“Con chị thật phiền phức!”
Đây chắc hẳn là câu nói quen thuộc mà nhiều phụ huynh nghe được mỗi lần được giáo viên mời lên trường. Lúc nhỏ tôi thường hay bắt gặp câu nói này hoặc những câu tương tự vậy ở lớp cạnh - những lời than phiền, trách móc. Nhưng nghĩ lại, có lẽ chúng ta đôi lúc bị mắng không phải vì chúng ta làm gì đó quá sai trái mà có thể vì ta làm không giống với mong muốn của người lớn. Đó cũng là một phần lý do khiến trẻ con mong muốn lớn lên thật nhanh để có thể trở thành người lớn.
Tại sao bạn nên đọc cuốn sách này?
“Totto-chan bên cửa sổ” là một cuốn truyện xoay quanh nhân vật chính là Totto-chan, một cô bé người Nhật. Khác với đại đa số hệ thống giáo dục của Nhật Bản thời bấy giờ, Totto-chan được học tại một ngôi trường đặc biệt với những con người đặc biệt nhất. Bên cạnh đó, cuốn sách còn đem đến cho chúng ta những câu chuyện dở khóc dở cười thời ấu thơ của Totto. Khi đọc sách, bạn sẽ bất giác mỉm cười vì những suy nghĩ đáng yêu, rất hồn nhiên của cô bé. Nếu bạn vừa tò mò về sự khác biệt trong cách giáo dục của Việt Nam và Nhật Bản, vừa muốn ngẫm nghĩ lại về tuổi thơ của mình thì “Totto-chan bên cửa sổ” sẽ là một lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn.
Kuroyanagi Tetsuko - Bà là ai?
Tác giả: Tetsuko Kuroyanagi, nguồn Wikipedia
Kuroyanagi Tetsuko (sinh năm 1933) là một người dẫn chương trình, diễn viên, nhà văn người Nhật Bản. Bà sinh tại Nogisaka, Tokyo, cha bà là một nghệ sĩ violin và bè trưởng đàn dây. Kuroyanagi trở nên nổi tiếng vào 1975 khi bà lập chương trình truyền hình buổi chiều mang tên "Căn phòng của Tetsuko". Đây là chương trình talk show đầu tiên trên sóng truyền hình Nhật Bản. Năm 1981 đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp của Kuroyanagi khi bà xuất bản cuốn sách thiếu nhi “Totto-chan bên cửa sổ”.
Cuốn sách là món quà dành tặng cho người thầy hiệu trưởng tiểu học, thầy Sosaku Kobayashi và cũng chính là cuốn tự truyện về thời thơ ấu của bà. Lúc nhỏ bà có biệt danh là Totto-chan và theo học tại trường Tomoe. Xuyên suốt cuốn sách là những mẩu chuyện về trường học, gia đình, bạn bè của tác giả.
Khía cạnh ấn tượng
*Đây là phần phân tích chi tiết về đánh giá, cảm nhận cá nhân nên không tránh khỏi việc tiết lộ nhiều nội dung. Để đảm bảo một trải nghiệm trọn vẹn với Bookiee, các bạn hãy đọc sách trước và quay lại với chúng mình sau nhé!*
Totto-chan cô bé khác biệt…
Mở đầu cuốn sách là một sự việc động trời: Totto-chan bị đuổi học. Không biết lý do cô giáo đưa ra liệu có chính đáng nhưng điều tôi quan tâm đó chính là Totto-chan không để ý đến điều đó. Cô bé hồn nhiên nghỉ học ở trường cũ theo lời mẹ, đến trường mới, gặp thầy hiệu trưởng và làm quen bạn bè mới. Lúc này, tôi chưa rõ sự đặc biệt của Totto có phải vì em bị đuổi học nhưng điều tôi chắc chắn Totto cũng chỉ là một cô bé và em cũng có sự ngây thơ, vô tư vô lo như những cô bé, cậu bé khác.
