DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Thiên Đế Kiếm - Get Backer

Tác giả Get Backer
Bộ sách
Thể loại Tiên hiệp
Tình trạng Hoàn thành
Định dạng eBook prc pdf epub azw3
Lượt xem 17674
Từ khóa eBook prc pdf epub azw3 full Get Backer Tiên hiệp Văn học Việt nam
Nguồn diendan.thegioihoanmy.vn
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Tên Ebook: Thiên Đế Kiếm

Tác giả: Get Backer

Nguồn: diendan.thegioihoanmy.vn
 
Ebook: ww.dtv-ebook.com
 
[Tiên Hiệp] Thiên Đế Kiếm -  Get Backer - Truyện Việt Nam (full prc, doc)

Thiên Đế Kiếm

     Đường xa, đường dài, làm tan nát những trái tim yếu đuối mỏng manh. Chỉ có những trái tim mạnh mẽ, những trái tim dũng cảm mới đủ sức bước tiếp. Bước đi những con đường mà chưa một ai từng đi bao giờ. Những trái tim chan chứa máu nóng. Những trái tim đầy sự nhiệt huyết, không nhạt đi theo năm tháng .
Thiên Đế Kiếm là gì ?
Kiếm hiệp ?
Tiên hiệp ?
Những trận chiến khốc liệt ?
Tiểu thuyết lãng mạn về tình yêu ?
Sự kết hợp lăng nhăng vớ vẩn của các thể loại truyện ?
Những câu chửi tục ?
Hay nó chính là cái xã hội hiện tại mà chúng ta đang sống ?
 
 
Thiên Đế Kiếm prc doc tiên hiệp

Thiên Đế Kiếm

    Trong mấy năm trở lại đây, giới trẻ Việt Nam thường có một thú vui là chơi các trò chơi trực tuyến trên mạng, nó như một cơn sốt, một thứ bệnh dịch khiến người ta lao vào nó. Rồi những chuyện tiền bạc, thậm chí cả mạng sống đổ vào các trò chơi đó đã được báo chí phản ánh quá nhiều đến phát ngán. Đối với một thế hệ đi trước như tôi, cố nhiên là những trò chơi đó là vô bổ. Nhưng mà khổ nỗi, thằng cháu của tôi lại cũng thuộc dạng thích các trò chơi như thế, mình thì cũng chỉ có nhắc nhở nó thôi, chứ không thể bắt nó làm theo ý mình được. Và tôi cũng nghĩ là cháu của mình cũng đã lớn rồi, nó có thể tự suy nghĩ được rằng cái gì là quan trọng, cái gì là cần thiết .
      Cho đến một ngày kia, vào khoảng gần tháng 5 năm 2007, đứa cháu tôi có cho tôi coi thử một bộ tiểu thuyết trên diễn đàn của trò chơi thế giới hoàn mỹ. Cả hai ông cháu vốn là đã mê kiếm hiệp nên chia sẻ, giới thiệu cho nhau là điều dễ hiểu .
Ban đầu đọc, từ chương 1 tới chương 7, tôi cảm thấy...thất vọng. Phải nói thật là như vậy, bởi vì cái cách viết văn, nói đúng hơn là đạo văn của anh bạn tác giả này quá lộ liễu. Bê nguyên cả tác phẩm " Bố Già" nổi tiếng vào, cóppy y nguyên cả cách viết của Puzo. Đọc xong tác phẩm, tôi chỉ biết cười với đứa cháu : " Những tác phẩm thế này thì chỉ xứng đáng cho vào sọt rác ! ". Những tác phẩm đạo văn sớm muộn gì thì cũng sẽ trở thành phế phẩm, luôn luôn là như thế.
Nhưng câu chuyện không phải chỉ có vậy. Nếu thế thì tôi đã không ngớt lời khen ngợi, thậm chí là ngưỡng mộ tác phẩm này .
Vì cái gì ?
    Lại nói, kể từ khi đọc xong tác phẩm Thiên Đế Kiếm, chính xác là tác phẩm này hồi đó chưa có tên là Thiên Đế Kiếm, cái tên nguyên bản của nó là "Cuộc hành trình của những kẻ bị nguyền rủa", tôi không bao giờ đọc lại nó lần nữa. Bẵng đi khoảng ba bốn tháng, đứa cháu của tôi lại giới thiệu cho tôi truyện này. Mặc dù đã từ chối rằng : " Không muốn đọc tác phẩm đạo văn ", nhưng đứa cháu nói rằng tác phẩm này đã hoàn toàn khác, và nó khẳng định rằng : " Đây là tác phẩm hay nhất mà cháu từng đọc " nên đành xem thử .

