Tộc Họ Đinh – (Hán tự:丁); là một trong số ít các dòng Họ tại Việt Nam mà Tộc Họ được mang tên một triều đại quân chủ của Việt Nam, đó là Nhà Đinh (Hán tự: 丁朝,
Đinh Triều) - là triều đại Quân chủ tập quyền đầu tiên trong lịch sử. Nhà Đinh bắt đầu năm 968, sau khi Vua Đinh Tiên Hoàng dẹp xong loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước lên ngôi Hoàng Đế và kết thúc năm 980 khi con của Đinh Tiên Hoàng là Vua Đinh Phế Đế nhường ngôi cho Lê Hoàn.
Trong danh sách
Bách Gia tính của Việt Nam, tính theo tỉ lệ người Việt mang họ Đinh, thì Họ Đinh đứng thứ 17, với tỷ lệ khoảng từ 0,8% - 1% dân số Việt Nam hiện nay, tức là khoảng dưới 01 triệu người (1), nhưng trong công bố của Ban Liên Lạc họ Đinh Việt Nam là khoảng 04 triệu người .
Ở Việt Nam, người mang họ Đinh sống rải rác trên khắp cả nước, nhưng tập trung khá nhiều ở Ninh Bình, đây là nơi cho đến nay được xem là khởi thủy của tộc Họ Đinh Việt Nam, hy vọng rằng đây sẽ là Trung tâm liên lạc của Họ Đinh Việt Nam.
1. Nguồn gốc Họ Đinh tại Trung Hoa:
Tộc Họ Đinh có nguồn gốc từ nước Trung Hoa ngày nay. Theo sử Trung Hoa, khoảng năm 2337 trước Công nguyên – dưới thời trị vì của Đế Nghiêu, có một người họ Lã con của Tứ Nhạc (bề tôi của Vua Nghiêu) phò tá vua Võ (nhà Hạ). Ông nối nghiệp cha tiến hành trị thủy thành công chín dòng sông ở Trung Hoa, được tập phong làm hầu quốc đời nhà Hạ. Khi nhà Hạ mất, họ này bị giáng xuống làm thứ dân, trải suốt đời nhà Thương (1558 – 1050), cho đến khi Khương Tử Nha xuất hiện. Khương Tử Nha họ Lã, tên Vọng, thường câu cá ở bờ sông Vị, sau được vua Văn Vương nhà Chu vời về triều làm thày dạy cho Vũ Vương.
Theo “
Thiên thị tộc lược sách thông chí” chép: Vào thời Tây Chu (thế kỷ thứ XI trước Công nguyên) có lệ cắt đất phong vương cho chư hầu. Do Khương Tử Nha có công phò giúp Chu Vũ Vương đánh thắng nhà Ân, được phong nước Tề. Khương Thái công (tức Khương Tử Nha) được cho cai quản đất Tề gọi là Tề Thái Công.
Một người con thứ của Tề Thái Công là Lã Cấp giữ chức hổ bí (còn đọc là hổ bôn, chức quan nhà Chu, chuyên cai quản các nghi thức bảo vệ vua chúa khi đi ra ngoài kinh thành), đổi hiệu là Đinh Công. Lã Cấp nối nghiệp cha, sau khi mất có tên thụy là Đinh Công, hậu duệ về sau lấy tên thụy của ông làm họ Đinh. Đây là trường hợp lấy tên thụy của tổ tiên làm Họ.
Theo sách
“Tính thị khảo lược”chép: Họ Đinh xuất phát từ Lã Vọng (hay Khương Tử Nha), họ này chia ra ngành trưởng lấy họ Lã, ngành thứ lấy họ Đinh.
Họ Đinh phân bố chủ yếu ở quận Tề Dương thuộc Tề Âm - Tề Âm là tên nước được lập ra năm Trung Nguyên thứ 6 (năm 144) đời vua Hán Cảnh Đế, nay thuộc vùng huyện Định Đào, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc (2). Tề Dương là tên quận đặt ra thời Tấn Huệ Đế (ở ngôi năm 290-306) do cắt đất quận Trần Lưu, nay thuộc vùng đất huyện Lan Khảo, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Họ Đinh bắt đầu xuất phát từ đây ?
