục đẹp đẽ, được anh chức sau một cuộc sát hạch qua loa, và chỉ được cung cấp một số vốn liếng kiến thức hết sức sơ sài về thần học trong các trường đại học. Có lợi nhuận kha khá… lấy vợ có của… mang đủ các đức tính cũng như thói xấu của các nhà quý tộc trang chủ, ham săn cầy cáo, thích uống rượu mạnh… quanh năm chỉ hành lễ chừng bốn lần nhân những ngày hội lớn, và nhiều khi cũng hành lễ qua loa tắc trách với một thái độ không đứng đắn lắm”[8]. Cũng theo Prentout, nhiều người vì túng thiếu, lấy cả chị hầu phòng làm vợ để nhờ vả vốn liếng; trong Hội chợ phù hoa cũng có nhắc đến sự thực tức cười này. Vậy thì Biutơ Crawley chưa phải là một hình ảnh phóng đại. Ta không lạ khi thấy tác phẩm vừa xuất bản được một phần, đã bị nhao nhao phản đối, vì Thackeray đã cầy tung cả nền móng tinh thần của xã hội Anh đương thời, là tín ngưỡng và sự tôn trọng giai cấp quý tộc.

Nhân vật được tác giả khắc gọt công phu hơn cả chính là Rebecca Sharp, vai trò chính của vở kịch múa rối. Nhân vật này đại diện cho thói xấu chung của người đời: lòng ham danh lợi. Xã hội phong kiến tư sản đã để lại những vết hoen ố trong tâm lý của tất cả mọi người hút thở cái không khí vẩn đục của nó. Tác giả muốn cho thấy con người ta không có một cơ sở đạo đức vững vàng, khi bị lôi cuốn vào cơn lốc của dục vọng, thì bị sa đọa ghê gớm đến thế nào. Thiếu giáo dục từ nhỏ, sớm hư hỏng trong một môi trường vẩn đục, Rebecca đã lấy ngay nhan sắc và những tình cảm đẹp đẽ thiêng liêng nhất ra buôn bán, đánh đổi lấy tiền bạc và danh vọng. Mới mười bảy tuổi, vừa chân ướt chân ráo bước vào gia đình một cô bạn đã tỏ ra rộng lượng che chở cho mình, Rebecca đã trắng trợn “mồi chài” người anh cô bạn vì biết anh ta lắm tiền: thói hám lợi đã làm thui chột mất tính e lệ bẩm sinh của người con gái mới lớn. Đối với Rebecca, lấy chồng không phải vì tình, cũng không phải vì dục, mà cốt để làm một bậc thang leo lên địa vị cao sang, cho nên lấy lão Pitt Crawley đã ngoài bảy mươi, hoặc lấy Rawdon là con trai lão, đối với cô ta không khác gì nhau. Trong đời, chỉ có một lần cô ta rỏ những giọt nước mắt thành thực duy nhất, ấy là khi lão Pít ưa “chơi trống bỏi” tỏ tình với cô ta quá muộn, khi cô ta đã trót ăn ở với Rawdon rồi. Rebecca lợi dụng mọi cơ hội mang ngay cái vốn sắc đẹp và sự thông minh của mình ra đặt lãi: cô ta tán tỉnh Joe Sedley, chiều chuộng lão Pitt, ve vãn Rawdon, mơn trớn ông anh chồng, đóng kịch với bạn chồng để xin tiền, õng ẹo với hầu tước Xtên để bòn xu, và dĩ nhiên phải đi đến kết quả là ngoại tình, đánh đổi tiết hạnh lấy tấm giấy một nghìn đồng. Tính toán và lừa dối, đó là nguyên tắc xử thế của người đàn bà xảo trá này; Rebecca sẵn sàng chà đạp lên tất cả những cái gì cao quý thiêng liêng nhất để đi đến thành công. Ở Rebecca, hầu như không có sự giằng co giữa cái thiện với cái ác, vì cơn bão táp của vật dục quá dữ dội, ngọn lửa le lói của lương tâm vừa lóe lên đã tắt phụt rồi. Cái tiết hạnh trước kia vẫn nâng niu để mang trao đổi dè sẻn và giấu giếm với giá đắt, sau khi bị thất bại thảm hại, Rebecca sẵn sàng đem ra công khai “bán phá giá” cho bất cứ hạng người nào, điều đó ta cũng dễ hiểu, vì nó đã thành một món hàng hết được tín nhiệm.