Và đến lúc đọc từ chương 8, tôi đã thực sự bị cuốn vào Thiên Đế Kiếm .
Những cảm xúc, những liên hệ, những suy nghĩ sâu sắc không dễ gì có được ở các tác phẩm khác .
Đó là Thiên Đế Kiếm .
Tiên Hiệp Thiên Đế Kiếm prc doc

Tiên Hiệp Thiên Đế Kiếm


  
        Ở một nơi là Đại Lục Hoàn Mỹ, câu chuyện này đã xảy ra. Và cũng không biết Thiên Đế Kiếm có phải là tác phẩm viết đầu tiên hay không ? Nhưng chắc chắn một điều, các tác giả trẻ tuổi thường thích sự hoành tráng, nói vui là hoành tá tràng, ngay từ đầu tác phẩm. Trận chiến khốc liệt nảy lửa giữa tộc Nhân và Thú xảy ra trên Phạt Mộc Lĩnh, sự xuất hiện bí ẩn của một ông già cầu nguyện cho những linh hồn oan khuất. Chi tiết này được một số tác giả trong tangthuvien sử dụng như tác giả QM với " Truyền Kỳ Minh Kiếm ". Điều này làm cho tác phẩm thêm phần huyền bí và người đọc phải tự hỏi về trận chiến này vì sao lại có ? Có khác chăng là mức độ hoành tráng và lớn lao là khác nhau thôi. Chắc chắn là điểm này Truyền Kỳ Minh Kiếm khoẻ hơn hẳn .
     Rồi cũng bỏ lửng đó, thời gian trôi đi trong hai mươi năm. Câu chuyện lại chuyển sang hướng mới. Nhân vật Xích Vân xuất hiện khá kỳ cục. Y nằm một đống trước cửa nhà người khác rồi chui ra từ đống giẻ rách. Và quần áo thì tàn tạ ở mức không thể tàn tạ hơn. Nói năng thì chợ búa và mất dạy, tính cách cợt nhả với cả người lớn tuổi như bác thợ rèn. Vừa bắt gặp nhân vật này, ta có thể nhận ra hắn không phải là hạng người tử tế gì. Điều đó lại càng chắc chắn hơn khi ta bắt gặp những người bạn của hắn, đoán tính cách một người qua bạn của những người đó .Hai tên bạn của Xích Vân là Hoài Tử và Tôn Dương, cũng đều rặt một phường chợ búa lang thang cả. Nói chung thì cách xuất hiện và tính cách của nhân vật này không có gì mới ở thời điểm này, vì trong tangthuvien, các nhân vật của các truyện cũng đều có tính cách kỳ quái, hoặc là lạnh lùng cô độc. Có lẽ đây cũng là xu hướng của các tác giả khi không thích nhân vật của mình đi theo chiều hướng anh hùng nghĩa hiệp như các bậc tiền bối bên Trung Quốc trước đây .

   Nhân vật Hàn Thuyên, hay còn gọi là Ngài Hàn thì có rõ ràng hơn một chút, người đọc cũng có thể nhận ra nhân vật này không phải thuộc hạng tử tế lắm, nhưng cũng không phải là người táng tận lương tâm. Ông ta là người khôn ngoan. Thực ra, nhân vật này chính là một bản sao chép lại của ông trùm, của Don Corleone trong " Bố Già ". Những đứa con của ngài Hàn cũng lấy khuôn từ những đứa con của Don Corleone, và nhân vật Lã Vân cũng đúc khuôn từ Tom Haghen mà ra. Cả hai ông bạn già Lăng Khê và An Dương cũng vậy, dáng vẻ to béo, nhảy nhót đêm hội cũng lấy nguyên của lão béo Peter Clemenxa, Lăng Khê gầy ròm như Tessio, cả hai lão già này đều là các caporegime cả. Cả bối cảnh bang hội cũng lấy cái mẫu của thành phố New York thời những thập kỷ 40, 50. Có thể nói, ban đầu khi đọc tác phẩm, tôi phải bật cười trước sự sao chép ngốc nghếch của tác giả. Khi người đọc nhận ra là một tác phẩm đạo văn, thì nó sẽ bị đào thải. Đạo văn là sự không tôn trọng của tác giả đối với người đọc, xứng đáng bị chê trách. Điều này phải nói thẳng thắn là như vậy .