Thời Tây Chu họ Đinh phát triển thịnh vượng, các thế hệ dòng họ sau này kế tiếp nhau giữ chức hổ bí. Khi nhà Chu chuyển dời về phía đông, họ tộc này cũng dời đi theo. Thời Xuân thu - Chiến quốc, người họ Đinh chạy loạn về đất Giang Nam, Trung Quốc. Trải suốt từ thời nhà Hán cho đến nhà Đường, dòng họ này sống yên ổn bằng nghề nông.
Đến khi có loạn Hoàng Sào (người Tào Châu, Sơn Đông) đời Đường, năm Càn Phù thứ 2 (874), có một người họ Đinh tham gia cuộc khởi nghĩa của Vương Tiên Chi. Sau khi Vương Tiên Chi chết, lên thay làm thủ lĩnh, hiệu là Xung Thiên Quân Bình Đại Tướng quân. Người này đã phát triển binh lực lên rất mạnh, đem quân đánh phá Quảng Châu, rồi tiến lên phía bắc đánh Lạc Dương, vào Trường An, lập ra chính quyền Thiên Tề, đặt niên hiệu Kim Thống. Sau bị Lý Khắc Dụng đánh bại, cuối cùng phải tự vẫn năm Trung Hòa thứ 4 (884), gia đình - dòng Họ phải phiêu bạt tứ tán khắp nơi để tránh sự truy sát của triều đình.
2. Nguồn gốc Họ Đinh tại Việt Nam :
Trong các người con của thủ lĩnh Xung Thiên Quân Bình Đại Tướng quân, có một người đã rời đất liền chạy thoát ra biển và xuôi về phương Nam tìm chốn dung thân. Sau khi thoát được ra biển, người họ Đinh này ngồi thuyền lênh đênh trôi nổi theo con nước, gặp được gió thuận nên phiêu bạt xuống phương Nam, một mình đơn độc gửi thân ở chốn châu Đại Hoàng (thuộc Gia Viễn, Ninh Bình ngày nay)(3).
Người họ Đinh này lấy vợ người địa phương và sinh cơ lập nghiệp ở Châu Đại Hoàng. Con cháu của người họ Đinh này phân tán đến lập nghiệp nhiều nơi, trong đó có vùng động Hoa Lư, cũng thuộc châu Đại Hoàng (huyện Hoa Lư, Ninh Bình ngày nay). Tới thời ông Đinh Công Trứ và một người em ruột, thì dòng họ Đinh bắt đầu hiển vinh.(khoảng những năm đầu của thế kỷ thứ X sau Công nguyên).
Đinh Công Trứ, nguyên là một nha tướng của Dương Đình Nghệ. Khi Dương Đình Nghệ tiếp nối làm Thống lĩnh Giao Châu của họ Khúc, đã cử ông Đinh Công Trứ làm Thứ sử Châu Hoan (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay). Đinh Công Trứ sinh ra Đinh Bộ Lĩnh, nhưng ông mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh lúc này còn nhỏ (năm 12 tuổi), phải theo mẹ về quê Hoa Lư sinh sống. Đinh Bộ Lĩnh có tài bơi lặn dưới nước, chuyên nghề lặn sông bắt cá nuôi mẹ, họ cùng sống nương tựa vào ông chú .
Sống ở quê nhà Đinh Bộ Lĩnh thường chơi với trẻ chăn trâu, bắt chúng khoanh tay làm kiệu để ngồi cho chúng rước và lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau. Lớn lên, nhờ thông minh, có khí phách lại có tài thao lược nên khi Bộ Lĩnh dựng cờ dấy nghĩa, dân trong vùng theo ông rất đông. Ông trở thành thủ lĩnh của động Hoa Lư.
