Rừng Na Uy |
|
Tác giả | Haruki Murakami |
Bộ sách | |
Thể loại | Best seller |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook prc pdf epub mp3 |
Lượt xem | 54597 |
Từ khóa | eBook prc pdf epub mp3 Sách Nói Audio full Haruki Murakami Best Seller Hồi Ký Tiểu Thuyết Văn học Nhật bản Văn học phương Đông |
Nguồn | e-thuvien.com |
Rừng Na Uy là tiểu thuyết của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami. Với thủ pháp dòng ý thức, cốt truyện diễn tiến trong dòng hồi tưởng của nhân vật chính là chàng sinh viên bình thường Watanabe Tōru. Cậu ta đã trải qua nhiều cuộc tình chớp nhoáng với nhiều cô gái trẻ ưa tự do. Nhưng cậu ta cũng có những mối tình sâu nặng, điển hình là với Naoko, người yêu của người bạn thân nhất của cậu, một cô gái không ổn định về cảm xúc, và với Midori, một cô gái thẳng thắn và hoạt bát. Các nhân vật trong truyện hầu hết là những con người cô đơn móc nối với nhau. Có những nhân vật đã phải tìm đến cái chết để giải thoát khỏi nỗi đau đớn ấy.
Nhà văn Haruki Murakami |
Lần đầu mình viết review, văn phong lủng củng, có gì mọi người bỏ qua nhé!
Rừng Na-uy là cuốn sách đầu tiên đưa mình tới với thế giới sách, cũng là cuốn sách đưa mình tới với Haruki Murakami (sau này mình sẽ gọi là bác Haruki), tác giả yêu thích nhất của mình. Mỗi lần đọc sách của bác nói chung, hay đọc Rừng Na-uy nói riêng, mình đều thấy bản thân mình trong đó, vì, như hầu hết các nhân vật chính, mình cũng là một người thích đọc sách, nghe nhạc, sống nội tâm, và đôi khi cũng rất “cô độc”. Sách của bác Haruki luôn chứa đựng những ý nghĩa ẩn dụ, thông điệp, mà phải càng đọc nhiều, trải nghiệm nhiều chúng ta mới có thể thấm nhuần được. Lẽ tất nhiên, sách của bác cũng không dành cho những người muốn tìm sự nhẹ nhàng, giải trí trên những trang sách. Và Rừng Na-uy là một minh chứng tiêu biểu cho điều này.
Rừng Na-uy được viết trong bối cảnh Nhật Bản cuối những năm 1960, nơi mà đâu đó ta có thể thấy những nét tương tự như ở Việt Nam hiện tại vậy. Bao trùm cả câu chuyện là một bầu không khí u ám, nặng nề. Qua Rừng Na-uy, bác Haruki đã vẽ nên một bức tranh về sự khủng hoảng trong suy nghĩ, nhận thức của giới trẻ Nhật Bản thời kì hậu thế chiến II, nó được phản ánh rõ rệt qua tuyến nhân vật, mà cầu nối là nhân vật chính Toru Watanabe.
Xuyên suốt mạch truyện là hình ảnh những ám ảnh tâm lý, cái chết, chúng đan xen với nhau, và cứ tới lần lượt như một lẽ tất yếu vậy.
Bắt đầu từ Kizuki, người bạn thân nhất và duy nhất của Toru, cậu đã chọn cho mình một cái chết từ từ nhưng thật đau đớn – chết ngạt. Chẳng ai biết lý do của cái chết đó. Nhưng với mình, có lẽ là do sự khúc mắc về căn bệnh kì lạ của Naoko – chứng lãnh cảm. Đối với Kizuki và Naoko, dường như họ là cả thế giới của nhau. Và việc không thể “thực sự thuộc về nhau” đã để lại một sự ám ảnh trong tâm lý của 1 cậu trai mới lớn chăng?
Hệ quả tất yếu sau cái chết của Kizuki là Naoko gần như mất đi lý do tồn tại khi “một nửa” của mình đã không còn, dù cho Toru đã rất cố gắng giúp cô quay trở lại với thế giới thực tại, cuối cùng cô vẫn lựa chọn cái kết giống như “một nửa” của mình, 4 năm sau Kizuki, cô ra đi ở tuổi 21.
Trước đó, chị của Naoko cũng đã tự tử, có lẽ cô gái quá xuất sắc này không thể vượt qua sức ép từ sự kì vọng quá lớn của những người xung quanh.
Cái chết của Hatsumi thực ra không làm mình ngạc nhiên. Chia tay với Nagasawa, lấy chồng 2 năm sau, và cứa tay tự vẫn 2 năm sau nữa, có thể do sự không hòa hợp trong hôn nhân, nhưng chắc chắn Nagasawa là một phần nguyên nhân dẫn tới cái chết này.
Thêm nữa, theo như mình tìm hiểu, tại thời điểm này, tự tử có thể được coi là một “trào lưu” của giới trẻ, thậm chí bác Haruki còn khéo léo lồng chi tiết về khu rừng nơi Naoko tự tử, như một sự gợi nhắc về khu rừng tự tử ở Nhật Bản. Bất kì một cái chết nào trong tác phẩm này đều có sự ảnh hưởng của căn bệnh quốc dân đó. Dường như chỉ cần có một chất xúc tác vừa đủ, họ sẵn sàng giải quyết vấn đề theo cách tiêu cực nhất, nhưng với họ là cách đơn giản nhất – tự tử.