       Nhưng đó chỉ là cảm nhận của một đoạn, từ chương 1 cho tới chương 7 .


       Phải đến lúc bắt đầu chương 8, tác phẩm này mới thực sự là một tác phẩm lớn .

Chương 8 là kể lại một trận chiến trong thời kỳ Đại Hỗn Loạn của Đại Lục Hoàn Mỹ. Nó cũng sự quay ngược thời gian trong cuộc đời của nhân vật Hàn Thuyên. Nếu như cuộc đời của bố già Vito Corleone hồi trẻ là sự mánh khoé, vươn lên thoát khỏi số phận để tìm hạnh phúc thì nhân vật Hàn Thuyên khác hẳn. Cuộc đời của Hàn Thuyên là một bức tranh thật nhất, tôi xin nhấn mạnh, thật nhất về con người. Trận chiến ở Tổ Long Thành, sự đau thương đến cùng cực khi mất đi người đội trưởng, sự sợ hãi, tất cả đều tập trung ở Hàn Thuyên. Những năm tháng chiến tranh đã qua đi từ lâu, nhưng nhìn lại Hàn Thuyên, tôi lại cảm thấy rùng mình sợ hãi. Phải nói thật là, dù rằng những năm tháng đi chiến đấu phục vụ Tổ quốc là một niềm vinh dự, nhưng có vào chiến trường mới biết rằng, ánh hào quang chiến thắng không có màu trắng, mà là màu đỏ. Những cảm xúc của nhân vật Hàn Thuyên mới thực sự là những cảm xúc của người lính khi ra trận, chứ không phải là tinh thần quyết chiến hay quyết thắng gì cả. Trận chiến của Hàn Thuyên là một bộ phim sống động nhất, chân thực nhất về cái tàn khốc của chiến trường, sự tổn thương cả về mặt thể chất lẫn tinh thần của người lính. Trong tác phẩm Đao trước đây, giọng văn của tác giả được nhiều người đánh giá là sắc lạnh, nhưng có đọc đến chỗ đội trưởng Từ Tuyên nhìn một người lính Vũ Mang bắn chết anh trai của mình mới biết rằng ngòi bút của tác giả Get Backer còn đáng sợ hơn nhiều. Không có dòng văn nào miêu tả tâm trạng, không có từ ngữ nào phân tích cảnh này, chỉ có cái nhìn của đội trưởng Từ Tuyên, chỉ có thái độ quay đi và lầm lũi bước của người đội trưởng, nghe có tiếng đâm kiếm thủng bụng cũng không quay lại. Tôi đã từng nói tác giả Cuồng Long đừng nên nói hết tâm trạng là bởi vì chi tiết này trong Thiên Đế Kiếm. Tác giả Get Backer không phân tích tâm trạng của người đội trưởng, cái đó là để người đọc tự hiểu, tự suy nghĩ, tự nghĩ đến cái tàn nhẫn của chiến tranh .

      Chiến tranh không những tàn nhẫn, mà nó còn kinh khủng hơn những gì mà người ta tưởng tượng. Đội trưởng Từ Tuyên trọng thương, Hàn Thuyên đã phải dùng đôi tay trần móc vào ổ bụng người đội trưởng để lấy mũi tên. Nếu ở vị trí của người đội trưởng, cảm giác của ta sẽ là như thế nào ? Có lẽ không cần phải nói nhiều ở chi tiết này nữa. Để phân tích hết được sự thật của chiến trường mà tác phẩm Thiên Đế Kiếm đã viết ra, có lẽ phải để một bài viết sau. Nhưng điều mà tác giả muốn nói với người đọc, muốn người đọc cảm nhận đã có ngay ở câu đầu tiên mở đầu chương 8 rồi : Mọi vinh quang trên chiến trường đều được xây nên từ máu và nước mắt .