Sự việc khiến tôi nhận ra sự khác biệt to lớn của Totto đó chính là khi cô bé làm rơi ví xuống bồn cầu. Nếu là một cô bé bình thường chắc hẳn sẽ có hai cách phản ứng sau. Một là khóc toáng lên vì mình vừa mất ví và vì sợ mẹ trách mắng; hai sẽ là mặc kệ, chỉ cần về nhà thưa chuyện với bố mẹ thì sẽ chẳng sao cả. Nhưng Totto lại khác, cô bé lập tức tìm cách lấy lại chiếc ví ấy. Cô bé đi mượn gáo, tìm cách mở nắp bể phốt và hì hục múc từng gáo nước phân lên.
Tôi không hiểu tại sao Totto lại làm vậy. Có lẽ chiếc ví ấy thực sự quan trọng với cô bé hoặc cũng có thể chẳng tại sao cả. Cô bé chỉ đang làm việc mình nên làm mà thôi.
“Mình sẽ trả lại một ít đất đã thấm nước”
Đây là suy nghĩ của Totto khi cô bạn nhỏ nhận ra rằng khi mình trả lại mọi thứ mình không thể trả lại nước được, bởi vì nước đã thấm vào đất. Nhưng Totto ngay lập tức có biện pháp, đó chính là trả lại đất đã thấm nước. Có lẽ, khả năng giải quyết tình huống là một trong những điểm nổi bật nhất của bé Totto. Trong tư duy của cô bé, không có gì là quá khó, mình có thể giải quyết được.
Totto thực sự khác biệt theo cách của bạn ấy dù những hành động của bé hơi rắc rối và khiến người khác phải suy nghĩ nhiều. Có lẽ Totto không biết được điều này nhưng mọi người xung quanh có thể sẽ nhận ra. Đó là bố mẹ, thầy hiệu trưởng và cả cô giáo cũ. Quả thực, thật may mắn khi cô bé được học tập và lớn lên với những khác biệt của riêng mình trong sự tôn trọng của người thầy và gia đình.
Giáo dục thật ra chính là những điều nhỏ nhất
Xuyên suốt quyển sách có những chi tiết khiến bản thân tôi phải trầm trồ vì chúng quá hay và bổ ích. Từ cách mà thầy hiệu trưởng nói chuyện với Totto ngay ngày đầu tiên đến nhận lớp đến cách mà mẹ yêu thương, chăm sóc Totto đều khiến tôi cảm động.
“Làm xong thì trả hết lại chỗ cũ nhé!”
Đó chính là lời thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku nói với Totto khi cô bé đang làm một chuyện mà mình nghĩ rằng “Chắc hẳn cô bé sắp bị trách phạt cho xem”. Nhưng không, Totto không những không bị trách phạt mà còn được thầy động viên, khuyến khích. Đây chính là một điểm sáng trong cách giáo dục của nhà trường và cũng chính là điểm khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về cách mà ta phản ứng với những lỗi lầm của các bạn nhỏ.
“Hãy cho các con mặc quần áo xấu xí nhất đến trường”
Để các bạn nhỏ có thể phát triển một cách tự nhiên nhất, thầy hiệu trưởng đã đưa ra một lời khuyên lạ lùng cho phụ huynh: không cần cho con mặc đồ đẹp đến trường. Bởi vì, dù các em có cẩn thận đến đâu thì sau khi chơi một hồi quần áo cũng sẽ lấm bẩn, thậm chí số khác vì sợ bị bố mẹ la rầy nên không dám thỏa sức chơi. Tôi có thể cảm nhận được rằng trong cách tư duy của thầy hiệu trưởng, điều này thật không công bằng. Các bạn có quyền vui chơi và để phát huy điều đó chúng ta sẽ cần những bộ quần áo xấu xí nhất.
Người mẹ tuyệt vời của Totto
Bên cạnh thầy hiệu trưởng thương yêu, giúp đỡ Totto-chan, cô bé còn có một người luôn sẵn sàng lắng nghe, thấu cảm em, đó chính là mẹ. Mẹ của Totto-chan là một người phụ nữ tuyệt vời. Bà dành tất cả tình yêu thương cho Totto-chan dù cô bé không hề giống với những cô bé khác. Hàng ngày mẹ vẫn lắng nghe Totto-chan kể chuyện ở trường. Khi ở trường có dịp đặc biệt hay thầy hiệu trưởng yêu cầu một việc gì đó, mẹ đều sẽ làm hết sức mình.