Nhưng vì bất hòa với người chú, ông cùng với con là Đinh Liễn sang ở với sứ quân Trần Lãm (tục gọi là Trần Minh Công) ở Bố Hải Khẩu (Vũ Thư, Thái bình). Thấy Bộ Lĩnh là người khôi ngô có chí khí, Minh Công đã trao cho Bộ Lĩnh giữ binh quyền. Khi Trần Lãm qua đời, Bộ Lĩnh đem quân về giữ Hoa Lư, chiêu mộ hào kiệt hùng cứ một phương.
Sau khi Ngô Vương Quyền mất, đất nước bị chia cắt thành 12 Sứ quân. Năm Tân hợi (951) Đinh Bộ Lĩnh khởi binh đánh dẹp các sứ quân, đánh đâu được đấy, được tôn là Vạn Thắng vương. Chỉ trong một năm đã bình được các sứ quân, thống nhất sơn hà thành một mối, lập thành nghiệp đế.
Năm Mậu Thìn (968) Vạn Thắng Vương lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Tiên Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư.
Nhà Đinh thành lập - Đây là nhà nước quân chủ tập quyền đầu tiên của Việt Nam. Dòng Họ Đinh cũng bắt đầu vẻ vang từ đó !
Một người con trai con của ông chú của Vua Đinh Tiên Hoàng là Ngoại Giáp Đinh Điền sau cũng trở thành một tướng lĩnh, một bậc khai quốc công thần của triều Đinh, vị này nhỏ hơn Vua Tiên Hoàng 8 tuổi, con cháu của vị này về sau cũng phát triển thành một nhánh Họ Đinh đông đảo ở đất Ninh Bình ngày nay.
3. Lời kết :
Trên đây là tóm tắt những sử liệu mà các vị trong Ban Sử liệu của Ban Liên Lạc họ Đinh Việt Nam khóa 1 đã công bố trong một số bài viết của mình gần đây.
Tuy nhiên theo nghiên cứu của cá nhân tôi thì đa số các tư liệu này là lấy từ bách khoa toàn thư mở tiếng Việt (https://vi.wikipedia.org/wiki/Bách_khoa_toàn_thư) và các trang web thông dụng trên mạng. Nhưng đây chỉ là những kiến thức khá phổ thông, không phải là những công trình nghiên cứu khoa học có chủ đích. Phần còn lại với các tư liệu (3)(4) chỉ là những trang viết từ gia phả của một số tộc họ Đinh tại các tỉnh vùng duyên hải Bắc bộ; nhưng các bản Gia phả này cũng chỉ mới có từ thế kỹ 17 nên tính chính xác của tư liệu là cả một vấn đề. Ngoài ra khi giới thiệu các bài viết của mình một số thành viên của Ban sử liệu đã đưa ra nhiều truyền thuyết về cội nguồn người Họ Đinh trong một số cộng đồng người thiểu số, trong các tộc họ ở vùng Việt Bắc, những vùng mà người Việt ta mới định cư gần đây. Nhưng đây cũng chỉ là những truyền thuyết không có căn cứ, không có nguồn chính xác của tư liệu và không có một cơ sở khoa học nào cả.
Cho nên xin lưu ý, những tư liệu về nguồn gốc Họ Đinh trên đây chưa phải là công bố chính thức của BLL họ Đinh VN hoặc Họ Đinh VN. Vì cho tới nay Họ Đinh VN do vấn đề tổ chức chưa ổn định và chưa hình thành được một tổ chức chặt chẽ đúng yêu cầu. Nên chưa tổ chức được một cuộc nghiên cứu và khảo sát tìm kiếm về nguồn gốc Họ Đinh như quy định. Đồng thời cũng chưa tổ chức được một cuộc hội thảo về nguồn gốc Họ Đinh với quy mô toàn quốc. Cho nên vấn đề xác định cội nguồn của Họ Đinh là chưa có kết luận cuối cùng.