        Từ chương 9 trở đi là quay về với thực tại. Trong tác phẩm này có rất nhiều tuyến nhân vật. Đây là điều rất hiếm trong các bộ truyện mang màu sắc kiếm hiệp, không biết có phải tại kiến thức của tôi nông cạn không, nhưng thực sự là những truyện kiếm hiệp tôi đọc chưa hề có tác phẩm nào có nhiều tuyến nhân vật thế này cả. Mỗi nhân vật đều có một tính cách riêng, cách hành động riêng khiến người ta phải nhớ. Nên nhớ rằng, trong Thiên Đế Kiếm, không hề có nhân vật chính, mỗi nhân vật có số phận riêng, câu chuyện riêng. Mức độ quan trọng của một số nhân vật được đẩy lên khi có những hành động ảnh hưởng tới toàn cục. Nhân vật chính là nhân vật xuất hiện nhiều nhất, nếu là Xích Vân thì chưa phải, vì nhân vật Ngài Hàn còn xuất hiện nhiều hơn, nếu nói Thiên Ma là nhân vật phụ thì lại càng không vì cho tới thời điểm này, hành động của hắn đang ảnh hưởng tới toàn bộ câu chuyện. Thậm chí, cả nhân vật Hắc đại nhân, chỉ xuất hiện trong đúng một chương 12 cũng không thể coi là nhân vật phụ vì ông ta cũng truy tìm và đã đoạt được Hắc Đế Ấn. Nhân vật Hà Gia Nhạ xuất hiện từ nửa sau nửa đầu tác phẩm cũng không phải ngoại lệ, nhiều khả năng anh ta sẽ trở thành nhân vật chủ chốt trong Thiên Đế Kiếm. Vậy nên, thay vì cách phân tích từng nhân vật thông thường, tôi nghĩ rằng, nên phân tích theo hướng cốt truyện, từ đó đem các tuyến nhân vật ra so sánh là tốt nhất .
Nhưng từng khía cạnh nhân vật, xin để sau, tôi muốn nói đến điều quan trọng hơn, điều mà khiến tôi phải khâm phục tác giả, và không ngần ngại chọn Thiên Đế Kiếm là tác phẩm xuất sắc nhất .

      Sự việc bắt đầu trở nên rối rắm khi Quỷ Nhân, thành viên của Bất Kiếp Viện tàn sát Ngư Thôn, đẩy bang phái Hàn Thuỷ vào sự khốn đốn và mệt mỏi. Mặc dù là người thông minh đáng sợ, nhưng Hàn Thuyên lại không biết được cớ vì sao mà lại xảy ra vụ tàn sát đó ? Và ông ta bắt đầu đặt câu hỏi, ông ta bắt đầu biết tới tổ chức Bất Kiếp Viện. Vụ tấn công của Quỷ Nhân là điểm mấu chốt thứ nhất. Điểm mấu chốt thứ hai là vụ tấn công của Vọng Quái vào Thiên Lệ Thành. Chính vì vụ tấn công này, Hà Gia Đoàn, bang chủ Độc Tâm đã nảy lên ý định nhân cơ hội mà tiêu diệt Hàn Thuỷ, và cũng đúng là tới thời điểm hiện tại trong Thiên Đế Kiếm, Độc Tâm đã xuất quân tấn công Hàn Thuỷ. Các bang phái trong Thiên Đế Kiếm không phải là Cái Bang hay Toàn Chân Giáo như trong các truyện của Kim Dung, những bang phái lấy chuyện nghĩa hiệp làm trọng. Bang phái của Thiên Đế Kiếm là phản ánh một mặt của xã hội đen thời nay, không từ thủ đoạn để giành giật chiến thắng. Mặc dù tác giả Get Backer chịu ảnh hưởng của Bố Già, nhưng tác giả đã rất thành công khi khai thác cực sâu vào vấn đề bang phái. Những thủ đoạn, những toan tính trong bang phái của Thiên Đế Kiếm còn cao thâm hơn cả Bố Già. Hãy nhìn cái cách nói chuyện của Lã Vân với bang chủ Tam Thuận của bang Ỷ Thiên. Hãy để ý cái cách y phân tích cái lợi cái hại khi Ỷ Thiên muốn gia nhập các liên minh. Cách nói chuyện nhã nhặn, nhưng mang ý đồ xảo quyệt muốn kéo Tam Thuận về phe mình của Lã Vân làm tôi hết sức thú vị ở nhân vật này. Hàn Thuyên, Lã Vân và Hà Gia Đoàn là những nhân vật điển hình nhất cho những thủ đoạn, toan tính trong bang phái, cũng là điển hình cho những kẻ đang sống trong thế giới ngầm. Từng diễn biến tâm lý, từng tính toán đến vắt óc, từng thủ đoạn hiểm độc đều được phân tích một cách hết sức hợp lý .