“Nhưng khi mở nắp hộp lên, Totto-chan phải đưa tay che miệng để khỏi bật ra tiếng hét “ôi…”, thì bởi hộp cơm mẹ làm trông thật vô cùng đẹp mắt. Màu vàng óng ả của trứng, màu xanh của đậu, màu nâu của món denbu, màu hồng của trứng cá thu xào, tất cả trông hệt một bức phác thảo cánh đồng hoa”
Qua những lời văn, chắc hẳn bạn và tôi có thể cảm nhận được tình cảm ấm áp mà mẹ dành cho Totto. Totto là một cô bé đặc biệt và mẹ biết điều đó. Chưa một lần trong cuốn sách này tôi đọc qua đoạn văn nào mà mẹ muốn Totto thay đổi để trở nên giống với đa số bạn bè.
Mẹ tôn trọng sự khác biệt của Totto, ngay cả khi cô bé gây rắc rối ở trường, bị cô giáo than phiền, mẹ cũng không hề trách móc cô gái nhỏ. Vì mẹ luôn biết rằng Totto-chan là độc nhất, là cô con gái tinh nghịch mà mẹ thương yêu nhất.
Có thể bạn chưa biết?
Điều tôi thấy thú vị nhất trong cuốn sách chính là tên của nó “Totto-chan bên cửa sổ”. Theo chia sẻ của tác giả, bà chọn cái tên này chỉ vì lúc bà viết cuốn sách bà đang ngồi bên cửa sổ. Tuy nhiên cửa sổ còn có một ý nghĩa đặc biệt hơn mà có lẽ chính tác giả cũng không hề nhận ra. Nó chính là lý do mà cô bé Totto của chúng ta bị đuổi học.
Ở trường cũ, Totto có thói quen leo lên cửa sổ và bắt đầu gọi gánh hát tới. Cô bé hồn nhiên nghĩ rằng điều đó thật tuyệt vời khi mình, bạn bè, thầy cô được nghe nhạc. Nhưng mà Totto-chan không hề biết chuyện mà cô bé làm lại gây phiền phức cho cô giáo đến nhường nào.
Cũng chính nhờ cánh cửa sổ ấy mà mẹ của Totto-chan đã tìm thấy một ngôi trường phù hợp hơn dành cho cô bé, dù có hơi vất vả. Ở một khía cạnh nào đó, trường mới không bằng trường cũ: lớp học là toa xe cũ, không có cổng trường, học sinh ít hơn rất nhiều,... nhưng nó là dành cho Totto. Phải chăng chúng ta nên cảm ơn cánh cửa sổ mà cô bé nghịch ngợm ấy đã leo trèo hôm nào, chính cánh cửa ấy đã giúp cho Totto tìm thấy nơi mình thuộc về.
Sở dĩ tôi ngưỡng mộ Totto không phải vì tôi mong ước tuổi thơ của mình được như cô bé (thật ra lúc nhỏ tôi không khác Totto bao nhiêu) mà là vì tôi mong muốn tất cả các bạn nhỏ trên thế giới này cũng sẽ được như Totto-chan.
Không có một đứa trẻ nào hoàn toàn giống nhau, hy vọng mọi người, nhất là phụ huynh sẽ không còn suy nghĩ “đứa trẻ ngoan” hay “con nhà người ta” vì như thế thì thật không công bằng với các bạn nhỏ. Bên cạnh đó, phụ huynh hãy để các bạn phát triển và lớn lên trong sở trường, thể mạnh vốn có của bản thân; như thế, mỗi bạn sẽ có cơ hội thành công và tỏa sáng hơn.
Tôi hy vọng các bạn sẽ được lớn lên trong tình cảm ấm áp nhất của gia đình và nhà trường, những người thực sự tôn trọng sự khác biệt của chính các bạn.
Hãy trân trọng sự khác biệt của mình như một niềm tự hào bạn nhé!
Người viết: Mỹ Ái