Tác giả vẽ Rebecca với những nét tàn nhẫn như thế, cốt gây một sự ghê tởm đối với con người là hiện thân của lòng ham danh lợi, và qua đó, cho ta thấy hết cái vô nghĩa, cái tác dụng phá hoại của nó. Những thủ đoạn ô uế Rebecca dùng để tiến thủ trong đời đã nhấn nhân phẩm của cô ta sa xuống hố trụy lạc, người đọc mới thấy ghê tởm. Thackeray muốn cho rằng con người xấu xa là do tính bẩm sinh, nhưng khi thể hiện qua hình tượng, ta thấy rõ ràng thói phù hoa đã gạn chơi hết những phần tốt đẹp trong con người của Rebecca, chỉ còn để lại phần cặn đục ngầu.

Nhảy múa xung quanh Rebecca là một số nhân vật khác, được xây dựng để nêu bật ý nghĩa sau: xã hội quý tộc đẻ ra sự kiêu ngạo, sự xảo quyệt; xã hội thương mại đẻ ra tính tham lam, thói vị kỷ; những thói xấu ấy thấm vào từng thớ thịt mọi hạng người, khiến cho cha con, anh em thù hằn nhau, chị em khinh rẻ ghen ghét nhau, vợ chồng lừa dối nhau, khiến cho ngay trong nhà trường, những đứa trẻ đang tuổi trong trắng cũng đã tiêm nhiễm thói phân biệt đẳng cấp… Chỗ nào ta cũng thấy bàn tay của sự tính toán xen vào, nó tự do cắt đứt hoặc nối lại mối dây ràng buộc mọi thứ tình cảm. Thói giả nhân giả nghĩa mặc áo đội mũ ngang nhiên đi lại giữa cuộc đời; người ta mặc cả tình nghĩa, mua bán tiếng tăm, thay đổi quan điểm tôn giáo như thay áo để mưu lợi. Tóm lại, cá nhân chủ nghĩa đã thống trị xã hội với những biểu hiện trắng trợn nhất của nó.

Với tính chất là một nhà tiểu thuyết miêu tả phong tục, Thackeray còn trình bày cho ta nhiều mẫu người đặc biệt khác của thời đại. Rebecca còn tiêu biểu cho loại đàn bà xảo quyệt đầy dục vọng thấp hèn, đem tai họa cho bất cứ người nào bị cô ta bấu lấy trong đời. Joe Sedley là hình ảnh con người có bản chất tốt song ngốc nghếch và tự mãn, sống ngơ ngác giữa cuộc đời để bị chết chẹt giữa cái xô bồ hỗn độn của mọi sự tranh giành trong cuộc sống; Rawdon thuộc loại quý tộc lưu manh, sống bằng sự lừa bịp thiên hạ, lường gạt cả đầy tớ; George Osborne đại diện cho các cậu công tử bột “giẻ cùi tốt mã” con nhà tư sản quen thói “bốc trời”; Wenham và Wage là hình ảnh của loại nghị sĩ và trí thức đầy dẫy trong xã hội tư sản, đánh đĩ ngòi bút, ca tụng bọn đĩ rạc được bọn quý tộc che chở, bán rẻ nhân phẩm đến mức làm ma cô cho bọn quyền thế để kiếm miếng sinh nhai nhưng vẫn vênh váo với đời…