      Một điểm hay nữa trong Thiên Đế Kiếm, đó là không có ai ngu muội. Kim Dung, hay một số tác gia như letheviet với tác phẩm Thiên Đạo trong tangthuvien muốn sử dụng những nhân vật ngu ngốc để nói lên cái thông minh của nhân vật chính. Nhưng tác giả Get Backer còn hay hơn ở chỗ, không có nhân vật nào ngu ngốc cả. Mỗi nhân vật khi suy nghĩ đều có sự tính toán, bởi lẽ, đã sống ở đời là ai cũng phải tính toán, khôn ăn người, dại người ăn. Nếu nhìn ra cuộc sống hiện tại, chắc chắn là không thể nào tìm ra được kẻ nào dại dột, hoặc ngu ngốc cả loạt như Giang Nam Lục Súc trong Thiên Đạo cả. Trong Thiên Đế Kiếm, kẻ chiến thắng là vì kẻ đó thông minh hơn, và mạnh hơn mà thôi. Không có nhân vật nào ngu ngốc, nhưng không phải tất cả đều khôn như nhau. Những kẻ khôn hơn người như Hàn Thuyên, Gia Đoàn, hay Thiên Ma đều cho thấy cái sức mạnh về trí tuệ của mình. Khôn hơn những kẻ khôn, đó mới là kẻ khôn ngoan nhất .

      Các tác giả trong tangthuvien đều viết truyện rất hay, nhưng tác giả Thiên Đế Kiếm có thứ mà gần như toàn bộ các tác giả trong tangthuvien không có, đó là ý niệm. Ý niệm cái gì trong tác phẩm này ?

       Thiên Đế Kiếm không phải là tiểu thuyết kiếm hiệp, xin khẳng định một điều là như vậy. Nó là sự pha trộn màu sắc kiếm hiệp và đem cả xã hội, hay đúng hơn chính là cả xã hội Việt Nam này vào Thiên Đế Kiếm. Nếu đọc Thiên Đế Kiếm, cái xã hội đang tồn tại trên Đại Lục Hoàn Mỹ chính là bộ mặt của xã hội Việt Nam. Đây chính là thành công lớn nhất của tác giả và sở dĩ tôi chọn Thiên Đế Kiếm là tác phẩm xuất sắc nhất là vì lý do này. Thiên Đế Kiếm không những là bộ mặt của xã hội Việt Nam, mà nó còn đang phản ánh cái cách sống, cái lẽ đời của chính xã hội này. Hãy xem cách nhìn của nhân vật Hàn Phi đối với người ăn mày. Cách nhìn của hắn thật chua chát, mà cũng thật quá đúng : người ăn mày không cần lòng thương hại, cái họ cần là một bữa ăn no đủ. Nhưng dạng ăn mày khác, không xin được của người ta thì nguyền rủa họ, nhân vật Ngài Hàn chỉ nói đúng một câu : chẳng qua phúc hoạ chỉ là sự trao đổi đáng khinh rẻ. Cho được người thì người cầu phúc, không cho người cái gì thì người ta nguyền rủa, ngẫm lại thấy cái sự đời chỉ chăm chăm trao đi trao lại cho nhau, nghĩ lại thấy đôi khi thật là phiền lòng. Hay như sự lo lắng của Tâm Thiện Giáo Lão đối với thế hệ trẻ của Ngũ Hành Tộc, hãy đọc kỹ từng lời ông ta nói mới thấy rằng, cái thế hệ trẻ của Ngũ Hành Tộc chỉ biết hưởng thụ, số nhân tài quá ít mà rùng mình nghĩ tới cái thế hệ trẻ của Việt Nam thời nay. Nói vậy không phải bi quan, nhưng cái sự thực giới trẻ bây giờ, đặc biệt là lớp người sinh từ năm 90, hay nhiều người gọi là 9X, có quá nhiều điều phải nói. Cũng nên nói, báo chí chẳng hiểu đào đâu ra những mỹ từ về thế hệ tiềm năng, chủ nhân tương lai. Nhưng hãy nhìn xem cái cách mà thế hệ này làm, quả thực, tương lai đất nước về đâu ? Chẳng cần nói ra, các bạn cũng hiểu về những sự lố lăng của thế hệ này. Nó lố lăng đến mức, thậm chí, những con người thực sự có tài trong thế hệ năm 90 cũng mặc cảm với chính năm sinh của mình, họ không dám nói mình sinh năm 90 mà nói rằng sinh năm 88, 89. Những con người có tài trong thế hệ 90 không thiếu, nhưng những con người chỉ ăn bám xã hội, ăn bám gia đình trong thế hệ này cũng chẳng ít. Có thể nói Thiên Đế Kiếm đã cực kỳ khéo léo đề cập tới vấn đề này vào Thiên Đế Kiếm .