Do đó trong cuộc họp mới nhất tại Hà Nội vào ngày 28/05/2017, của ban thường trực BLL họ Đinh khóa 2, khi một vị Phó BLL họ Đinh VN nêu ý kiến cho rằng nên xây dựng một số công trình về họ Đinh hoặc đền Vua Đinh và tổ chức các nghi lễ chính thức về nhà Đinh dựa theo những thông tin từ các bài viết của ông Đinh Văn Đạt. Giáo sư Đinh Quang Hải – Viện trưởng Viện Sử học VN đã phản đối đề xuất này và cho rằng nên cẩn thận khi kết luận một sự kiện trọng đại như thế này. Vì thật tế tất cả các sử liệu của VN trước thời nhà Trần đều chỉ là dã sử hoặc là truyền thuyết. Cho tới nay chưa có căn cứ thật tế nào để kết luận chính thức; nên tất cả vẫn chỉ là những truyền thuyết. Theo giáo sư Hải, chính Viện Sử học cũng đã có ý kiến phản biện về việc kết luận “có hay không nhà nước thời Hùng Vương” ?
Cho nên Ban Liên Lạc Họ Đinh Việt Nam rất hoan nghênh quý bà con Họ Đinh, các nhà nghiên cứu lịch sử hãy tham gia đóng góp ý kiến và công bố các công trình nghiên cứu của mình về chủ đề này. Nhằm giúp cho BLL họ Đinh VN có thêm nhiều nguồn tư liệu khác nhau về cội nguồn của Tộc họ Đinh VN (kể cả phản biện). Để các vị hoàn thiện hơn nữa trong hành trình tìm về cội nguồn của tổ tiên Họ Đinh VN./.
ĐKT
7.6.2017
Chú thích :
1. Theo tác phẩm “ Họ và Tên người Việt Nam” của Tiến sĩ Lê Trung Hoa được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản (2005)
2. Theo tác giả Hàn Mai
3. Theo "Đinh tộc gia phả" ở Hàn Giang, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương - Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 2003 - của Chương trình nghiên cứu gia phả Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội .
4. Theo “Đinh tộc thế phả” ở tổng Y Đốn, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, Trấn Sơn Nam hạ (nay là xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà, Thái Bình) và “Ngọc phả họ Đinh” ở Đông Cao, xã Trung Chính, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá.
5. Từ chính sử của Việt Nam và Trung Hoa.
***
Đinh Phát chìa tờ “điện tín”. Cô y tá liếc nhìn. Lật cuốn sổ ghi tên bệnh nhân, dò tìm. Sổ bệnh nhân dày cộm lớn bằng cuốn lịch. Trang giấy nhăn nhúm, có nhiều dòng chữ vội vàng khác nhau của nhiều nét bút, ghi tên những con người bất hạnh khốn đốn một lần đến viện. Tên họ, tuổi, địa chỉ, người đưa đến và con bệnh. “Có rồi” - cô y tá nói. “Ông Đinh Quý bị trái nổ ở huyện A Lưới, nhập viện sáng sớm hôm qua. Nằm phòng hồi sức, giường số 9, phía kia kìa.
Phát đi theo lối chỉ của ngón tay cô. Hành lang im vắng lạnh lùng thoảng mùi cồn bệnh hoạn.
Cánh cửa đong đưa vào ra, đón chào người đến người đi, sơn dòng chữ đỏ “Phòng hồi sức”. Chiếc bàn vuông đặt giữa phòng, có nhiều người áo trắng ngồi quanh, những người canh giữ sự sống. Chục giường phía tay phải lấp kín những thân người bất động, im lặng. Phía bên kia, chục giường, nhiều băng gạc cuốn quanh, nhiều tiếng rên la. Cuối phòng, người chị dâu ngồi trên cạnh giường, đầu gục xuống, vì mỏi mệt.