Với con mắt quan sát tinh tế, tác giả lách mũi dao giải phẫu của mình vào tâm lý nhiều hạng người, làm bật ra những nét đặc sắc, khám phá, và nói chung rất tức cười: bà Biutơ săn chồng cho con gái một cách tội nghiệp; bà thiếu tá O’Dowd khoe khoang hợm hĩnh; bá tước phu nhân Xaođao mắc bệnh cứ muốn thống trị hết thảy thiên hạ, cái bệnh khá thông thường của giới phụ nữ; cô Jane Osborne và cô Glorvina lâm vào cảnh “chổng mông mà gào” vì khát chồng; bà quý tộc già Crawley trái tật trái chứng với tư tưởng dân chủ và cách mạng giả hiệu; bà giáo Pinkerton dốt nát nhưng kiêu căng: thói ngồi lê đôi mách của bọn phụ nữ ăn không ngồi rồi v.v… Những nét tâm lý này được trình bày như những thói xấu của con người “muôn thuở”, nhưng xét cho cùng thì đều gắn liền với bản chất của xã hội phong kiến tư sản. Những bóng đen lờ mờ nhảy múa xung quanh cái thần tượng danh lợi ấy được ngòi bút biếm họa của tác giả tô đậm thêm với những nét sắc sảo.

Tác giả còn miêu tả phong tục của giới thượng lưu nước Anh, đặc biệt nêu bật cái tẻ nhạt, trống rỗng trong sinh hoạt của họ: những buổi tiếp tân long trọng trong đó người ta – nhất là phụ nữ – tìm mọi dịp gièm pha bới móc lẫn nhau một cách lịch sự, những buổi diễn kịch đố chữ vô vị, thói ham bài bạc, mê săn bắn – săn cầy cáo, và săn cả chuột – thói hay đánh cuộc cả về tình cảm cha con, những chuyện chim chuột lẫn nhau v.v… Tóm lại đó là sinh hoạt của một loại người thừa tiền của và thì giờ, rất giầu có về mặt vật chất, song lại rất nghèo nàn về mặt tinh thần. Họ không có một mục đích cao đẹp gì trong cuộc sống; có một món lợi tức đồng niên kha khá, được tiếp một vị khách sang trọng, được nêu tên trên mặt báo trong một buổi tiếp tân có tiếng, được vào triều kiến trong Hoàng cung, đối với họ là hạnh phúc tối cao của cuộc đời.