Cũng không thể không nhắc tới Reiko, người “chị gái thứ hai” của Naoko, người đã cùng Toru nỗ lực “cứu rỗi” Naoko. Một thiên tài âm nhạc nhưng áp lực tâm lý dẫn tới chứng liệt tay, rồi mãi về sau, ngay tại thời điểm cô đang cho rằng mình đang thực sự hạnh phúc thì bất hạnh lại bất ngờ ập tới vì một đứa nhỏ “thông minh” và “nguy hiểm”.
Tất cả những vết thương tâm lý và những cái chết đó cuộn xuyến với nhau dọc theo chiều dài tác phẩm, tạo ra một gam màu trầm buồn, ảm đạm.
Ấy vậy mà, nổi bật lên trên cái gam màu trầm buồn, ảm đạm đó vẫn có những con người tính cách để chúng ta hướng tới. Những con người như Toru hay điển hình nhất là Midori cùng cái cách mà họ giải quyết vấn đề, vượt qua những khó khăn chính là thông điệp mà bác Haruki muốn gửi gắm tới chúng ta.
Toru Watanabe, nhân vật chính cũng là trung tâm, cầu nối của những câu chuyện, một con người trầm lặng, ít nói (cũng là hình mẫu nhân vật chính quen thuộc trong các tác phẩm của bác Haruki) nhưng vẫn luôn tìm mọi cách giúp cô bạn Naoko vượt qua bóng ma của chính mình.
Midori, một cô nàng luôn vui tươi, tràn đầy sức sống, dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn.
Bác Haruki đã rất khéo léo điểm xuyết những gam màu tươi sáng lên một bức tranh u tối, ảm đạm, ẩn ý trong đó là những thông điệp tích cực. Lấy “trào lưu” tự tử để đặt vấn đề, khai thác vấn đề đó qua những diễn biến tâm lý của tuyến nhân vật thông qua góc nhìn của ngôi thứ nhất, và giải quyết vấn đề qua hình ảnh tươi sáng trong cô nàng lạc quan Midori. Đó là ý nghĩa, cũng là mục đích chính mà bác Haruki muốn gửi gắm qua Rừng Na-uy.
Về những hình ảnh trong truyện. Mình vẫn tìm thấy trong Rừng Na-uy những hình ảnh quen thuộc mà hầu hết các tác phẩm của ông đều có: những chú mèo, chiếc giếng cạn, rượu whisky, have sex,… Duy chỉ có một điểm khác biệt nhất, không hề có một yếu tố siêu hình, huyễn ảo nào (như phần lớn các tác phẩm của ông vẫn có), toàn bộ câu chuyện đều rất chân thực, chân thực đến mức khiến chúng ta có thể nhận thấy những con người đó, những tính cách đó, vẫn đang hiện hữu đâu đó quanh ta, hay trong chính con người ta vậy.
Về tên cuốn sách: “Norwegian wood” là tựa đề mà bác Haruki đã lựa chọn để đặt cho tác phẩm, một bài hát có nhịp điệu chậm và man mác buồn của The Beatles như chính nội dung chính xuyên suốt cả câu chuyện. Và, câu hát mở đầu của bài hát dường như cũng là tiếng lòng của Toru Watanabe:
“I once had a girl, or should I say she once had me” – “Tôi đã từng có một cô gái, đúng hơn là cô ấy đã từng có tôi”.
Nếu ai đã đọc và yêu mến cuốn này, thì sẽ không thể không đọc lần thứ 2, thứ 3, và hơn thế nữa. Nhưng mỗi lần đọc lại, bạn sẽ cảm nhận thêm được những điều mà mình chưa từng nhận thấy ở những lần đọc trước đó. Tuy nhiên, cuốn sách này, theo mình, TUYỆT ĐỐI KHÔNG NÊN ĐỌC khi chưa đủ trưởng thành (ít nhất là về mặt suy nghĩ, nhận thức), vì rất có thể bạn sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực đó.
Ngoài ra, bộ phim chuyển thể từ cuốn sách (đạo diễn là Trần Anh Hùng – đạo diễn người Việt Nam) đã lột tả được chính xác gam màu, cũng như bầu không khí u ám, trầm mặc của cuốn sách. Kết thúc câu chuyện cũng như bộ phim là khung cảnh Toru Watanabe lạc lối “giữa ổ lòng lặng ngắt của chốn vô định”, và cũng như bao tác phẩm khác của bác Haruki, vẫn là cái kết mở. Toru sẽ đi theo con đường của những “Kizuki, Naoko, Hatsumi” hay sẽ cùng Midori hướng tới một tương lai “xán lạn” hơn, tương lai mà bác Haruki hướng tới cho chúng ta, câu trả lời thực ra đã có từ ngay khi câu chuyện được bắt đầu.
Cuối cùng, sau “n” lần đọc lại, và xem lại cuốn sách cũng như bộ phim này, tiếng đàn guitar và câu hát của Reiko dường như vẫn vọng lại, vọng lại trong tâm trí mình cũng như tiếng lòng của Toru vậy:
I once had a girl
Or should I say she once had me.
She showed me her room
Isn't it good Norwegian wood?…
Review của độc giả Điinh Tuấn – Nhã Nam reading club