        Trong Thiên Đế Kiếm, tác giả không nói tới sự có mặt của các vị trưởng lão, nhưng tác giả lại để các nhân vật cốt lõi của truyện nói về những mối quan hệ. Phải nói thật, xã hội Việt Nam này đang tồn tại bằng những mối quan hệ. Hàn Thuyên, Hà Gia Đoàn là hai người nổi bật về dùng tiền để mua quan hệ, mua lợi lộc, và cũng chính hai con người này khinh bỉ những mối quan hệ đó của mình. Bề ngoài, hai nhân vật này luôn nhã nhặn với các vị trưởng lão, nhưng sau lưng, họ cũng không tiếc lời mà chửi. Khi biết được cô cháu của trưởng lão Tổ Long Thành có sinh nhật, Hà Gia Đoàn khuyên Gia Nhạ tới dự, và thậm chí ông ta còn để ẩn ý muốn kéo sát quan hệ của mình với trưởng lão hơn nữa bằng cách cho Gia Nhạ cưới cô cháu gái của trưởng lão. Chi tiết này đã lột tả quá rõ cái bản chất của các mối quan hệ, ngay chính người trong cuộc cũng khinh bỉ nó. Nhìn ra xã hội Việt Nam, ta có thể thấy quá rõ cái thực tế này. Bây giờ ra ngoài đường, tôi phải sợ một cô gái tóc vàng khá xinh, vì gì ? Vì cô ta là cháu ông chủ tịch phường, nếu cô ta có làm gì không phải với tôi, thì tôi cũng đành nhịn vậy, không thì cái khoản tiền lương hưu sẽ chật vật lắm ! Đó là còn chưa kể bao rắc rối khác nữa kia ! Mối quan hệ là đó .

       Tác giả cũng sử dụng rất khéo léo khi đặt hai địa điểm Lan Nhược Tự và Nghĩa Địa Kiếm ở cạnh nhau. Nghĩa Địa Kiếm là nơi đặt vô vàn binh khí, để tưởng nhớ tới những người lính đã tử trận tại trận chiến Tổ Long Thành. Nhưng ngoài vị đại sư chụ trì Lan Nhược Tự ra, không một ai đến nơi đó cả. Nhân vật Lăng Khê đã nói một câu khiến người ta phải chua xót : người ta đến chùa để mong bình an về mình, còn chẳng có ai quan tâm tới những người lính đã chết để cho họ được sống, vì bọn họ không hề có lòng biết ơn ! Ngay cả bản thân tôi cũng thấy chua xót cho thực tế này. Mặc dù chiến đấu vì Tổ quốc, chết vì Tổ quốc là điều vinh dự. Mặc dù đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc. Cái đó là đúng. Nhưng có những con người đã sống để được chết cho người khác, hy sinh bản thân để cho những người thân, cho những người không quen biết, và cho cả đất nước được sống, cái giá mà họ phải trả quá đắt, nhưng thứ mà họ xứng đáng được hưởng lại quá ít ỏi. Nói thế, tôi không hề có ý rằng tôi xứng đáng được hưởng những gì tôi đã làm, tôi phải được đền bù. Nhưng các độc giả hãy thử nhìn ra ngoài thực tế xã hội này, có những người đã hy sinh quá nhiều cho đất nước, nhưng đến khi đất nước hoà bình, họ lại chẳng được gì. Hãy thử xem trong đời, đã có ai thực sự thành kính trước bia mộ của những người liệt sĩ, hay là biến cái khu tưởng niệm ấy thành một bãi để xe ? Ngôi chùa Lan Nhược Tự và Nghĩa Địa Kiếm, hai địa danh trong Thiên Đế Kiếm chính là đang đề cập đến ngôi chùa Hà ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ai đi đến đó một lần sẽ thấy bãi để xe chính là nơi tưởng niệm của các anh hùng liệt sĩ. Người ra vào chùa tấp nập, trong khi chẳng có ai thắp nén hương để tưởng nhớ cho những người đã hy sinh cả ! Một thực tế quá đau buồn !