Thackeray bới vạch cho ta thấy mọi thứ rễ cái, rễ con của thói phù hoa ăn sâu vào mọi ngõ ngách của tình cảm con người một cách hết sức tài tình. Có thể so sánh nhiều đoạn văn trong Hội chợ phù hoa với những trang trong tác phẩm Nhân vật (Les Caractères) của La Bruyere[9]: cũng những bức chân dung biếm họa tài tình, cũng những lời phẩm bình lạnh lùng mà cay độc, và cũng những nhận xét có giá trị như những câu cách ngôn. Viết về Thackeray, nhà phê bình người Pháp Hypôlit Taine có câu: “Để phục vụ cho mục đích châm biếm, Thackeray đã dựa vào một lương tri cao quý, một sự hiểu biết thấu đáo về tâm lý người đời, một ngòi bút khéo léo tuyệt vời, một sự suy luận vững vàng, một thái độ căm thù sâu sắc và ông đã tiêu diệt thói xấu của người đời bằng đủ mọi thứ vũ khí của sự suy tưởng”[10].
Có thể chắc chắn rằng Thackeray chịu nhiều ảnh hưởng của La Bruyere; nhưng ông khác nhà văn Pháp ở điểm chưa có ý thức rõ ràng khi đứng về phía quần chúng để đả kích giai cấp thống trị[11]. Thackeray ít miêu tả những nhân vật thuộc tầng lớp bình dân, có lẽ vì họ không phải là đối tượng miêu tả trong một cuốn truyện mà cảm hứng chủ đạo là thái độ công phẫn trước những sự thật đen tối xấu xa trong cuộc đời. Tuy nhiên, mỗi khi nhắc đến họ, ông Clap, bà Brigơ, người vú nuôi thằng bé Râuđy, bác Ragơnx, đều là những người có tâm địa tốt; họ sẵn sàng giúp đỡ người khác, tỏ ra có tình, có nghĩa, và nhiều khi vì vậy mà chui vào cạm bẫy của các ông bà thượng lưu. Tác giả cho ta thấy trong quan hệ với các vị tai mặt, họ luôn luôn chịu lép vế, thiệt thòi, nhưng tác giả chưa trình bày đầy đủ cảnh sống khổ cực của họ, mặc dầu ông tỏ ra công phẫn trước cảnh giầu nghèo chênh lệch trong xã hội: “Nhưng cũng phải thấy rằng tại sao có người thì lại lụa là gấm vóc, trong khi khối kẻ phải đeo khố tải, chỉ có con chó thương xót cảnh ngộ của họ? Đó cũng là một điều bí mật nhiều khi không giải thích nổi”. Đứng trên quan điểm đạo đức, Thackeray thù ghét chế độ phong kiến và tư sản, vì nó làm cho con người sa đọa nhiều hơn là vì nó áp bức các tầng lớp nhân dân lao động; đó cũng là một điểm hạn chế trong tư tưởng của ông. Trong khi ông miêu tả những nhân vật bình dân, thấp thoáng còn xen lẫn vài nét giễu cợt nhẹ nhàng, do khuynh hướng hài hước cố hữu hơn là do thái độ đả kích cố ý. Riêng đối với giới “cơm thầy cơm cô”, Thackeray tỏ ra đặc biệt nghiêm khắc, điều này có lẽ không phải lỗi hoàn toàn ở tác giả.

Nhưng Thackeray không chỉ làm một công việc hoàn toàn có tính chất phá hoại. Trong nhiều đoạn văn đầy nhiệt tình, ông ca tụng những tình cảm cao quý như tình cha con, tình mẹ con, tình bè bạn, lòng chung thủy v.v… Đứng trước cảnh đời xấu xa, ông chưa mất hết lòng tin đối với bản chất tốt đẹp của con người. Điều này được chứng minh qua việc xây dựng hai nhân vật Amelia và Dobbin. Hai nhân vật này có tính chất lý tưởng, khuôn theo ước vọng của tác giả nhiều hơn là dựa vào sự quan sát thực tế. Amelia được tác giả nâng niu hơn cả: cô ta không đẹp lộng lẫy, không thông minh tài giỏi lắm, nhưng thùy mỵ, trung hậu trong trắng, hấp dẫn đàn ông ở chỗ yếu đuối, như luôn luôn muốn được che chở; đó là loại đàn bà lý tưởng của những người muốn có một gia đình ấm cúng bình thường.

Dobbin là người có lòng vị tha, tính tình cao thượng, giầu đức hi sinh, thẳng thắn mà tế nhị, bề ngoài mộc mạc vụng về mà thật ra rất giàu tình cảm. Tâm lý của hai nhân vật chính diện duy nhất này đều có những nét lãng mạn vượt quá sự thực, thể hiện sự phản ứng của tác giả đối với những mẫu người đàn ông và đàn bà xấu xa, đầy dẫy trong xã hội đương thời. Sự trong sạch của họ nổi bật trên cái nền đen tối của tác phẩm, nó biểu hiện những ước vọng thầm kín của Thackeray; ông muốn truyền bá một thứ luân lý lấy “thiện tâm” làm gốc, như chính ông đã nói trong Cuốn sách của các ông học hàm sang: khôi hài là việc tốt, sự thực là điều hay hơn, nhưng Tình yêu mới thật là quý hơn cả.

Tuy nhiên

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000