Phát tiến lại gần, để nhẹ xách tay xuống nền gạch vàng ố, nhìn thân thể bất động trên giường được quấn chặt bởi băng gạc loang máu, có sợi dây trắng nhét vào mũi để thở, sợi dây đỏ thòng xuống cánh tay phải. Anh đặt nhẹ bàn tay trên vai chị. Khuôn mặt ngửng lên, đen ốm đẫm đầy nước mắt, tóc rối tung. Chị thì thào:
- Phát phải không?
- Em mới ra tới. Tối hôm qua nhận được điện tín của chị. Anh Quý bị trái nổ?
Chị gật đầu. Anh Quý nằm đó, băng kín đầu, mặt, chỉ chừa mũi miệng, tay phải chân phải đen đúa lấm chấm nhiều lỗ nhỏ đen đỏ. Bàn chân trái, bàn tay trái bay đâu mất. Bà chị khóc tức tưởi, rên xiết:
- Thằng Tèo chết rồi. Chưa kịp chôn. Xác còn trên làng. Mấy con bò cũng chết. Trời ơi, sao khổ quá hở trời!
Phát ngồi cạnh anh mình. Người anh còn sót lại trong đời. Anh nắm nhẹ bàn tay ốm o, chai cứng vì một đời lận đận. Bàn tay may mắn còn sót lại. Bà chị tiếp tục tỉ tê, khóc lóc. Nhiều người giống chị, chung quanh. Một vài người trong căn phòng nhỏ, giống anh Quý. Tiếng rên la, lăn lộn vì đớn đau trải dài trên những chiếc giường bệnh, vùng vẫy với thần chết trên các manh chiếu rách nát.
Chuyện con người, chuyện anh Quý, cu Tèo, chuyện con bò... bị bắn tung lên trời cháy đen. Chuyện xảy ra thường tình trên những vùng đất quê, làng A-sầu, miền núi non kế cận biên giới. Những vùng đất một thời oanh kích tự do, vẫn còn quá nhiều bom đạn đang ngủ quên bên dưới. Vùng một thời đồi trắng phơi xương... Chuỗi ngày tháng ấu thơ, Phát mang nhiều âm vang bom đạn réo ngày đêm. Cái thời Phát và Quý xuống tỉnh học, lâu lâu mới về thăm ba mẹ trên quê cao tít đỉnh núi.
Ở đó chỉ có những con người nghèo khổ, mộc mạc và nhiều dấu hố bom, trên mảnh đất khô cằn miền Trung. Đúng, vô số hố bom như khuôn mặt rỗ chằng chịt, như vết thương anh Quý hôm nay.
Ký ức là đất khô cháy, da thịt khô cháy, miệng Phát cũng khô héo theo. Bà chị thôi khóc, nước mắt đã cạn dần rồi.
Ngón tay trỏ anh Quý rung nhẹ. Phát vuốt nhẹ mấy ngón tay, lật ngửa bàn tay nhợt nhạt do mất nhiều máu. Lớp da chai cứng, sù sì, đã lao đao quá mức vì miếng cơm manh áo.
Hoài niệm về người anh ẩn kín trong lòng. Mảnh bằng tốt nghiệp đại học không làm nên tích sự gì. Cuộc sống vất vưởng, chạy xe đạp ôm, rồi về núi rừng chăn bò, trồng trọt sống qua ngày.
Tiếng nổ hai hôm trước bắn tung anh lên trời. Đôi mắt giờ bịt kín, chờ khoét bỏ. Đôi môi nhợt nhạt tím than mấp máy. Cô y tá gắn thêm một sợi dây trắng trong, truyền nước biển vào bàn chân phải. Có tiếng rên nho nhỏ. Anh Quý đã tỉnh lại. Phát xoa nhẹ bàn tay phải, thì thầm bên tai:
- Em về đây. Em Đinh Phát đây.
Anh lập đi lập lại nhiều lần. Có tiếng thì thào giữa hai môi sưng tím kia:
- Phát phải không? Em về coi chừng mồ mả, nhà thờ họ dùm anh. Anh mệt quá... không sống nổi.