        Có lẽ, còn rất nhiều điều để nói về những ý niệm trong tác phẩm Thiên Đế Kiếm, trên đây mới chỉ là một phần rất nhỏ trong những ý niệm của tác phẩm mà tôi cho là đáng lưu tâm nhất. Nên để cho bạn đọc tự rút ra được những suy nghĩ của riêng mình, những phát hiện mới trong tác phẩm này .

      Thiên Đế Kiếm không những thành công về mặt ý niệm, mà cả về mặt chiến đấu, tình duyên, đặc biệt là cốt truyện rất hay. Tất nhiên, cốt truyện của anh bạn này khá giống với một số tác phẩm truyện tranh hiện đại Nhật Bản, điều này khá dễ nhận thấy khi tác giả mới có 17 tuổi. Nhưng không vì thế mà sức hấp dẫn của nó bị giảm sút. Những trận chiến tay đôi, những cuộc chiến đấu đồng đội đều được viết một cách kỹ lưỡng và tỉ mỉ. Cách viết của tác Get Backer thường lúc nhanh, lúc chậm, phù hợp với từng phong cách chiến đấu đặc trưng của nhân vật. Như Quỷ Nhân chẳng hạn, ngoại trừ phần giải thích về bộ võ công Mặc Vạn ra, thì cách viết, cách mô tả chiến đấu đã làm nổi rõ cái tốc độ nhanh kinh hồn của nhân vật này. Quỷ Nhân là kẻ có tốc độ nhanh nhất, là Kiếm Khách Ám Sát hạng nhất, vì vậy cách viết đứt đoạn, xuống dòng liên tục đã làm nổi bật được nhân vật này. Hay như Xích Vân, sức mạnh của hắn tàn bạo như quỷ dữ, câu chữ dài hơn, dùng những từ có sức nặng hơn. Hoặc Thiên Ma, chiến đấu hay giết người đối với hắn là trò chơi, là kẻ có phong cách chiến đấu hiểm độc, là kẻ bị dồn vào thế bí vẫn bình tĩnh tự tin, điều đó được thể hiện rõ qua trận đấu với Xích Vân. Hoặc như trận chiến hoành tráng giữa Tuyệt Sát, Bạch Nhật với Thuỷ Thần Công Công cũng làm người đọc phải thấy rõ được sức mạnh của Bất Kiếp Viện, điều đó đều có sự đóng góp rất lớn của cách viết .

       Trên đây là những ý kiến của tôi về Thiên Đế Kiếm, vì tác phẩm này quá dài, và vì khuôn khổ giới hạn của một bài bình luận, nên những phân tích về cốt truyện, về nhân vật phải để lại một bài viết sau. Chỉ xin nói rằng, nhân vật của Thiên Đế Kiếm quá thành công cả về mặt tính cách, suy nghĩ. Nên Thiên Đế Kiếm xứng đáng là một tác phẩm hay nhất trong tangthuvien, theo tôi là không quá. Tất nhiên, một tác phẩm bao giờ cũng có sự khiếm khuyết, Thiên Đế Kiếm cũng không phải ngoại lệ, thậm chí khiếm khuyết của nó còn rất lớn là đằng khác. Nhưng, những gì mà tác giả gửi gắm vào Thiên Đế Kiếm, đó không phải là một tác phẩm viết ra để mua vui thông thường, đằng sau nó còn ẩn chứa hằng trăm, hằng nghìn thông điệp cần sự giải đáp. Thiên Đế Kiếm không phải viết ra để ca ngợi cái gì lớn lao, không phải để ca ngợi cái gì gọi là hùng tráng, nó là bản nhạc nói về số phận con người. Viết một cách hoành tráng, viết về những điều không tưởng thì dễ, nhưng để viết được một câu chuyện thật về số phận con người, về chính con người, viết về cái xã hội của con người thì ngoài tác giả Get Backer ra, không mấy ai làm được .

 
Nguyên văn bởi Sơn Tùng

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000