Tiếng nói tắc nghẹn, đôi môi mấp máy như muốn nói nhiều điều nữa... Có giọt nước mắt rơi, chảy dài trên bàn tay run rẩy. Phát ngồi khá lâu bên giường, nghe tiếng bước đi vội vã qua lại nhiều người. Tiếng khóc, tiếng y lệnh của bác sĩ. Màu trắng của áo, băng gạc. Màu đỏ của máu. Màu úa vàng chiếu giường... Anh hoa mắt.
Có tiếng xua đuổi người nhà bệnh nhân ra ngoài để bác sĩ đến khám bệnh. Phát ra khỏi phòng hồi sức, lầm lũi qua cổng bệnh viện. Đám người bán hàng rong ngồi kín lối vào ra. Tiếng mời gọi lên xe xích lô inh ỏi. Anh bước qua bên kia đường tìm một nơi để thở.
Công viên chạy dọc ven sông. Dòng sông đẹp hững hờ như hôm nào. Từ công viên nhìn thấy phố xá bên kia, thấy cả kỳ đài cổ kính và rặng núi xa xa. Tất cả không có gì đổi thay trên mấy chục năm qua. Vẫn như xưa. Anh rảo bộ theo dòng sông, ngắm nhìn cảnh đời trôi qua. Những dinh thự hành chánh, ngôi trường cũ... Đã gần hai mươi năm, Phát rời bỏ thành phố này đi xa. Một thời đạn réo bom rơi, hàng cây bị đẵn ngọn.
Hôm nay hàng cây đã đâm chồi thay áo mới, nghiêng bóng che phố phường. Phát tựa mình bên gốc phượng, ngước nhìn thân cây nổi cục xù xì. Cây cũng mang thương tích do đạn bom năm xưa. Bàn tay anh xoa nhẹ cục u trên cây, thầm nghĩ bên dưới vỏ cây này có thể còn nhiều mảnh đạn như dưới da thịt anh Quý đang nằm trong viện.
Cuối đường có mấy trường đại học, có công viên, khách sạn xinh xắn, có cả mùi nồng của rác rến. Phát lầm lũi thả bộ với nhiều kỷ niệm ấu thơ. Anh xa lạ trên đường quen cũ. Dãy tường loang lổ của nhiều ngôi nhà đã lâu không sơn quét. Lớp rêu phong bám kín mắt nhìn. Lề đường biến đi, thỉnh thoảng bị cắt ngang bởi vài dòng nước đen thải ra từ những ngôi nhà cũ kỹ. Quá khứ nặng nề bám sát bên hông thành phố.
Im lìm, lặng lẽ. Phát nghĩ vu vơ. Kỷ niệm làm anh hoảng sợ. Phát ngồi trên ghế đá, nhìn ra dòng sông. Âm vang tiếng mái chèo nhịp nhàng trên nước xanh. Nắng nhạt nhòa còn vương lại trên đường. Đám học trò nam nữ tan học kéo nhau về. Hàng bốn hàng năm đạp xe dàn trên phố, cười nói ầm ĩ. Tuổi trẻ tung bay với nhiều mộng tưởng.
Thuở Phát sống với anh Quý, khu cuối đường có xóm nhỏ, gần một con sông hẹp, chiếc cầu xinh nối dốc cao vời vợi. Hai bên dốc lắm chùa chiền. Tiếng còi xe lửa chạy ngang réo gọi ngày đêm. Nhà trọ nằm trong xóm vắng. Những hàng rào chè tàu vuông vức vây kín. Căn nhà mái ngói âm dương. Xa bên kia sông, trên sân cỏ xanh một thời đá bóng là một ngôi trường giòng lớn, trường trung học Pellerin, ngôi trường ấu thơ của Phát.
Mời các bạn đón đọc Gia Phả Dòng Họ Đinh của tác giả Dương Đình Hùng.